Chiếc xà gạc trong đời sống của người Jrai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Xà gạc (chà gạc, con dao phát) là vật dụng quen thuộc trong cuộc sống của cộng đồng các dân tộc thiểu số vùng Trường Sơn-Tây Nguyên nói chung, người Jrai nói riêng. Nó gắn liền với cuộc đời của người đàn ông từ khi sinh ra đến khi về với thế giới atâu.

Xà gạc gồm 2 bộ phận: lưỡi và cán. Lưỡi xà gạc được làm từ một thanh kim loại dẹp, bản rộng khoảng 4-6 cm, dài 25-30 cm. Lưỡi thường có 2 loại: mũi bằng và mũi hơi nhọn. Cán xà gạc được làm từ gốc tre già, phần gốc có hình chữ L với góc uốn cong được bo tròn tự nhiên theo hình dạng của gốc tre. Cán có độ dài ngắn khác nhau, tùy theo người sử dụng, thông thường khoảng 60-80 cm, cũng có cán dài. Phần gốc tre là nơi dùng để tra lưỡi. Việc chọn gốc tre cong làm cán xà gạc vừa biểu hiện tính thẩm mỹ, vừa thể hiện sự sáng tạo trong lao động.

Xà gạc của người Jrai đang trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai. Ảnh: Xuân Toản
Xà gạc của người Jrai trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai. Ảnh: Xuân Toản


Trước kia, đồng bào Jrai chủ yếu làm nương rẫy. Do đó, cùng với các dụng cụ cuốc đất và làm cỏ, xà gạc là vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống của người Jrai. Chúng được dùng để chặt tre, vót nứa, phát cây, làm rẫy; đôi khi được dùng làm vũ khí chống lại thú dữ. Không những thế, xà gạc còn liên quan đến đơn vị tính thời gian, đặc biệt là trong trường hợp đi rừng. Để biết đi xa hay gần, bà con thường đo độ dài của đoạn đường bằng cách tính theo những lần chuyển đổi cây xà gạc từ vai này sang vai khác. Mỗi lần đổi vai khoảng 1 giờ đồng hồ. Người con trai khi đến tuổi trưởng thành sẽ được cha trao cho 1 cái xà gạc, xem như là một thứ vũ khí để bảo vệ bản thân, gia đình, buôn làng, là một công cụ lao động để nuôi sống bản thân, gánh vác việc gia đình. Đây cũng là món quà của cha mẹ trao cho con trai khi đi lấy vợ thay thế cho lời dặn dò chăm chỉ làm lụng, chăm lo gia đình. Xà gạc gần như gắn liền với người con trai từ khi sinh ra, trưởng thành đến khi mất đi. Khi người đàn ông về với thế giới bên kia, việc chia của sẽ được tiến hành, cuộc sống hiện tại của người sống có những gì thì đều chia một phần cho người đã mất. Cùng với cồng chiêng, ché và các vật dụng khác, xà gạc là vật không thể thiếu khi chia của cho người chết.

Như vậy, xà gạc là một phần trong cuộc sống người đàn ông Jrai. Hình ảnh người đàn ông với chiếc xà gạc trên vai đã in sâu vào tâm thức của cư dân vùng Trường Sơn-Tây Nguyên nói chung, người Jrai nói riêng. Tuy nhiên, trong cuộc sống ngày nay, nhiều công cụ hiện đại đang dần thay thế cho những công cụ lao động truyền thống. Vậy nên, hình ảnh những thanh niên khỏe khoắn với chiếc xà gạc trên vai cũng dần biến mất, dù xà gạc vẫn là một phần không thể thiếu trong đời sống của họ.

 

XUÂN TOẢN
 

Có thể bạn quan tâm

Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.
Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.
Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Nhằm góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, em Võ Siu Hoài An (lớp 12C1) cùng Lê Quốc Huy (lớp 10C1, Trường THPT Phạm Văn Đồng, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) triển khai Dự án “Bảo tồn và phục dựng lễ mừng lúa mới của đồng bào Jrai tại làng Bồ, xã Ia Yok”.