Cánh diều tuổi thơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Bay cao, cao nữa diều ơi/Đừng sợ dây buộc đo trời tấc gang/Dang tay ta mở không gian/Cho diều thỏa sức bắc thang hỏi trời/Ai đem hạt nắng ra phơi/Ai mang ngọn gió lả lơi cánh diều?”. Cháu trai tôi vừa tháo cuộn chỉ thả con diều phượng mới mua bay lên, vừa đọc mấy câu thơ lạ lẫm khiến tôi buồn cười. Tôi hỏi đó là thơ của ai thì cháu trả lời không biết. Cháu chỉ nghe mấy bạn trên trường đọc đi đọc lại nên nhớ vậy thôi.
Hè năm nay, nắng nóng rát da, gia đình tôi không đưa các cháu đi chơi xa mà loanh quanh một số nơi trong thành phố. Cuối tháng 6 rồi mà trời Tây Nguyên vẫn mưa nắng thất thường. Phố núi Pleiku có những buổi chiều hây hẩy nắng gió, khá mát mẻ, các cháu thiếu nhi có thể tung tẩy sinh hoạt ngoài trời. Không gian chúng tôi ở là một vùng bờ kè suối Hội Phú tương đối hoàn thiện nằm bên cổng chùa Minh Thành khá thanh tịnh và đẹp mắt. Buổi chiều, khi trời nhạt nắng, với khoảng không gian vừa phải có mây trời, gió núi, có dòng suối nước lững lờ trôi, các gia đình trong thành phố chở nhau tụ tập hai bên bờ kè trước cổng chùa để chụp hình, tản bộ, ngồi xem các cháu thả diều xanh xanh, đỏ đỏ chật kín bầu trời, trông rất vui nhộn. Các cháu nhà tôi cũng hòa cùng đám đông thả diều với bè bạn khắp nơi trong phố.
Tham gia trò chơi thả diều cùng các cháu, tôi như sống lại với tuổi thơ nơi đồng xanh trái ngọt quê nhà ngày ấy. “Quê hương là con diều biếc/Tuổi thơ con thả trên đồng…” (thơ Đỗ Trung Quân). Môi trường tuổi thơ qua rồi của tôi đầy chân chất và lãng mạn với những mùa hè thú vị, thảnh thơi. Những con diều giản đơn tự làm bằng tre nứa và giấy màu với cái đuôi dài loằng ngoằng đủ màu sặc sỡ được thả trên cánh đồng vừa gặt xong chỉ còn trơ gốc rạ. Bấy giờ, không phải con diều nào tự “chế tạo” ra cũng bay cao bay xa mà có khi vì vội vàng, thiếu cẩn thận lúc cột buộc hay dán giấy không cân đối khiến con diều mới cất lên không gian đã lảo đảo rồi bổ nhào xuống đất làm cho cuộc chơi phải dừng lại nửa chừng. Trong đám bạn thả diều ngày xưa ở quê nhà, tôi nhớ có thằng Tiên học cùng lớp là khéo tay hơn cả. Con diều của nó được làm khá công phu, có tay nghề hơn, vừa chắc chắn, vừa thanh mảnh và đẹp mắt, đem ra đồng vừa thả là lao vút lên trời xanh. Nó phăng hết cuộn chỉ để con diều bay lượn, múa may trên tầng không, cao đến mức chỉ còn nhìn thấy một đốm nhỏ ve vẩy gần đám mây bàng bạc. Thằng Tiên cắm trục chỉ xuống đất cho an toàn rồi tìm chỗ có ụ đất cao ngồi ngắm nghía con diều của mình một cách thích thú trước sự ghen tị của đám bạn trong xóm. Chỉ với năm bảy cánh diều bay lượn của đám bạn xóm tôi cùng với mấy con trâu đang nhẩn nha gặm cỏ đã khuấy động cả không gian rộng mở trên cánh đồng, tạo nên khung cảnh miền quê yên ả, thanh bình. Kỷ niệm một thời tuổi thơ ấy mãi mãi sống động và đầy yêu thương. Có lẽ tình yêu quê hương trong tôi đã bắt nguồn và lớn lên từ những cánh diều tuổi thơ ấy.
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Giờ đây, ngồi nhìn các cháu thả diều trong phố ở khoảng không gian chật hẹp với những khu phố cao tầng và cột điện đan dày mà cảm thấy có chút ngậm ngùi. Dù cánh diều của các cháu hôm nay có khác với con diều trên đồng quê của thế hệ cha ông ngày xưa, nhưng đó là hình ảnh tuổi thơ thân yêu với trò chơi dân gian đầy khát vọng con người, khó có thể mất đi. Cánh diều là một cách biểu đạt ước mơ của tuổi thơ. Nó tạo ra sự hưng phấn, thăng hoa trong tâm hồn còn non nớt, muốn được vươn lên, bay cao trên bầu trời tự do như chim trời, cá nước…
Mỗi năm vào hạ, tìm được góc thư giãn có không gian cho các cháu thỏa chí vui chơi ngoài trời là điều khó khăn trong những khu phố chật chội. Khá vui là giờ đây, khu phố tôi có khoảng trời đầy nắng gió để các cháu thả diều, hóng mát vào những ngày khô tạnh. Chiều chiều, ngồi bên dòng suối, nhìn những cánh diều chấp chới tung bay trên khoảng trời xanh, thi thoảng nghe tiếng chuông chùa vang vọng trong không gian trầm lắng, tôi lại nhớ về thời thơ ấu quê mình.
BÙI QUANG VINH
 

