Câu chuyện giáo dục: Từ việc chọn sách giáo khoa, nghĩ về vị thế người thầy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhiều người hỏi tôi chọn bộ sách giáo khoa nào dạy cho học sinh lớp 1 năm học 2020 - 2021 và ai được chọn? Câu trả lời thật ra đã có từ rất lâu.

 

Giới thiệu các mẫu sách giáo khoa lớp 1 mới tại TP.HCM - Ảnh: Bá Hải
Giới thiệu các mẫu sách giáo khoa lớp 1 mới tại TP.HCM - Ảnh: Bá Hải


Tôi học phổ thông vào thập niên 1960 trong trường công lập ở tỉnh lẻ ĐBSCL. Theo trí nhớ của mình, ở trường tôi không bao giờ thấy nhà sách hay nhà xuất bản nào đến trường giới thiệu sách.

Từ lớp đệ thất (lớp 6) đến lớp đệ tam (lớp 10) tôi chỉ mua sách học sinh ngữ (Pháp văn, Anh văn). Đến lớp đệ nhị (lớp 11) chuẩn bị thi Tú tài 1 nên lo lắng, phải mua sách. Tôi nhớ môn toán phần hình học không gian thì đứa nào cũng có sách của Nguyễn Văn Phú - Nguyễn Tá. Môn lý hóa thì sách của Nguyễn Thanh Khuyến - Hà Ngọc Bích… Đậu Tú tài 1 lo thi Tú tài 2 thì mua nhiều hơn. Như môn triết học do mới quá, thầy giảng đôi khi không hiểu kịp nên phải có sách như Luận lý học, Đạo đức học.

Sau này, tôi mới biết các giáo sư trung học thời đó đều dạy theo chương trình do Bộ Giáo dục ban hành và hoàn toàn được tự do giảng dạy theo đúng chương trình. Tấm bằng sư phạm được tin cậy để làm người thầy. Còn chuyện thi và đề thi, chấm thi, cấp bằng do Nha Khảo thí chịu trách nhiệm. Giáo sư dạy thế nào, học sinh đều học như nhau.

Học sinh tìm mua sách là để đọc thêm, mở rộng, để có thêm kiến thức. Vì vậy, các tác giả soạn sách thế nào cho hay, cho độc đáo mà dễ hiểu thì học sinh mới tìm mua.

Về chương trình giáo dục, Bộ Giáo dục có Ban Tu thư. Ban này có nhiệm vụ nghiên cứu chương trình các nước phát triển trên thế giới và những vấn đề của xã hội đương thời để đề nghị lên Bộ Giáo dục bổ sung, thay đổi cập nhật hằng năm. Nếu chương trình có sự thay đổi nhiều thì gọi là Tu chính. Nghĩa là có sự điều chỉnh, bổ sung hoặc thay đổi chương trình.

Tất cả đều phải theo quy trình khoa học. Giáo dục phải lấy học thuật làm cơ sở để giảng dạy và thi cử. Người thầy với tấm bằng sư phạm được tôn trọng trong hoạt động nghề nghiệp để giảng dạy. Trường sư phạm đào tạo giáo viên có đầy đủ uy tín, năng lực khi trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên trở thành người thầy. Học sinh chúng tôi, bây giờ đã là người về hưu, gặp nhau vẫn nhớ về thầy cô với lòng kính trọng và biết ơn.

Ngày nay, việc học mở rộng, quy mô phát triển số lượng rất rộng, bao trùm khắp nơi. Giáo dục có một hệ thống quản lý rất chặt chẽ, địa phương nào cũng có trường sư phạm, có trường quản lý giáo dục. Nhiều hiệu trưởng tiểu học có bằng thạc sĩ, tiến sĩ nhưng tấm bằng không có tiếng nói trong chuyên môn trước các cấp có quyền lực.

