Cảnh báo lừa đảo 'hỗ trợ cấp lại mật khẩu ứng dụng VssID'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Lợi dụng lòng tin và nhu cầu của người lao động, một số đối tượng đã giả danh là người của Bảo hiểm xã hội Việt Nam hỗ trợ, cấp lại mật khẩu ứng dụng VssID - bảo hiểm xã hội số nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người lao động.

Theo phản ánh của chị N., do không nhớ mật khẩu của ứng dụng VssID, chị đã lên mạng xã hội Facebook để tìm hiểu phương thức lấy lại mật khẩu. Qua đó, chị tiếp xúc với một Facebook có tên Trần Lệ Giang qua ứng dụng Messenger và được người này giới thiệu là nhân viên tiếp nhận hồ sơ của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Người này tư vấn cho chị N. rằng: Chỉ có Cổng Thông tin điện tử của Bảo hiểm xã hội Việt Nam mới cấp lại được mật khẩu VssID.

Cảnh báo lừa đảo 'hỗ trợ cấp lại mật khẩu ứng dụng VssID' ảnh 1

Nếu muốn lấy lại mật khẩu của ứng dụng này cần phải đặt tiền cọc, số tiền này sẽ được chuyển trả cho chị N. sau khi chị nhận được mật khẩu. Để được nhận lại mật khẩu, chị N. phải “lên hồ sơ” đăng ký qua Cổng Thông tin điện tử Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hồ sơ kèm theo gồm: Chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân 2 mặt, mã số sổ Bảo hiểm xã hội, thông tin cần thay đổi, địa chỉ tạm trú, số điện thoại cấp mật khẩu VssID, số tài khoản lĩnh lại tiền cọc.

Sau khi tạo được lòng tin với chị N, đối tượng này đã yêu cầu chị N. chuyển khoản đặt cọc số tiền 900.000 đồng để đảm bảo đây là mã số sổ và số điện thoại của chị. “Việc này nhằm tránh trường hợp mượn hồ sơ, rò rỉ thông tin và giả mạo hồ sơ; sau khi xác minh hồ sơ chính chủ, sẽ cấp mật khẩu về máy sau 5 phút và hoàn tiền cọc theo quy định” - đối tượng nhắn tin.

Thực hiện theo hướng dẫn, chị N. đã cung cấp thông tin cá nhân, ảnh chụp căn cước công dân và gọi điện qua ứng dụng Messenger để được đối tượng hướng dẫn tiếp. Sau đó, đối tượng có gửi cho chị N. hình ảnh Tờ khai hồ sơ xin cấp mật khẩu VssID có đóng dấu đỏ, chữ ký xác nhận đã tiếp nhận tờ khai của người có tên “Nguyễn Vinh Quang - Trưởng phòng Hồ sơ, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam”, đồng thời yêu cầu chị N. kiểm tra lại thông tin.

Sau khi kiểm tra tờ khai hồ sơ, chị N. đã chuyển 900.000 đồng vào tài khoản PHAM THI TRINH NGUYEN (số tài khoản 105001513701- Ngân hàng Đại chúng); nội dung chuyển tiền ghi: “tien coc phi cap lại MK VssID”. Tuy nhiên, sau đó, người này tiếp tục nhắn tin và gọi điện cho chị N. (qua ứng dụng Messenger) thông báo nội dung chuyển tiền ghi: “tiền cọc phí cấp lại MK VssID” không đúng, mà phải ghi là: “DAO THI NGAN so dien thoai 0984613744” và sẽ bị phạt 10 triệu đồng. Do không đủ tiền trong tài khoản, nên chị N. đã chuyển tiếp vào số tài khoản này 5 triệu đồng và sửa lại nội dung chuyển tiền đúng theo yêu cầu của đối tượng. Sau đó, đối tượng này lại thông báo với chị rằng, để nhận lại số tiền đặt cọc, chị phải chuyển thêm số tiền 11,8 triệu đồng để lập tài khoản điện tử chuyển lại tiền. Do không có tiền chuyển khoản, nên chị N. đã nói chuyện với người quen và được biết mình đã bị lừa.

Thấy chị N. không chuyển thêm tiền, đối tượng còn tiếp tục gọi điện nói rằng, số tiền 5,9 triệu đồng đã đóng chưa được khai báo thuế và cơ quan thuế phát hiện chị là người trốn thuế. Đối tượng còn dọa “mức án phạt nhẹ nhất cho trốn thuế là tạm giam 6 tháng hoặc phạt bồi thường là 550 triệu đồng. Thanh tra sẽ đến làm việc… và yêu cầu chị phải đến cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam tại số 7 Tràng Thi để làm việc”.

