Cảnh giác với tội phạm lừa đảo cài đặt app dịch vụ công

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian gần đây, một số người dân ở huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) bị các đối tượng lừa cài đặt ứng dụng app dịch vụ công giả mạo rồi chiếm đoạt hàng tỷ đồng.

Theo Công an huyện Chư Sê, lợi dụng việc một số cơ quan nhà nước đang triển khai các phần mềm dịch vụ công trực tuyến, các đối tượng lừa đảo đã tạo các ứng dụng mạo danh cơ quan nhà nước như: “Dịch vụ công”, “Thuế Chính phủ”, “VNeID Bộ Công an”…. Sau đó, các đối tượng tiếp cận, dẫn dụ, lừa người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo này trên điện thoại. Khi người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo trên điện thoại, các đối tượng lừa đảo sẽ chiếm quyền điều khiển, truy cập toàn bộ thông tin dữ liệu trên điện thoại như: thông tin ứng dụng, tài khoản, danh bạ, tin nhắn, hình ảnh, mã OTP… rồi chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng.

Cán bộ Công an huyện Chư Sê tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân. Ảnh: R.H

Cán bộ Công an huyện Chư Sê tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân. Ảnh: R.H

Ngày 9-5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Chư Sê tiếp nhận thông tin tố giác của anh H. (trú tại thị trấn Chư Sê) về việc: Khoảng 10 giờ 30 phút cùng ngày, anh H. nhận được cuộc gọi điện thoại của 1 người đàn ông tự giới thiệu là cán bộ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai. Đối tượng này yêu cầu anh H. đưa số điện thoại đăng ký Zalo của mình để kết bạn. Sau đó, đối tượng yêu cầu anh H. tải app “Thuế Chính phủ” và app ngân hàng “SmartBanking An Bình” về máy điện thoại của mình rồi đồng bộ với tài khoản ngân hàng, số điện thoại cá nhân để hoàn tất thủ tục thuế. Sau khi tải xong 2 app trên, điện thoại của anh H. bị “đơ” màn hình không sử dụng được. Một lúc sau, anh H. kiểm tra tài khoản Ngân hàng An Bình của mình thì phát hiện đã bị rút hơn 900 triệu đồng.

Từ năm 2023 đến nay, tại huyện Chư Sê xảy ra 8 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, gây thiệt hại số tiền hơn 1,8 tỷ đồng. Đa số nạn nhân là phụ nữ, người lớn tuổi, cán bộ, giáo viên về hưu, người dân tộc thiểu số.

Tương tự, vào đầu tháng 4-2024, anh P. (trú tại huyện Chư Sê) nhận được cuộc điện thoại của 1 đối tượng tự xưng là cán bộ Công an xã yêu cầu cập nhật thông tin căn cước công dân. Lúc này, do anh P. bận việc nên đối tượng đã yêu cầu kết bạn trên mạng xã hội Zalo để hướng dẫn online. Sau đó, đối tượng này yêu cầu anh truy cập vào đường link trang web và tải phần mềm do bọn chúng cung cấp. Thấy phần mềm có giao diện gần giống với dịch vụ công trực tuyến nên anh P. tin tưởng cài đặt. Sau khi cài đặt phần mềm, đối tượng tiếp tục yêu cầu anh P. chuyển 12.000 đồng vào tài khoản “QUY BAO TRO TRE EM VN”.

Tuy nhiên, sau khi anh P. chuyển khoản thì các đối tượng đã chuyển hết số tiền trong tài khoản của anh P. sang tài khoản khác. Tổng số tiền anh P. bị chiếm đoạt là 678 triệu đồng. Khi phát hiện bị lừa đảo, anh P. đã đến cơ quan Công an trình báo.

Công an huyện Chư Sê tuyên truyền, phổ biến về phương thức, thủ đoạn của tội phạm cho người dân. Ảnh: R.H

Công an huyện Chư Sê tuyên truyền, phổ biến về phương thức, thủ đoạn của tội phạm cho người dân. Ảnh: R.H

Trao đổi với P.V, Thượng tá Nguyễn Hữu Sơn-Phó Trưởng Công an huyện Chư Sê-cho biết: Tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng ngày càng diễn biến phức tạp. Các đối tượng lừa đảo đặt máy chủ ở nước ngoài nên rất khó xử lý. Để phòng-chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này đến người dân. Đơn vị cũng gửi văn bản đến các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn huyện đề nghị phối hợp phòng ngừa, bảo vệ tài sản cho người dân khi phát hiện giao dịch có dấu hiệu lừa đảo.

Cơ quan Công an khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không truy cập các trang thông tin không chính thống; không cài đặt các phần mềm, ứng dụng từ các nguồn không tin cậy; không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng và các tài khoản khác của mình cho bất kỳ ai qua điện thoại, mạng xã hội và các kênh, diễn đàn trực tuyến.

“Ngoài ra, người dân cần cảnh giác trước các cuộc gọi, tin nhắn lạ, đặc biệt là của đối tượng tự xưng cán bộ của các cơ quan nhà nước; không làm việc, không cung cấp thông tin cá nhân và cũng không làm theo các yêu cầu thông qua điện thoại. Đồng thời, liên hệ với các cơ quan chức năng để xác minh về người gọi điện. Trường hợp nhận được tin nhắn và cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần kịp thời trình báo cơ quan Công an gần nhất để ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật”-Thượng tá Sơn khuyến cáo.

Có thể bạn quan tâm

Xuất hiện trang web giả mạo Trung tâm chăm sóc khách hàng của Tổng Công ty Điện lực miền Nam để lừa đảo

Xuất hiện trang web giả mạo Trung tâm chăm sóc khách hàng của Tổng Công ty Điện lực miền Nam để lừa đảo

(GLO)- Ngày 20-11, Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) thông tin, hiện trên mạng internet xuất hiện trang web giả mạo Trung tâm chăm sóc khách hàng của EVNSPC, có địa chỉ evnspccskh.com. EVNSPC khẳng định trang web evnspccskh.com là giả mạo để lừa đảo.

Người dân cần liên hệ các kênh thông tin chính thống của BHXH Việt Nam để phòng tránh lừa đảo. Ảnh nguồn baohiemxahoi.gov.vn

Cảnh báo yêu cầu cung cấp thông tin bảo hiểm y tế để lừa đảo

(GLO)- Theo Bảo hiểm Xã hội (BHXH) TP. Hà Nội, thời gian gần đây, đơn vị nhận được phản ánh của một số cơ sở giáo dục trên địa bàn về việc một số đối tượng mạo danh gửi giấy mời đến phụ huynh yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân để thay đổi, bổ sung thông tin thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID.

Lại xuất hiện hack Facebook để mượn tiền

Lại xuất hiện hack Facebook để mượn tiền

Mặc dù đã được cơ quan chức năng cảnh báo, nhưng thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh lại xuất hiện việc đối tượng lấy cắp tài khoản (hack) Facebook cá nhân để nhắn tin messenger cho người thân, bạn bè của chủ tài khoản để hỏi mượn tiền, nhờ chuyển tiền.