(GLO)- Đến nay, huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) có 20 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Chương trình OCOP bước đầu đã cho thấy hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân. Đây là tiền đề để huyện tiếp tục đẩy mạnh xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP địa phương.
Trang trại mật ong Phước Hỷ (thôn 6, xã Nghĩa Hưng) có 5 sản phẩm đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh gồm: mật ong hoa cà phê, phấn hoa mật ong, phấn hoa sữa ong chúa nghệ mật ong, ngũ cốc phấn hoa dinh dưỡng, mật ong đông trùng hạ thảo. Chị Đoàn Thị Thúy-Chủ cơ sở kinh doanh mật ong Phước Hỷ-cho biết: Vợ chồng chị gắn bó với nghề nuôi ong mật hơn 5 năm. Ngoài hơn 400 đàn ong của gia đình, chị còn tham gia hợp tác xã và tổ liên kết nuôi ong mật với 11 hộ dân trong xã nuôi khoảng 1.600 đàn ong. Mỗi năm, gia đình chị thu về khoảng 15 tấn mật và 1,5 tấn phấn hoa. Có nguyên liệu, chị đầu tư mua máy lọc mật, máy bơm mật, máy chiết rót, máy hạ thủy phần để chế biến mật ong. Hiện tại, các sản phẩm mật ong của cơ sở có giá 90-300 ngàn đồng tùy loại.
“Khi huyện triển khai Chương trình OCOP, tôi đã đăng ký tham gia và có 5 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh. Các sản phẩm sau khi đạt chứng nhận OCOP được người tiêu dùng tin tưởng, thị trường tiêu thụ cũng mở rộng. Tôi đang áp dụng mô hình nuôi ong thùng kế theo hướng VietGAP để nâng cao chất lượng mật. Dự kiến cơ sở sẽ mở rộng thêm quy mô nuôi và kết hợp với mô hình farmstay gần các điểm du lịch của huyện để du khách vừa tham quan, vừa trải nghiệm”-chị Thúy chia sẻ.
|
Trang trại ong mật Phước Hỷ áp dụng mô hình nuôi ong thùng kế theo hướng VietGAP để nâng cao chất lượng mật. Ảnh: Gia Hưng |
Tương tự, sau 2 năm tham gia Chương trình OCOP, gia đình chị Nguyễn Thị Liên (tổ 3, thị trấn Ia Ly) cũng có 4 sản phẩm được công nhận đạt 3 sao cấp tỉnh gồm: nấm đông trùng hạ thảo khô, trà túi lọc đông trùng hạ thảo, mật ong đông trùng hạ thảo, rượu đông trùng hạ thảo. Chị Liên cho hay: Đông trùng hạ thảo là loại dược liệu quý và rất tốt cho sức khỏe. Năm 2019, chị bắt đầu trồng 5 sào dâu để nuôi tằm. Có nguồn nguyên liệu, chị đầu tư 1 tỷ đồng mua máy móc để triển khai nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo. Nấm được cấy trực tiếp vào nhộng tằm và ươm nuôi 65-85 ngày là cho thu hoạch. “Sản phẩm OCOP của gia đình được trưng bày, giới thiệu tại các phiên chợ do huyện, tỉnh tổ chức và đưa vào trung tâm thương mại, siêu thị, các sàn thương mại điện tử để quảng bá đến người tiêu dùng. Trước đây, tôi đạt lợi nhuận khoảng 20-30 triệu đồng/tháng. Khi có sản phẩm đạt chuẩn OCOP, lợi nhuận lên đến 50-60 triệu đồng/tháng”-chị Liên vui vẻ nói.
|
Chị Nguyễn Thị Liên (tổ 3, thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh) giới thiệu nấm đông trùng hạ thảo. Ảnh: Gia Hưng |
Cũng từ Chương trình OCOP mà 2 sản phẩm cà phê bột nguyên chất và cà phê hạt rang nguyên chất mang thương hiệu Xuân Dương đã được nhiều người biết đến. Chị Nguyễn Thị Thanh Xuân (tổ 3, thị trấn Ia Ly) cho biết: Gia đình có 5 ha cà phê được canh tác theo hướng bán hữu cơ, năng suất đạt 25-27 tấn tươi/ha. Cà phê được thu hoạch khi đạt độ chín trên 90%, sau đó rửa sạch tạp chất, đưa vào xay ướt và được chế biến theo phương pháp honey mật ong. Nhờ vậy, cà phê Xuân Dương luôn có hương vị khác biệt. “Nhờ đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh, sản phẩm tiêu thụ tăng 20-30% so với trước. Bình quân mỗi năm, gia đình lãi khoảng 1,5 tỷ đồng”-chị Xuân cho hay.
|
Chị Nguyễn Thị Thanh Xuân (tổ 3, thị trấn Ia Ly) giới thiệu sản phẩm cà phê Xuân Dương đạt 3 sao OCOP. Ảnh: Gia Hưng |
Sau 3 năm triển khai Chương trình OCOP, huyện Chư Păh có 20 sản phẩm đạt 3-4 sao cấp tỉnh. Ông Nguyễn Công Sơn-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Các sản phẩm OCOP có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, sản phẩm còn được quảng bá, giới thiệu tại “Tuần lễ hoa dã quỳ” kết hợp “Phiên chợ nông sản” tổ chức tại núi lửa Chư Đang Ya; tham gia Hội chợ triển lãm sản phẩm OCOP Gia Lai 2020 tại TP. Pleiku. Nhờ đó, các chủ thể ký được nhiều hợp đồng bán hàng, từng bước mở rộng thị trường, tăng quy mô sản xuất, tạo thêm việc cho lao động địa phương.
“Việc các chủ thể có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP đã giúp rút ngắn thời gian xâm nhập thị trường, sớm tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng. Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, các chủ thể cần chủ động, sáng tạo trong việc xây dựng và phát triển sản phẩm. Trong đó, cần chú trọng đến việc chấp hành nghiêm ngặt các quy định của chương trình, quy trình sản xuất các sản phẩm, phải đăng ký bảo hộ nhãn hiệu với Cục Sở hữu trí tuệ, các sản phẩm phải đạt chuẩn so với quy định hiện hành”-ông Sơn cho biết.
GIA HƯNG