Cá quý Bắc Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ít ai biết dòng Sê San hùng vĩ chảy qua hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum, ngoài trữ năng thủy điện khổng lồ còn chứa trong lòng nó những đặc sản mà thiên nhiên ban tặng. Đó là loại cá tiến vua Anh Vũ, cá Sọc Dưa có tên trong Sách đỏ thế giới hay các loại cá Chiêng, cá Lăng… ngon nức tiếng. 

Những làng người Jrai ở hai bên bờ sông vẫn còn nhớ nhiều giai thoại, nhiều câu chuyện đầy tự hào của các lão ngư đã từng một thời tung hoành trên dòng Sê San. Vận may vẫn đến khi họ may mắn bắt được những loại cá quý này… 

Bí ẩn cá tiến Vua

Vị thơm ngon, giàu dinh dưỡng và vì có ít quá nên cá Anh Vũ được tương truyền là thức tiến cho vua chúa ngày xưa. Loại cá này vinh dự được nhắc đến trong sách Đại Nam Nhất Thống Chí với hình ảnh là một loại cá quý, hay trong sách Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi cũng có viết: “Cá Anh Vũ được dùng làm vật cúng tế thần linh(…), để tiến Vua”. Điều này chứng tỏ lịch sử đã dành cho cá Anh Vũ một vị trí ưu ái trong các thức ngon đất Việt. Quý hiếm là vậy nên thời nay, nó luôn được các tay sành ăn tìm kiếm để thỏa khẩu vị.

Cá Anh Vũ
Cá Anh Vũ

Sê San là một trong số ít những dòng sông trên đất Việt có cá Anh Vũ. Cá chỉ nặng chừng 5-6 kg, trông bên ngoài giống cá trôi nhưng vảy óng ánh và đầu cá rất lạ. Ở phía Bắc có nơi gọi là cá Lợn vì đầu cá hao hao đầu lợn. Theo nhiều lão ngư sống gần dòng Sê San thì thức ăn của cá là các loại rong, tảo bám trên những vách đá dưới sông. Ngư dân phải lặn sâu xuống vùng có cá (thường là những vùng nước sạch, yên tĩnh và có nhiều hang hốc-P.V) rồi dùng các loại lưới vây bắt. Khi bắt được cá người ta thường mổ lấy ruột ngay vì cá rất dễ chết và sẽ trương lên, bốc mùi khó chịu rất nhanh, ăn cũng không còn ngon nữa.

Theo nhiều người, cá Anh Vũ không còn nhiều ở dòng Sê San, bởi chịu nhiều tác động của con người. Để bắt được cá, ngư dân phải đi ngược lên rất xa phía thượng nguồn, nơi có dòng nước sạch và yên tĩnh. Có khi nhiều chuyến phải về không vì cá ngày càng hiếm. Một số nhà hàng ở TP. Pleiku thường có món cá Anh Vũ nấu măng. Vị ngọt của thịt cá, mùi thơm của gia vị, vị chua của măng rừng quyện vào nhau, xộc vào mũi khách làm… ướt nhòe cả chân răng.

Ngư dân dọc sông Sê San lấy việc bắt được cá Anh Vũ làm điềm may. Nhưng ngay cả ngư dân từ lâu lắm rồi cũng quên cả vị cá, bởi giá trị của nó khá cao và hiếm dần. Mỗi con cá bán đi mua được hơn cả trăm kg gạo. Vậy là đành tiếc rẻ bán cho các thương lái. Hình như chưa có cơ sở, đơn vị nào nuôi, nhân giống thành công loại cá quý hiếm này.

Loại cá có tên trong Sách đỏ thế giới

Dòng Sê San còn là môi trường sống của một loại cá đặc hữu khác là cá Sọc Dưa (ở phía Nam gọi là cá Trà Sóc). Loại cá này có mặt ở một số nước thuộc khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Lào, Philippine, Malaixia. Ở sông Tiền của Việt Nam cũng có cá Sọc Dưa. Nhưng chính sự xuất hiện của nó ở sông Sê San của Gia Lai mới là điều bất ngờ thú vị.

Tác giả bên con cá chiêng nặng hơn 40 kg.
Tác giả bên con cá chiêng nặng hơn 40 kg.

