Cây mít góc sân

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Ở các vùng nông thôn Việt Nam, mít là loài cây quen thuộc, mỗi vườn nhà đều trồng một vài cây để lấy quả và bóng mát. Thời đói kém, từ quả mít, những người phụ nữ trong gia đình đã chế biến thành nhiều món ăn dân dã mà ngon miệng. Gia đình tôi cũng nằm trong số đó.
Khi tôi lên 10 tuổi đã thấy 2 cây mít do ba tôi tự tay trồng xòe tán phủ bóng một góc sân, trái lủng lẳng. Ngoài những múi mít chín ngọt ngào, tôi còn được biết đến nhiều món ăn từ mít non. Còn nhớ, vào những năm 60 của thế kỷ trước, nhằm năm mất mùa, má tôi thường làm món mít non luộc chấm nước mắm, dưa mít non muối chua và mít trộn để luân phiên đổi vị, ăn cho đỡ ngán.   
Đầu tiên, má tôi chọn hái những trái mít non lớn chừng bắp vế, sau đó dùng dao vạt bỏ lớp vỏ gai bên ngoài, chẻ miếng bằng bàn tay, gọt bỏ phần lõi rồi cho vào nồi với ít muối bắc lên bếp luộc. Trong lúc chờ mít chín, má giao cho chúng tôi bóc vỏ đậu phộng và đi hái rau thơm. Mít chín, má tôi đưa lên thớt xắt mỏng, chảo dầu phộng cũng được bắc lên bếp. Dầu tới, mùi hành phi tỏa ra quanh bếp thơm nức mũi. Các gia vị hành, tiêu, tỏi chanh đường để sẵn. Má trộn hỗn hợp các thứ với mít đảo đều, cuối cùng là rải rau thơm và đậu phộng giã nhỏ lên trên.
Mâm cơm được dọn ra. Nói là mâm cơm nhưng thực ra chỉ có thau mít non chế biến các món là chính. Chúng tôi bẻ một miếng bánh tráng mì nướng, xúc mít trộn đưa vào miệng, mùi thơm của gia vị và mùi mít non quyện lại thành một món ăn đặc trưng khó quên. Nhưng hôm sau và hôm sau nữa, khi món mít non nộm này lặp đi lặp lại, đứa em kề của tôi cứ ngồi bên chén mít thút thít không chịu ăn. Ba thở dài nhìn em rồi nói: “Thương con đứt ruột!”.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Trong mâm còn có món mà ba tôi thường nói giễu là thịt heo xắt phay. Đó là món mít non luộc qua rồi xắt mỏng bày ra đĩa, khi ăn chấm với nước mắm ớt tỏi hoặc mắm nêm. Kèm theo đó là tô canh mít chỉ có nước và mít với chút gia vị, thêm ít lá lốt. Dù ngán lắm nhưng vì sợ ba má buồn, anh em chúng tôi cũng cố ăn hết “mâm cơm mít luộc” để cái bụng được no mà lấy sức học hành.
Thương con, má tôi nghĩ ra cách chế biến khác hấp dẫn hơn, cũng với… mít. Lần này, má chọn một quả mít gần già, đã có múi to. Sau khi hái xuống, má chẻ từng miếng, bóc múi rồi dùng dao rạch lấy hạt. Hạt được bỏ vào nồi luộc chín, đổ ra là đến phiên anh em chúng tôi bóc vỏ. Tiếp đó, má giã nhỏ hạt mít, trộn gia vị dầu hành, tiêu làm nhân. Múi mít vừa bóc hạt được dồi nhân đã chế biến, dùng cọng hành lá cột lại và đưa lên nồi hấp. Trong lúc chờ mít chín, má nói: “Món này là món kỳ công, nó như một món bánh mặn nếu có thêm thịt ba chỉ xắt nhỏ trộn vào. Nhưng ngặt nỗi bây giờ cơm gạo còn thiếu, nói chi đến thịt. Đành chịu vậy!”.
Nồi mít hấp mới mở vung đã xông lên mùi thơm ngào ngạt. Những múi mít lúc này trông như chiếc bánh sủi cảo ngả màu vàng nhạt thật hấp dẫn. Múi mít hấp ngòn ngọt với nhân bánh tỏa ra mùi gia vị thơm lựng quả là một thức ngon khó tả. Chúng tôi nhai chậm rãi để thưởng thức hương vị đặc trưng ấy.
Những ngày đi làm đồng, má thường dậy thật sớm làm món mít trộn, nướng một chiếc bánh tráng mì, nhúng thêm một bánh nữa, sắp mít trộn và bánh tráng nướng vào, nêm nước chấm, cuộn thành cuốn bánh bằng bắp tay rồi gói lá chuối bỏ vào xách để làm bữa ăn trưa. Chúng tôi ngủ dậy, chuẩn bị đi học cũng vội vàng húp tô canh mít và ăn đĩa mít trộn với tô cơm nguội má để dành.
Sau này, nhằm vào dịp giỗ chạp, thi thoảng má cũng làm các món từ mít như: mít non kho tộ, mít non xào bún, cá kho mít non. Nhưng món thường xuyên trong nhà vẫn là dưa mít non muối chua. Đó là những món từ mít mà má tôi đã khéo léo chế biến nên.
Giờ đây, thảng hoặc nơi quán xá tôi cũng gặp món mít trộn, canh mít hoặc những món khác chế biến từ trái mít nhưng tuyệt nhiên không thấy món mít hấp như má tôi từng làm. Và cũng không món nào mang lại cảm giác như ngày xưa dù bây giờ có kèm theo cả tôm thịt ê hề. Thì ra, những ngày đói kém ấy lại là một thời để nhớ, cứ đeo đẳng mãi trong tâm tưởng.
AN SINH