Giáo dục hiện đang quản lý bằng quyền lực của hệ thống. Người thầy dạy theo hướng dẫn của sách giáo khoa cho an toàn. Sách bài tập (còn gọi là sách tham khảo) quá phổ biến. Một bộ sách giáo khoa có đến hàng chục bộ sách tham khảo. Khi người biên soạn sách tham khảo về hưu thì lập tức thay ngay sách mới với người đứng tên đương chức và giáo viên phải sử dụng sách mới cho khỏi rắc rối. Việc đánh giá năng lực giáo viên theo cảm nhận của người quản lý. Từ tổ trưởng, hiệu phó, chuyên viên phòng, sở dự giờ, cho điểm, xếp loại nhận xét rất chủ quan mà thiếu sự tranh luận, trao đổi thẳng thắn trên nền tảng khoa học giáo dục và giáo học pháp. Bởi vì tranh luận sẽ rất khó cho giáo viên trong thi đua, khi xếp hạng, khen thưởng... nên tấm bằng trường sư phạm chỉ còn giá trị để được vào ngành. Người thầy thực hành những kiến thức được học miệt mài suốt bao năm tháng đôi khi lại không phù hợp.

Hệ thống quản lý, đánh giá thi đua khen thưởng làm cho giáo dục trở thành hệ thống quyền lực thay vì là một hệ thống khoa học và học thuật để giúp cho giáo viên ngày càng nâng cao năng lực giảng dạy.

Nếu giáo dục biết tôn trọng học thuật thì người có lợi là học sinh vì giáo viên muốn không lạc hậu về kiến thức, phương pháp giảng dạy... thì phải luôn tranh thủ học tập, sưu tầm, tham khảo, luôn sáng tạo, cải tiến để dạy cho học sinh mình giỏi hơn. Người quản lý thì phải lo trau dồi nghiệp vụ khoa học để điều hành, khám phá tài năng đội ngũ mình, cùng họ chinh phục tri thức hiện đại.

Theo Lê Ngọc Điệp (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

'Thuế hàng xa xỉ' với xăng, sai từ đầu

'Thuế hàng xa xỉ' với xăng, sai từ đầu

Thuế tiêu thụ đặc biệt được "định nghĩa" rất rõ, là áp cho một số loại hàng hóa, dịch vụ mang tính chất xa xỉ (như rượu, tàu bay, du thuyền…) nhằm điều tiết việc sản xuất, nhập khẩu và tiêu dùng xã hội. Trong khi đó, có đánh thuế bao nhiêu thì người dân vẫn phải mua xăng để chạy xe.

'Xóa mù AI' – cơ hội trao cho tất cả

'Xóa mù AI' – cơ hội trao cho tất cả

Việc phổ cập – “xóa mù” AI không chỉ giúp người lao động không bị tụt hậu mà còn tạo ra một xã hội năng động, sáng tạo, nơi mỗi cá nhân đều có thể tận dụng sức mạnh của công nghệ để nâng cao đời sống và đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Tận dụng tối đa cơ hội thu hút FDI

Tận dụng tối đa cơ hội thu hút FDI

Tháng 3, Việt Nam đón tiếp 2 đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ, với hơn 60 thương hiệu lớn. Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC), ông Ted Osius, nguyên Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, cho biết đây là phái đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ lớn nhất từng đến Việt Nam.

Trị sốt đất để dồn sức cho tăng trưởng

Trị sốt đất để dồn sức cho tăng trưởng

Thật phi lý khi vừa qua những thông tin đồn sốt đất đã bùng lên với lý do sáp nhập tỉnh thành, cho dù thực tế chẳng ăn nhập gì với nhau. Mục đích sáp nhập nhằm tinh gọn bộ máy, tiết giảm chi phí để dành nguồn lực phát triển kinh tế chứ không phải hướng đến phát triển bất động sản (BĐS).

Bước then chốt về sáp nhập

Bước then chốt về sáp nhập

Cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sau giai đoạn tăng tốc vừa qua, hiện đứng trước bước quyết định: Sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.