Cá Sọc Dưa có thân thon dài, hai đôi râu tương tự cá chép, vảy to; đuôi và vây màu hồng. Đặc biệt, cá có những sọc hai bên thân kéo dài từ đầu đến đuôi do các vảy đen tạo thành. Cá Sọc Dưa có trọng lượng trên dưới 20 kg/con. Nhưng trên dòng Sê San, ngư dân vẫn thi thoảng bắt được những con cá có trọng lượng lên đến 40-50 kg, cá biệt có con nặng hơn 60 kg. Tên khoa học của cá là Probarbus Jullieni và có tên trong Sách đỏ thế giới, đang có nguy cơ tuyệt chủng bởi nạn săn bắt và môi trường sống biến đổi.

Ông Ksor Út- một ngư dân trên 60 tuổi ở làng Tút 1, xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Pah) kể: “Ngày trước chưa có các công trình thủy điện, người dân ở hai bên bờ sông vẫn thường nghe các loài cá lớn quẫy đến… giật mình. Dân có nghề chỉ cần vài tiếng đồng hồ ngồi xem móng nước là đã biết có cá. Mình tả không được đâu, chỉ là nhờ kinh nghiệm hơn 40 năm của nghề thôi. Nhưng cá Sọc Dưa cũng hiếm dần rồi, có khi phải đi vài chuyến mới săn được…”.

Thường, mùa mưa là mùa ngư dân bắt được cá Sọc Dưa nhiều nhất trong năm, bởi chúng lên đẻ trứng trên các ghềnh đá. Ngư dân phải đi bộ hơn cả chục cây số đường rừng, lại đến nơi đoán có cá, hạ trại, đốn cây rừng làm bè để bơi ra sông giăng câu, mồi là những con cá sống được móc vào nhiều lưỡi câu. Họ chọn những gốc cây to để cố định giàn dây câu và thả mồi. May mắn, câu được một hai con với trọng lượng khoảng 20 kg trở lên, ngư dân đã kiếm được tiền triệu, bởi giá mỗi kg cá khá cao, lên đến hơn 200 ngàn đồng/kg.

Hiện loại cá quý đã được nhân giống thành công tại Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt Nam bộ (Tiền Giang).

“Săn” cá quý ở phố núi

Ngoài Anh Vũ, Sọc Dưa, dòng Sê San còn chứa trong lòng nó những loài cá quý khác như cá Chiêng, cá Lăng với trọng lượng con lớn lên đến hơn 40 kg hay cá Chình… Hiện ngư dân các làng Tut 1, 2, làng Tip ở xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Pah) hay đi săn các loại cá này.

Tìm hiểu cá quý trên dòng Sê San cũng có thể, đến… Quán Lộc Vừng, 03- Bùi Dự, phường Hoa Lư, TP. Pleiku. Đây là quán duy nhất ở Bắc Tây Nguyên kinh doanh duy nhất các món cá. Khách đến quán không thể nào quên nổi dư vị của món lòng cá Chiêng, cá Lăng xào, cá Anh Vũ nấu măng… Chủ quán, anh Trần Đức Tín cũng là một “pho sử” sống về cá quý.

Lúc tôi đến, thì anh Tín vừa mua một con cá Chiêng thuộc loại “khủng”, lên đến hơn 40 kg. Anh bảo những con cá này ngư dân chỉ có thể bắt bằng cách câu dây văng với giàn câu. Khi câu được, một hoặc hai người lặn xuống nước, người trên bè kéo câu. Một cây vợt lớn có thòng lọng được cố định trên bè đợi sẵn. Khi kéo được cá lên gần mặt nước, ngư dân dùng vợt bắt cá, sau đó rút thòng lọng kéo lên. Nói là đơn giản vậy nhưng lắm lúc ngư dân cũng bị cá hất tung xuống bè. Chuyện sứt đầu, chảy máu trong những chuyến câu như vậy không hiếm.

Cùng với thời gian, sự biến đổi về khí hậu, môi trường sống và nạn đánh bắt vô độ của ngư dân, những loài cá quý này cũng mất dần “đất” sống. Nếu không có chiến lược giữ gìn, bảo vệ có lẽ các loài cá quý trên dòng sông này sẽ chỉ còn là… truyền thuyết!

Với sự hiện hữu của nhiều loại cá quý trên dòng Sê San, có thể xem đó như là một biệt đãi nữa của thiên nhiên dành cho mảnh đất cao nguyên này.

Trần Hiếu

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.