Sau khi biết mình bị lừa, chị N. đã liên hệ đến cơ quan Bảo hiểm xã hội và được Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc khách hàng (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) hỗ trợ chị lấy lại mật khẩu ứng dụng VssID mà không phải trả bất kỳ một khoản phí nào. Không chỉ riêng chị N., nhiều người dân khác cũng đã phản ánh qua tổng đài 1900.9068 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về tình trạng một số đối tượng yêu cầu chuyển tiền phí cấp lại mật khẩu VssID khi tìm hiểu trên mạng xã hội.

Qua vụ việc này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cảnh báo, hiện nay, tất cả các dịch vụ hỗ trợ giải quyết thủ tục về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế mà Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang triển khai, người dân đều không phải trả phí, do đó bất kỳ trường hợp nào yêu cầu người dân trả phí dịch vụ như trên đều là hành vi lừa đảo.

Việc cấp lại mật khẩu tài khoản giao dịch Bảo hiểm xã hội điện tử qua chức năng “Quên mật khẩu” trên ứng dụng VssID hoặc Cổng dịch vụ công Bảo hiểm xã hội Việt Nam (mật khẩu sẽ được cung cấp qua địa chỉ email mà người dân kê khai khi đăng ký tài khoản giao dịch Bảo hiểm xã hội điện tử). Trường hợp khi đăng ký tài khoản VssID nhưng chưa có thông tin về địa chỉ email, người dân có thể bổ sung địa chỉ email qua các kênh sau: Thực hiện việc lập Tờ khai TK1-TS để kê khai bổ sung thông tin email thông qua giao dịch bảo hiểm xã hội điện tử của đơn vị, tổ chức dịch vụ thu đang quản lý hoặc thực hiện lập tờ khai thay đổi, bổ sung thông tin đăng ký sử dụng phương thức giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội theo Mẫu số 02/SĐ-GD, đến nộp trực tiếp tại cơ quan Bảo hiểm xã hội nơi gần nhất, hoặc liên hệ trực tiếp tới Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc khách hàng qua số hotline 1900.9068 hoặc số 0243.7899999 (trong giờ hành chính) để được hỗ trợ.

Link bài gốc: https://baotintuc.vn/phap-luat/canh-bao-lua-dao-ho-tro-cap-lai-mat-khau-ung-dung-vssid-20230507114832732.htm

Có thể bạn quan tâm

Canh cánh nỗi lo bị lừa đảo trên không gian mạng

Canh cánh nỗi lo bị lừa đảo trên không gian mạng

(GLO)- Sau những cú lừa mời chào làm cộng tác viên trên TikTok, trúng thưởng, cố tình chuyển nhầm tiền ép vay, giả danh cán bộ viễn thông, Công an, nhân viên ngân hàng hỗ trợ kỹ thuật, tuyển mẫu ảnh nhí, gọi điện thông báo người thân bị tai nạn giao thông… thì gần đây, các đối tượng lừa đảo lại chuyển sang phương thức mới.
Ngăn chặn tình trạng tự chế vũ khí, vật liệu nổ

Ngăn chặn tình trạng tự chế vũ khí, vật liệu nổ

(GLO)- Cùng với việc đấu tranh quyết liệt với tội phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, Công an huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) cũng đã chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm ngăn chặn việc chế tạo vũ khí, vật liệu nổ, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Gia Lai khuyến cáo cảnh giác tội phạm sử dụng mạng viễn thông, internet

Gia Lai khuyến cáo cảnh giác tội phạm sử dụng mạng viễn thông, internet

(GLO)-

Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc tỉnh vừa có Công văn số 10/BCD-CAT gửi các sở, ngành, đoàn thể, địa phương về việc phòng ngừa, đấu tranh tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng mạng viễn thông, internet.

Giả danh gọi điện thông báo con bị tai nạn để lừa đảo xuất hiện ở Pleiku

Giả danh gọi điện thông báo con bị tai nạn để lừa đảo xuất hiện ở Pleiku

(GLO)- Vừa qua, một số phụ huynh trên địa bàn TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) bị các đối tượng gọi điện thoại mạo danh giáo viên thông báo con em mình bị tai nạn đang cấp cứu và yêu cầu chuyển khoản gấp tiền để đóng viện phí. Đây là chiêu trò lừa đảo mới, với hình thức tinh vi của tội phạm nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của phụ huynh học sinh.