Có thể bạn quan tâm

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

Thơ Từ Dạ Linh: Tặng em nỗi nhớ ngược chiều

(GLO)- "Tặng em nỗi nhớ ngược chiều" của Từ Dạ Linh mang vẻ đẹp mộc mạc, đầy hoài niệm về tuổi thơ, về những khoảnh khắc hồn nhiên mà người ta thường dễ dàng quên đi. Ẩn chứa trong đó cũng là nỗi nhớ, sự lưu luyến về tình yêu đầu đời với những xúc cảm tinh khôi, thuần khiết...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.

“Mùa xuân của mẹ”

“Mùa xuân của mẹ”

(GLO)- Đầu năm nay, tác giả Lê Thị Kim Sơn-Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Gia Lai ra mắt tập truyện dành cho thiếu nhi “Cổ tích trưa” (Nhà xuất bản Kim Đồng) và mới đây là tập truyện ngắn “Mùa xuân của mẹ” (Nhà xuất bản Hồng Đức). 

Thơ Đại Dương: Em đi trên đồi hoa

Thơ Đại Dương: Em đi trên đồi hoa

(GLO)- "Em đi trên đồi hoa" của tác giả Đại Dương là sự hòa quyện giữa con người và cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Những câu thơ mang sắc thái vừa lãng mạn vừa thoáng gợi lên cảm giác tiếc nuối về thời gian trôi qua, để rồi "mắt hoa tròn ngấn lệ/rưng rưng vắt qua mùa"...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Với Krông Pa

Thơ Nguyễn Đình Phê: Với Krông Pa

(GLO)- Bài thơ "Với Krông Pa" của Nguyễn Đình Phê mang đến một cái nhìn sâu sắc về mảnh đất và con người nơi đây. Không chỉ đưa người đọc đi qua những khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, tác giả còn gợi lên những câu chuyện lịch sử và cả hành trình đổi thay sau chiến tranh của vùng đất này.

Kết nối, tôn vinh bạn đọc yêu sách

E-magazineKết nối, tôn vinh bạn đọc yêu sách

(GLO)- Sáng 17-10, Thư viện tỉnh Gia Lai tổ chức chương trình “Kết nối bạn đọc yêu sách” với sự tham gia của hàng trăm học sinh thuộc các đơn vị trường học trên địa bàn TP. Pleiku, những người làm công tác thư viện ở cơ sở và bạn đọc tích cực của thư viện năm 2024.

Thơ Lê Vi Thủy: Ngày nắng

Thơ Lê Vi Thủy: Ngày nắng

(GLO)- Bài thơ "Ngày nắng" của Lê Vi Thủy là những hình ảnh đầy sức sống và hy vọng. Tác giả khéo léo khắc họa cuộc sống khó khăn nhưng đầy nghị lực của con người, với những mầm xanh vươn lên trong khô cằn, thể hiện niềm tin vào ngày mai tốt đẹp hơn.