Hương keo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đi ngang qua một hàng keo đang nở hoa, nhiều khi ta phải ngẩn ra một lúc vì hương thơm tỏa nhè nhẹ khắp một vùng không gian, cái hương thơm thoang thoảng, không nồng nàn như ngọc lan hay hoa sữa, không kiêu sa như hoa hồng hay linh lan. 
Khoảng giữa tháng 7 Âm lịch trở đi thì hoa keo nở, có thể kéo dài tới 3 tháng, cây đương thì con gái cao khoảng 4-5 m là đã cho hoa. Hoa keo mọc từ nách lá bung ra thành dé dài từa tựa như những đuôi sóc màu vàng, những cây sai hoa trông rất thích như bức tranh màu nước với hai sắc xanh của lá lẫn vàng của hoa, nhìn rất đẹp.
Đi ngang qua một hàng keo đang nở hoa, nhiều khi ta phải ngẩn ra một lúc vì hương thơm tỏa nhè nhẹ khắp một vùng không gian, cái hương thơm thoang thoảng, không nồng nàn như ngọc lan hay hoa sữa, không kiêu sa như hoa hồng hay linh lan. Mùi thơm của hoa keo theo cảm nhận của tôi nó bình dị, gần gũi, thân thiện, rất dễ làm quen, khi đứng giữa một cánh rừng keo thuần loại thì mới cảm nhận hết sự dễ chịu ấy.
Ở Gia Lai, từ những năm 70 của thế kỷ trước, người ta bắt đầu di thực giống keo này trồng khá nhiều phục hồi màu xanh trên những diện tích đất trống đồi núi trọc. Quê hương của tràm bông vàng ở tận Úc châu, Indonesia, Papua New Guinea.
Hiện nay, loài cây này sinh sống khắp nơi, được trồng rộng rãi tại nhiều quốc gia ở vùng nhiệt đới. Đầu đường Trường Sa (TP. Pleiku) vẫn còn những mảng keo trồng thuần loại xen lẫn với diện tích thông 3 lá cũng thuần loại.
Nơi này, độc quyền một mùi hương pha trộn chất ngai ngái của thông và nhẹ nhàng của keo rất lạ. Tên đầy đủ của loài cây này là keo lá tràm hoặc tràm bông vàng, loài có lá lớn là keo tai tượng, có một loài phụ được gọi Đài Loan tương tư, tất cả đều có hoa vàng và mùi thơm.
Hồi còn làm việc trong ngành lâm nghiệp, tôi đặc biệt “thiên vị” keo lá tràm khi chọn loài cây trồng phủ xanh, ngoài những đặc tính dễ sống, phát triển nhanh, làm tốt đất... thì hương hoa của keo đã khiến tôi phải lòng. Chiều chiều, đi thăm những cánh rừng 3-4 tuổi, tưởng như được bơi trong không gian lãng mạn của hương sắc. Mùa này, thỉnh thoảng tôi lại đến với mảng rừng nho nhỏ, nhưng hương thơm vẫn không lẫn vào đâu được.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
Một “sự thật” không phải ai cũng biết là keo có “bà con” rất gần với các loại đậu, những mầm lá đầu tiên của nó hệt như lá cây trinh nữ, chỉ tội không biết xấu hổ khép cánh. Lá sau này chỉ là lá giả, dân chuyên môn gọi là diệp trạng. Cảnh quan, hoa vàng và hương thơm của keo lá tràm rất hấp dẫn, chả thế mà đã có nơi khéo khai thác biến những nơi trước đây trồng loại cây này chỉ để phủ xanh đồi núi trọc thành điểm “check-in” không thể bỏ qua đối với du khách như ở Mũi Né, Phan Thiết.
Tôi chưa nắm rõ diện tích rừng keo lá tràm ở Pleiku đã trồng trước đây còn lại bao nhiêu, nếu rải rác đây đó vẫn còn ít nhiều hương sắc ấy thì có thể sẽ là vốn quý của Phố núi.
NGUYỄN SƠN

Có thể bạn quan tâm

Xếp sách nghệ thuật

Xếp sách nghệ thuật

(GLO)- Như một kiến trúc sư với nguyên vật liệu là sách, các nhân viên Thư viện tỉnh Gia Lai đã dày công sáng tạo và mô phỏng thành công nhiều công trình văn hóa-lịch sử đẹp mắt nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền về văn hóa đọc.
Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

(GLO)- Đất trời Tây Nguyên trong bung biêng thanh âm cồng chiêng, men cay rượu cần nồng nàn, vấn vít, nhịp xoang quyến luyến, tay nắm tay chẳng rời... được nhà thơ Ngô Thanh Vân một lần nữa nhắc đến trong bài thơ "Vào hội".

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...