Chăm lo để gắn kết người lao động với doanh nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Nguồn nhân lực được xem là một trong những nền tảng vững chắc giúp doanh nghiệp ngày càng phát triển. Do vậy, nhiều doanh nghiệp rất quan tâm chăm lo đời sống người lao động, giúp họ yên tâm gắn bó với đơn vị.
Anh Nguyễn Anh Hiệp (làng Brel, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) chia sẻ: “Năm 2012, sau khi học nghề ở TP. Hồ Chí Minh về, tôi được nhận vào làm việc tại Công ty cổ phần In-Đầu tư Phát triển Giáo dục Gia Lai. Do hoàn cảnh khó khăn, gia đình tôi phải ở nhà trọ. Nhiều năm gom góp, tôi mua được mảnh đất nhỏ ở xã Ia Dêr, nhưng chưa dám nghĩ tới việc làm nhà vì không có tiền. Năm ngoái, khi biết mình là người đầu tiên được Công ty chọn để triển khai chính sách “An sinh xã hội nội bộ”, tôi hạnh phúc lắm! Ngày đầu tiên ở trong căn nhà mới rộng 80 m2 do Công ty hỗ trợ 100 triệu đồng xây dựng, vợ chồng tôi không ngủ được. Tôi thực sự rất biết ơn lãnh đạo Công ty đã quan tâm đến hoàn cảnh của mình”.
Công ty cổ phần In-Đầu tư Phát triển Giáo dục Gia Lai tặng nhà an sinh xã hội nội bộ cho anh Nguyễn Anh Hiệp (làng Brel, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai). Ảnh: K.L
Công ty cổ phần In-Đầu tư Phát triển Giáo dục Gia Lai tặng nhà an sinh xã hội nội bộ cho anh Nguyễn Anh Hiệp (làng Brel, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai). Ảnh: K.L
Nhận thấy nhiều lao động còn khó khăn về nhà ở, một số người đang ở nhà tạm, số khác vẫn đang sống nhờ nhà cha mẹ, người thân hoặc nhà thuê, Hội đồng Quản trị, Ban Giám đốc Công ty cổ phần In-Đầu tư Phát triển Giáo dục Gia Lai đã quyết định xây dựng quy chế về thực hiện công tác “An sinh xã hội nội bộ”. Bà Huỳnh Thị Ngọc Lan-Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty-cho biết: “Những năm trước, Công ty tham gia công tác an sinh xã hội ở bên ngoài, đóng góp tiền để hỗ trợ xây dựng nhà ở cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Song khi nhìn lại, thấy trong đơn vị có không ít người lao động gặp khó khăn tương tự, chúng tôi suy nghĩ: Tại sao mình không giúp? Vì vậy, năm 2019, Công ty bắt đầu trích kinh phí từ quỹ phúc lợi, giảm bớt lợi nhuận để thực hiện công tác an sinh xã hội nội bộ. Với kinh phí trung bình mỗi năm là 100 triệu đồng, Công ty tiến hành xây tặng 1 căn nhà cho một người lao động trong đơn vị chưa có nhà ở. Ngoài ra, Công ty còn sửa chữa nhà cho những lao động có nhà tạm, nhà bị xuống cấp, tạo điều kiện để người lao động ai cũng được ổn định về chỗ ở, từ đó yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với Công ty”.
Công ty Điện lực Gia Lai cũng là đơn vị rất quan tâm tới đời sống cán bộ, công nhân với nhiều hoạt động ý nghĩa. Chính nhờ sự quan tâm sâu sát đó mà gia đình anh Lê Trọng Mong-công nhân quản lý vận hành đường dây của Điện lực Đức Cơ mới có được căn nhà đàng hoàng để ở. Căn nhà có tổng kinh phí xây dựng là 109 triệu đồng, trong đó, 60 triệu đồng được trích từ Quỹ tương trợ xã hội của Công ty, số tiền còn lại do gia đình góp thêm. Anh Mong bày tỏ: “12 năm làm trong ngành Điện, trải qua nhiều khó khăn, vất vả nhưng khi được ngành quan tâm hỗ trợ xây nhà, tôi rất vui”.
Công đoàn Công ty Điện lực Gia Lai thăm và tặng quà cho cán bộ Điện lực Phú Thiện trong dịch Covid-19. Ảnh: K.L
Công đoàn Công ty Điện lực Gia Lai thăm và tặng quà cho cán bộ Điện lực Phú Thiện trong dịch Covid-19. Ảnh: K.L
Không chỉ nỗ lực giúp người lao động “an cư lạc nghiệp”, Công ty Điện lực Gia Lai còn thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách như ký kết hợp đồng lao động, khám sức khỏe định kỳ, chế độ nghỉ dưỡng và phục hồi chức năng cho người lao động. Hàng năm, Công ty thực hiện đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động với tổng số tiền hơn 15 tỷ đồng. Công ty còn trích từ quỹ phúc lợi để mua bảo hiểm thân thể hàng năm cho người lao động. Ngoài ra, Công ty thực hiện quy chế đãi ngộ đối với người lao động nghỉ trước tuổi, đã có 11 trường hợp được giải quyết với tổng số tiền trên 1,6 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Tiến Dũng-Chủ tịch Công đoàn Công ty Điện lực Gia Lai-cho biết: Công ty thường xuyên tổ chức đối thoại định kỳ hàng quý với người lao động, tập trung vào các nội dung như chế độ, tiền lương, đào tạo, bố trí việc làm, điều kiện làm việc, trang-thiết bị làm việc, trang bị bảo hộ lao động và phối hợp trong giải quyết công việc… “Tất cả ý kiến, kiến nghị đều được Giám đốc Công ty và các phòng nghiệp vụ liên quan tiếp thu, trả lời đầy đủ, rõ ràng, kịp thời trên tinh thần dân chủ, công khai, thẳng thắn và cởi mở. Nhờ vậy, đã tạo sự đoàn kết, thống nhất giữa Công ty và người lao động. Trên cơ sở đó, người lao động đã nỗ lực góp phần cùng Công ty hoàn thành tốt kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm”-ông Dũng khẳng định.
KIM LINH 

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai đạt 141 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý III năm nay, thấp hơn cùng kỳ 12%; lỗ ròng 182 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 199 tỷ đồng. Như vậy, quý III năm nay là quý thua lỗ thứ 14 liên tiếp của doanh nghiệp này.

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Tổng Công ty CP Bia rượu Nước Giải Khát Sài Gòn sẽ chi hơn 830 tỷ đồng để mua công khai hơn 37,8 triệu cổ phiếu SBB của Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn - Bình Tây và chi hơn 100 tỷ đồng để mua hơn 2 triệu cổ phiếu WSB của Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Tây.