Cảnh giác với chiêu trò lừa đảo mại dâm online

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Lợi dụng những người đàn ông “thích của lạ” nhưng thiếu tỉnh táo, các đối tượng lừa đảo đã bày ra rất nhiều chiêu trò để dụ dỗ “con mồi” vào tròng. Một số người ở Gia Lai đã bị mất hàng tỷ đồng bởi hình thức lừa đảo online này.

Chiêu trò lôi kéo

Hiện nay, mạng xã hội Facebook xuất hiện không ít Fanpage chạy quảng cáo dịch vụ mại dâm. Các trang này đều quảng cáo dịch vụ “điều đào” khắp 63 tỉnh, thành phố, kèm theo đó là hình ảnh, clip về những cô gái đẹp ăn mặc hở hang, gợi cảm.

Tùy theo nơi ở của người truy cập, các trang sẽ tự hiển thị địa chỉ nhằm kích thích sự tò mò của người theo dõi. Cùng với đó, nhiều tài khoản cá nhân với hình đại diện và ảnh bìa là các cô gái có bề ngoài xinh xắn chủ động nhắn tin làm quen dù không hề có mối liên hệ nào.

Trong vai một người đàn ông tại TP. Pleiku muốn “tìm của lạ”, P.V đã nhắn tin cho một trang quảng cáo mại dâm online và được hướng dẫn kết bạn để trao đổi thông qua mạng xã hội Telegram với lý do bảo mật thông tin cho đôi bên.

Sau khi chuyển sang ứng dụng Telegram như hướng dẫn, một tài khoản có tên “Trợ lý Hồng Nhung” trong vai “tú bà” đã liên lạc hỏi địa chỉ để tìm các cô gái trong khu vực TP. Pleiku. Sau đó, đối tượng này đã gửi hình của 9 cô gái trẻ xinh đẹp ăn mặc mát mẻ rồi yêu cầu khách chọn.

Các đối tượng sử dụng hình ảnh của những cô gái trẻ đẹp để lôi kéo nạn nhân (ảnh chụp màn hình).

Các đối tượng sử dụng hình ảnh của những cô gái trẻ đẹp để lôi kéo nạn nhân (ảnh chụp màn hình).

Khi P.V chọn một cô gái trong danh sách, đối tượng đã gửi một bản danh sách năm sinh, chiều cao, cân nặng, số đo 3 vòng cùng lời quảng cáo dịch vụ tận tình nếu khách có nhu cầu. Cùng với đó, một tài khoản có tên “Bé Thanh” tự xưng là cô gái mà P.V đã chọn gửi tin nhắn văn bản cũng như tin nhắn thoại khá ngọt ngào cùng hình ảnh khêu gợi để mời chào và ngã giá. Đối tượng đưa ra thông tin khuyến mãi cho khách “đi lần đầu” với giá rất hấp dẫn 500 ngàn đồng/120 phút và 1,5 triệu đồng nếu khách lựa chọn “qua đêm”.

Sau khi thống nhất giá cả, đối tượng yêu cầu P.V đăng ký với vị trợ lý ban đầu để lấy mã QR của hệ thống nhằm đăng ký làm thành viên thì mới được sử dụng dịch vụ và có ưu đãi riêng. Phí tạo mã là 170 ngàn đồng. Sau khi đăng ký mã thành công, hệ thống sẽ hoàn lại số tiền đã đóng. Mỗi mã QR có giá trị sử dụng trong 6 tháng.

Đến thời điểm này, P.V đưa ra lý do không chuyển tiền thì đối tượng nhiều lần nhắn tin gợi ý, còn gửi các clip khiêu dâm do khách sử dụng hệ thống chia sẻ nhằm lôi kéo P.V tham gia.

Trao đổi với P.V, Thượng tá Đinh Văn Sơn-Phó Trưởng phòng An ninh mạng và phòng-chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh) cho hay: “Các trang quảng cáo mại dâm online này đều mang tính chất lừa đảo. Các cô gái được quảng cáo không hề có thật mà chỉ là hình ảnh bất kỳ được đối tượng sao chép trên không gian mạng rồi đăng tải.

