Cẩn thận với quà tặng từ TikTok

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Công an TP HCM khuyến cáo người dân cẩn thận khi nhận những cuộc gọi tặng quà của người lạ.

Đang làm việc tại một tòa nhà trên đường Võ Văn Tần, quận 3 (TP HCM), anh N.A nhận được cuộc gọi: "Dạ anh có phải là N.A không? Nhân dịp kỷ niệm 5 năm thành lập TikTok, bên em có một phần quà gửi đến anh theo địa chỉ này đúng không?".

Nhận quà là có thật

"Tôi không biết những người này lấy số điện thoại, dữ liệu của tôi ở đâu nhưng họ nói đúng tên, nơi làm việc của tôi. Tôi thấy có dấu hiệu bất thường nên đã từ chối nhận quà và bên kia cũng cúp máy ngay lập tức" - anh N.A chia sẻ.

Tương tự, anh Ngọc Liêm sống tại một chung cư ở TP Thủ Đức cũng nhận được cuộc gọi tặng quà của người xưng là nhân viên của TikTok. Vài ngày sau, anh Liêm nhận được một phần quà. Khui gói quà, anh Liêm bất ngờ vì đó chỉ là một miếng vải được cắt nham nhở.

"Tôi không biết làm sao họ có địa chỉ và tốn công gửi đến tận nhà. Vừa nhận gói quà này thì có người gọi xác nhận tôi đã nhận quà hay chưa và kêu tôi có một phần quà sắp được gửi đến. Nghe vậy tôi cúp máy" - anh Liêm nói.

Thông tin trên mạng xã hội TikTok, nhiều người cho biết nhận được món quà nên vui mừng mở ra xem thì đó chỉ là những gói bột giặt hoặc những phần quà không có giá trị.

Cuối năm 2023, chị N.T.N (SN 1989, ngụ huyện Hóc Môn, TP HCM) gởi đơn đến các cơ quan chức năng cầu cứu vì bị lừa gần 400 triệu đồng.

Do là chủ tiệm tạp hóa nên chị N. không nghi ngờ khi có người gọi điện thông báo công ty gởi tặng quà nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam. "Chị kết bạn Zalo, em sẽ gửi danh sách quà tặng để chị chọn. Đặc biệt, khi nhận hàng chị không phải thanh toán cước hay bất cứ chi phí nào cả" - chị N. cho biết.

Sau khi nhận được quà tặng, nhiều người được hướng dẫn nhận những món quà khác
Sau khi nhận được quà tặng, nhiều người được hướng dẫn nhận những món quà khác

Như lời hứa, nhóm lừa đảo chuyển cho chị 3 nồi inox, yêu cầu chị chụp lại ảnh chuyển vào nhóm zalo. Sau đó, nhóm này dẫn dụ chị chơi mini game để bốc thăm trúng vàng, xe máy…

Chị N. làm theo. Điều kiện đưa ra là cùng các thành viên trong nhóm giúp công ty hoàn thành nhiệm vụ tăng doanh số. Sau 3-5 phút, công ty sẽ hoàn lại cả vốn lẫn lãi. Thực hiện chuyển khoản sẽ lập tức nhận được hoa hồng, lợi nhuận. Sau đó, nhóm lừa đảo đã dẫn dụ chị nộp tiền và lừa tổng cộng gần 400 triệu đồng rồi cắt liên lạc.

Mánh khóe, tinh vi

Qua thực tiễn phòng chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, Thượng tá Lê Minh Hải, Phó trưởng Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an TP HCM khuyến cáo người dân phải đề phòng trước những mánh khóe của tội phạm công nghệ cao.

Cụ thể, đối tượng phạm tội có nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau nhưng mục đích nhắm đến là tài sản mà nạn nhân hiện có trên các tài khoản ngân hàng, ví điện tử, các ứng dụng thanh toán trực tuyến.

Do đó, khi gặp những tình huống yêu cầu thực hiện các thao tác liên quan đến các loại tài khoản này hay cung cấp những thông tin cá nhân, số điện thoại để đăng ký thì phải hết sức cảnh giác.

Theo Công an TP HCM, người dân nên từ chối làm việc qua điện thoại nhất là các đầu số lạ, các trường hợp tự xưng là nhân viên tư pháp, cán bộ nhà nước...

Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn: Không bấm phím số trên máy điện thoại, xác minh số điện thoại, cài đặt ứng dụng trên các website; không cung cấp số tài khoản, thẻ tín dụng, thông tin cá nhân cho bất kỳ ai.

