Nahria Rose An Nhiên và tình yêu tiếng đàn t’rưng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mới 8 tuổi nhưng cô bé dân tộc Cơ-ho Nahria Rose An Nhiên đã bộc lộ năng khiếu đánh đàn t’rưng. Với khả năng làm chủ sân khấu cùng ngón đàn điêu luyện, các tiết mục trình diễn của em luôn nhận được những tràng pháo tay không ngớt từ khán giả.

be-an-nhien-tu-tin-trinh-dien-cung-cay-dan-trung-tren-san-khau-cung-cac-nghe-nhan-gao-coi-anh-vu-chi.jpg
Bé Nahria Rose An Nhiên tự tin trình diễn ca khúc “Cô gái vót chông” cùng với các nghệ nhân gạo cội. Ảnh: Vũ Chi

Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại huyện Ia Pa vừa qua, các đại biểu bị cuốn hút bởi tiết mục văn nghệ chào mừng đến từ một cô bé nhỏ nhắn, đáng yêu cùng cây đàn t’rưng. Đó là em Nahria Rose An Nhiên-học sinh lớp 2B, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (xã Chư Răng, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai).

Mặc dù phải đứng trên chiếc ghế nhựa để có thể biểu diễn cùng cây đàn to, cao hơn mình nhưng em rất tự tin hoàn thành ca khúc “Cô gái vót chông” cùng với các nghệ nhân gạo cội. Những ngón tay bé nhỏ của em lướt nhẹ trên từng ống tre nứa một cách nhịp nhàng, điêu luyện đã nhận được những tràng pháo tay không ngớt từ khán giả.

Trò chuyện về năng khiếu đánh đàn t'rưng của con gái, anh Rcom Smen cho hay: Từ nhỏ, An Nhiên thường theo ba mẹ tham gia các lễ hội của buôn làng. Mỗi lần chứng kiến các nghệ nhân biểu diễn nhạc cụ truyền thống, con lại nhún nhảy theo. Đặc biệt, âm thanh từ chiếc đàn t’rưng lúc êm dịu, nhẹ nhàng, lúc rộn ràng, vang xa lôi cuốn con không thể rời mắt. Con đã xin các nghệ nhân cho mình được thử gõ vào chiếc đàn ấy. Và tiếng đàn t’rưng trong trẻo vang lên khiến con vô cùng thích thú. Con đã thổ lộ cùng cha mẹ ước mơ một ngày nào đó được đứng trên sân khấu biểu diễn với cây đàn t’rưng trong sự tán dương của mọi người.

gen-h-z6661554775164-c53a11252c78cf30cf1e99f65baf2d08.jpg
Bé An Nhiên có niềm đam mê với cây đàn t'rưng. Ảnh: Vũ Chi

Thấy con đam mê nhạc cụ truyền thống và có năng khiếu văn nghệ, hè năm 2024, ba mẹ đã nhờ một người bạn am hiểu về đàn t’rưng tại xã Chư Mố dạy đàn cho em. Nhờ có năng khiếu và thường xuyên tập luyện, An Nhiên nhanh chóng hiểu rõ về tiết tấu và cảm âm. Sự tiến bộ nhanh chóng của em khiến cô giáo khá bất ngờ.

Nghe những lời nhận xét tích cực của cô giáo dạy đàn, ba mẹ em đã quyết định dành dụm tiền mua cho con gái cây đàn t’rưng gần 10 triệu đồng để con có điều kiện tập luyện. Gần 2 tháng sau khi theo học, An Nhiên đã tự tin trình diễn ca khúc “Cô gái vót chông” bằng đàn t’rưng tại lễ khai giảng năm học tại trường.

Chia sẻ về tình yêu của mình với cây đàn t’rưng, An Nhiên vui vẻ cho biết: Em rất thích âm thanh lúc trầm bổng, lúc du dương của tiếng đàn t’rưng. Tuy nhiên những ngày đầu theo học, do chưa quen nên em bị đau cổ tay. Vì vậy, em phải tập luyện thường xuyên. Ngoài thời gian học cùng cô giáo, em thường cùng cha tập luyện ở nhà mỗi khi rảnh rỗi.

gen-h-z6661554778995-7cec0007410427ed03d4689103c24f36.jpg
Anh Rcom Smen là người truyền cảm hứng và luôn đồng hành cùng con khi luyện tập đàn t'rưng. Ảnh: Vũ Chi

