Chia lửa cùng thành phố - Bài 1: Chuyên nghiệp & tận tâm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
L.T.S: Những ngày qua, tại TPHCM, số ca mắc Covid-19 liên tục tăng cao, các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19 đều quá tải. Đáp lời kêu gọi của thành phố và Bộ Y tế, các y bác sĩ bệnh viện tư nhân đã sẵn sàng “chia lửa”, tham gia điều trị bệnh nhân nhằm giảm bớt một phần gánh nặng cho hệ thống y tế công lập.
“Máu chảy kìa, cứu tôi với…”, tiếng bệnh nhân N.V.Đ. (56 tuổi, ngụ xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn) tại phòng hồi sức 1, khu điều trị Covid-19 dã chiến Bệnh viện đa khoa Xuyên Á (Củ Chi), gọi bác sĩ. Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Thu Thảo vừa lấy khăn ấm lau nhẹ lên gương mặt đang tái nhợt vì sợ của bệnh nhân, vừa nhẹ nhàng: “Chú ơi, không sao đâu. Do hết dịch truyền và chú vận động mạnh nên máu chảy ngược ra dây truyền dịch, con thay ngay đây ạ!”. 
“Người bệnh đang cần chúng ta”
Bằng thao tác chuyên nghiệp, mất khoảng 2 phút, điều dưỡng Thu Thảo đã thay xong bịch truyền dịch mới cho bệnh nhân Đ. Chị kể: Chú Đ. được chuyển đến đầu giờ chiều 6-8. Ban đầu chú chỉ ho, không sốt, không khó thở. Tuy nhiên, gần 5 giờ sau, tình trạng bệnh tiến triển nặng, sốt cao, tức ngực. Được chỉ định thở oxy, điều trị bằng kháng sinh và thuốc phòng chống huyết khối, tình trạng suy hô hấp của chú đã được cải thiện.
“Từ chiều qua tới nay (ngày 7-8), bệnh nhân nhập viện ồ ạt, nhiều trường hợp phải cho thở máy gấp. Do mặc đồ bảo hộ kín mít và làm việc xuyên đêm…, nhiều đồng nghiệp bị sốc nhiệt do mất nước, tụt huyết áp, nhưng ai cũng nỗ lực vượt qua”, chị Thu Thảo chia sẻ.
Cũng với ánh mắt thân thiện, những lời thăm hỏi động viên bệnh nhân và chạy như thoi đưa trên 20 phòng để dặn dò kỹ lưỡng từng đồng nghiệp trong việc thay dịch truyền, đo huyết áp, nhất là kiểm tra kỹ từng di biến động các chỉ số trên hệ thống trang thiết bị, máy móc trợ thở cho bệnh nhân tại 3 phòng hồi sức…, bác sĩ CKII Vũ Lệ Anh, Trưởng khu điều trị Covid-19 dã chiến Bệnh viện đa khoa Xuyên Á, cho biết, sau gần 18 giờ tiếp nhận, số bệnh nhân lên tới 66 người. Trong đó, có 4 bệnh nhân thở máy, 2 bệnh nhân phải thở máy không xâm nhập HFNC và 33 bệnh nhân phải hỗ trợ thở oxy qua canula mũi…

Nữ điều dưỡng (Khu điều trị Covid-19 dã chiến Bệnh viện đa khoa Xuyên Á, Củ Chi, TPHCM) bón thuốc cho bệnh nhân đang điều trị. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Nữ điều dưỡng (Khu điều trị Covid-19 dã chiến Bệnh viện đa khoa Xuyên Á, Củ Chi, TPHCM) bón thuốc cho bệnh nhân đang điều trị. Ảnh: Hoàng Hùng
“Ngay trong đêm qua, chúng tôi phải tập trung hết nguồn lực giỏi nhất để hồi sức cấp cứu một cụ ông bất ngờ trở nặng, hiện bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch. Bệnh nhân này có bệnh lý nền tim mạch, tăng huyết áp, suy tim độ 3, 4, từng đặt máy tạo nhịp, bị rung nhĩ”, bác sĩ Vũ Lệ Anh kể. 
Theo bác sĩ Ngô Quốc Việt (Bệnh viện đa khoa Xuyên Á), bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng đa dạng, âm thầm và tiến triển qua các giai đoạn rất nhanh nên trong quá trình tiếp nhận, nhân viên y tế tập trung ngay ở khâu sàng lọc, phân tầng bệnh nhân vào các khu vực khác nhau để điều trị. Riêng khu vực hồi sức được bố trí ngay sát khu vực nhân viên y tế nội trú để theo dõi 24/7. Bệnh viện cũng lắp đặt hệ thống camera quan sát tình trạng bệnh nhân tại các phòng bệnh, chuẩn bị thêm giường cấp cứu, dự trù nhiều máy thở nhằm điều trị các bệnh nhân diễn biến nặng của bệnh.
“Chúng tôi luôn kiên trì nguyên tắc: Ổn định tâm lý người bệnh rồi mới trị bệnh. Tâm lý người bệnh có tốt, suy nghĩ tích cực thì việc chữa trị mới thuận lợi và đưa đến hiệu quả tốt nhất. Vì thế, tất cả y bác sĩ trong khu dã chiến đều được phổ biến kỹ năng tiếp xúc, an lòng người bệnh khi vừa được chuyển đến”, bác sĩ Quốc Việt bộc bạch.
“Sáng nay (ngày 8-8), khu dã chiến đã lấp đầy 125 giường. Cuộc họp trực tuyến ngay sau đó với ban tổng giám đốc bệnh viện được nhanh chóng quyết định: lấy tiếp toàn bộ khuôn viên của khu E (nơi tách rời với các khu khác) để cải tạo, chuyển đổi công năng thành nơi điều trị tầng 2 cho bệnh nhân với quy mô 200 giường. Ngay hôm nay, chúng tôi sắp xếp lại các khoa để cải tạo nhanh khu E vì người bệnh đang cần”, bác sĩ Nguyễn Phú Định, Giám đốc Chuyên môn hệ thống Bệnh viện đa khoa Xuyên Á, thông tin.
Có mặt ở điểm nóng
Từ đầu tháng 6, khi số ca mắc Covid-19 bắt đầu tăng cao tại TPHCM, chiến lược tầm soát cộng đồng đã được thành phố triển khai. Ngay lập tức, hệ thống y tế tư nhân được kích hoạt đến các vùng nguy cơ lấy mẫu cộng đồng. Và cũng như đội ngũ y bác sỹ thuộc hệ thống công lập, các đơn vị y tế tư nhân cũng được lệnh “tham chiến” lấy mẫu tầm soát.
Song song đó, chiến dịch tiêm chủng vaccine lần thứ 4 và thứ 5 cũng được TPHCM triển khai từ đầu tháng 7 nhằm đạt mục tiêu sớm tăng độ bao phủ vaccine trong cộng đồng, và y tế tư nhân cũng không nằm ngoài cuộc. Bên cạnh các đội tiêm chủng của bệnh viện công và trung tâm y tế quận huyện, mỗi ngày hàng trăm đội của các bệnh viện tư nhân có mặt khắp các điểm tiêm vaccine cho người dân thành phố. 

Bác sĩ Ngô Quốc Việt (Bệnh viện đa khoa Xuyên Á) tư vấn, hướng dẫn bệnh nhân cùng người nhà cách hô hấp bằng oxy. Ảnh: Hoàng Hùng
Bác sĩ Ngô Quốc Việt (Bệnh viện đa khoa Xuyên Á) tư vấn, hướng dẫn bệnh nhân cùng người nhà cách hô hấp bằng oxy. Ảnh: Hoàng Hùng
Ra quân với 10 đội tiêm chủng, trong hơn 1 tháng qua, đội ngũ y bác sĩ của Bệnh viện Mỹ Đức đã có mặt ở nhiều nơi. Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Mỹ Đức tiêm vaccine cho hơn 1.500 người, vừa ở các điểm tiêm cộng đồng, vừa tại bệnh viện; thậm chí có ngày hoàn thành hơn 3.600 mũi tiêm. Xa nhất và khó khăn nhất là việc tiêm chủng ở huyện đảo Cần Giờ.
“Dù việc tiêm chủng ở các địa bàn đặc thù như Cần Giờ gặp nhiều khó khăn khi mất nhiều thời gian di chuyển, chúng tôi phải dậy từ rất sớm và về nhà rất muộn nhưng tinh thần của anh em vẫn rất hăng hái. Chỉ mong sao ngày càng có nhiều người được tiêm vaccine để đại dịch sớm qua đi”, bác sĩ Hồ Mạnh Tường, Bệnh viện Mỹ Đức, chia sẻ. 
Cũng tham gia vào đội hình tiêm chủng vaccine từ rất sớm, các đội tiêm chủng của BV Thẩm mỹ JW Hàn Quốc đã có mặt trọn vẹn 2 chiến dịch tiêm chủng “thần tốc” của TPHCM. “Tình hình dịch hiện tại rất căng thẳng, mặc dù là bệnh viện nhỏ nhưng chúng tôi rất sẵn sàng, nếu được tạo điều kiện, chúng tôi có thể tiêm được 1.000 người chỉ trong 1 ngày”, TS-BS Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc BV Thẩm mỹ JW Hàn Quốc, khẳng định. 
BS Tú Dung kể lại: Công việc tiêm vaccine với cường độ cao tuy rất vất vả nhưng mỗi tối, khi các bạn hoàn thành nhiệm vụ trở về, tôi đều hỏi: “Công việc tiêm vaccine hôm nay thế nào rồi em? Có cần người khác thay phiên để nghỉ ngơi dưỡng sức không? Có lo lắng khi tình hình dịch ngày càng căng thẳng không?”.
Đáp lại là những lời khẳng định chắc nịch: “Tụi em không sợ gì cả. Vì một cộng đồng an toàn, ở đâu gọi thì tụi em sẵn sàng tới” của các bạn trẻ. Thương nhất là trong đợt này có nhiều bạn rời xa gia đình, đến bệnh viện ở lại vài tuần cho tiện tham gia chiến dịch tiêm vaccine và tránh nguy cơ lây cho gia đình. Có bạn đã hơn cả tháng rồi không được về thăm nhà, có bạn phải gửi con nhỏ cho gia đình để cùng ra tiền tuyến với đồng nghiệp. 
Theo Sở Y tế TPHCM, hiện có hơn 60 bệnh viện tư nhân và 200 phòng khám tư nhân đã cử bác sĩ, điều dưỡng tham gia lực lượng chống dịch, nhất là trong việc tham gia chiến dịch tiêm vaccine cho cộng đồng. Dù không công tác trong hệ thống y tế công lập nhưng họ luôn ý thức về trách nhiệm của mình với cộng đồng. Và họ sẵn sàng rời bỏ những cơ sở y tế tư nhân khang trang, sạch đẹp thường ngày, khoác lên mình những bộ đồ bảo hộ nóng bức xông lên tuyến đầu với mục tiêu bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Để huy động tối đa nguồn lực y tế tư nhân, quận 10 và quận 11 phân công Phòng Y tế quận chủ động trao đổi trực tiếp, vận động và kêu gọi các đơn vị y tế tư nhân tham gia hỗ trợ về nhân lực, trang thiết bị y tế. Tại quận 1, lãnh đạo quận gửi thư ngỏ đến lãnh đạo, quản lý các phòng khám tư nhân trên địa bàn, kêu gọi tham gia hỗ trợ địa phương phòng chống dịch.
Trong khi đó, lãnh đạo quận Tân Bình thông qua các nhóm mạng xã hội truyền tải thông điệp kêu gọi đến tận phường, khu phố để huy động y bác sĩ, nguồn lực y tế trong cộng đồng. Đến nay, quận huy động được 50 y bác sĩ, điều dưỡng ở các phòng khám tư nhân lấy mẫu xét nghiệm; gần 200 y bác sĩ ở các cơ sở y tế tư nhân và cả những người đã về hưu tham gia các đội tiêm vaccine Covid-19.
Là người trực tiếp tham gia vận động, ông Nguyễn Hùng Tín, Chủ tịch UBND phường Tân Thuận Đông (quận 7), cho biết, phường tổ chức rà soát toàn bộ y bác sĩ, nhân viên y tế, các phòng khám, nhà thuốc trên địa bàn.
Sau đó, lãnh đạo phường trực tiếp liên hệ từng người, từng đơn vị vận động tham gia tổ y tế cộng đồng ở phường. Lãnh đạo phường trực tiếp trao đổi, vận động sẽ thuận lợi hơn. Lực lượng y tế tư nhân cũng rõ ràng hơn khi tham gia với địa phương, biết họ sẽ làm những công việc cụ thể gì. Ngoài ra, địa phương nắm được thời gian nhân viên y tế tham gia để bố trí, điều phối công việc cho phù hợp.
Nhóm PV
QUANG HUY - THÀNH AN (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.