Cho con tiếng nói quê hương

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- “Chào cả nhà, con là Ben, năm nay con 13 tuổi rồi. Con sống ở Singapore. Con thích ăn cơm gà, chơi điện thoại, chơi bóng chuyền, thích đi Việt Nam…”-cậu bé Benjamin Tan Xin Jie có một clip thú vị như thế để giới thiệu bản thân theo yêu cầu của giáo viên dạy tiếng Việt.


Dù sống xa quê hương nhiều năm nhưng một số gia đình người Việt ở nước ngoài vẫn chú trọng trao truyền cho con vốn quý tiếng Việt, như một cách ghi dấu cội nguồn.

Tiếng Việt thân thương

Sinh ra, lớn lên ở Gia Lai, từ năm 2008, chị Nguyễn Hồ Ngọc Thanh lập gia đình và sinh sống, làm việc tại đảo quốc Singapore. Đây là đất nước đa ngôn ngữ, trong đó 2 ngôn ngữ phổ biến là tiếng Trung và tiếng Anh. Lẽ tự nhiên, con trai duy nhất của chị Thanh, cháu Benjamin Tan Xin Jie cũng học tập và giao tiếp bằng 2 thứ tiếng trên.

“Tôi cũng muốn dạy tiếng Việt cho con từ nhỏ, nhưng lại sợ tiếp thu cùng lúc 3 ngôn ngữ sẽ khó khăn. Do vậy, cách đây 3 năm, thấy Ben đã khá vững tiếng Trung và tiếng Anh, tôi mới quyết định tìm lớp học tiếng Việt online cho con”-chị Thanh chia sẻ. Trong khi nhiều gia đình Việt sống ở nước ngoài quá chú trọng đến việc hòa nhập môi trường mới mà quên đi chuyện trao truyền bản sắc, chị Thanh lại không ngừng trăn trở về điều này.

Chị kể: “Ben chưa ý thức rõ rằng trong mình có một nửa dòng máu Việt Nam. Khi tôi trao đổi với con về chuyện học tiếng Việt, Ben hỏi: Vì sao con phải học? Con sống ở Singapore chứ có phải ở Việt Nam đâu?”. Bằng lối phân tích nhẹ nhàng, chị Thanh đã thuyết phục được con trai tham gia lớp học tiếng Việt dành cho trẻ em sống ở nhiều nước trên thế giới.

Đều đặn hàng tuần, vào thứ bảy và chủ nhật, Ben lại ngồi vào bàn học từng chữ cái một, từng câu giao tiếp ngắn, đơn giản. Đây quả là thử thách đối với cậu học trò nhỏ bởi tiếng Việt được đánh giá là một trong những ngôn ngữ khó học nhất thế giới. Tuy nhiên, sự khích lệ của mẹ cộng với không khí sôi nổi của lớp học đã trở thành động lực để Ben cố gắng từng ngày. Ngoài học giao tiếp, ngữ pháp, cháu còn được dạy đọc thơ, đồng dao, làm video giới thiệu về bản thân và một số hoạt động hàng ngày bằng tiếng Việt... nên rất thích thú.

Tết Nguyên đán 2023, Ben tự thực hiện một clip chúc Tết để gửi gia đình nhà ngoại đang sống tại Gia Lai với phong thái chững chạc, tự tin, dù phát âm còn lơ lớ. “Tôi chợt nhận ra con đã lớn. Xem clip, tôi không khỏi xúc động khi thấy được sự cố gắng của con”-chị Thanh bày tỏ.

Cậu học trò Jenson Leung chăm chỉ học tiếng Việt vì yêu thích ngôn ngữ quê mẹ (ảnh nhân vật cung cấp).

Cậu học trò Jenson Leung chăm chỉ học tiếng Việt vì yêu thích ngôn ngữ quê mẹ (ảnh nhân vật cung cấp).

Là mẹ của 3 đứa con nhỏ, chị Huỳnh Thị Thúy-hiện sống tại Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) từng tự trách mình khi các con không nói rành tiếng Việt. Nhiều lần về thăm gia đình ở Gia Lai, chị chứng kiến con ngắc ngứ, khó khăn trong giao tiếp. Chị Thúy kể: Công việc ở một công ty tài chính lớn khá bận rộn, do đó khi về nhà, chị thường trò chuyện với con bằng tiếng Anh cho tiện.