Đối tượng hướng dẫn khách sử dụng Telegram vì đây là mạng xã hội rất dễ sử dụng mà không cần phải định danh nên đảm bảo, có mã hóa với tính bí mật cao, khó khăn trong truy vết. Các đối tượng thường đưa ra các hình ảnh cô gái đẹp nhưng giá cả rất thấp để lôi kéo đàn ông “hám của lạ” sau đó đăng ký mã QR chỉ là bước đầu tiên.

Nhiều người thấy số tiền chỉ 160-170 ngàn đồng không đáng kể nên sẵn sàng chuyển. Nhưng sau đó, đối tượng sẽ dẫn dắt đến khâu làm nhiệm vụ để hưởng ưu đãi, sinh lời lớn… khiến nạn nhân chuyển nhiều lần với số tiền lớn hơn rồi chiếm đoạt”.

“Tiền mất, tật mang”

Theo thống kê của Phòng An ninh mạng và phòng-chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, với chiêu trò đánh vào ham muốn của “đấng mày râu”, các đối tượng đã lừa đảo được số tiền rất lớn. Chỉ tính từ năm 2023 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận 10 đơn trình báo về việc bị các đối tượng lừa đảo bằng hình thức mại dâm online với số tiền bị chiếm đoạt lên đến hơn 4,3 tỷ đồng, trường hợp ít nhất bị lừa 120 triệu đồng, nhiều nhất lên đến 1,5 tỷ đồng.

Đơn cử như trường hợp anh N.M.L. (trú tại TP. Pleiku) quen một tài khoản tên “Lương Thị Mỹ Phường” có ảnh đại diện khá xinh đẹp. Sau khi nhắn tin làm quen, đối tượng đã gửi cho anh L. 1 đường link tham gia bình chọn, đánh giá hình ảnh phụ nữ gợi cảm để hưởng hoa hồng. Nhưng muốn bình chọn, anh L. phải chuyển một số tiền cho đối tượng.

Ban đầu, đối tượng trả hoa hồng cho anh L. để tạo lòng tin. Thấy có lãi, anh L. càng chuyển số tiền lớn hơn. Nhưng sau đó, đối tượng báo giao dịch của anh bị lỗi, đưa ra nhiều lý do khác nhau, muốn rút tiền ra cần phải chuyển thêm vào để xác minh… Tổng cộng, nạn nhân đã chuyển cho các đối tượng 1,2 tỷ đồng và bị chiếm đoạt luôn.

Tương tự là trường hợp anh Đ.H.T. (trú tại TP. Pleiku) cũng kết bạn làm quen với tài khoản đăng hình một cô gái xinh đẹp có tên “Đỗ Liên”. Sau khi nói chuyện thân mật, tài khoản này mời anh T. làm nhiệm vụ để hưởng tiền hoa hồng qua một đường link. Sau những lần đầu có lời, đối tượng đưa ra lý do như số dư trong tài khoản không đủ để hoàn thành nhiệm vụ, cần phải đóng thêm tiền nếu không sẽ bị đóng băng, không rút về được. Tin tưởng lời đối tượng, anh T. đã 5 lần chuyển tiền vào tài khoản tại ngân hàng do đối tượng đưa với tổng số tiền gần 700 triệu đồng.

Theo Thượng tá Đinh Văn Sơn, các đối tượng ban đầu đánh vào tâm lý thích phụ nữ đẹp “hám của lạ” của một số đàn ông. Sau đó, đối tượng đánh vào lòng tham một cách mù quáng của họ để dẫn dụ chuyển cho chúng số tiền lớn. Hầu hết những người đàn ông này khi liên lạc với các đối tượng đều ở một mình, một số trong tình trạng đã có men rượu nên thiếu tỉnh táo, dễ dàng bị các đối tượng “thao túng tâm lý”, rơi vào cạm bẫy mà chúng đã giăng sẵn.