Đồng thời, tuyệt đối không cài đặt các ứng dụng theo yêu cầu của đối tượng, không chuyển tiền dưới bất cứ hình thức nào. Nếu đã chuyển phải báo ngân hàng phong tỏa ngay số tiền đã chuyển; báo cho người nhà biết và thông báo cho cơ quan công an gần nhất để xử lý.

Theo Công an TP HCM, kẻ gian sẽ đánh vào lòng tham của nạn nhân khi liên tục gửi những món quà. Ban đầu chỉ là món quà nhỏ vài chục ngàn sau đó vài trăm ngàn. Khi nạn nhân tin tưởng sẽ dẫn dụ làm theo yêu cầu và cuối cùng là chiếm đoạt tài sản.

Về việc người dân nghi ngờ bị lộ, lọt thông tin, dữ liệu người dùng bị mua bán và phục vụ cho mục đích lừa đảo, luật sư Mai Thanh Bình, Đoàn Luật sư TP HCM nhìn nhận việc mua bán dữ liệu người dùng là có, thực tế thời gian qua các cơ quan chức năng đã phát hiện, khởi tố nhiều đường dây mua bán dữ liệu cá nhân. Khi giao dịch trên các sàn thương mại điện tử người dân cần cẩn thận với thông tin cá nhân. Đối với các tài khoản dùng để mua hàng chỉ nên để đủ số tiền tiêu dùng; bên cạnh đó sử dụng một số điện thoại khác để đặt hàng trên mạng cũng được các chuyện gia về công nghệ khuyến cáo.

Theo luật sư Mai Thanh Bình mọi hành vi mua bán dữ liệu người dùng đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, việc mua dữ liệu để đi lừa đảo pháp luật cũng đã quy định rất rõ. Cho nên để tránh bị lừa đảo, người dân cần phải tự bảo vệ mình, không cung cấp thông tin cho bất kỳ ai, đồng thời cần cân nhắc trước các chương trình quà tặng "từ trên trời rơi xuống".

Nhiều vụ lộ, lọt thông tin

Vừa qua, Tập đoàn Công nghiệp -Viễn thông Quân đội (Viettel) đã công bố báo cáo tình hình an ninh mạng nửa đầu năm 2024.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2024, số lượng thông tin cá nhân bị đánh cắp tăng 50% so với cùng kỳ năm 2023. Số website giả mạo tổ chức, doanh nghiệp tăng 4 lần so với cùng kỳ, làm gia tăng số vụ lừa đảo, gian lận tài chính.

Có tổng cộng 46 vụ lộ, lọt dữ liệu của doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam. Trong đó, bị lọt, lộ nhiều nhất là thông tin khách hàng và thông tin mua bán của các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ.

Tiếp đến là thông tin xác minh danh tính của khách hàng thông qua việc ứng dụng công nghệ điện tử, thông tin của nhiều trường đại học, tổ chức giáo dục.

Theo Bài và ảnh: PHẠM DŨNG (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Xuất hiện trang web giả mạo Trung tâm chăm sóc khách hàng của Tổng Công ty Điện lực miền Nam để lừa đảo

Xuất hiện trang web giả mạo Trung tâm chăm sóc khách hàng của Tổng Công ty Điện lực miền Nam để lừa đảo

(GLO)- Ngày 20-11, Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) thông tin, hiện trên mạng internet xuất hiện trang web giả mạo Trung tâm chăm sóc khách hàng của EVNSPC, có địa chỉ evnspccskh.com. EVNSPC khẳng định trang web evnspccskh.com là giả mạo để lừa đảo.

Người dân cần liên hệ các kênh thông tin chính thống của BHXH Việt Nam để phòng tránh lừa đảo. Ảnh nguồn baohiemxahoi.gov.vn

Cảnh báo yêu cầu cung cấp thông tin bảo hiểm y tế để lừa đảo

(GLO)- Theo Bảo hiểm Xã hội (BHXH) TP. Hà Nội, thời gian gần đây, đơn vị nhận được phản ánh của một số cơ sở giáo dục trên địa bàn về việc một số đối tượng mạo danh gửi giấy mời đến phụ huynh yêu cầu cung cấp các thông tin cá nhân để thay đổi, bổ sung thông tin thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID.

Lại xuất hiện hack Facebook để mượn tiền

Lại xuất hiện hack Facebook để mượn tiền

Mặc dù đã được cơ quan chức năng cảnh báo, nhưng thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh lại xuất hiện việc đối tượng lấy cắp tài khoản (hack) Facebook cá nhân để nhắn tin messenger cho người thân, bạn bè của chủ tài khoản để hỏi mượn tiền, nhờ chuyển tiền.