“Cả gia đình nói tiếng Anh với nhau. Nhiều lúc, mình cũng dùng tiếng Việt, nhưng vì con không hiểu nên lại chuyển sang giao tiếp bằng tiếng Anh. Cứ vậy trôi đi, trôi đi. Thấy con cái của một gia đình hàng xóm nói tiếng Việt như gió, tôi thật sự ngưỡng mộ”-chị Thúy trò chuyện. Sinh sống ở một trong những đô thị sầm uất nhất thế giới, lại mang quốc tịch Anh của bố, các con của chị có những lợi thế khá lớn. Song với chị, như thế vẫn chưa đủ nếu chúng không biết đến tiếng nói quê mẹ.

Cách đây 2 năm, chị Thúy thuyết phục thành công con trai đầu là cháu Jenson Leung (SN 2012) học thêm tiếng Việt. Sau nhiều chọn lựa, chị quyết định đăng ký cho con khóa học online tại một “ngôi trường” chuyên dạy tiếng Việt cho trẻ em ở nước ngoài với địa chỉ yeutiengviet.net. Giáo trình bài bản, cách thức tổ chức khoa học, các giáo viên có kinh nghiệm chuyên môn đã giúp cậu bé Jenson và các bạn trong lớp dần vượt qua giai đoạn “đánh vật” với con chữ, cách phát âm. Không chỉ phức tạp về âm vần, thanh điệu, tiếng Việt còn “khó nuốt” bởi đặc trưng phương ngữ vùng miền. Chị Thúy bật cười khi nhớ đến lần con trai tranh luận với mẹ: “Đây không phải con heo, đây là con lợn!”. Thỉnh thoảng, Jenson còn được hướng dẫn viết bài văn đơn giản, làm clip. Cuối buổi học, học viên được chơi một game thiết kế theo kiểu vừa học vừa chơi, yêu cầu người chơi phải hoàn thành bằng tiếng Việt.

“Xúc động nhất là sau một buổi học chủ đề Tết, con nói: “Mẹ ơi, mình về Việt Nam ăn Tết nha!”-chị Thúy bồi hồi kể. Từ chỗ có phần gượng ép ban đầu, cậu bé Jenson dần bị thu hút bởi khóa học sinh động. “Con thấy tiếng Việt khó nhưng học rất vui vì thích thầy và các bạn cùng lớp. Nếu mẹ không ép thì con vẫn học vì yêu thích”-cậu bé chia sẻ suy nghĩ cùng mẹ.

“Hồn Việt mình còn nguyên vẹn tròn”

Trả lời câu hỏi sẽ thế nào nếu những đứa trẻ Việt sinh sống ở nước ngoài không biết đến tiếng Việt, chị Thanh nêu quan điểm: “Không có ngôn ngữ, con sẽ khó giữ mối liên hệ với bà con họ hàng đang sống ở Việt Nam, tình cảm cũng khó mà bền chặt. Tôi muốn giữ cho con “cái gốc”, có ngôn ngữ thì mới hiểu hết văn hóa Việt Nam”. Hơn nữa, theo nhận định của vợ chồng chị Thanh, Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ; nếu sau này con trai chị muốn về đây sinh sống, làm việc thì ngôn ngữ sẽ là một lợi thế. Do đó, việc trang bị ngay từ bây giờ là hết sức cần thiết.

Xác định rõ mục tiêu, chị Thanh luôn dành thời gian đồng hành cùng con học tiếng Việt dù bận rộn với việc điều hành công ty gia đình. Chị uốn nắn con từng tiếng dạ thưa, cung kính người trên trong giao tiếp; đọc thơ, đọc sách cùng con; kiên nhẫn trò chuyện với con bằng tiếng Việt thay vì tiếng Anh... Vốn ngôn ngữ của Ben từ đó cũng ngày một phong phú hơn. Những cuộc gọi video call về Việt Nam không chỉ dừng ở những câu đơn giản như: “Ngoại ăn cơm chưa? Ngoại khỏe không? Chúc ngoại ngủ ngon” nữa. Các cậu, dì tuy có thể giao tiếp tốt bằng tiếng Anh nhưng cũng chủ động dùng tiếng Việt nhiều hơn. Tình thân càng bền chặt thông qua những chuyến du lịch về Việt Nam, từ xứ Huế quê ngoại đến miền Tây sông nước.