An Nhiên còn nhớ rất rõ lần đầu tiên đứng trên sân khấu, em run đến toát mồ hôi. Nhưng nhờ có ba trình diễn cùng bên cạnh, em cảm thấy tự tin hơn rất nhiều. Khi tiếng đàn ngân lên, mọi hồi hộp đều tan biến. Em trình diễn bằng tất cả tình yêu của mình. “Những tràng pháo tay không ngớt từ khán giả là niềm hạnh phúc lớn nhất với em. Em hy vọng mình có thể chơi đàn thật giỏi để sau này trở thành cô giáo dạy đàn cho tất cả mọi người”-An Nhiên bộc bạch.

Nhìn con tự tin trình diễn trên sân khấu, anh Smen không giấu được niềm hạnh phúc. Vợ chồng anh đều là giáo viên tiểu học. Gia đình nội, ngoại không có truyền thống biểu diễn nhạc cụ dân tộc. Riêng anh, khi còn nhỏ cũng đam mê nhạc cụ truyền thống nhưng vì điều kiện gia đình khó khăn nên không có cơ hội theo học. Vì vậy, khi thấy con yêu thích nhạc cụ truyền thống, anh thấy rất vui. 2 cha con thường xuyên mở các clip hướng dẫn để tập luyện cùng nhau cho thỏa niềm đam mê.

Những lúc như vậy, chính con gái lại trở thành “cô giáo nhí” của cha. Căn nhà nhỏ lúc nào cũng rộn vang tiếng đàn, tiếng hát. Để tạo cơ hội cho con học hỏi, mạnh dạn và tự tin hơn, ba mẹ thường xuyên tạo điều kiện cho An Nhiên tham gia trình diễn tại các chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ do trường, xã, huyện tổ chức.

“Nhìn con biểu diễn đàn t’rưng tôi thấy như chính mình trong đó. Đây là mơ ước của tôi từ nhỏ nhưng chưa thực hiện được nên bây giờ con giúp mình hoàn thành ước mơ ấy. Hạnh phúc nhất là những lúc 2 cha con cùng nhau trình diễn trên sân khấu và nhận được sự tán dương từ khán giả. Tôi cảm thấy rất vui và tự hào về con gái”-anh Smen chia sẻ.

Bé An Nhiên trình diễn ca khúc Despacito cùng cây đàn t'rưng. Clip: Vũ Chi

Cô Mã Thị Duyên-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu-nhận xét: Em An Nhiên là học sinh ngoan ngoãn, chăm chỉ trong học tập, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập và rèn luyện. Ngoài ra, em rất tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa của trường. Với sự tự tin cùng đam mê nhạc cụ truyền thống, các tiết mục trình diễn cùng đàn t’rưng của em luôn được thầy cô và các bạn học sinh của trường yêu thích, tán dương. Các ca khúc như Cô gái vót chông, Đường tôi đi dài theo đất nước, Triệu đóa hoa hồng dưới ngón đàn điêu luyện của An Nhiên trở nên sinh động, lôi cuốn. Vừa qua, An Nhiên cũng xuất sắc đạt giải A cuộc thi “Giới thiệu sách trực tuyến” huyện Ia Pa năm 2025.

“Trong dòng chảy hiện đại ngày nay, văn hóa truyền thống rất cần thế hệ kế cận như bé An Nhiên để âm nhạc truyền thống không bị mai một. Đam mê tiếng đàn t’rưng, bé An Nhiên đã góp phần khơi dậy tình yêu nhạc cụ dân tộc trong thế hệ trẻ. Nhà trường sẽ luôn đồng hành, tạo điều kiện giúp em phát huy năng khiếu, chắp cánh cho tiếng đàn t’rưng bay cao, bay xa, đến gần hơn với công chúng”-cô Duyên nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Mang yêu thương về buôn làng

Mang yêu thương về buôn làng

(GLO)- Với tấm lòng yêu thương và chia sẻ, nhóm thiện nguyện “Kiên Giang chung một tấm lòng” đã lặn lội đến tận các buôn làng ở Gia Lai để trao tận tay những phần quà nghĩa tình cho người nghèo.

