(GLO)- Cuộc chiến ngày ấy là một chuỗi những kỷ niệm của 56 ngày đêm nơi miền Tây Bắc của Tổ quốc. 60 năm sau, chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” nhiều câu chuyện rất sinh động, cụ thể và cảm động của những nhân chứng lịch sử được ghi lại về hồi ức Điện Biên, họ đã làm ra lịch sử.
Ảnh: Hà Quân |
Vào một ngày đầu tháng 3 vừa qua, chúng tôi đến Hội Cựu chiến binh thành phố Pleiku tìm hiểu về đợt tham gia cuộc thi 60 năm “Âm vang Điện Biên” do Ban Tuyên giáo 3 tỉnh: Gia Lai, Quảng Nam và Điện Biên phối hợp tổ chức phát động. Đọc qua một số bài của các đồng chí cựu chiến binh tham gia chống Pháp và trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, nhiều bài kể rất xúc động, có những người lính đã kinh qua trận mạc, có những người chỉ mới ngày đầu huấn luyện cầm súng và chiến thuật đánh du kích, hầu hết họ chưa có cấp hàm, nhưng họ đã làm nên lịch sử.
Đại úy Đinh Hỗ-nguyên Chính trị viên Lữ đoàn 38, Đại đoàn 351 Pháo binh đóng ở Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng. Hiện ông đang sống cùng con trai là Trung tá Cảnh sát Giao thông nay đã nghỉ hưu ở tổ dân phố 2, phường Ia Kring, TP. Pleiku, Gia Lai. Ở cái tuổi 90, với thâm niên 65 năm tuổi Đảng nhưng ông vẫn còn minh mẫn và khỏe mạnh.
Đến nhà gặp ông, như đã biết ý định của chúng tôi, Đại úy Đinh Hỗ trong bộ quân phục bạc màu gắn nhiều huân-huy chương, huy hiệu, tác phong rất nhanh nhẹn từ trong nhà đi ra tay cầm cuốn sổ nhật ký đặt xuống bàn tiếp chúng tôi và ra hiệu cho con trai pha cốc trà mời khách. Sau vài câu chuyện thăm hỏi, chúng tôi hỏi ông về những kỷ niệm hoạt động quân ngũ và trực tiếp chiến đấu trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Nghe xong, ông vào chuyện ngay rồi thong thả lật từng trang nhật ký của mình tâm sự.
Tác giả đang nghe Đại úy Đinh Hỗ kể lại trận đánh của bộ đội ta ngày 7-5-1954 tại lòng chảo Mường Thanh và bắt sống tướng Đờ Cát. Ảnh: Hà Quân |
Ông sinh năm 1925 tại một vùng quê nghèo thuộc xã Yên Minh, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định nơi đồng chiêm trũng nhưng giàu truyền thống cách mạng và hiếu học. Ông nói, dưới chế độ cũ bị thực dân Pháp độ hộ người dân mình khổ lắm, nỗi lo sợ luôn rình rập, sợ nhất là mùa thuế khóa, phu phen bắt lính; tiếng trống tiếng chiêng dồn dập, người dân phải bỏ làng quê đi nơi khác làm thuê, ở đợ kiếm sống... Cảnh sống lầm than, nô lệ ấy ông được chứng kiến đã thôi thúc thêm khát vọng tự do, độc lập và ý chí lòng căm thù giặc sâu sắc. Chính vì vậy, khi cách mạng đến mọi người dân hăng hái tham gia. Từ đây, bắt đầu năm 1945, ông đã trốn gia đình tình nguyện tham gia vào tổ chức Mặt trận Liên Việt, Đoàn Thanh niên Cứu quốc và tham gia cách mạng đi dân công, đoàn thể và tham gia cướp chính quyền ở Nam Định; cho đến tháng 5-1948 ông nhập ngũ vào quân đội, huấn luyện cấp tốc xong ông được điều vào làm trong xưởng quân giới chế tạo vũ khí, khí tài ở rừng Chợ Đập tỉnh Hòa Bình.
