Cải thiện năng lực làm du lịch cộng đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Du lịch cộng đồng được xác định là thế mạnh của tỉnh Gia Lai, nhưng năng lực của cộng đồng lại chính là điểm yếu. Trang bị kỹ năng cho người dân là cách để cải thiện năng lực làm du lịch cộng đồng.

Khơi thông nguồn lực

Lớp đào tạo nâng cao năng lực phát triển du lịch cộng đồng thuộc Dự án phát triển khu vực biên giới, vay vốn ADB (Tiểu dự án tỉnh Gia Lai) vừa kết thúc sau 1 tuần triển khai. 40 nông dân các làng: Phung, A Mơng, Kép 1, 2 (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) được trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản để làm du lịch cộng đồng. Chị Rơ Châm Hênh (làng Kép 1) cho biết: Trước đây, chị rất rụt rè, ngại tiếp xúc với người lạ. Mặc dù là thành viên tổ dệt vải, nấu ăn phục vụ khách ở làng Kép 1 và cũng đã phần nào quen với cách làm du lịch, nhưng khi tham gia lớp đào tạo, chị được “lấp đầy” những cái còn thiếu và yếu lâu nay. “Lớp học giúp mình hệ thống lại toàn bộ quy trình phục vụ du khách, từ dọn vệ sinh nhà cửa, kỹ năng giao tiếp, chào đón khách, đến hướng dẫn khách tham quan, trải nghiệm. Mình nhận ra ngay cả cuộc sống lao động sản xuất thường ngày của bà con cũng có thể biến thành hoạt động trải nghiệm cho du khách, ví dụ như hướng dẫn khách hái cà phê, gặt lúa”-chị Hênh bộc bạch.

 Người dân học cách làm du lịch. Ảnh: Hoàng Ngọc
Người dân học cách làm du lịch. Ảnh: Hoàng Ngọc



Người dân các làng còn thực hiện những mâm cơm phục vụ du khách dựa trên các giá trị ẩm thực truyền thống bản địa. Không chỉ có gà nướng, cơm lam, nhiều món ăn đặc trưng, dân dã được nâng tầm trên bàn tiệc ẩm thực như: gỏi kiến vàng, rau dớn xào tỏi, nộm đọt mây, hoa đu đủ nấu cà bi, cá suối hấp lá chuối… Các món ăn phong phú về màu sắc, hương vị, trình bày đẹp mắt theo xu hướng tìm về với tự nhiên. Chị Siu Nganh (làng Phung) chia sẻ: “Nhiều món ăn truyền thống được khôi phục và nâng tầm lên một bước nhờ khâu trình bày đẹp. Mình tìm hiểu ý nghĩa, sự ra đời của từng món ăn gắn với truyền thống văn hóa để giới thiệu với khách du lịch khi cần. Tham gia lớp học này, mình càng ý thức được giá trị của món ăn truyền thống trong phát triển du lịch cộng đồng”.

Còn anh Rơ Lan Thanh (làng Kép 1) thì cho hay: “Tất cả mọi người đều có vai trò, nhiệm vụ đón khách chu đáo. Ngoài giúp trải nghiệm các giá trị văn hóa, mình phải đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho khách. Ngoài ra, đàn ông có thể tham gia thêm vào công việc hậu cần như hỗ trợ chị em đi bắt cá suối, lên rừng hái đọt măng, rau dớn, chặt lồ ô về chế biến món ăn”.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Linh-Trưởng khoa Nghiệp vụ du lịch (Trường Cao đẳng Gia Lai) là người phụ trách lớp học. Chị cho hay: Phần lớn học viên đều là những “trang giấy trắng”, nghĩa là họ chỉ làm nông nghiệp thuần túy. Mục tiêu của khóa học là giúp người dân biết cách khai thác giá trị bản địa để gia tăng thu nhập. “Chúng tôi hướng dẫn người dân dọn nhà cửa sạch sẽ từ trong ra ngoài, chuẩn bị giường ngủ gọn gàng, ngăn nắp. Ngoài thu được tiền lưu trú, bà con có thể phục vụ thêm từ dịch vụ ăn uống, bán quà lưu niệm, lên chương trình 1 tour đi chơi, đến những địa điểm thú vị xung quanh làng; buổi tối biết cách tổ chức đêm văn nghệ truyền thống, có cồng chiêng, rượu ghè. Đó là chuỗi dịch vụ từ khi khách đến cho tới lúc rời đi. Và sau cùng là phải biết quản lý tài chính, tính toán chi phí hợp lý, cách ghi chép để làm sao không bị nhầm lẫn. Chúng tôi mong muốn người dân biết cách tận dụng tiềm năng sẵn có, tự làm chủ, tự thu chi mọi thứ chứ không chỉ làm công như lâu nay, như vậy mới phát triển được du lịch cộng đồng bền vững”-chị chia sẻ.

