Chống hạn phải như chống giặc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Giống với tinh thần dập dịch COVID-19, việc chống hạn lúc này phải được các địa phương trong vùng xác định, chống hạn phải như chống giặc.

 

 Năm 2020, hạn, xâm nhập mặn ở miền Tây Nam Bộ được cho là khốc liệt chưa từng có trong lịch sử - Ảnh: Tuổi Trẻ Online
Năm 2020, hạn, xâm nhập mặn ở miền Tây Nam Bộ được cho là khốc liệt chưa từng có trong lịch sử - Ảnh: Tuổi Trẻ Online



Năm 2020 hạn, xâm nhập mặn ở miền Tây Nam Bộ được cho là khốc liệt chưa từng có trong lịch sử. Điều đáng nói hơn nữa là hạn, mặn tấn công ngay cao điểm chính quyền và người dân vùng đất này đang nỗ lực tập trung phòng chống dịch COVID-19.

Nếu xem đợt hạn, mặn năm 2016 như là "bản nháp" khi nước mặn lần đầu tiên tiến tới cảng Cái Cui (Cần Thơ) - cách cửa biển Trần Đề (Sóc Trăng) trên 100km, các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long nước mặn mới thập thò vào tới trung tâm tỉnh lỵ thì hạn, mặn năm 2020 tình hình trầm trọng hơn nhiều.

Không chỉ vậy, nhiều địa phương lại còn đối mặt với một vấn đề mới: sụt lún đất.

Tình huống khẩn cấp khiến chủ tịch 5/13 tỉnh trong vùng là Bến Tre, Tiền Giang, Kiên Giang, Cà Mau và mới nhất là Long An đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp thiên tai để tìm giải pháp ứng phó.

Từ giữa năm ngoái, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã sớm có chỉ thị triển khai các giải pháp cấp bách phòng chống hạn, mặn và yêu cầu các địa phương và người dân chủ động, tích cực phòng tránh.

Cũng vào cuối năm ngoái, trong rất nhiều diễn đàn, hội nghị, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã liên tục đưa ra nhiều giải pháp khuyến cáo tới chính quyền và nông dân như tổ chức vụ đông xuân sớm hơn, sử dụng giống ngắn ngày, đưa vào vận hành hàng loạt công trình thủy lợi điều tiết ngăn mặn..., nhờ vậy có tới 93% diện tích lúa đông xuân của vùng đã tránh hạn và né mặn thành công, chỉ khoảng 39.000ha lúa bị thiệt hại.

Có được kết quả kể trên là đáng ghi nhận nhưng không thể chủ quan, vì hiện vẫn chưa phải cao điểm của hạn năm nay trong khi biến đổi khí hậu, hạn, mặn bất thường. Bởi vậy ngay từ bây giờ, việc chống hạn phải được các địa phương trong vùng xác định với tinh thần như dập dịch COVID-19, chống hạn phải như chống giặc.

Việc cấp bách cần làm ngay trong lúc này là chính quyền các địa phương phải tập trung cấp nước uống, sinh hoạt cho người dân, không để dân thiếu nước sử dụng; khuyến cáo người dân tranh thủ tối đa diễn biến con nước lớn, ròng để tích trữ nước cứu ruộng vườn.

Về lâu dài cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể vùng, từng tiểu vùng, ngành, nhất là quy hoạch sản xuất, hạ tầng thủy lợi, giao thông.

Trong sản xuất nông nghiệp cần dịch chuyển lịch thời vụ để "né" hạn, mặn, sử dụng giống phù hợp điều kiện hạn, mặn và mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả kinh tế hơn cây lúa, kèm theo là các giải pháp kỹ thuật, tín dụng, gắn với thị trường tiêu thụ nông sản để đảm bảo sự thích nghi, chuyển đổi thành công.

Cũng cần xem hạn, mặn lịch sử năm nay là "liều thuốc thử" để củng cố tư duy thích ứng của người dân, chính quyền và ngành nông nghiệp; nâng cao năng lực cảnh báo sớm thiên tai để chủ động ứng phó.

Và một điều không thể không đề cập: chủ động thích ứng nhưng không thể lấy tình trạng hạn, mặn khốc liệt của năm nay để vẽ ra hàng loạt dự án rồi ồ ạt đổ tiền vào các công trình đầu tư ngăn mặn, trữ ngọt tốn kém mà hiệu quả thấp.

 

Theo HOÀNG TRÍ DŨNG (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Gỡ vướng trong cấp sổ hồng

Gỡ vướng trong cấp sổ hồng

Mặc dù cơ quan chức năng của TPHCM đã rất nỗ lực tháo gỡ nhưng vẫn còn đến 41.000 căn nhà hiện chưa được cấp giấy chủ quyền (sổ hồng). Đây là con số rất lớn, phản ánh việc cấp sổ hồng vẫn rất gian nan, đòi hỏi phải có quyết tâm cũng như bổ sung các quy định của pháp luật để xử lý rốt ráo.

Thước đo dân sinh

Thước đo dân sinh

Cuối năm 2024, tổng dư nợ tín dụng cho vay tiêu dùng trên địa bàn TPHCM đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 6,3% so với cuối năm 2023 và tăng 12% so với cùng kỳ. Trong đó tín dụng phục vụ đời sống bao gồm mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình tăng trưởng cao nhất.

Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo của thế giới

Việt Nam là điểm sáng về giảm nghèo của thế giới

Với những kết quả đã đạt được, VN được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trên thế giới trong cuộc chiến chống đói nghèo và là một trong những quốc gia tiên phong trong tiếp cận và áp dụng phương pháp giảm nghèo đa chiều để thực hiện mục tiêu an sinh xã hội toàn dân và giảm nghèo bền vững.

Rối bời vì quy định mông lung

Rối bời vì quy định mông lung

Suốt 2 ngày sau khi Thông tư về quy chế tuyển sinh THCS, THPT được Bộ GD-ĐT ban hành, phụ huynh hốt hoảng, đứng ngồi không yên vì quy định chấm dứt hoàn toàn việc thi hay đánh giá năng lực vào lớp 6. Rồi ngay sau đó, Bộ lại ra văn bản giải thích… vẫn cho các trường đặc thù thực hiện như trước.

Hóa giải thách thức để đạt mức tăng trưởng 8%

Hóa giải thách thức để đạt mức tăng trưởng 8%

(GLO)- Mức tăng trưởng GDP 7,09% năm 2024 được ghi nhận là rất tích cực của nền kinh tế đất nước, thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực của toàn hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và thích ứng nhanh, kịp thời với những biến động kinh tế thế giới, khắc phục thiên tai.

Tinh gọn chính mình

Tinh gọn chính mình

Đang diễn ra một cuộc “nhảy việc” tập thể, đúng hơn là chuyển việc/mất việc/nghỉ việc chưa có tiền lệ tại nhiều cấp, nhiều ban ngành, cả với không ít cơ quan báo chí, xuất bản từ trung ương tới địa phương.