Từ năm 1945 đến 1948, những ngày hoạt động cách mạng diễn ra trên khắp đồng bằng Trung du Bắc bộ, ông tham gia nhiều cuộc đấu tranh của nhiều tầng lớp. Kể đến đây ánh mắt của ông như có lửa, ông bảo từ khi lớn lên chưa bao giờ được chứng kiến khí thế hào hùng của nhân dân ta như những ngày diễn ra Cách mạng Tháng 8 ở Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình, Thanh Hóa, Phú Thọ... những nơi mà ông được chứng kiến, từ người già, người trẻ, đàn ông, đàn bà, thanh niên, phụ nữ đều nô nức hăng hái tham gia dòng người biểu tình, cướp chính quyền, phá kho thóc của Nhật, Pháp, ai ai cũng giương cao cờ đỏ sao vàng, hô vang khẩu hiệu, ủng hộ Việt Minh, ủng hộ Chính phủ. Chính trong thời khắc lịch sử ấy đã thôi thúc giác ngộ ông tham gia vào lực lượng tự vệ chiến đấu và cùng mở lớp bình dân học vụ, dạy chữ quốc ngữ cho nhân dân trong vùng.
Sau hơn 1 năm nhập ngũ, ông vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam và tiến cử đi học đào tạo cán bộ tiểu đội, trung đội trưởng thông tin và pháo binh. Sau khi học xong ông được điều về Đại đoàn Pháo binh 351 đóng ở Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng. Tháng 8-1951 ông được bổ nhiệm Trung đội phó thuộc Đại đội 445, Trung đoàn 675. Cũng từ năm 1951, đơn vị của ông đã tham gia nhiều trận đánh lớn, nhỏ từ Hòa Bình đến Thượng Lào diệt nhiều địch, phá hủy nhiều vũ khí sinh lực của địch. Cuối năm 1953, ông được trên điều về làm Chính trị viên phó Đại đội Thông tin hữu tuyến điện, phục vụ chiến đấu. Đơn vị ông có nhiệm vụ đảm bảo thông tin liên lạc cho chiến dịch, truyền đạt mệnh lệnh ý kiến chỉ đạo của Bộ Chỉ huy, đảm bảo vũ khí trang bị, lương thực, thực phẩm. Ông được phân công một mũi, đảm bảo mạch máu thông tin liên lạc trên 5 km, khu vực gần chảo lửa Mường Thanh, liên tục bị máy bay địch ném bom, bắn phá oanh tạc. Thời tiết, khí hậu Tây Bắc rất khắc nghiệt ảnh hưởng sức khỏe của chiến sĩ ta, ông đã cùng các đồng chí cán bộ, đảng viên động viên anh em xác định tư tưởng, củng cố niềm tin chiến thắng, chiến đấu thắng lợi. Hơn 3 tháng phục vụ cho thông tin liên lạc, đơn vị ông luôn đảm bảo thường xuyên thông suốt, phục vụ cho chiến dịch toàn thắng.
Ông nhớ lại, chiều 30-4-1954, quân ta mở màn tiến công vào lòng chảo Mường Thanh, thời gian này ông cùng đơn vị đảm bảo các tuyến thông tin cho trận đánh. Trong suốt hơn 1 tuần diễn ra các mũi tiến công của bộ đội ta, đơn vị do ông phụ trách vẫn đảm bảo thông tin thông suốt. Ông nhớ nhất là gần kề bên giờ phút chiến thắng của bộ đội ta trong chiều 7-5-1954, bên chiếc máy hữu tuyến điện TA57 ông nghe rõ tiếng Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật hạ lệnh cho anh em bộ đội áp sát hầm Đờ Cát. Các chiến sĩ: Hoàng Minh Chiến, Hoàng Đăng Vinh đơn vị E165 của Đại đoàn 312 áp sát vách hầm, xông vào bắt sống tướng Đờ Cát. Lúc này đơn vị của ông cũng chỉ cách trận địa hầm Đờ Cát gần 700 mét.
