'Cẩu tặc' và những chiêu thức độc ác ít người biết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo diễn tả của anh T., “bả chó” ở đây là 1 loại hóa chất cực độc được nhập từ Trung Quốc. Nó chỉ to bằng viên long não, đặc biệt không có mùi vị, mua về nghiền nát, sau đó tẩm vào những miếng thịt tươi ngon để làm mồi đánh chó...
Thời gian gần đây, nạn chó bị mất trộm xảy ra khắp nơi, không chỉ vào ban đêm, cả vào ban ngày những con chó đi lang thang ngoài đường cũng bị “bốc hơi”. Chuyện những kẻ trộm chó bị dân làng đuổi đánh bán sống bán chết, có lẽ ai cũng biết. Nhưng chuyện “cẩu tặc” dùng những “chiêu thức” nào để “hô biến” những con chó nhanh như chớp, có lẽ chưa mấy ai biết…
Chó thu mua ở miền Trung trên xe vận chuyển ra miền Bắc tiêu thụ
Chó thu mua ở miền Trung trên xe vận chuyển ra miền Bắc tiêu thụ
Nhân chuyến công tác ngang qua miền Trung, ghé lại Bình Định, chúng tôi có dịp trò chuyện với 1 “cẩu tặc” đã “gác kiếm”, anh N.T.T. Nay chỉ mới 57 tuổi, mà trông anh T. đã như 1 cụ già hom hem. Hỏi ra thì biết, do thời gian còn làm “cẩu tặc”, hầu như đêm nào anh cũng thức trắng để “làm ăn”, sáng ra sẵn tiền bán chó, anh lao vào những cuộc nhậu nhẹt, bài bạc nên chẳng được ngủ là bao nhiêu. Do đó, anh già trước tuổi cũng là chuyện bình thường.
Câu chuyện “đời cẩu tặc” của anh đã hé lộ cho chúng tôi những “chiêu thức” mà những kẻ trộm “hô biến” những con chó nhanh như chớp. Anh N.T.T kể: Trước đây, những kẻ trộm chó thường chỉ hoạt động vào ban đêm. Họ đi thành đôi, thường 1 người là “tay lái lụa” điều khiển xe máy, có thể dễ dàng cắt đuôi nếu bị rượt đuổi, người ngồi sau thì giỏi chiêu “đả cẩu bổng”.
Phương tiện “hành nghề” của “cẩu tặc” không có gì nhiều, chỉ là mấy cái bao để đựng chó và 1 cây gậy đánh chó. Cây gậy trông cũng đơn giản, được làm bằng gỗ tốt, khá nặng, dài khoảng gần 1m. Phần chuôi to bằng nửa cổ tay người lớn, quấn dây cao su chung quanh để khi cầm không bị tuột. Cây gậy được chuốt to dần về phía đầu ngọn. Chung quanh đầu gậy được bọc quanh 1 lớp thép mỏng. Lớp thép này có 2 công dụng, 1 là để khi đánh, lớp thép tác động vào đầu con chó khiến chúng bất tỉnh nhanh hơn; hai là nếu đánh hụt con chó, đầu gậy đập xuống nền đường nhựa hoặc đường bê tông không bị toét, để còn có thể tiếp tục đi “đánh hàng” xuyên đêm.
Xe máy chuyên dụng “hành nghề” trộm chó của “cẩu tặc” hầu hết là xe lậu, không đăng ký, mang biển số giả, để khi bị phát hiện, nếu ai đó đọc được số xe thì cũng không tìm ra chủ nhân. Đặc biệt, những chiếc xe này được chăm chút bộ máy rất kỹ lưỡng, chạy nhanh và không bao giờ bị sự cố tắt máy dọc đường. Đặc biệt, bên trong 2 lốp xe còn được tráng 1 lớp keo, để khi đi hành nghề nhỡ cán phải đinh hoặc vật nhọn thủng lốp, thì keo trong lốp xe chảy ra tự vá, không phải dừng lại.
Trong lúc hoạt động, “cẩu tặc” không bao giờ mang dép hoặc mang giày, mà mỗi chân mang đến 4 - 5 chiếc vớ dày cộp, để nhỡ xảy ra sự cố bỏ xe bỏ chó chạy thoát thân thì không gây tiếng động, mặt bịt khẩu trang kín mít. Hàng đêm, đến “giờ G” là “cẩu tặc” chia thành từng cặp, phân định địa bàn rõ ràng để hoạt động không bị chồng lấn.
Người cầm lái cứ cho xe chạy chầm chậm trên mọi nẻo đường, khi thấy có con chó lang thang là cho xe chạy tới, người ngồi sau chỉ cần vung 1 gậy ngay đầu là con chó lăn quay ra bất tỉnh ngay. Con chó được túm chân, bỏ vào bao và dùng băng keo bịt miệng để khi nó tỉnh lại không sủa được nhằm tránh bị lộ. “Lớp trẻ bây giờ đi bắt chó trộm hầu hết đều chơi ma túy đá hoặc cỏ Mỹ, người lúc nào cũng phê phê phừng phừng, sẵn sàng manh động. Ai cũng biết thế nên nhiều khi đang hành sự bất ngờ có người đi đường nhìn thấy nhưng không ai dám can thiệp, bởi sợ rước họa vào thân”, T. tiết lộ.
