'Chim cánh cụt' mơ ước vẽ tranh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
10h30 sáng, trên chiếc võng ngay cửa ra vào phòng trọ nhỏ xíu, cô bé “chim cánh cụt” vẫn ngủ say sưa với vẻ mệt mỏi. Người bà ngồi kế bên chốc chốc lại đung đưa nhè nhẹ võng, nhìn đứa cháu yêu thương đang chìm trong giấc ngủ.

Bé Ân kẹp vé số đi bán - Ảnh: DIỆU QUÍ
Bé Ân kẹp vé số đi bán - Ảnh: DIỆU QUÍ
Sáng nay, hai bà cháu Trần Thị Láng (60 tuổi) và cô bé "chim cánh cụt" Võ Ngọc Ân (11 tuổi, ở ấp 3, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP.HCM) phải dậy sớm, loanh quanh khu vực gần nhà bán cho hết xấp vé số còn dư tối qua.
100.000 đồng. Đó là số tiền bà cháu bé Ân kiếm được, sau khi trừ chi phí thuê xe ôm chở đi bán vé số từ 16h30-22h.
"Chim cánh cụt" lớn lên cùng những tờ vé số
Trưa một ngày tháng 10, tôi đến thăm hai bà cháu. Bà nội bé rất vui khi thấy phóng viên Tuổi Trẻ trở lại hỏi han cuộc sống bà cháu giờ ra sao. Tôi ngồi tâm sự với bà và đợi 2 tiếng đồng hồ, Ngọc Ân (tên thường gọi là Nhí) mới thức giấc.
"Đêm qua đi tới gần 11h mà bán được hơn phân nửa, nên hồi sáng 6h phải đi bán tiếp, mới về trước khi cô đến chừng 15 phút. Bé mệt quá nên leo lên võng ngủ, chứ không phải ngủ tới giờ này chưa thức đâu" - bà Láng nói. 
Thường thì Ngọc Ân và bà nội chỉ bán buổi tối, chủ yếu ở khu vực Q.Bình Tân. Mấy hôm nay Sài Gòn mưa nhiều, khách ít, bán không hết nên đành để sáng sớm hôm sau bán tiếp.
Ngọc Ân không may mắn khi ra đời do mẹ sinh non, em chỉ vỏn vẹn 1,7kg và không có tay, phải nằm trong lồng kính. Hai tay Ân cụt đến vai, một bên lộ ra một khoảng tròn, một bên là mẩu thịt hình dạng giống như ngón tay. Dưới Ân còn có hai em gái, tất cả đều lành lặn.
Gia cảnh khó khăn, thương đứa cháu nội tội nghiệp, bà Láng đùm bọc Ân, "có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, chứ làm sao nỡ bỏ nó". 6 tháng tuổi, Ân cùng bà nội khăn gói từ quê nhà Bạc Liêu lên Sài Gòn thuê trọ bán vé số.
"Nó bệnh tật nhiều lắm, vẹo cột sống rồi hen suyễn. Hồi nó mới lên đây là thường xuyên "thăm" Bệnh viện Nhi đồng 1, 2. Vừa trông chừng nó nằm viện, vừa ẵm đi bán vé số mới có tiền viện phí, để nó lại thì không ai coi. Sáng hai bà cháu lấy vé số của mấy người bán dạo chia lại, vài chục tờ thôi, chiều lại vô viện chích thuốc rồi tối ngủ trong đó luôn" - bà nhớ lại.
Ân chậm lớn, 6 tuổi em mới biết đi. Chứng vẹo cột sống khiến em không thể đi nhanh và nhiều. Trước khi đổi "địa bàn" sang Q.Bình Tân, bé Ân và bà Láng từng là gương mặt quen thuộc ở chợ Bến Thành mấy năm trước. Cứ 6h sáng, em và bà nội đón xe buýt từ nơi trọ ra chợ Bến Thành bán đến 2h-3h chiều...
Không có tay, em kẹp xấp vé số vào cổ, gặp ai cũng tươi cười: "Mời cô chú mua vé số giùm con". Hồi Ân chưa biết đi, bà Láng quấn em trong chiếc khăn trước ngực rồi quảy đi mỗi ngày. 
Bà con tiểu thương chợ Bến Thành ai cũng thương cô bé có gương mặt bầu bĩnh, đôi mắt sáng, líu lo cả ngày nên có khi mua cho mấy tờ vé số, lúc lại cho đồ ăn, gấu bông, áo đầm, giày dép cho "chim cánh cụt" làm điệu.

