Cảm thức pơ thi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Pơ thi là lễ hội lớn trong các nghi lễ vòng đời của các sắc tộc Tây Nguyên. Người Tây Nguyên quan niệm khi chết, cái đích của các hồn ma (Atâu) là cõi mang lung. Đó là cõi vĩnh hằng tự do vui vẻ chờ đợi mọi người. 
Thời gian đầu khi một người vừa qua đời, bao nhiêu tình cảm vấn vương níu kéo, hồn ma chưa nỡ bỏ người thân đang sống mà đi được. Khoảng 1 năm kể từ khi an táng, chiều nào cũng có người thân (thường là phụ nữ) ra nhà mồ quét dọn, chăm sóc, khóc kể cho người chết nghe, rồi cho hồn ma ăn uống đều đặn. Sau đó, việc này thưa dần, đến khi gia chủ tích trữ đủ lúa gạo, rượu ghè, trâu, bò, heo, gà… thì làng làm lễ pơ thi. Đó là lần tiễn biệt vĩnh viễn người đã khuất.
Pơ thi của người Jrai thường diễn ra trong mùa ning nơng, là thời điểm đất trời trong trẻo nhất. Mùa màng đã xong. Lúa đã chất đầy kho rẫy. Con người có những ngày nghỉ ngơi vui vẻ để lấy lại sức chuẩn bị bước vào một mùa vụ gieo trồng mới.
Công việc đầu tiên trong lễ pơ thi là dỡ nhà mồ ra làm lại. Người ta lên rừng chặt gỗ, chặt tre. Nghệ nhân thì tạo tác các bức tượng mồ một cách ngẫu thức, độc bản. Nhà mồ được làm xong, xung quanh được rào bằng tre gỗ và dựng xen kẽ các bức tượng mồ. Phía ngoài, dựng các lán lá che sương che nắng tạm, để ngủ nghỉ qua đêm. Chủ nhà dựng một ngôi lán lát sàn, thấp nhưng dài, thuận tiện cho việc chia phần, ngồi uống rượu cần giữa ngày nắng đêm sương.
Tiếp đến là một đêm cồng chiêng đắm đuối. Nghe tiếng cồng chiêng, bà con các làng lân cận kéo nhau đến. Xưa người Tây Nguyên yêu nhau quý nhau thì giao ước có việc, mọi người biết tin cứ thế tự nguyện đến, không chờ mời mọc, không ghi chép trả nghĩa… Có những pơ thi với hàng mấy trăm người tham dự là thế.
Người các làng đến dự lễ hội pơ thi đều mang theo lễ vật, không gây bị động, khó khăn cho gia chủ. Thường thì họ cắp theo con heo nhỏ hay con gà, gùi theo gạo, ghè rượu cần… Đêm đầu, chủ nhà đã chuẩn bị sẵn một ít thức ăn và rượu để người tham dự ăn uống, đánh cồng chiêng, múa xoang trong đêm. Tầm 3 giờ sáng, mọi người lục tục đập heo, giết bò để làm đồ hiến tế, đồ ăn đồ uống cho ngày sau. Thường một lễ pơ thi kéo dài 3-4 ngày đêm.
Lễ pơ thi của người Bahnar ở Kông Chro. Ảnh: Hoàng Ngọc
Lễ pơ thi của người Bahnar ở Kông Chro. Ảnh: Hoàng Ngọc
Những pơ thi xưa vì vậy phải giết hàng chục con trâu, bò, hàng trăm con heo, hàng trăm ghè rượu, ăn uống thâu ngày thâu đêm. Đó là ngày vui của không chỉ một nhà mà cả làng, không chỉ một làng mà là nhiều làng trong chu vi hàng chục cây số núi rừng!
Thường pơ thi được tổ chức vào những mùa trăng. Trên trời trăng sáng huyền ảo mông lung. Những đống lửa bập bùng mờ tỏ. Đêm càng khuya, tiếng cồng chiêng càng thôi thúc vang xa đến tận cùng rừng núi. Những vòng xoang thêm xao xuyến. Những cang rượu cần ngả nghiêng.
Trong một đêm pơ thi mơ ảo như thế ở ngoại ô Pleiku, chúng tôi cùng nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo bộ hành nửa tỉnh nửa say tưởng chừng không hồi kết. Và bài thơ “Đêm cộng cảm” của anh ra đời: “Múa hát với ma đêm nay/Ăn uống với ma đêm nay/Ngủ với ma đêm nay/Ngày mai vĩnh viễn chia tay…”.
Bây giờ, pơ thi có quy mô nhỏ hơn. Nhưng trong tôi, những tiếng cồng chiêng mùa ning nơng ngày nào vẫn lấp láy mãi trong ký ức.
PHẠM ĐỨC LONG

Có thể bạn quan tâm

Lễ bỏ mả: Cuộc trình diễn nghệ thuật truyền thống đặc sắc của người Jrai

Lễ bỏ mả: Cuộc trình diễn nghệ thuật truyền thống đặc sắc của người Jrai

(GLO)- Trong các nghi lễ truyền thống của người Jrai thì lễ bỏ mả mang đậm nét văn hóa dân gian, là lễ hội nổi trội nhất, hấp dẫn nhất và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Theo quan niệm của người Jrai, lễ bỏ mả là ngày vui cộng cảm, ngày hội của cộng đồng.
Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

(GLO)- 

Tròn 70 năm kể từ khi cố Nghệ sĩ Ưu tú Nay Pharr (làng Ơi H'Briu, xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) mang chiếc đàn t'rưng giới thiệu đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước, loại nhạc cụ độc đáo ấy đã được quảng bá không ngừng.

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.