Dịch Covid-19 như một “vết sẹo dài” với công nhân và người lao động nghèo ở xóm trọ tại P.14, Q.Gò Vấp (TP.HCM).
|
Khu trọ của lao động nhập cư nghèo trên đường Phạm Văn Chiêu (P.14, Q.Gò Vấp). ẢNH: P.T.N |
Vậy là đã 2 lần họ đành quanh quẩn trong những gác trọ chật hẹp, ảm đạm, nhất là sau khi Q.Gò Vấp thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, để chờ cơn bão Covid-19 sớm qua đi.
Bao la nỗi niềm
Cảm giác như chẳng có gì “quấy rầy” được nhịp sống của những người lao động trong khu trọ trên đường Phạm Văn Chiêu (P.14, Q.Gò Vấp), ngoài tiếng cười đùa của những đứa trẻ từ đầu ngõ đến cuối dãy phòng trọ. Chúng đã đón ngày Quốc tế thiếu nhi 1.6 giữa giãn cách xã hội trong lối hẻm nhỏ. Còn phụ huynh không nghĩ rằng bước ra cửa là... gặp hàng xóm trong khung giờ hành chính này.
9 giờ, chị Nguyễn Hồng Nghi (37 tuổi, công nhân may của một công ty tư nhân, quê Cần Thơ) ngồi bệt trước cửa phòng trọ cắt móng tay. Chiếc điện thoại của chị liên tục phát thông tin về tình hình dịch Covid-19 và các chốt kiểm soát dịch ở Q.Gò Vấp.
Cả gia đình 4 người nhà chị đến TP.HCM mới được hơn 3 năm nay thì có tới 2 năm trải nghiệm giãn cách xã hội. Đợt giãn cách xã hội hồi tháng 4.2020, chị cũng bị tạm ngưng công việc. “Nhưng năm nay đỡ buồn hơn. Năm ngoái chồng tôi và hai đứa con về quê rồi kẹt luôn ở dưới, chỉ có mình ên (một mình) ở trọ trên này”, chị nói.
Con trai của chị Nghi mới thức dậy, từ trên gác dòm xuống rồi giở xem điện thoại. Chị tần ngần: “Chồng tôi làm thợ hồ, hai đứa con phụ quán ăn. Cả 4 người giờ đang thất nghiệp ở nhà. Tôi nghỉ khoảng một tuần trước khi Q.Gò Vấp phong tỏa, nhưng may là công ty ứng trước cho tôi hơn 2 triệu đồng để trang trải mấy ngày tới”.
Hỏi chị Nghi về cuộc sống sinh hoạt, ăn uống lúc này ra sao, chị bảo chị đã mua ít gạo, ít rau củ, mắm muối cho một tuần để hạn chế ra ngoài nên sáng cứ bắc nồi cơm, ai muốn ăn sẽ tự vô bếp lấy. “Chứ mấy nay không có ăn sáng gì. Lúc trước đi làm biết hôm đó mình có thu nhập nên mình có thể ăn sáng. Giờ ở nhà, tiền không có, phải nhịn. Mỗi tháng trước tôi cũng phải gửi tiền về quê, nhưng giờ không biết làm sao đây. Ngày gì đâu dài quá xá”, chị nói.
Cư dân dưới mái trọ này làm đủ loại ngành nghề, từ công nhân đến lao động tự do, và đa số là dân nhập cư từ miền Tây. Cách đó vài căn, chị Huỳnh Thị Thúy (quê tỉnh Bình Định) dáo dác nhìn những đứa trẻ trước nhà, chờ đợi ngày dài qua mau.
Chị Thúy là nhân viên phục vụ quán ăn, ăn lương theo ngày. Ngay trước khi Q.Gò Vấp giãn cách xã hội, chị đã tạm ngưng công việc tại quán sau khi TP.HCM thông báo việc dừng bán tại chỗ để phòng dịch Covid-19.
Vẫn còn dư âm giờ giấc đi làm được “lên dây cót” sẵn, 5 giờ dậy, 18 giờ về, chị Thúy không thể ngủ nướng được như nhiều người. Thành thử, cứ 5 giờ sáng chị mở mắt, ngủ lại không được, thấy rõ mồn một từng giờ trôi qua trong khắc khoải.
“Trước đi làm, quay đi quay lại đã thấy trời tối, nay đợi mãi chẳng hết một ngày, mới hơn một tuần mà cảm giác như mấy tháng”, chị Thúy lắc đầu rồi buồn bã nói: “Dịch giã thế này chắc năm nay tết không về, về tốn kém lắm. Mình làm tháng nào hết tháng đó vì còn gửi tiền về quê cho con gái và hai ông bà”.
15 ngày đếm ngược
Chúng tôi đã đến căn trọ của chị Dương Thị Kim Chi (46 tuổi, quê An Giang) vài lần hồi cuối năm 2020. Lúc đó, chị bị mất việc ở một công ty giày da và sau đó là công việc rửa chén ở một quán ăn vì dịch Covid-19. Chị đã chôn chân trong nhà thời điểm đó và không dám về ăn tết vì không có tiền. Thấy vậy, chủ nhà trọ cho chị mượn bàn máy may và bày chị may gia công tại nhà. Thành thử chị quay về sống tạm với việc may gia công, thu nhập chừng 60.000 - 90.000 đồng/ngày.
