“Cây thần kỳ” bên nếp nhà cổ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Hơn 20 năm trước, ông Nguyễn Tấn Lợi (số 1806 Quang Trung, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) tình cờ biết đến loài cây có cái tên lạ là “cây thần kỳ” nên mang về trồng trong sân ngôi nhà có lịch sử trăm năm tuổi. Quả của loài cây này có khả năng làm thay đổi vị giác của con người. Cây lạ cũng trở thành nguồn cơn cho những cuộc gặp gỡ giữa bao người ở làng trên xóm dưới.

Cây thần kỳ (hay còn gọi là cây đổi vị, có tên khoa học là synsepalum dulcificum) là giống thân gỗ nhỏ, chỉ cao ngang đầu người lớn nhưng cành lá sum suê, xanh rợp cả một khoảng sân. Hái những quả thần kỳ chín đỏ, nhỏ như đầu ngón tay, ông Nguyễn Tấn Lợi đưa tôi ăn thử.

Quả có vị ngọt thanh, mọng nước, bên trong có hạt to màu đen. Sau đó, chủ nhà đưa thêm nửa quả chanh để thử vị giác sau khi ăn quả thần kỳ. Quả nhiên, chanh không còn vị chua mà trở nên ngọt lịm. Tôi quay lại bàn trà dưới hiên nhà, uống nốt ly trà đậm thì có cảm giác như uống 1 ly trà có đường.

Người dân An Khê đến nhà ông Nguyễn Tấn Lợi xin quả thần kỳ. Ảnh: M.C

Người dân An Khê đến nhà ông Nguyễn Tấn Lợi xin quả thần kỳ. Ảnh: M.C

Ông Lợi cho biết, hơn 20 năm trước, ông tình cờ nghe mọi người nói đến loại cây có tác dụng đổi vị giác, ông tò mò mang giống cây về trồng trước sân. Chỉ hơn 1 năm sau, cây đã lên xanh tốt, cho quả chín đỏ mọng từng chùm dưới nách lá. Chính chất magiculin có trong quả chín là tác nhân thay đổi vị giác sau khi ăn, làm thay đổi độ nhạy cảm với axit và khiến thực phẩm dù có vị chua, cay, đắng, chát… đều có vị ngọt.

“Chất này không ổn định ở nhiệt độ cao. Do đó, muốn “giải” hiệu ứng làm ngọt này, chỉ cần ngậm hoặc uống vài ngụm nước ấm là vị giác sẽ trở lại bình thường”-ông Lợi cho hay.

Chủ nhà kể thêm, chính tác dụng kỳ lạ của quả thần kỳ mà nhiều năm qua, gia đình ông tiếp đón không biết bao nhiêu vị khách đến xin quả với nhiều mục đích khác nhau. “Quả này hiệu nghiệm nhất là dụ trẻ con uống thuốc đắng. Chỉ cần ăn vài quả chín thì thuốc đắng mấy cũng thành ngọt. Vì vậy mà nhiều em bé không còn sợ uống thuốc nữa”-ông Lợi kể.

Ngoài ra, tác dụng làm ngọt vị giác cũng giúp những người béo phì, người bị tiểu đường có thể kiêng đồ ngọt thông qua vị “ngọt giả” khi ăn quả thần kỳ. Một số trang web về thuốc và sức khỏe còn nêu một số tác dụng của quả thần kỳ như một loại dược liệu hỗ trợ giảm cân hay các bệnh nhân ung thư sử dụng để cải thiện vị giác do ảnh hưởng của việc hóa trị.

"Vạn xuân trang"-ngôi nhà có mùa xuân vĩnh cửu của dòng họ Nguyễn trên vùng đất An Khê. Ảnh: M.C

"Vạn xuân trang"-ngôi nhà có mùa xuân vĩnh cửu của dòng họ Nguyễn trên vùng đất An Khê. Ảnh: M.C

Được xem là một loại dược liệu nhưng ông Lợi lại chủ yếu trồng để làm “duyên” cho không gian sống của gia đình. Ông Lợi cho biết, ngôi nhà ngay sát quốc lộ này chính là di sản của dòng họ Nguyễn, do ông nội Nguyễn Ngân để lại. Đến đời cha ông là Nguyễn Quốc Bửu thừa tự và ông là hậu duệ đời thứ 3. Ngôi nhà hiện đã xuống cấp sau trăm năm mưa nắng nhưng vẫn được gia đình chăm chút để giữ hồn Việt cho nếp nhà cổ. Bao biến động hàng thế kỷ qua đã khiến không gian nhà thu nhỏ chỉ còn diện tích khá khiêm tốn. Phía trên cửa vào nhà để ba chữ vạn xuân trang, nghĩa là “ngôi nhà có mùa xuân vĩnh cửu”.

Để giữ “mùa xuân vĩnh cửu” cho nếp nhà Việt, chủ nhà cũng chọn các loại cây vừa vặn với khoảng sân nhỏ xinh và cây thần kỳ là một sự lựa chọn phù hợp. Theo ông Lợi, cây thần kỳ nở từng chùm hoa trắng muốt trên đầu cành và có quả hầu như quanh năm. Cùng với nhiều loại cây cảnh, bonsai, nếp nhà cổ nhờ vậy càng bình yên, dung dị. Sáng sáng, bày bàn trà đơn sơ ngồi dưới mái hiên ngôi nhà lợp ngói vảy cá gánh cả thời gian trăm năm, ngắm khoảng sân nhỏ với đủ loại cây cối xanh tươi, ông thấy thời gian như chậm lại.

Thỉnh thoảng có người đến xin quả thần kỳ, chủ và khách lại có dịp mời nhau chén trà, trò chuyện, hỏi han bao điều từ làng trên xóm dưới. Bao sự hữu duyên, bao câu chuyện đời cũng được san sẻ từ dưới mái hiên nhà, trong đó có cầu nối là cây đổi vị này. Cũng từ đó, ông Lợi đùa rằng, cây thần kỳ đã giúp cho những người xa lạ cũng hóa gần nhau.

Có thể bạn quan tâm

Pleiku: Quy hoạch đô thị để định hình bản sắc và phát triển bền vững

Pleiku: Quy hoạch đô thị để định hình bản sắc và phát triển bền vững

(GLO)- Khai thác thế mạnh về điều kiện tự nhiên, cảnh quan môi trường để xây dựng đô thị có bản sắc riêng gắn với phát triển du lịch, dịch vụ và các giá trị văn hóa bản địa là mục tiêu mà TP. Pleiku đang tập trung hướng tới thông qua các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.
Khẳng định thế và lực

Khẳng định thế và lực

Số liệu vừa được Cục Thống kê TP HCM công bố cho thấy bức tranh kinh tế-xã hội 8 tháng đầu năm 2024 của thành phố tiếp tục phục hồi-bao gồm sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, kim ngạch xuất nhập khẩu, giải ngân đầu tư công...
Cứu sông Ba chờ đến bao giờ?

Cứu sông Ba chờ đến bao giờ?

Hơn 1 triệu người dân các tỉnh Gia Lai, Phú Yên ngày đêm bức xúc, mong ngóng các bộ, ngành khắc phục "sai lầm thế kỷ" khi quy hoạch thủy điện An Khê - Ka Nak, trả lại nước cho sông Ba.
Chở đất lên núi

Chở đất lên núi

Sống trên núi, nhưng lại không có đất để san lấp các công trình, dự án, chủ đầu tư phải xuống các huyện miền xuôi mua đất với quãng đường vận chuyển hàng trăm ki lô mét. Nghịch lý này đang diễn ra ở các huyện miền núi Nghệ An.