Câu chuyện từ trái tim

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bạn tôi xa quê bằng quãng thời gian tôi xa mẹ. Mười tám tuổi tôi đi học xa nhà, lấy chồng rồi sinh con và chọn thành phố khác để sống. Thời gian tôi được gặp mẹ ít lắm, mỗi năm về nhà được một hoặc hai lần. 
Tôi hỏi bạn, xa quê bạn nhớ nhất điều gì? Bạn bảo: Nhiều chứ, nhớ nhất là mẹ. Nhớ con dốc mùa khô bạt ngàn dã quỳ nở, con đường mỗi ngày đi học, nửa ngày lùa bò ra đồng bãi, bao nhiêu ký ức gửi lại ở con đường ấy.
Rồi bạn bảo: Buồn vui của cả một đời người với bạn chẳng phải kiếm được nhiều tiền mà là vẫn còn ký ức để chạm vào, để thi thoảng vẫn nghe trong xa vắng tiếng thác nước ầm ầm đổ, tiếng vẫy vùng trong hồ nước mát dưới chân thác của những người bạn thuở thiếu thời. Trong giấc mơ về Tây Nguyên xa ngai ngái của bạn luôn có mùi hương nồng ẩm của đất đai, cây cỏ, ruộng vườn.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Nhà tôi gần chợ, cái chợ nho nhỏ, chủ yếu bán những thức ăn quen thuộc, nhiều rau, thịt, cá biển… Chợ nhỏ nên tôi quen hết tất cả người bán hàng ở đây. Quen rồi nên ngày hôm nay tôi mua ở chỗ này, mai tôi lại sang hàng khác để mua. Kiểu như chia đều, chỗ nào tôi cũng muốn mua giúp họ vậy.
Tôi thích ăn trứng gà luộc, mà nhiều khi lười không tự luộc, chiều về hay ghé chợ để mua. Mua riết thành quen, rồi có lần nán lại nói chuyện với cô bán trứng. Rồi bữa tự nhiên cô kể: “Xóm chợ này sao lạ lắm con, hầu như không ai có chồng, người thì chồng chết, người thì chồng bỏ đi. Như cô đây, chồng bỏ đi hồi cô mới hai tám tuổi, năm đó cô đã có bốn đứa con”. Nhìn cô hao gầy nhỏ xíu trong chiếc áo khoác rộng thùng thình mà thương. 
Tôi thích trồng hoa hồng, nhiều người nghĩ chắc tôi nằm trong trào lưu “chơi hoa hồng” theo mốt gần đây. Nhưng không phải vậy. Ngày trước, nhà tôi ở một nơi bình yên lắm. Căn nhà nhỏ của ba mẹ tôi một mặt tựa vào núi, một mặt hướng ra phía sông. Trước cửa nhà, ba tôi trồng mấy bụi hoàng anh, hồng quế và những cành hồng tường vi giăng mắc trên hàng rào bằng gỗ.
Từ lúc xa nhà, những đêm mưa phương Nam, nằm nghe gió mưa xô ràn rạt trên mái ngói lại mường tượng ra căn nhà cũ có hàng tường vi giăng mắc ngoài ngõ mỗi bận mưa lũ về. Mỗi lần đẩy cửa nhìn ra sân, bắt gặp những bông hồng đung đưa trong gió, có cả chùm hoa như chiếc đèn lồng treo trên cao tim tôi ăm ắp nỗi niềm.
BÌNH CHI

Có thể bạn quan tâm

Xây dựng nghị định về khuyến khích phát triển văn học là cần thiết

Xây dựng nghị định về khuyến khích phát triển văn học là cần thiết

Ngày 4-4, tại Hà Nội, Bộ VH-TT-DL tổ chức hội thảo lấy ý kiến xây dựng Nghị định về khuyến khích phát triển văn học. Đây là một bước quan trọng nhằm tạo dựng hành lang pháp lý hỗ trợ nền văn học Việt Nam phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0.

“Gạn đục khơi trong” để phát triển văn hóa

“Gạn đục khơi trong” để phát triển văn hóa

(GLO)- Sau nửa thế kỷ đất nước thống nhất, đời sống văn hóa tại nhiều ngôi làng Bahnar, Jrai có nhiều đổi mới, nhất là xóa bỏ những gánh nặng liên quan đến hủ tục. Nhưng để bảo tồn những giá trị cốt lõi của văn hóa vẫn là một hành trình cần “gạn đục khơi trong”.

Chuyện học trong một gia đình trí thức Jrai

Chuyện học trong một gia đình trí thức Jrai

(GLO)- Sinh ra trong một gia đình trí thức người Jrai ở thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai), cô Kpă H’Nina-Giáo viên môn Tiếng Anh ở Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (huyện Ia Grai) không chỉ được rèn giũa tinh thần ham học, mở mang kiến thức mà còn được thừa hưởng vẻ đẹp của cả bố và mẹ.

Sáng tạo văn học nghệ thuật: Hành trình không đơn độc

Sáng tạo văn học nghệ thuật: Hành trình không đơn độc

(GLO)- Mặc nhiên, việc sáng tạo văn học nghệ thuật luôn mang tính độc lập và tự giác cao độ của mỗi văn nghệ sĩ, nhưng hành trình ấy sẽ không đơn độc nếu có sự dìu dắt chân tình của người đi trước. Tại phố núi Pleiku, nhiều tác giả trẻ đã tìm được điểm tựa tinh thần đáng quý như thế.