Ân dùng chân tô màu lên cuốn vở vẽ được người ta cho - Ảnh: DIỆU QUÍ
Ân dùng chân tô màu lên cuốn vở vẽ được người ta cho - Ảnh: DIỆU QUÍ
Tự học chữ, vẽ tranh bằng... chân
Hai năm nay, Ân và bà nội lại trở nên quen thuộc với người dân khu Tên Lửa (Q.Bình Tân). 16h30, hai bà cháu lại có mặt ở đó, cách nhà khoảng 7km, bán vé số đến hơn 10h đêm mới về. Bà Láng lớn tuổi, đau nhức xương khớp triền miên, còn bé Ân cũng đi đứng khó khăn nên mỗi ngày thuê một chiếc xe ôm gần nhà chở hai bà cháu đi bán.
"Xe ôm chở tới quán xá, tui với nó mỗi người mời vài bàn. Bán xong quán này thì xe chở đi quán kế tiếp, chứ đi bộ đâu có nổi. 300 tờ vé số bán từ 4h30 chiều tới 10h đêm, riêng tiền xe ôm hết 200.000, nếu bữa nào quá giờ thì phải trả thêm tiền xe. Tối bán không hết thì sáng đi bộ gần nhà bán tiếp, chứ không thì tiền đâu đóng trọ (1.700.000 đồng/tháng), mua gạo, mắm muối" - bà tâm sự.
Thỉnh thoảng một vài nhà hảo tâm biết hoàn cảnh bé Ân mua cho bà cháu đồ dùng trong nhà, tập sách, bút màu để Ân tập viết chữ, vẽ tranh, khi thì cho tiền để mua thuốc men cho bà cháu. Mọi sinh hoạt của Ân đều phụ thuộc vào người bà.
Tuy vậy, Ân vẫn làm được vài việc bằng chân như tự xúc cơm ăn, uống nước, viết chữ, tô màu. Được người ta cho cái smartphone "cùi bắp", Ân thích lắm, cứ rảnh là lên "coi Diu - túp" (YouTube - PV) nhờ "ké" WiFi phòng đối diện. 
Ân không được đến trường nhưng em chịu khó mày mò tự học nên cũng biết đọc, biết viết một số chữ và biết đếm tiền để trả lại tiền thừa cho khách khi bán vé số.
Người bà kể tuy cháu mình biết đếm tiền nhưng thi thoảng cũng bị mất vé số. Kẹp vé trên cổ mời khách mua, mua xong để khách tự thối tiền. Người thương thì cho thêm. Nhưng một số người chửi bới, nói bà lợi dụng con nít tật nguyền. Tệ hơn, có kẻ lại lợi dụng sự tật nguyền, ngây thơ của bé để lấy nhiều vé số nhưng không trả đủ tiền.
"Có lần dẫn nó đi bán ở chợ Bàn Cờ (Q.3), có cô gái ăn mặc sang trọng tấp vào giả bộ lựa mua rồi giựt cả xấp gần 300 tờ vé số bỏ chạy. Tui với nó chỉ biết ôm nhau khóc, may mà chú kia tốt bụng gần đó dẫn nó đi xin bà con xung quanh để bù lại phần nào số tiền đã mất. 
Lần đó hai bà cháu tui ăn cơm với nước tương, mì gói cả tuần chứ đâu còn tiền mua thịt, cá" - bà Láng ngậm ngùi kể. Bà từng đi xin giúp việc nhà nhưng người ta không cho mang cháu theo, mà để ở nhà thì không người trông coi.

Bà Láng rất thương đứa cháu kém may mắn - Ảnh: D.QUÍ
Bà Láng rất thương đứa cháu kém may mắn - Ảnh: D.QUÍ
Mong ước một căn nhà
Ân nay đã lớn, vẫn hồn nhiên nhưng em bắt đầu hiểu chuyện hơn. Em thích mặc áo đầm, chơi đồ chơi nhưng hiếm khi đòi hỏi bà nội phải mua. Phần lớn quần áo, tập vở, đồ chơi của em đều là người ta cho.
Hồi mới nhận thức được sự khác thường của mình, Ân hỏi nội: "Sao người ta có tay mà con thì không vậy nội?". Bà Láng nghe vậy chỉ biết quẹt nước mắt, ôm đứa cháu bất hạnh vào lòng. Nhưng có lẽ đã chấp nhận sự khác biệt của mình, cô bé "chim cánh cụt" càng ngoan ngoãn, thương nội hơn vì đã không bỏ em.
"Con thích vẽ lắm nhưng con vẽ xấu hoắc à. Con muốn vẽ tranh đẹp để sau này đem bán tranh, kiếm tiền nuôi nội. Con ước mơ làm hoạ sĩ nhưng muốn có nhà hơn. Con bán vé số mong người ta trúng để cho tiền bà cháu cất cái nhà lá ở cũng được, miễn là nhà mình, không phải tháng nào cũng lo thiếu hụt tiền trọ" - Ân hồn nhiên tâm sự với tôi.
Gần 4h chiều, bà cháu tranh thủ ăn vội chén cơm để kịp giờ đi bán. Trời mưa, nét âu lo hiện ra trên gương mặt khắc khổ của bà. Mấy hôm nay bà bệnh, nhà lại hết gạo, hai bữa cơm là người ta cho, hoặc lúc đi bán tiện đường mua hộp cơm, bà nhường phần hơn cho cháu.
Hai bà cháu nương tựa nhau như thế đã hơn 10 năm nay...
Đợt dịch vừa rồi, bà cháu về quê, ở nhờ nhà cô hai của bé Ân, mỗi ngày lấy chỉ 100 tờ vé số nhưng chẳng bán hết. Mới lên lại thành phố khoảng 3 tháng nay, bà Láng được chính quyền địa phương hỗ trợ 1 triệu đồng cho người nghèo, chia làm hai đợt lãnh.
DIỆU QUÍ (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.