Giảng viên Nguyễn Thị Mỹ Linh cho biết thêm, sau khi lớp học kết thúc, bà con sẽ được đi thực tế ở 2 tỉnh Hà Giang và Cao Bằng. “Học viên sẽ trải nghiệm du lịch cộng đồng để xem người dân phía Bắc phục vụ du khách như thế nào, sau đó đúc rút kinh nghiệm và tìm cách làm cho mình. Tuy nhiên, họ cũng cần được hỗ trợ trong giai đoạn đầu, đó là các đơn vị lữ hành, cơ quan chức năng đưa vài đoàn khách đến để họ phục vụ thử nghiệm”-chị Linh thông tin.

Tăng cường quảng bá du lịch

Làng du lịch cộng đồng Mơ Hra (nay là làng Mơ Hra-Đáp, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) là sản phẩm du lịch cộng đồng đầu tiên của tỉnh, hình thành năm 2018 từ dự án của Hội đồng Anh. Cuối năm 2022, người Bahnar ở ngôi làng Đông Trường Sơn này tiếp tục được hỗ trợ nâng cao kỹ năng từ Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số (DTTS) gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.

 

 Người dân làng Mơ Hra-Đáp (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) chuẩn bị món ăn phục vụ khách du lịch. Ảnh: Hoàng Ngọc
Người dân làng Mơ Hra-Đáp (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) chuẩn bị món ăn phục vụ khách du lịch. Ảnh: Hoàng Ngọc


Triển khai nhiệm vụ trên, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch “Hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các DTTS; chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch tại các vùng đồng bào DTTS và miền núi kết hợp với nghiên cứu, khảo sát tiềm năng du lịch, lựa chọn xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng cho vùng DTTS trên địa bàn tỉnh” tại làng Mơ Hra-Đáp. Chương trình triển khai các hoạt động như: hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của làng; hướng dẫn bà con vệ sinh và bảo vệ môi trường trong kinh doanh lưu trú du lịch tại nhà dân; nâng cao kỹ năng, phương pháp chế biến món ăn, kỹ năng phục vụ khách lưu trú. Chương trình cũng hỗ trợ một số thiết bị để triển khai mô hình homestay cho 3 gia đình người Bahnar như: nệm, chăn, gối, màn, ga trải giường, tủ đựng chăn màn…

Đối với hoạt động quảng bá, chương trình xây dựng kịch bản, sản xuất phim tài liệu giới thiệu sản phẩm du lịch cộng đồng làng Mơ Hra-Đáp với nội dung hấp dẫn. Bà Phan Thị Ngọc Diệp-Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) cho hay, phim du lịch chú trọng giới thiệu các giá trị văn hóa, ẩm thực đặc sắc của làng, đêm cồng chiêng phục vụ du khách, cảnh quan sinh hoạt thường ngày, nghệ nhân đan lát, dệt vải… Ghi lại mọi sinh hoạt văn hóa lẫn đời thường qua những hình ảnh chân thật, sinh động để mang đến cảm xúc đúng như “di sản văn hóa sống”, kích thích người xem muốn được trải nghiệm, khám phá. Phim được sản xuất và phát sóng trên Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, đồng thời tích hợp trên nền tảng trực tuyến tại các trang thông tin điện tử như: www.vietnamtourism.gov.vn; svhttdl.gialai.gov.vn; gialaitourism.vn; dulichpleiku.gialai.gov.vn; tích hợp trong ứng dụng di động lĩnh vực du lịch… để sản phẩm du lịch cộng đồng Mơ Hra-Đáp nhanh chóng tiếp cận được với các doanh nghiệp lữ hành lẫn du khách nội địa và quốc tế.

 

 HOÀNG NGỌC
 

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.