Hoạn nạn có nhau Trao đổi qua điện thoại với chúng tôi, nhớ lại thời khắc hẻm 415 Nguyễn Văn Công (P.3, Q.Gò Vấp) bị phong tỏa vì có ca dương tính Covid-19 ngày 26.5, bà L.H.T.C, 53 tuổi, ngụ trên con hẻm này, đã rất hoảng loạn. Nhưng bà cũng nói, nhờ đó, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt. “Trước giờ nhà ai nấy ở, việc ai nấy làm. Còn mấy ngày nay phong tỏa, có việc gì gấp chỉ cần gọi điện là cả xóm giúp ngay. Khi giúp nhau miếng tỏi, miếng gừng, mớ rau..., còn nhà nào khó khăn thì cả xóm sẽ chung tay hỗ trợ. Mấy chị em bên Hội Liên hiệp Phụ nữ P.3 đi chợ, tiếp tế cho chúng tôi dữ lắm. Hoạn nạn có nhau, hy vọng sẽ sớm cùng nhau vượt qua đại dịch”, bà C. chia sẻ. Ông Phạm Chín (59 tuổi, tổ trưởng ở khu phố 5, P.3) đã vận động bà con khu phố quyên góp được 12 triệu đồng để hỗ trợ bà con khó khăn nhất trong khu phong tỏa. “Nhiều người bị cách ly ở hẻm đường Nguyễn Văn Công khó khăn lắm, chúng tôi giúp được gì sẽ giúp. Tôi sẽ gửi thêm khi vận động được thêm nguồn kinh phí”, ông Chín chia sẻ. Song Mai |
Đầu năm 2021, chị Chi có việc ở một công ty may gần nhà. Được mấy tháng thì Q.Gò Vấp giãn cách xã hội, chị tiếp tục mất việc. Lần này khi ghé thăm, để ý thấy số lượng đồ chị lãnh về may gấp hai, gấp ba lần đợt trước. Chị bảo: “Giờ đếm ngược trở lại ngày hết giãn cách, công ty mở lại, mình đi làm lại, sẽ không cần phải tiết kiệm hết mức như hiện nay”.
Cũng trong tâm thế đếm ngược chờ ngày hết giãn cách, quán ăn mở lại, bà Thái Thị Bạn (61 tuổi, quê tỉnh Kiên Giang) đang cố thắt lưng buộc bụng cho qua những ngày giãn cách trong tâm dịch. Từ khi nhà hàng nơi bà phụ việc đóng cửa hôm 25.5 và Q.Gò Vấp vào guồng giãn cách, bà dừng việc, chỉ loay hoay đưa võng trong phòng và trông mấy đứa cháu nhỏ.
Ở quê nghèo, công ăn việc làm không có, rồi hoàn cảnh đẩy đưa, bà Bạn cùng gia đình con gái quyết định đến chốn thị thành tìm kế sinh nhai. Bà bảo: “Mới có mấy năm lên đây mà gặp phải dịch, nhưng đỡ hơn vì ở dưới quê giờ không có nghề nghiệp gì. Mình tự cách ly, không tiếp xúc nhiều người; tôi đi chợ một lần đủ ăn cho 3 - 4 ngày để hạn chế ra ngoài, một phần vì mình... cũng không có nhiều tiền để mua dự trữ. Chỉ mong sao dịch bệnh qua mau. Nhiều gian hàng ở chợ người bán cũng tạm nghỉ để né dịch”.
|
Chị Kim Chi do mất việc, đành quay trở lại với nghề may gia công tại nhà |
Nhớ tiếng... người
Q.Gò Vấp, nơi dân số có gần 677.000 người (số liệu năm 2019 theo Tổng điều tra dân số và nhà ở) vốn ngày thường sầm uất, thế mà trong những ngày giãn cách bỗng trở nên buồn nao lòng. Trong mắt chị Lê Thị Vân (38 tuổi, ngụ P.14), đường phố, quán xá và đến người cũng vắng. Hẻm 91 Phạm Văn Chiêu phong tỏa phòng dịch gần chỗ chị bán tạp hóa, cà phê còn ảm đạm hơn.
Nhìn quanh đâu đâu cũng chỉ toàn thinh lặng, chị Vân chùng lòng sau khi bán vài món hàng mọn cho khách dọc đường: “Ảnh hưởng thu nhập mình không nói rồi, lúc trước tôi bán một ngày 2 - 3 bó mía, giờ một bó bán 2 - 3 ngày. Nhưng điều quan trọng là thiếu tiếng người mình thấy buồn”.
Chị Vân nhớ lại: “Trước đây 6 giờ sáng, công nhân họ bắt đầu đi làm, ra quán tôi ngồi uống nước. Anh em họ bàn chuyện thời sự rôm rả lắm. 7 giờ ai làm việc nấy, người chở hàng, người đi phụ hồ, kéo nhau đi ùn ùn. Bây giờ chỉ bán mang về, lâu lâu có người ra mua ly nước, nói chuyện đôi ba câu rồi thôi, hiu quạnh ghê”.
(còn tiếp)
Theo Phạm Thu Ngân-Bích Ngân-Xuân Khánh (TNO)