Có một nhóm phụ nữ được bệnh nhân nghèo ở mái ấm 0 đồng gọi là "các chị đẹp" cùng chung tay với Thoa làm một điều tốt nhỏ cho đời đẹp hơn.
Cô gái truyền cảm hứng
Khi Thoa đang điều trị bệnh ung thư dạ dày vào tháng 7.2021, TP.HCM cách ly xã hội hoàn toàn vì đại dịch Covid-19. Thoa kể: "Trước đó, mình phát hiện bệnh còn ở giai đoạn sớm, sau này làm phẫu thuật thì đã chuyển sang giai đoạn 3b, phải cắt bỏ 1/3 dạ dày. Đang sốc lại thêm dịch dã, mình chứng kiến cảnh chết chóc xung quanh nên càng hoảng loạn. Nhưng rồi quá trình tìm kiếm sự hỗ trợ cách ăn uống đặc biệt cho bệnh nhân (BN) ung thư từ các hội nhóm mạng xã hội, mình thấy cảnh BN nghèo ở các vùng quê lên TP còn cơ cực hơn. Bởi hầu hết các nhà trọ đóng cửa, không cho lưu trú nữa. Họ bơ vơ, bởi về là chết, ở lại thì không biết ở đâu".
Chị Thoa (bìa trái) và 3 thành viên điều hành Quỹ Thanh Liên ở nhà 460. Ảnh: LÊ VÂN |
Vốn làm thiết kế giao diện ứng dụng phần mềm công nghệ nên Thoa am hiểu cách khai thác thông tin trên mạng. Cô lên các hội nhóm "Giúp nhau mùa dịch" nhờ mọi người cho mượn những căn nhà trống, không dùng đến trong dịch. Dự định của Thoa là sau đó sẽ gom cô bác BN đang trong đợt điều trị về ở tạm.
Thoa nhớ lại: "May mắn khi ấy Thoa gặp được những người Sài Gòn tốt bụng, đó là các anh chị chủ nhà như anh Tâm, vợ chồng anh Thành - chị Như, là những người cũng ôm hoài bão làm điều gì đó có ích cho xã hội lúc bấy giờ. Các anh chị hỗ trợ tụi mình những căn nhà đầu tiên miễn phí ở Gò Vấp, Thủ Đức cho BN".
Đó là thời điểm Thoa cũng đang điều trị đợt hóa trị thứ 3. Sau khi dịch kết thúc thì nhóm của Thoa tiếp tục được các nhà hảo tâm khác chung tay mở "nhà trọ 0 đồng" khác tại đường Nơ Trang Long (Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Các nhà trọ hiện đã chuyển về TP.Thủ Đức, gần cơ sở 2 của BV Ung Bướu TP.HCM, tiện cho BN lưu trú và trị bệnh.
Chị Thoa và các bé ở nhà 25. Ảnh: Lê Vân |
"Tên mái ấm là Thanh Liên, nghĩa là đóa hoa sen thanh khiết, trong sáng. Cái tên này do một BN từng ở nhà trọ nghĩ ra và đặt cho mái ấm", Thoa chia sẻ.
Câu chuyện vượt qua cửa tử của Thoa truyền cảm hứng cho người bệnh ở mái ấm Thanh Liên trong hai năm qua. Hiện tại, cô cùng 3 thành viên thiện nguyện trẻ khác tại TP.HCM điều hành Quỹ Thanh Liên để duy trì hai "nhà trọ 0 đồng" tại đường Hoàng Hữu Nam (P.Long Thạnh Mỹ, TP.Thủ Đức, TP.HCM). Suốt 2 năm qua, hàng trăm BN ung thư và người thân của họ đã đến ở, rời đi rồi quay lại điều trị bệnh tại hai nhà cộng đồng này.
Trạm dừng chân của những chữ thương
Buổi chiều muộn cuối tháng 8.2023, chúng tôi đến Nhà cộng đồng Thanh Liên ở 460 Hoàng Hữu Nam, một trong 2 nhà trọ 0 đồng cho người lớn và bệnh nhi ung thư ở TP.Thủ Đức. Những người ở trọ tại đây thường gọi là "nhà 460, nhà 25" (lấy số nhà làm tên gọi cho cơ sở - PV). Nhà 460 Hoàng Hữu Nam có gần 20 người tứ xứ tụ về, đang chiến đấu với bệnh hiểm nghèo.
"Nhà như là nơi dừng chân, sống được cùng nhau nhờ những chữ "thương", dù xa lạ nhưng chúng tôi xem nhau như người thân", cô Năm Gia Lai, một BN ở nhà 460, nói. Cô bị ung thư vú đã 4 năm, đang bị di căn xương. Dù phải chống chọi với những cơn đau mỗi ngày nhưng cô luôn chu đáo trong vai trò là "bà quản gia" ở nhà 460.
Cô giới thiệu: "Nhà này có 4 phòng, kê được 8 cái giường tầng và 1 bộ phản lớn. Có 4 người chăm nuôi, 12 người bệnh, giờ đang ở phòng cấp cứu 2 ông. Còn đâu ở nhà có 5 ông bệnh, 7 bà chăm. Hôm qua về hết mấy người, họ vô thuốc xong khỏe thì về, mốt vô làm đợt khác, thích thì ở tiếp".
