Cho những ngày mai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi ngồi trước ô cửa mùa thu đẹp tựa bức tranh còn thơm tươi nét cọ. Mưa dệt sợi đan xiên qua khoảng trời mờ đục. Sớm nay, không gian ngập trong lãng đãng sương mù, tiết trời lạnh sâu, “thu rất thật thu” như lời bài hát đang da diết ngân lên trong gió thoảng.
Tôi cực kỳ thích những sớm mai dìu dịu như vậy. Và thật tuyệt nếu được ngồi tĩnh lặng với riêng mình. Thời gian giãn cách, không phải quá tất bật chuẩn bị để bắt đầu một ngày mới, tôi sẽ mở một bản nhạc, pha một ly cà phê, với tay lấy một quyển sách đang đọc dở trên kệ, thắp một nụ trầm thơm và để yên mọi thứ tự quyện vào nhau.
Thành phố của tôi không có hẳn một mùa thu. Ở đây nhiều mưa, nắng và gió. Nắng nửa năm hanh hao hong khô đến kiệt cùng cả đất. Gió tứ hướng cuộn về như muốn cuốn phăng tất thảy. Và mưa kéo dài nửa thời gian còn lại trong năm. Hàng tháng trời, mưa với đủ mọi tần suất cung bậc, khi khoan lúc nhặt, khắc mau khắc thưa, lúc lại ập ào, khi thì rỉ rả. Mưa dẫu về sớm hay đến muộn cũng luôn khiến mọi thứ như thật dịu mềm, ngay cả lòng người. Và dịu hiền nhất vẫn là mưa trong những khắc thu rơm rớm nhẹ, phải thật để ý mới có thể cảm nhận như buổi sớm mai này.
Mưa thu không ồn ào sầm sập, không kèm giông sét ầm ào. Mưa thu chỉ khe khẽ những giọt nhẹ tựa sương mai, rả rích, chậm rãi như đang kể lại những câu chuyện tháng năm ăm ắp những điều đẹp đẽ mà khắc khoải nhớ thương. Trong mỗi người, hẳn ai cũng luôn cất giữ những khoảng ký ức biêng biếc xanh rêu cho riêng mình, để những lúc một mình trong tĩnh tại bất chợt nghĩ đến để rồi giữ chút hơi ấm làm động lực miệt mài đi về phía ngày mai với bao niềm hy vọng.
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Từ ô cửa mùa thu, tôi dõi theo cuộc sống bên ngoài cũng qua một ô sáng trên màn hình máy tính. Có lẽ trong hình dung của tất cả chúng ta, không bao giờ có thể mường tượng ra những tháng ngày khốn khó vì đại dịch Covid-19 như thế này. Mười năm, hai mươi năm sau hoặc lâu hơn nữa, chúng ta hẳn sẽ khắc rất sâu vào tâm trí mình khoảng thời gian đặc biệt mà chúng ta đã trải qua. Ở đó có những khoảnh khắc tồi tệ, những mất mát bất ngờ, những đau thương tột độ… Nhưng ở đó vẫn có những lặng lẽ hy sinh, những âm thầm cống hiến, những ấm áp sẻ chia và lấp lánh hy vọng. Bên cạnh nước mắt vẫn còn đó rất nhiều nụ cười. Trong tăm tối của lo sợ và bất an, vẫn bừng lên những khoảng lãng mạn, an thái. Ví như trong dòng người đang nườm nượp hồi hương sau những tháng ngày phải đối mặt với trăm ngàn khó khăn kia, chẳng phải mỗi người đều đang nuôi niềm hy vọng sẽ trở về được nơi lưu trú bình an. Người Việt có một triết lý giản dị mà sâu sắc đó là “lá rụng về cội”. Miếng cơm manh áo có thể khiến người ta tha phương tứ xứ. Nhưng rồi sau những thành bại, dẫu rực rỡ hay mệt nhoài, người ta vẫn luôn vọng cố hương. Quê hương luôn như một điểm tựa, như một thành trì cuối cùng để con người dựa dẫm, bám víu, tìm về, sau tất cả thắng thua, được mất. Quê hương trong mỗi người đều là những chấm xanh, là ngày mai chứa chất niềm hy vọng trên hành trình mưu sinh.
Từ ô cửa mùa thu, trong một sớm mai tĩnh lặng, tôi muốn lưu giữ lại tất cả những buồn vui của tháng năm này. Trên tán cây mới đây còn biếc xanh vòm lá, giờ đã bắt đầu ngả dần sang màu vàng nhạt, đôi chim nhỏ rúc sâu hơn vào chiếc tổ bé xíu nằm khuất trong hốc cây, ấm áp. Tiếng lích rích của chúng thoảng nhẹ trong mưa thu dìu dịu. Những con số người dương tính đang dần giảm xuống, dòng người tìm về cố hương cũng đang vơi dần; nhà máy, xí nghiệp đang dần phục hồi sản xuất sau những ngày “nghỉ ốm”. Ngày mai rồi sẽ đến với những an yên.
ĐÀO AN DUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.