Mất chó nhiều quá, những nhà nuôi chó bây giờ đã cẩn trọng hơn, ban đêm thường xích chó trong nhà không cho chúng chạy ra ngoài đường, nên hoạt động của “cẩu tặc” vào ban đêm không còn hiệu quả là mấy, vậy là chúng tổ chức đánh bắt chó cả vào ban ngày, lúc chủ nhà đã thả chó ra để chúng khỏi cuồng chân. Giữa thanh thiên bạch nhật, “cẩu tặc” không thể trang phục “ninja” như hoạt động vào ban đêm, mà ăn mặc bình thường như người đi đường. Cũng không thể vung gậy thoải mái trước mặt ba quân thiên hạ, nên “vũ khí” đánh chó ban ngày được người trong cuộc gọi là “bả chó”.
Theo diễn tả của anh T., “bả chó” ở đây là 1 loại hóa chất cực độc được nhập từ Trung Quốc. Nó chỉ to bằng viên long não, đặc biệt không có mùi vị, mua về nghiền nát, sau đó tẩm vào những miếng thịt tươi ngon để làm mồi đánh chó. Ban ngày, từng cặp “cẩu tặc” chạy xe lang thang trên quốc lộ, trên những con đường quê. Đến những đoạn đường vắng người mà có con chó lang thang, lập tức “cẩu tặc” ném xuống đường miếng thịt đã tẩm “bả”. Thấy mồi ngon, con chó tợp ngay, thuốc độc đến mức miếng mồi chỉ vừa trôi qua cổ họng là con chó lăn quay ra ngay. Con chó lập tức được cho vào bao và “cẩu tặc” tiếp tục cuộc hành trình.
Cây gậy “cẩu tặc” dùng để đánh chó
Cây gậy “cẩu tặc” dùng để đánh chó
“Sau khi con chó ăn bả, nếu ngay nơi đó có hố nước hoặc đám ruộng có nước, nhúng con chó xuống nước rồi mới bỏ vào bao thì một chặp sau nó sẽ tỉnh lại, bán được chó sống với giá cao. Chó đã ăn bả mà không được nhúng nước nó sẽ chết luôn, chỉ bán được giá “chó tử”, rất thấp, bởi thịt nó đã bị bầm tím, các quán bán thịt chó rất ngại mua hoặc mua với giá bèo”, anh T. nói.
Hiện, trên địa bàn Bình Định có nhiều đại lý thu mua chó sống để cung cấp cho các thương lái miền Bắc vào mua chở đi tiêu thụ. Đây là những điểm thu mua chó do những người người đi mua rong về bán lại kiếm chênh lệch. Bên cạnh đó, còn có những điểm chuyên thu mua “chó đen”, cách người ta gọi những con chó bị “cẩu tặc” bắt trộm. Những điểm chuyên thu “chó đen” này mua cả chó sống lẫn chó chết. Chó sống thì gom lại, cho người chở đến những đại lý, được mang “lý lịch” là chó mua rong để bán được giá cao. Những con chó chết được làm lông (bằng máy) sạch sẽ và mổ ruột ngay trong đêm. Sau đó con chó được ướp vào tủ đông, đợi đến sáng cho vào thùng xốp, chở đi bỏ cho bạn hàng là các quán bán thịt chó ở trong lẫn ngoài địa phương, có không ít lượng hàng cung cấp cả vào miền Nam.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết giá 1kg chó hơi hiện được các đại lý thu chó sống mua vào 50.000 đồng/kg, sau đó cung cấp cho thương lái miền Bắc với giá cao hơn. Còn chó sống của các “cẩu tặc” được các điểm thu mua “chó đen” mua vào chỉ có giá hơn 30.000 đồng/kg, “chó tử” chỉ từ hơn mười ngàn đến vài chục ngàn/kg, tùy con lớn nhỏ. “Trước đây, lúc chó còn dày và người dân chưa phản ứng dữ dội, các “cẩu tặc” kiếm tiền dễ như bỡn. Có khi 1 đêm đi đến 2 - 3 chuyến, kiếm vài tạ chó dễ như chơi, sáng ra chia mỗi người 4 - 5 triệu đồng. Dù làm chuyện phi pháp nhưng kiếm tiền dễ nên hầu hết “cẩu tặc” đều lâm vào nạn cờ bạc, nhậu nhẹt sa đà nên chẳng mấy ai cầm được đồng tiền. Thậm chí có người làm chỉ được 1 mà chơi bời đến 10 nên giờ lâm cảnh nợ nần chồng chất. Đó là chưa kể nhiều người đã phải bỏ mạng vì người dân bị mất trộm chó quá bức xúc rượt đánh đến chết thê thảm”, anh T. bộc bạch.
Khôi Nguyên (Nông Nghiệp Việt Nam)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.