Ông bồi hồi nhớ lại trong chiến dịch Điện Biên Phủ các chiến sĩ của ta còn rất trẻ, nhiều đồng chí đang ở độ tuổi 20, 21 đã chiến đấu anh dũng hy sinh trong giờ phút chiến thắng. Khoảng 17 giờ 35 phút, ngày 7-5-1954, ông vui sướng được biết qua thông tin liên lạc của đơn vị mình điện báo “Chiến dịch đã thắng lợi hoàn toàn” và chính ông đã trực tiếp cầm máy bộ đàm TA57 thông báo cho các đơn vị rằng: Tướng Đờ Cát và toàn bộ bộ chỉ huy, binh lực địch ở cứ điểm Điện Biên Phủ đã bị ta bắt sống hoàn toàn. Khi nghe được tin ấy, các chiến sĩ của các đơn vị nhất loạt hò reo vui mừng, hô vang “Hoan hô Bộ đội Cụ Hồ, hoan hô Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Hồ Chủ tịch muôn năm!” và chính trong thời khắc lịch sử đó ông đã bật khóc vì thương nhớ những đồng chí, đồng đội của ông, mới cách đây chỉ ít giờ đồng hồ đã anh dũng hy sinh, vĩnh viễn nằm lại lòng chảo Mường Thanh này. Ngay trong đêm hôm ấy, bộ đội ta tiếp tục tiến công phân khu Nam, đánh địch tháo chạy về Thượng Lào, đến 24 giờ toàn bộ quân địch bị bắt làm tù binh. Chính đêm hôm ấy, ông và đồng đội lại làm tất cả những công việc còn lại, trong đó có công tác chính sách thương binh-liệt sĩ, công tác tù hàng binh và tiếp tục đảm bảo thông tin liên lạc cho các hoạt động tiếp theo.
Sau chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, ông được cử đi học đào tạo tại Trường Quân chính Quân khu Hữu Ngạn ở Hưng Yên và các trường khác của quân đội rồi về đảm nhiệm đến chức vụ Chính trị viên Lữ đoàn thuộc Đại đoàn 351 Pháo binh. Ông về nghỉ hưu năm 1976.
Hơn 30 năm làm cách mạng và công tác trong quân ngũ, cuộc đời hoạt động của ông đã trải qua nhiều thăng trầm biến cố vui, buồn. Ông không bao giờ quên 2 sự kiện ghi nhớ nhất, đó là ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 7-1949 ngay tại trận địa; nhưng ấn tượng vui sướng nhất là một lần được gặp Bác Hồ khi Bác về thăm đơn vị của ông, lúc đó anh em đang huấn luyên khoa mục đội ngũ tay không, chuẩn bị cho diễu-duyệt binh mừng chiến thắng và tiếp quản giải phóng thủ đô.
Lần ấy đơn vị đang tập đội ngũ trước sân bóng, doanh trại, bất ngờ Bác Hồ đến thăm. Tôi hồi hộp, sung sướng, anh em đứng ngay ngắn trong hàng quân, quân phục chỉnh tề, ngay ngắn, Bác cùng đoàn đại biểu đến bên hàng quân tươi cười bắt tay anh em chiến sĩ. Đến bên tôi, Bác bắt tay và dừng lại hỏi: Chú ở binh chủng nào? Tôi thưa với Bác: Cháu ở đơn vị pháo ạ! Bác hỏi lại: pháo nào? Tôi hồi hộp ấp úng chưa kịp trả lời. Như hiểu được ý, Bác liền nói với mọi người: Đơn vị pháo có 2 loại, pháo mặt đất và pháo phòng không đấy nhé, như vậy là các chú thuộc đơn vị pháo binh. Bác thật tinh tế và sâu sắc. Thực ra chúng tôi lúc đó cứ gọi chung chung là như vậy. Từ lúc đó trở đi, tôi nhớ mãi hình ảnh của Bác và những kỷ niệm về lời thoại ngắn gọn và lời chỉ dẫn ân cần của Người với chiến sĩ chúng tôi ngày hôm ấy.
Hà Quân (ghi)