“Đầu tiên, người dân cần có lối sống lành mạnh, văn minh. Khi tương tác trên không gian mạng cần tự trang bị kiến thức, kỹ năng cho mình để tránh rơi vào vòng xoáy lừa đảo. Bởi hiện nay, tội phạm truyền thống có xu hướng chuyển qua tội phạm công nghệ cao lợi dụng không gian mạng.

Qua truy vết, các đối tượng này đều ở nước ngoài nên rất khó để điều tra, bắt giữ. Hầu hết nạn nhân khi phát hiện, trình báo tới cơ quan chức năng đều khá muộn, các đối tượng đã thao tác chuyển tiền tới một tài khoản thứ 3 nên rất khó thu hồi”-Thượng tá Sơn cảnh báo.

Có thể bạn quan tâm

Ẩn họa từ việc trẻ em làm pháo tự chế

Ẩn họa từ việc trẻ em làm pháo tự chế

(GLO)- Thời gian gần đây, các địa phương trong cả nước liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm liên quan đến việc trẻ em lên mạng xã hội tìm hiểu, đặt mua hóa chất rồi về làm pháo tự chế. Hiểm họa về pháo tự chế luôn hiện hữu một khi thiếu sự quản lý, giám sát từ cha mẹ.

Đak Đoa: Đăng ký định danh xe trực tuyến, người đàn ông bị kẻ giả danh công an lừa 144,4 triệu đồng

Đak Đoa: Đăng ký định danh xe trực tuyến, người đàn ông bị kẻ giả danh công an lừa 144,4 triệu đồng

(GLO)- Công an huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) vừa tiếp nhận đơn trình báo của anh A. (SN 1985, trú tại xã Ia Băng, huyện Đak Đoa) về việc bị đối tượng giả danh công an gọi điện thoại yêu cầu đăng ký định danh xe tải và lừa đảo chiếm đoạt với số tiền 144,4 triệu đồng.

Tham gia bán hàng qua mạng, 1 phụ nữ ở Đức Cơ bị chiếm đoạt hơn 1,9 tỷ đồng

Tham gia bán hàng qua mạng, 1 phụ nữ ở Đức Cơ bị chiếm đoạt hơn 1,9 tỷ đồng

(GLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) vừa tiếp nhận đơn trình báo của chị Thúy (tên nạn nhân đã được thay đổi; trú tại huyện Đức Cơ) về việc bị đối tượng quen biết trên mạng xã hội lừa đảo, chiếm đoạt số tiền hơn 1,9 tỷ đồng.

Xuất hiện trang web giả mạo Trung tâm chăm sóc khách hàng của Tổng Công ty Điện lực miền Nam để lừa đảo

Xuất hiện trang web giả mạo Trung tâm chăm sóc khách hàng của Tổng Công ty Điện lực miền Nam để lừa đảo

(GLO)- Ngày 20-11, Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) thông tin, hiện trên mạng internet xuất hiện trang web giả mạo Trung tâm chăm sóc khách hàng của EVNSPC, có địa chỉ evnspccskh.com. EVNSPC khẳng định trang web evnspccskh.com là giả mạo để lừa đảo.

Người dân cần liên hệ các kênh thông tin chính thống của BHXH Việt Nam để phòng tránh lừa đảo. Ảnh nguồn baohiemxahoi.gov.vn

Cảnh báo yêu cầu cung cấp thông tin bảo hiểm y tế để lừa đảo

(GLO)- Theo Bảo hiểm Xã hội (BHXH) TP. Hà Nội, thời gian gần đây, đơn vị nhận được phản ánh của một số cơ sở giáo dục trên địa bàn về việc một số đối tượng mạo danh gửi giấy mời đến phụ huynh yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân để thay đổi, bổ sung thông tin thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID.