Thành lệ rồi, cứ độ ra tết, người Thái ở huyện biên giới Ea Súp (Đắk Lắk) lại cùng nhau chuẩn bị lùa đàn trâu, bò hàng ngàn con qua vùng rừng biên giới ở xã Ia Mơ, H.Chư Prông (Gia Lai) chăn thả đến vài tháng.
Ngày khởi công đại thủy nông Cửa Đạt (với dung tích hồ chứa khoảng 1,45 tỉ m3 nước thành hình, cách TP.Thanh Hóa khoảng 60 km về phía tây) thì cũng là thời điểm cộng đồng người Thái ở xã Xuân Khao, H.Thường Xuân (Thanh Hóa) vào tái định cư ở xã Ia Lốp, H.Ea Sup (Đắk Lắk) theo diện kinh tế mới. Mới đó, mà đã gần 20 năm!
Mùa đã vãn, nhiều người dân tranh thủ chăn trâu ở trên đồng trước khi vào mùa khô |
Nhớ vùng quê cơm nắm, tắm tiên
Ngày trước, người Thái theo thói quen thường định cư, lập bản, mường của mình gần các sông suối để tiện cho mưu sinh và sinh hoạt hằng ngày. Chỉ nắm cơm, con dao đeo hông và chiếc gùi. Vậy là đủ để những bước chân thoăn thoắt vượt đồi núi lên nương.
Bà Vi Thị Tưởng (58 tuổi) hoài niệm: “Nhớ quê ngày trước chứ, sao quên được! Nhớ buổi chiều về, đàn ông thì lùa đàn trâu xuống sông. Đám phụ nữ của mình thì lựa chỗ kín để tắm trước khi về nhà. Tắm tiên thôi vì vắng người. Với lại thói quen rồi. Đàn ông biết chỗ phụ nữ hay tắm cũng lánh đi, tránh tới đó. Không là bị phạt chứ đùa. Nhưng nhớ nhất là những cái tết ở quê, vui lắm! Trời lạnh, mưa phùn đi chơi cũng thích. Trong này, tết trời cứ nắng chang chang”.
Theo lời kể của bà Tưởng, tết của người Thái ở Xuân Khao thật thú vị. Ngoài những trò vui ngày tết cho đủ mọi lứa tuổi, đối tượng thì những món ăn là không thể thiếu để làm nên phong vị ngày xuân. Đó là món cá suối nướng, món móc (món truyền thống của người Thái) gồm cá, thịt, cây chuối, hạt mắc khén cùng nhiều loại gia vị truyền thống.
Đặc biệt, món không thể thiếu trong dịp này là cơm nắm, đồ xôi, bánh chưng, bánh ịt - thứ bánh được làm từ bột gạo nếp trộn với mật mía. Họ làm nhiều hơn ngày bình thường, vừa chia sẻ với mọi người cũng là dịp thể hiện khả năng nấu nướng của con gái trong nhà. Ngoài ra, đấy cũng là ước mong về một năm mới bình an, làm ăn dư dả.
Năm 2004, cư dân xã Xuân Khao chuyển vào xã Ia Lốp sinh sống. Trong hành trình đó, hoài niệm quê hương còn hằn in. Họ lấy nguyên tên các thôn ở quê đặt tên cho các thôn ở vùng đất mới. Đó là thôn Nàng, thôn Lầu, thôn Chiềng, thôn Đóng, thôn Đừng và thôn Nhạp. Ở quê, người ta gọi các thôn vậy là chòm.
Chị Lầu Thị Ất cùng bạn chăn đàn trâu cả trăm con |
Theo trâu vượt rừng
Trong hành trình đến vùng đất mới ấy, người Thái vẫn giữ thói quen nuôi trâu. Nhà ít thì 1 - 2 con, nhiều đến vài chục con. Ăn tết xong, những hộ có trâu nhiều lại chuẩn bị đồ đạc, phương tiện vượt suối Ia Lốp sang những khu rừng khộp của xã Ia Mơ, H.Chư Prông (Gia Lai) thả trâu. Những hộ có trâu ít thì gửi theo. Họ dựng lán, theo đàn gia súc trong rừng cả ngày. Chả là thời điểm này, khu vực chăn thả thuộc địa phận xã Ia Lốp phần bị thu hẹp bởi ruộng lúa vào vụ cấy, phần thời tiết khô hạn, thức ăn không có cho đàn trâu, bò cả hàng ngàn con.
Người và gia súc ở vài tháng như vậy mới trở về. Lúc đó đàn trâu, bò đã béo mẫm. Thương lái thời điểm này cũng kéo đến xem, mua trâu, bò.
Chị Lầu Thị Ất (ở thôn Lầu, xã Ia lốp) kể: “Nhà mình chỉ có gần chục con trâu, nhưng mình chăn hộ cho người khác thêm 20 con nữa. Cứ sáng sớm lùa đi, đến nhọ mặt người thì lùa trâu về. Trâu ở đây chỉ ăn cỏ chứ không cho ăn thức ăn công nghiệp, nên thương lái thích mua vì thịt ngon. Trâu đực lớn thì bán được tầm trên dưới 40 triệu đồng/con. Trâu cái thì thấp hơn độ chục triệu đồng/con. Còn trâu nhỏ cũng bán được giá lắm, khoảng 15 - 20 triệu đồng/con. Bò cũng rất được giá”.