Cô giáo Lan (bìa trái) và nhóm trong một lần đi khánh thành cầu cho bà con nghèo ở miền Tây. Ảnh: NHÂN VẬT CUNG CẤP |
Ngôi nhà khang trang với 3 tầng lầu ở số 25 Hoàng Hữu Nam là cơ sở 2 của Nhà cộng đồng Thanh Liên, nơi ở của các bệnh nhi. Hầu hết các em lên điều trị bệnh đều có ba, mẹ hoặc ông bà theo chăm sóc nên một người bệnh có khi kèm theo hai người chăm. Mỗi gia đình là một hoàn cảnh éo le, họ nương nhau, nhìn vào cảnh ngộ của mỗi người, cùng nhau chiến đấu giữ lấy sự sống qua từng ngày.
"Con là Nguyễn Võ Phương Uyên, quê ở Đắk Lắk. Con bị bệnh u não hồi tháng 10 năm ngoái. Con đang học lớp 5, bị bệnh nên con nghỉ. Con vô đây với mẹ từ tháng 12 năm ngoái đến giờ", cô bé lớn nhất trong các bệnh nhi ung thư kể. Mẹ của Uyên, bà Võ Thị Mai Thùy, 45 tuổi, nói: "Con bé sợ mẹ buồn nên hiếm khi tỏ ra buồn lo gì, còn hay động viên dạy các em trong nhà học nữa".
Hội chị đẹp Sài Gòn mê làm từ thiện
Để làm được dự án "Nhà trọ 0 đồng", Thoa không đơn độc. Một trong những công ty, nhóm từ thiện đứng sau lưng Thoa, đặc biệt chỉ toàn các chị em phụ nữ, đa số sống ở quận 9 (nay là TP.Thủ Đức) nên họ đặt tên nhóm một cách đơn giản là "Nhóm từ thiện Q.9 - TP.Thủ Đức". Nhóm có từ 10 năm nay. Có khoảng 80 người trong nhóm, đa số làm nghề giáo viên, thiết kế, kinh doanh nhỏ. Nhìn vào danh sách quyên góp của họ, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. Dù chỉ với số tiền từ 100.000 đồng đến vài triệu mỗi người, nhưng suốt 10 năm qua, nhóm đã xây được gần chục cây cầu cho bà con ở các vùng sâu, vùng xa, nấu hàng ngàn suất ăn từ thiện ở khắp nơi từ vùng Tây nguyên cho tới miền Tây, hay tại các bệnh viện ở TP.HCM.
Suốt 2 năm, nhóm "chị đẹp" mà trưởng ban điều hành là cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Lan đều đặn tương trợ cho Thoa. Cô Lan chia sẻ: "Xuất phát từ cái tâm của các thành viên nên chỉ cần đưa lên nhóm hoàn cảnh khó khăn là mọi người ủng hộ cái rẹt. Chỉ dư chứ không lo thiếu quỹ. Đó cũng là động lực để tụi mình tiếp tục công việc này trong nhiều năm".
Phan Thị Như Mai là một trong các "chị đẹp" của nhóm. Chị Mai là một thành viên năng động và tham gia nhóm thiện nguyện từ những ngày đầu thành lập. Chị cũng từng nổi tiếng ở Q.5, TP.HCM với hai lần tay không bắt cướp giữa đường vào năm 1997 và được nhận bằng khen của cấp quận, TP. Suốt nhiều năm qua, dù điều hành công ty nhỏ của gia đình khá bận rộn nhưng Mai vẫn tham gia đóng góp cho nhóm. Chị cũng là một trong những người đầu tiên góp phần xây dựng hệ thống chuỗi Nhà cộng đồng Thanh Liên ở những ngày đầu tiên của dự án vào tháng 7.2021.
"Hết bệnh vẫn ở lại"
Cô tên là Bé Năm, sinh năm 1962, quê ở Bến Tre, từng bị ung thư âm đạo. Cô là BN đặc biệt ở Nhà cộng đồng Thanh Liên dành cho BN lớn tuổi, bởi dù đã trị hết bệnh nhưng cô vẫn tình nguyện ở lại chăm sóc anh chị em trong nhà.
Cô Bé Năm ở Bến Tre, hết bệnh vẫn tình nguyện ở lại chăm người bệnh nhà 460. Ảnh: LÊ VÂN |
Cô chia sẻ: "Về nhà cũng buồn, rơi nước mắt, vì thương mọi người. Mình khỏe rồi thì ở lại phụ thêm. Như là hướng dẫn người mới cách sinh hoạt ăn uống như nào, thấy nhà dơ thì dọn, mọi người sáng trưa chiều tối đều nấu ăn chung với nhau, sống sạch sẽ ngăn nắp. Nhà 460 có đầy đủ máy giặt, máy sấy, máy ép trái cây. Bọn cô thường nấu đồ ăn xế chung, xay sinh tố uống. Cô ở lại để tiếp sức cho Thoa và anh chị em trong nhà Thanh Liên".