Chàng trai 9X ở Chư Sê khởi nghiệp thành công từ mô hình nuôi hươu sao

Chàng trai 9X ở Chư Sê khởi nghiệp thành công từ mô hình nuôi hươu sao

(GLO)- Từng có công việc ổn định ở nước ngoài, anh Đào Huy Phong (SN 1996, trú tại tổ 10, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã trở về Chư Sê khởi nghiệp từ mô hình nuôi hươu sao. Quyết định táo bạo ấy giúp anh có thu nhập ổn định, mở ra hướng phát triển kinh tế mới trên quê hương.

Không để khó khăn cản trở ước mơ

Không để khó khăn cản trở ước mơ

(GLO)- Đó là những chia sẻ đầy xúc động của các sĩ tử đặc biệt tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 tại tỉnh Gia Lai. Có em bị khuyết tật bẩm sinh, có em không may bị tai nạn giao thông ngay trước kỳ thi, dẫu khó khăn nhưng các em vẫn không từ bỏ hành trình chinh phục tri thức.

Chị Hoàng Thị Thu Thảo-Công an xã Hòa Phú, huyện Chư Păh bên tác phẩm đạt giải nhất của mình. Ảnh: Đinh Yến

Lan tỏa giá trị đạo đức và truyền thống tốt đẹp của gia đình

(GLO)- Hưởng ứng ngày Gia đình Việt Nam (28-6), Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức cuộc thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về gia đình với chủ đề “Gia đình hạnh phúc-Quốc gia thịnh vượng”. Cuộc thi nhằm tạo sự lan tỏa về chuẩn mực, giá trị đạo đức và truyền thống tốt đẹp của gia đình.

Top 4 bộ sách kỹ năng sống trẻ em nên đọc trong mùa hè này

Top 4 bộ sách kỹ năng sống trẻ em nên đọc trong mùa hè này

Mùa hè được xem là khoảng thời gian để trẻ nghỉ ngơi, vui chơi và khám phá thế giới xung quanh, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với trẻ nhỏ. Bốn bộ sách kỹ năng sống của Đinh Tị Books cho trẻ nhỏ dịp hè sẽ giúp các em những kỹ năng tự bảo vệ bản thân, để có một mùa hè thật vui và ý nghĩa.

'Phù thủy' của những món đồ tái chế

'Phù thủy' của những món đồ tái chế

Đối với tôi, được biết và lắng nghe câu chuyện sống xanh của chị Nguyễn Thị Giang là một cái duyên, là điều may mắn và hạnh phúc, bởi chị đã truyền cảm hứng cho không chỉ bản thân tôi mà rất nhiều người khác về lối sống hạn chế rác thải, tái chế những gì có thể để bảo vệ môi trường của chúng ta.

Định hướng công tác giáo dục thế hệ trẻ trong kỷ nguyên mới

Định hướng công tác giáo dục thế hệ trẻ trong kỷ nguyên mới

Phát biểu khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư Đoàn lần thứ 7, khóa XII, anh Bùi Quang Huy nhấn mạnh, việc sơ kết 10 năm triển khai chỉ thị về Chỉ thị số 42- CT/TW là nội dung quan trọng, không chỉ tổng kết một giai đoạn mà còn định hướng cả một chặng đường dài trong công tác giáo dục thế hệ trẻ.

“Cháy” hết mình với nghề

“Cháy” hết mình với nghề

(GLO)- Họ là những phóng viên luôn “cháy” hết mình với nghề. Không quản ngại khó khăn, họ sẵn sàng xông pha, dấn thân… để đem đến cho bạn đọc, khán thính giả những thông tin giá trị, hấp dẫn, sinh động và mang đậm hơi thở cuộc sống.

Tỉnh Đoàn Gia Lai tập huấn chương trình “Tư vấn-Tiếp sức mùa thi” cho các đội hình tình nguyện

Tỉnh Đoàn Gia Lai tập huấn chương trình “Tư vấn-Tiếp sức mùa thi” cho các đội hình tình nguyện

(GLO)- Sáng 18-6, Tỉnh Đoàn Gia Lai tập huấn chương trình “Tư vấn-Tiếp sức mùa thi” năm 2025. Tham dự chương trình có Thường trực Tỉnh Đoàn, đại diện các Huyện Đoàn, Thị Đoàn, Thành Đoàn; đội trưởng, đội phó các đội hình tình nguyện trên địa bàn tỉnh.

null