Cứ mỗi lán trại có 5 - 7 người. Mỗi mùa chăn thả, cả trăm lán trại như thế được dựng lên ở các khu rừng khộp hay dọc theo bờ suối Ia Lốp. Cả một vùng rộng lớn chiều chiều vang vọng tiếng trâu, tiếng người í ới gọi nhau lùa trâu ra suối tắm.
Ông Đoàn Minh Thuận, Chủ tịch UBND xã Ia Lốp, cho biết: “Người Thái ở xã Ia Lốp có 716 hộ với gần 2.800 khẩu, chiếm 43% dân số của xã. Họ nuôi rất nhiều trâu. Đàn trâu của xã hơn 1.200 con thì đa phần của người Thái. Họ cũng nuôi nhiều bò lắm, đến hơn 5.000 con. Ở đây trâu bò cũng chỉ nuôi để lấy thịt chớ không cày bừa gì cả như ngoài quê của họ”.
Nhiều người dân theo thói quen của người Thái vẫn nuôi trâu khi định cư ở Tây nguyên. Ảnh: Trần Hiếu |
Mưu sinh nơi đất mới
Cuộc mưu sinh ở đâu có lẽ cũng không hề đơn giản. Đằng này, người Thái ở xã Ia Lốp lại dắt díu nhau cả người già, con thơ đến vùng đất mới. Khí hậu vùng biên giới khắc nghiệt, thiếu nước mùa khô hạn khiến đất đai trơ khốc khó canh tác khiến cuộc sống của họ thêm phần khó khăn. Một số người già ở đây kể rằng vào mùa khô, có khi trời nóng quá, họ phải đổ nước ra nền nhà rồi nằm mới có thể ngủ được.
Không còn những căn nhà với mái nhà xòe ra rộng rãi, có mái hiên dài ra để nông cụ cùng các đồ dùng thiết yếu cho sinh hoạt, quần tụ quanh những quả đồi để thành chòm đặc trưng của người Thái nơi quê cũ nữa. Thay vào đó là những căn nhà xây ngăn nắp dọc hai bên đường bê tông rộng không quá một trăm mét vuông với một phòng khách, hai phòng ngủ.
May chăng nếp cũ lưu dấu văn hóa Thái là căn bếp được bà con dùng gỗ tạp cơi nới. Ở đó, những bộ thổ cẩm truyền thống được xếp ngay ngắn, chỉ lấy ra dùng trong dịp lễ trọng. Là những cái kiềng truyền thống với nồi cơm, siêu nước. Trên cái gác bếp ám đầy bồ hóng là những vật dụng đánh bắt cá truyền thống như cái toi, cái hom. “Những thứ này, lúc không dùng đến thì cho lên gác bếp, nhờ khói bếp xông lên cho nó thêm bền, thêm đẹp. Ở đây nhiều nhà còn lắm. Có nhà còn giữ được chiêng để chơi trong các dịp lễ”, ông Lang Văn Từm (57 tuổi) tự hào.
Cuộc sống của người Thái nơi đất mới đã có nhiều đổi thay với những cụm dân cư trù phú. Công trình thủy lợi Ia Mơ đưa nước từ phía H.Chư Prông (Gia Lai) sang tận H.Ea Sup (Đắk Lắk) với thiết kế tưới cho khoảng 4.000 ha đang được kỳ vọng giúp cho người dân vùng biên giới ở xã Ia Lốp thêm đất canh tác, tăng vụ.
Ông Ngô Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND H.Ea Sup, người từng giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã Ia Lốp trong 4 năm liền, cho biết: “Sự đổi thay ở đây quả là điều quá mừng. Có một chuyện mình chẳng thể nào quên được. Đấy là vào dịp tết, có bà cụ gần 80 tuổi đi bộ hơn 2 km lên trụ sở xã nhận quà. Mình thấy cảnh ấy ái ngại, bảo cụ nhận quà xong để mình nói anh em chở về. Bà từ chối và bảo mình còn phải đi nhặt phân trâu bò bán kiếm tiền. Họ chắt chiu, chịu khó từ trong tính cách vậy!”.
Ký ức cơm nắm - tắm tiên Cơm nắm - tắm tiên thì với Vy Thị Thường, Vy Thị Hà và bao cô gái Thái khác ở xã Ia H’lốp, giờ chỉ còn là… ký ức. Với Vy Thị Thường, nói “cô gái” là nói về mười tám năm trước. Hồi đó, Thường còn là cô gái vừa tròn tuổi hai mươi. “Lúc mới vào đây, cái gì cũng lạ, nên mọi người ai cũng cảm thấy bỡ ngỡ”, Thường nói và kể lại cái “lạ” trước tiên là khí hậu, rồi đến tập tục canh tác, rồi đời sống văn hóa - tinh thần… “Vào đây chủ yếu là làm ruộng nước, trồng lúa, trồng sắn, trồng mía… đất đai bằng phẳng nên đi làm đồng toàn bằng xe máy, không được đeo gùi để lội suối trèo đồi lên nương như ở quê”, Thường kể. “Đi làm bằng xe máy thì nhanh và khỏe hơn chứ?”, tôi “giả vờ” thắc mắc, Thường nói: “Ừ thì nhanh và khỏe hơn, nhưng không vui hơn. Đi bộ còn được trò chuyện, được cùng nhau hát, lại còn được… tán tỉnh nhau, rồi thì được ăn cơm nắm, chiều về xuống suối tắm tiên nữa!”. |
Theo Trần Hiếu (TNO)