Hành trình "Ta ba lô" của Mai Hiệp đem lại những kinh nghiệm quý giá mà không trường lớp nào có thể dạy được.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Luật (Huế) vào năm ngoái, Mai Xuân Hiệp, ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã thực hiện "gap year" trước khi quyết định học lên cao hay bước vào đời. Anh chàng xin phép gia đình "đi đây đi đó một thời gian rồi về", giấu việc đi xuyên Việt để bố mẹ đồng ý. Tận đến khi dừng chân tại Kom Tum và báo tin, kèm trấn an bằng lời hứa: "Con lớn rồi, tự lo được" thì bố mẹ đành "lắc đầu" chấp chận, chỉ dặn đi đứng cẩn thận. Một phần vì bố Hiệp đi xuất khẩu lao động từ lâu, lại là con cả nên anh chàng có tính tự lập cao, bố mẹ không phải lo nhiều. Đi đến đâu, anh gọi điện thông báo với ba mẹ đến đó để họ yên tâm. Trong một năm này, Hiệp đã độc hành rong ruổi khắp Việt Nam với hành trình:
Phía Nam (từ ngày 1/7 đến tháng 10 năm 2017): Hà Tĩnh - Huế - Đà Nẵng - Tam Mỹ Tây - Thị trấn Thạnh Mỹ (Quảng Nam) - Kon Tum - Gia Lai - Đắk Lắk - Đà Lạt - Đồng Nai - Bình Dương - TP HCM - miền Tây - Cà Mau (ngược về TP HCM) - Vũng Tàu - Bình Thuận - Ninh Thuận - Khánh Hòa - Phú Yên - dọc theo bờ biển về Huế - Quảng Trị - Lao Bảo - Quảng Bình - Hà Tĩnh.
Phía Bắc (từ 3/2 đến 2/5 năm 2018): Hà Nam - Hải Phòng - Cô Tô - Móng Cái - Lạng Sơn - Cao Bằng - Hà Giang - Bắc Giang - Lào Cai - Sapa - Fansipang - Phú Thọ - Hà Nội - Nghệ An - Hà Tĩnh. Sau đó là chuỗi ngày lang thang các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh.
Chia sẻ với Ngoisao.net, vì sinh ra và lớn lên ở làng quê nghèo nên đi du lịch là điều khá xa xỉ với bạn đồng trang lứa của anh chàng. Phần lớn họ đều không dám đi xa, sợ gặp nguy hiểm ở vùng đất mới hay đơn giản chỉ vì không đủ tài chính. Do đó rất khó để tìm bạn đồng hành. Cuối cùng, Hiệp quyết định lên đường một mình vào một ngày tháng 7. Đây cũng là cơ hội để chàng trai 9x tận hưởng sự tự do, phiêu lưu và hiểu bản thân hơn.
Với Hiệp, lợi ích khi đi du lịch một mình là bạn không phải phụ thuộc vào bất kỳ ai, thích đi đâu thì đi, không phải chờ đợi hay chiều theo ý người khác. Chuyến đi có những lúc rất ngẫu hứng, hôm nay thích thì ra biển, ngày mai vui thì đổi lịch trình lên núi nên nhiều thứ mà có thể bạn chỉ trải nghiệm một lần trong đời. Gặp nhiều bạn mới, kết bạn với người địa phương và có cái nhìn thật rõ về vùng đất mà mình mới tới là điều quý giá mà anh chàng không thể nào quên.
Trước khi đi, Hiệp đến tiệm xe gần nhà học sửa xe máy trong 2 tuần. Suốt hành trình đi xe máy về phía Nam, anh chàng có thể tự vá lốp xe trên đoạn đường vắng. Nhưng cũng có lúc phải dắt bộ gần chục cây số vì nổ cả xăm lẫn lốp xe do trời nắng gắt khiến cậu chàng dở khóc dở cười. Đáng nhớ nhất chính là những lần cắm trại ngủ một mình giữa rừng, biển. Ngược lại, chàng trai sinh năm 95 lại chọn đi theo kiểu "Ta ba lô" khi phượt về phía Bắc, không dùng xe máy mà đi bộ và xin đi nhờ xe. Tuy nhiên, không phải lúc nào Hiệp cũng nhận được sự giúp đỡ. Có người ngần ngại, nghi ngờ, thậm chí nói anh chàng "điên rồ".
Khó khăn nhất trong hành trình là làm thế nào trang trải chi phí cho chuyến đi, cũng là điều dạy cho Hiệp nhiều bài học đáng giá. Để giải quyết vấn đề này, anh chàng chọn cách vừa đi vừa làm.