Sinh sống ở một quốc gia có mức độ đô thị hóa cao như đảo quốc sư tử, Ben không khỏi thích thú trước thiên nhiên rộng lớn, tươi xanh của Việt Nam cùng các món ăn hấp dẫn: bánh bèo, bánh nậm, bún bò Huế, bánh tráng, nước mắm… Từ việc trang bị tiếng Việt cho con cùng những chuyến đi-về, chị Thanh vui mừng nhìn nhận: “Con trưởng thành và sâu sắc hơn, mở mang tầm nhìn hiểu biết”.

Chị Nguyễn Hồ Ngọc Thanh luôn đồng hành cùng con trong dự án học tiếng Việt (ảnh nhân vật cung cấp).

Chị Nguyễn Hồ Ngọc Thanh luôn đồng hành cùng con trong dự án học tiếng Việt (ảnh nhân vật cung cấp).

Cũng xuất phát từ suy nghĩ “mình không có gì cho con, thôi thì cho con tiếng Việt”, chị Thúy tạm hài lòng khi nhận thấy mối liên hệ ngày càng sâu sắc của con cái với nguồn cội. Đồng quan điểm khi cho rằng cơ hội phát triển ở Việt Nam đang khá lớn, chị mong muốn trang bị cho con nền tảng ban đầu để sau này làm điểm tựa nếu muốn về đất nước hình chữ S lập nghiệp. Tuy quỹ thời gian ít ỏi do khối lượng công việc nhiều cộng với trách nhiệm chăm sóc gia đình, song chị Thúy luôn tranh thủ đọc truyện cùng con; dùng tiếng Việt để giải thích cho con thay vì tiếng Anh; thỉnh thoảng nấu các món thuần Việt như xôi, bánh bèo…

Từ Hồng Kông về Việt Nam chỉ mất khoảng 2 giờ bay nên vợ chồng chị cũng thường xuyên đưa các con về thăm nhà. “Các con thích đi du lịch ở Việt Nam, thích được mẹ dành toàn thời gian bên cạnh. Đặc biệt, dịp Tết, các con rất hào hứng khi được cùng bà ngoại làm bánh mứt, hiểu thêm về truyền thống văn hóa Việt Nam. Ngày mùng 1 Tết, đứa nào cũng thích mặc đồ đẹp đi thăm họ hàng”-chị Thúy kể về những trải nghiệm đẹp đẽ mà các con thu nhận được khi trở về quê mẹ.

Trong thời đại toàn cầu hóa, người Việt Nam có mặt ở khắp nơi trên thế giới. Tiếng Việt, văn hóa truyền thống Việt cũng tỏa đi và luôn được gìn giữ bởi ý thức tự tôn cùng lòng biết ơn nguồn cội như thế. Đúng như những câu hát thân thương trong ca khúc “Thương ca tiếng Việt” (Đức Trí-Hà Quang Minh): “Tiếng Việt ru bên nôi, tiếng mẹ thương vô bờ/Đưa con vào đời bằng vần thơ, những cánh cò bay rộng mộng mơ…/Tiếng Việt còn trong mọi người, hồn Việt mình còn nguyên vẹn tròn/Giữ tiếng Việt cho nối đời, lời quê hương ấy lời sắt son…”.

Bằng tình yêu quê hương bản quán, những người mẹ Việt như chị Thanh, chị Thúy đã khéo léo “gia cố” gốc rễ, giúp con có tâm thế vững vàng trong cuộc sống. Để những cánh chim tứ phương ấy lúc nào cũng hiểu rõ giá trị và sức mạnh nội tại mà tự tin bay cao, vươn xa.

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.