Có thể bạn quan tâm

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Đi cà kheo

(GLO)- Đi cà kheo không chỉ phổ biến ở vùng đồng bằng mà còn là một hoạt động văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Bằng những câu thơ chân thực và gần gũi, tác giả Nguyễn Ngọc Hưng đã tái hiện trò chơi này đầy sinh động gắn với cảm xúc hứng khởi từ người chơi.

Các nghệ nhân xã Glar (huyện Đak Đoa) chụp ảnh lưu niệm trước tác phẩm “Nét Tây Nguyên”. Ảnh: N.A.M

“Nét Tây Nguyên”

(GLO)- Tại Ngày hội Di sản văn hóa năm 2024 vừa diễn ra ở khu vực Bảo tàng tỉnh Gia Lai, tác phẩm “Nét Tây Nguyên” gồm 1 cụm 5 trụ gỗ của nhà điêu khắc Nguyễn Nam-Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã tạo nên điểm nhấn, một nét Tây Nguyên riêng có giữa lòng phố núi.

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

Thơ Hà Hoài Phương: Những ngôi sao xanh

(GLO)- Hình ảnh "những ngôi sao xanh" trong thơ Hà Hoài Phương tượng trưng cho ánh sáng hy vọng không bao giờ tắt, dẫu rằng có bao nhiêu khó khăn, thử thách hay bóng tối bao phủ. Những ngôi sao ấy là niềm tin, sức mạnh tinh thần giúp con người vượt qua mọi gian truân cuộc sống...

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

Thơ Nguyễn Đình Phê: Gửi lại

(GLO)- Bài thơ "Gửi lại" của Nguyễn Đình Phê là một tác phẩm đầy hoài niệm, suy tư về thời gian, tình yêu và sự chia ly. Xoay quanh cảm giác tiếc nuối, luyến lưu một mối tình đã qua, những kỷ niệm khó quên, tác giả muốn gửi lại cho người yêu hay cho chính mình?

Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn bên một bức tranh của họa sĩ Xu Man tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: P.D

Tranh Xu Man: Di sản tìm về

(GLO)- Từ chỗ chỉ sở hữu số lượng tác phẩm rất ít ỏi của họa sĩ Xu Man, hiện nay, Bảo tàng tỉnh Gia Lai đang có một bộ sưu tập dày dặn với tổng cộng 52 bức của người họa sĩ tài danh, nhiều nhất trong hệ thống bảo tàng cả nước.

Hình dung

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Hình dung

(GLO)- Bài thơ "Hình dung" của Nguyễn Ngọc Hưng là một tác phẩm đẹp, đậm chất mộng mơ và lãng mạn. Nó thể hiện một tình yêu vĩnh cửu, dường như không thể chạm vào, nhưng vẫn mãnh liệt và đầy khắc khoải...

Ảnh minh họa. Nguồn : Internet

Niềm vui đọc sách

(GLO)- Từ lâu, đọc sách đã là một hoạt động được ưa thích của nhiều người, được khích lệ ở nhiều nơi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tôi vẫn giữ thói quen đọc đều đặn mỗi ngày. Điều đó vừa cần thiết cho công việc, vừa là cách để tôi giải trí và tìm hiểu về thế giới xung quanh.