Chỉ số PCI-2021: Gia Lai lần đầu tiên lọt vào nhóm khá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)-Với 64,9 điểm, Gia Lai ở vị trí thứ 26/63 trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021, tăng 12 bậc so với năm 2020 và xếp thứ 2 ở khu vực Tây Nguyên. Kết quả này là nhờ điểm một số chỉ số thành phần có trọng số cao đã được khắc phục so với năm 2020. 
Theo đánh giá của ông Đậu Anh Tuấn-Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): “Một điểm sáng của PCI-2021 là dù dịch bệnh xảy ra rất phức tạp nhưng “dòng chảy cải cách” từ các địa phương vẫn được duy trì. Điểm số của tỉnh trung vị trong PCI tiếp tục tăng với những cải thiện mạnh mẽ của thủ tục hành chính, giảm của chi phí không chính thức. Với sự chủ động, năng động và tích cực của bộ máy chính quyền các tỉnh, thành phố thì dịch bệnh không thể làm trì hoãn các chương trình cải cách môi trường kinh doanh đang được tiến hành rất mạnh mẽ tại cấp cơ sở”. 
Các sở, ngành thuộc tỉnh luôn nỗ lực trong cải cách TTHC, tạo môi trường đầu tư thông thoáng cho DN, nhà đầu tư. Ảnh: Hà Duy
Các sở, ngành của tỉnh Gia Lai luôn nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Ảnh: Hà Duy
Theo bảng đánh giá xếp hạng Chỉ số PCI-2021 vừa được Liên đoàn VCCI công bố, Gia Lai có 5 chỉ số thành phần tăng điểm so với năm 2020, đó là: tiếp cận đất đai 7,56 điểm (tăng 0,57 điểm); chi phí không chính thức 6,98 điểm (tăng 0,36 điểm), trọng số 10%; hỗ trợ doanh nghiệp 6,89 điểm (tăng 1,11 điểm), trọng số 20%; đào tạo lao động 5,95 điểm (tăng 0,82 điểm), trọng số 20%; thiết chế pháp lý 7,57 điểm (tăng 1,01 điểm). 
Điều đáng chú ý là ở PCI-2021, Gia Lai đã cải thiện được điểm số một số chỉ số thành phần có trọng số cao (đã kéo Gia Lai tụt 8 bậc trên bảng xếp hạng năm 2020) như: chi phí không chính thức, hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động. Kết quả điều tra PCI cho thấy, chi phí không chính thức vẫn tồn tại khá phổ biến trong một số lĩnh vực quản lý nhà nước. Tỷ lệ trung bình doanh nghiệp trả chi phí không chính thức còn cao trong hoạt động thanh tra xây dựng (67,22%) và cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện (61,36%).
Xét theo tính chất tương tác giữa doanh nghiệp và cơ quan nhà nước, chi phí không chính thức quy mô nhỏ, hay còn gọi là “tham nhũng vặt”, còn khá phổ biến dưới 2 hình thức. Hình thức thứ nhất là chi phí “bôi trơn” ở những dịch vụ công thiết yếu với hoạt động doanh nghiệp, như đăng ký doanh nghiệp hoặc tiếp cận đất đai (mặt bằng sản xuất kinh doanh). Hình thức thứ hai là chi phí không chính thức ở các thủ tục hoặc nghiệp vụ như quản lý thị trường, thanh tra môi trường, thuế, thanh tra phòng cháy chữa cháy, thanh tra kiểm tra về đất đai và đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai điều tra PCI, các hoạt động phòng-chống tham nhũng đã đem lại những kết quả tích cực hơn. Riêng Gia Lai, điểm số của chỉ số này được cải thiện qua từng năm, như năm 2019 là 5,57 điểm, năm 2020 là 6,62 điểm và năm 2021 là 6,98 điểm. 
Với trọng số tới 20%, chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp (công cụ đo lường và đánh giá công tác quản lý, điều hành kinh tế dựa trên các hoạt động, chương trình và chính sách nhằm tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, bao gồm xúc tiến thương mại, tư vấn pháp luật, tìm kiếm đối tác kinh doanh, đào tạo về quản trị kinh doanh, tìm kiếm thông tin thị trường, dịch vụ liên quan đến công nghệ…) năm 2021 với 6,89 điểm (tăng 1,11 điểm so với năm 2020) chắc chắn góp phần không nhỏ để “kéo” Gia Lai vào nhóm khá trên bảng xếp hạng. Điều này dễ hiểu khi trong năm, các sở, ngành thuộc tỉnh đã tổ chức khá nhiều “diễn đàn số” về thông tin thị trường, tư vấn pháp luật, xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác.
Một chỉ số khác cũng chiếm trọng số tới 20% là đào tạo lao động. Nếu năm 2020, chỉ số này của Gia Lai chỉ đạt 5,13 điểm, giảm 0,95 điểm so với năm 2019 thì năm 2021 đã tăng lên 5,95 điểm. Đây là chỉ số đo lường các nỗ lực của tỉnh để thúc đẩy đào tạo nghề, phát triển kỹ năng, giải quyết việc làm cho người lao động và hỗ trợ cho doanh nghiệp chủ động nhân lực. Mặc dù không còn “trì kéo” thứ hạng của Gia Lai như năm 2020, nhưng so với tỉnh đứng đầu cả nước về chỉ số này (Quảng Ninh với 7,27 điểm) thì còn khoảng cách khá xa và còn nhiều vấn đề cần tiếp tục cải thiện.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành: “Chính quyền tỉnh Gia Lai luôn đồng hành cùng với cộng động doanh nghiệp trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư diễn ra trên địa bàn tỉnh. Mọi khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và nhà đầu tư, UBND tỉnh luôn chỉ đạo các sở, ngành và địa phương có liên quan kịp thời nắm bắt để xử lý, giải quyết”. Điều này cũng được ghi nhận khi hàng loạt các cuộc họp, hội nghị đối thoại, trao đổi, gặp mặt với doanh nghiệp, hợp tác xã được tỉnh tổ chức trong thời gian qua. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề tỉnh Gia Lai chưa kịp thời cải thiện và chưa được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, biểu hiện qua một số chỉ số thành phần của PCI-2021 đã bị giảm điểm so với năm 2020 như: gia nhập thị trường với 6,39 điểm (giảm 0,92 điểm); tính minh bạch 5,68 điểm (giảm 0,71 điểm, chỉ số này có trọng số đến 20%); chi phí thời gian 6,84 điểm (giảm 1,56 điểm); tính năng động 6,69 điểm (giảm 0,48 điểm); cạnh tranh bình đẳng 6,70 điểm (giảm 0,79 điểm).
Bảng xếp hạng PCI-2021 một lần nữa ghi nhận “kỷ lục” của tỉnh Quảng Ninh với 5 lần liên tục giữ vị trí quán quân. Theo phân tích của VCCI, sở dĩ Quảng Ninh làm được điều đó là bởi tỉnh này đã nỗ lực rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa, công khai, minh bạch thủ tục hành chính để giảm đến 40-50% thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định. Hệ thống Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện đều thống nhất cơ chế làm việc theo nguyên tắc 5 tại chỗ: tiếp nhận-thẩm định-phê duyệt-đóng dấu-trả kết quả. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã đề ra phương châm “5 thật” để các cơ quan nhà nước và cán bộ trong tỉnh thực hiện, đó là: phải ứng xử chân thành để doanh nghiệp suy nghĩ thật, doanh nghiệp nói thật, chính quyền hành động thật, các nỗ lực của tỉnh có kết quả thật và người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng thật. Với tinh thần cầu thị, Gia Lai có thể học tập Quảng Ninh để tiếp tục cải thiện vị trí của mình trên bảng xếp hạng PCI những năm tiếp theo.
HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm

Xe máy điện Honda ICON e đã có mặt tại thị trường Việt Nam với giá dưới 30 triệu đồng

Xe máy điện Honda ICON e đã có mặt tại thị trường Việt Nam với giá dưới 30 triệu đồng

(GLO)- Honda ICON e là mẫu xe máy điện hướng đến đối tượng học sinh với thiết kế cao cấp nhưng nhỏ gọn. Xe có mức giá dưới 30 triệu đồng, được phân phối tại thị trường Việt Nam với 3 phiên bản thể thao, đặc biệt và cao cấp cùng 6 lựa chọn màu sắc gồm xám, xanh, bạc, đen, đỏ xám và trắng xám.

Sở hữu dòng xe Maserati Levante LE350AL21 sang trọng với giá trên 5,4 tỷ đồng

Sở hữu dòng xe Maserati Levante LE350AL21 sang trọng với giá trên 5,4 tỷ đồng

(GLO)- Maserati Levante LE350AL21 mang đậm chất thể thao, kết hợp giữa thiết kế tinh tế và công nghệ tiên tiến. Với động cơ mạnh mẽ, khả năng vận hành tuyệt vời, Levante LE350AL21 chắc chắn sẽ làm hài lòng những tín đồ yêu thích sự khác biệt và đẳng cấp. Xe hiện có giá khoảng 5,4 tỷ đồng.

Aprilia Tuareg 660: Bạn đồng hành lý tưởng trên mọi cung đường phiêu lưu có giá 498 triệu đồng

Aprilia Tuareg 660: Bạn đồng hành lý tưởng trên mọi cung đường phiêu lưu có giá 498 triệu đồng

(GLO)- Aprilia Tuareg 660 là mẫu xe adventure đa năng, kết hợp giữa khả năng off-road ấn tượng và sự thoải mái trên những hành trình dài. Với thiết kế hiện đại, động cơ mạnh mẽ và công nghệ tiên tiến, Tuareg 660 là lựa chọn lý tưởng cho những ai đam mê khám phá và chinh phục mọi địa hình.