Chia sẻ kinh nghiệm, Hiệp cho biết, đa số người dân ở quê đều cần người làm việc gắn bó, người quen đủ tin tưởng. Còn bản thân mình là người lạ, lại phải xê dịch nên khi xin ở và làm việc cũng gặp nhiều trở ngại. Hiệp đã làm đủ việc, từ chạy bàn trong quán cà phê, làm rẫy cao su, cà phê với người dân Tây Nguyên, bốc vác hàng, dạy kèm, phục vụ quán nhậu, đi biển cùng ngư dân hay hướng dẫn viên du lịch tạm thời...
Một trong những điều mấu chốt để xin được việc là bạn phải tạo sự tin tưởng, thiện cảm ngay lần gặp đầu tiên. Ở nhiều nơi, Hiệp trình bày hoàn cảnh, chỉ xin được làm việc, ăn và chỗ trú qua một vài đêm. Dù chỉ làm trong thời gian ngắn nhưng phải nhiệt tình, chăm chỉ thì mới giữ được chữ tín. Bên cạnh đó, có những gia đình không chỉ giúp đỡ mà còn nhiệt tình đưa anh chàng đi đây đi đó, đặc biệt là tính hiếu khách của người dân ở Tây Nguyên và ven biển Phan Thiết - Bình Định khiến chàng trai lưu luyến mãi không thôi.
Lần leo Fansipang thông qua một công ty tour, với mức giá 1,2 triệu đồng/người khiến Hiệp chùn bước do khoảng tiền không nhỏ. Vì thế, anh chàng ra sức thuyết phục công ty để xin một chân trợ lý, khuân vác đồ cho du khách và hỗ trợ người dẫn đường. Với lợi thế khá tốt về tiếng Anh, Hiệp nhận được cái gật đầu của họ. Nhờ vậy mà leo Fansipang cùng những người bạn nước ngoài vừa không tốn tiền, vừa được làm việc và quen nhiều bạn mới. Sau khi chinh phục nóc nhà Đông Dương, dù không được nhận giấy chứng nhận nhưng chàng trai luôn lạc quan cảm thấy điều đó không quan trọng bằng quá trình và nỗ lực mình bỏ ra.
Chàng trai Hà Tĩnh kể, Cha Hạnh ở Nhà thờ chánh tòa Lạng Sơn là người đã cho cậu những lời khuyên quý báu. Tuy Cha đã già, ít đi đây đi đó nhưng khi gặp Hiệp, cho ở nhờ và chia sẻ với anh chàng rằng: đi nhiều là tốt, nhưng đừng đi chỉ để đặt chân đến, chỉ để thõa mãn hay đi cho sướng, để khoe với thiên hạ. Mà nên tận dụng cơ hội đó để học hỏi văn hóa, đặc trưng riêng của vùng miền, thiên nhiên, con người, cách sống của họ... từ đó có cái nhìn rộng mở, học hỏi để có thể giúp quê mình, yêu quý cuộc sống hơn. Hà Giang là nơi khiến anh chàng yêu mến nhất. Không chỉ ở cảnh núi non hùng vĩ ở cao nguyên Đồng Văn, đèo Mã Pí Lèng... mà khi ở lại đây, tiếp xúc với người dân và cảm thấy rất yêu mến họ. Điều kiện càng khắc nghiệt thì người ta càng kiên cường.
Những trải nghiệm đó khiến anh chàng hiểu về bản thân của mình hơn, nhận ra mình có thể vượt qua mọi tình huống dù là khó khăn nhất. Trên chặng đường, có những khoảng lặng để anh chàng tự đối thoại với chính mình, nhìn lại bản thân và biết mình cần gì.
Hành trình dài suốt một năm đã cho chàng trai trẻ những trải nghiệm mà không trường lớp nào giảng dạy. Nhắn với độc giả Ngoisao.net: Trường đời cũng là trường học, đi cũng là một cách học, nếu đủ khát khao thì đừng sợ, hãy xách ba lô lên và đi để chào đón những bất ngờ thú vị của cuộc sống, nhưng cũng đừng ảo tưởng quá. Hiện tại, Hiệp vẫn tiếp tục với khao khát ngao du khắp nơi của mình. Anh chàng đang chuẩn bị học lên Cao học ngành Luật và trao dồi thêm vốn tiếng Anh để tiến đến những nơi xa hơn mà mục tiêu gần nhất là các nước Đông Nam Á.
Vi Yến (ngoisao)
Ảnh : NVCC