Mưa đêm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi vẫn thích mưa đêm vì nó mát lành, êm dịu ru giấc tôi nhanh và êm hơn bất kỳ bản nhạc không lời nào. Giấc mơ đêm mát lành mùi nước mưa, tiếng mưa rì rầm trên mái tôn, tiếng lá tiếng gió cọ vào nhau đầy những nỗi niềm. Quấn chặt người trong chăn ấm để nghe tiếng mưa, để ngắm mưa qua quầng đèn sáng mờ mờ lấp lánh rồi dần dần chìm vào giấc ngủ yên lành tự bao giờ chẳng biết.
Những ngày còn đi học, tôi thích ngắm mưa ở quán cà phê quen thuộc mà tôi vẫn hay làm thêm. Buổi tối mưa khiến cho quán ít khách, chủ quán não lòng mở những bản nhạc buồn, nhân viên ít việc nên thay vì chạy đi chạy lại hết hơi để bưng bê thì tìm một góc để ngồi ngắm mưa rơi. Tự gọi cho mình một ly cà phê trong những tối vắng khách như thế để thấy mình bỗng nhiên được đổi vai từ người phục vụ thành khách là điều khá thú vị và mới mẻ. Duỗi thẳng chân ra để ngồi lười biếng trong chiếc ghế nệm sâu, nếm một ngụm cà phê đắng, mắt ngó ra ô cửa sổ nhỏ để ngắm mưa rây rây nhẹ nhàng mà cảm thấy đời như chẳng còn gì để lo toan nữa. Quán nhỏ bỗng như rộng thênh thang, mỗi người khách một góc lặng lẽ ngắm mưa để trút nỗi niềm, chả ai buồn cao giọng để phá tan đi tiếng mưa rả rích. Những cặp tình nhân lại càng chìm đắm vào nhau chỉ bằng một cái nắm tay, khói thuốc lặng lẽ vo thành từng vòng trôi lơ lửng trong điệu nhạc buồn được đệm bằng tiếng mưa.
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Cái thói quen uống cà phê đêm có lẽ hình thành ở những ngày mưa của thời sinh viên theo tôi bền bỉ đến không ngờ, để những ngày nắng gắt tôi lại mơ màng nhớ đến nhạc điệu của mưa. Lại mong được thấy mưa đêm qua ánh đèn đường mờ ảo, để mà khoác một chiếc áo mưa hay một cây dù đi xuyên qua màn mưa đến một góc quán quen lặng lẽ ngồi ngắm mưa. Mưa đêm làm phố hiu hắt hơn, gánh hàng rong ven đường chỉ có cô chủ ngồi buồn tênh ngó ra, nhưng vẫn nhất quyết mở quán như một thói quen bởi sợ khách ruột đêm mưa đói bụng. Mưa đêm làm tiếng chổi quét rác cũng lặng đi. Những phận người mưu sinh về đêm ảm đạm hơn hết thảy. Nhưng khi ngồi bên họ mới biết họ thản nhiên đón nhận mưa đêm như một phần của cuộc mưu sinh bấp bênh.
Mưa đêm rửa trôi đi cái oi bức, bực bội của một ngày làm việc, để mọi người lại thấy ngôi nhà của mình trở nên ấm áp biết bao, rồi thư thả trôi mình trong mưa mà tìm về những giấc mơ thơ dại. Những cơn mưa đêm mát lành được nhiều người thích hơn mưa sớm. Bởi sau những rả rích về đêm, ban mai sẽ được hưởng cái không khí mát lạnh của mưa, rồi sương sẽ bảng lảng mở đầu cho ngày mới tinh khôi.
LÊ THỊ KIM SƠN
 

Có thể bạn quan tâm

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...
Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

(GLO)- Nhà thơ Bùi Quang Thanh quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, tuổi Canh Dần (1950). Năm 1971, ông là lính của Mặt trận Tây Nguyên, đã từng tham gia chiến dịch giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh 1972 và suýt nữa thì nằm lại giữa rừng “cánh Trung” vì sốt rét.

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

(GLO)- Loài hoa mang trong mình vị đắng đót nhưng vẫn căng mình tận hiến không chỉ sắc vàng rực rỡ mà còn nuôi dưỡng cho đất đỏ bazan màu mỡ. Bài thơ "Hoa đắng" của nhà thơ Ngô Thanh Vân là những lời viết đầy cảm xúc dành cho loài hoa đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió này.
Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...