"Săn" dông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày hè ở quê tôi, mới chừng quá nửa buổi sáng mà ánh nắng đã rất gắt. Bà con dân làng không thể ở ngoài đồng mà phải kiếm những việc làm trong bóng râm để tránh nắng. Nhưng trên những bãi cát, soi cát, người ta vẫn thấy từng đám trẻ lăng xăng hết chỗ này đến chỗ khác, lúc tụm lại, lúc tản ra, vừa chạy vừa í ới. Đó là cảnh những đám trẻ cứ đến kỳ nghỉ hè là rủ nhau đi bẫy dông, làm nên “mùa săn dông” của riêng chúng.
Dông trông giống với tắc kè vằn nhưng có kích thước nhỏ hơn, con nào to lắm cỡ đầu ngón chân cái, dài khoảng gang tay. Chúng sống trong hang cát. Loài bò sát này ăn chồi non, hoa và nụ của rau muống, rau lang, dưa hồng; có khi ăn cả côn trùng mềm như bướm, sâu non, giun đất... Nhưng món ưa chuộng nhất của nó là mầm cỏ dại, búp của các loài cây thuộc họ xương rồng. Vì vậy, dông thường đùn hang ở vùng có nhiều xương rồng. Dông ít uống nước, chủ yếu là liếm sương trên cỏ.
“Săn” dông phải đi khoảng gần trưa đến xế, vì đó là thời điểm dông thường ra khỏi hang để sưởi ấm, để điều hòa nhiệt độ cơ thể và kiếm ăn mỗi ngày một lần. Đồ nghề “săn” dông phải có cái que nhỏ như chiếc đũa, dài cỡ cánh tay, một đầu que cột sợi dây dù làm thòng lọng, đầu kia vạt nhọn để cắm xuống đất. Siêng thì cầm thêm cuốc và dao để đào và phát khi cần.
Tài “săn” dông hơn thua là phải bắt sống chúng bằng cái thòng lọng. Để bẫy được dông thì phải tinh ý, theo dõi lối mòn có dấu chân của nó cho tới hang và dấu mới chứ nếu cũ thì hang đó không còn dông. Thòng lọng đặt ở chỗ hiểm mà buộc con vật phải bò qua, đặt đúng hướng và không để lộ dây, thường là lấp trên dây một lớp cát mỏng. Khi đặt cũng phải canh chừng, nếu dông thấy người thì nó trốn ngay. Hôm nào bẫy được nhiều thì chia phần ai cũng có đem về, còn ít thì cả bọn gom lại cho một người mang về, hôm sau luân phiên đứa khác.
Ảnh minh họa: INTERNET
Ảnh minh họa: INTERNET
Thịt dông thơm, săn và ngọt. Sau khi bẫy, cánh “thợ săn” tìm một bóng cây mát rượi rồi mỗi đứa lấy vài con hùn lại nướng ăn tại chỗ. Dùng que xiên con dông, hơ qua lửa ngọn cho bong sạch lớp da đất bên ngoài, làm sạch ruột, đem nướng lại trên lửa than cho tới khi mỡ vừa rỉ ra, bên ngoài vàng ươm là ăn được. Thịt dông nướng than củi là thơm nhất. Xé từng miếng chấm muối ớt là mê tơi! Nếu nướng ở nhà thì ướp thêm gia vị, nước mắm là tuyệt vời!        
Thịt dông còn chế biến được nhiều món ngon khác nhưng khá công phu. Thông thường, người làm nhấn cả bao dông sống vào cái chậu đất, đổ nước sôi vào khoảng vài phút, sau đó vớt ra làm sạch da và ruột. Trước tiên lấy vài con làm dĩa gỏi nhâm nhi.
Thịt dông sau khi luộc chín sẽ được tách khỏi xương, xé nhỏ và làm như gỏi gà. Thêm lá bứa chua xắt nhỏ, giã đậu phộng rang vừa dập dập cho vào rồi trộn đều. Ra vườn hái các loại lá non như xoài, ổi, đinh lăng để ăn kèm mới đúng bài. Phần còn lại bằm nhỏ cả thịt và xương, ướp gia vị khoảng nửa tiếng cho thấm, múc ra nửa chén để nấu canh dưa hồng, còn tất tần tật làm món xào khô. Khi xào, để ý thấy thịt vừa săn vàng thì nhấc xuống. Bẻ miếng bánh tráng mè nướng phồng xúc ăn giòn rụm, thịt và mè vừa béo vừa tỏa lên mùi thơm ngây ngất.
Dưa hồng nấu canh với thịt dông không bằm dọc thành sợi nhỏ mà xắt miếng vuông dày như nấu mận. Gắp miếng dưa đã ngấm nước thịt ướp gia vị ăn vừa thơm vừa béo vừa ngọt. Chỉ cần húp nước cũng đủ mát ruột cho cả ngày hè nóng nực!
Đối với những đứa con xa quê thì việc bẫy dông trong những buổi trưa hè trở thành kỷ niệm đẹp, nhờ thế mà bất cứ nơi nào trên mảnh đất làng quê cũng quá thân quen. Và thịt dông là một món ngon không thể quên trong ký ức! Cho dù ngày nay ta có thể tìm thấy nó ở nhiều quán ăn nơi phố thị nhưng vẫn không đâu bằng thịt dông từ gò bãi quê hương.
PHAN VĂN THIÊN

Có thể bạn quan tâm

Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...
Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

(GLO)- Được đào tạo chuyên ngành Văn học, khi ra trường lại quyết liệt theo đuổi nghề báo, sau đó “đầu quân” vào ngành Công an và bất chợt tìm thấy niềm hạnh phúc với văn chương-đó là những bước ngoặt bất ngờ trong cuộc sống của Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phòng ANCT nội bộ, Công an tỉnh).

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...