Buôn bán thận người: Đường dây dài đến đâu?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong quá trình lần theo các hồ sơ xin hiến thận cứu người, chúng tôi còn phát hiện nhiều hồ sơ khả nghi hoặc giả tạo vi phạm luật pháp nghiêm trọng khác nữa.
Lộ mặt “cô vợ” được thuê mướn?
Ngày 5.1.2018, chúng tôi đã trao đổi với ông Lê Hà An - Chủ tịch UBND Thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Nhóm Phóng viên cũng đã so sánh chữ ký của ông “Chủ tịch Lê Hà An” với dấu triện của “UBND Thị trấn Phú Phong” trong “Giấy chứng nhận kết hôn” ngày 25.1.2018 của một đối tượng khả nghi với chữ ký và con dấu hợp pháp mà hiện nay cán bộ Phú Phong đang sử dụng. Chúng hoàn toàn khác nhau. Đến mức, khi trả lời các văn bản gửi về để điều tra xác minh, UBND thị trấn đã phải tức tốc đính kèm cả mẫu chữ ký của Chủ tịch với con dấu ủy ban ra để đối chứng.
 
 
Chữ ký ông Chủ tịch và con dấu của Ủy ban mà các đối tượng làm giả trong Hồ sơ ghép tạng (dưới); và chữ ký con dấu do UBND Thị trấn Phú Phong gửi để đối chứng. Ảnh: H.Q. 
Cuối cùng thì, không còn nghi ngờ gì nữa: việc làm giả chữ ký và con dấu này là hết sức nghiêm trọng, đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Bình Định sớm vào cuộc xử lý nghiêm khắc các đối tượng. Các tài liệu bị làm giả trong hồ sơ chắc chắn không chỉ dừng lại ở mức độ trên.
Cụ thể, một Bệnh viện lớn nhận được bộ hồ sơ dày cộp, đủ mọi giấy tờ về việc anh Nguyễn Trung H (SN 18.2.1986, ở thị trấn Phú Phong) xin hiến thận để cứu sống một bệnh nhân hiểm nghèo. Anh này khai mình là Kỹ thuật viên nha khoa ở “Phòng khám Nha khoa Sài Gòn - Đà Nẵng”. Lại có công an thị trấn Phú Phong xác nhận vào “Đơn xin xác nhận hạnh kiểm” của Nguyễn Trung H, do “Trung tá Nguyễn Thanh Hải” ký. Có hộ khẩu gia đình H được photo gửi đến. Có chứng minh thư và đăng ký kết hôn giữa Nguyễn Trung H và Nguyễn Thị Mai Phương. Phương, với tư cách là vợ H cũng ký đồng ý cho H hiến thận cứu người. Một cô gái trẻ SN 1991 như Phương chấp nhận cho chồng hiến thận cứu một người xa lạ chăng? Hay đó chỉ là một “cô vợ được thuê mướn”?
 
Đăng ký kết hôn đã được chính quyền sở tại xác nhận là bị làm giả trong hồ sơ ghép thận. Hành vi làm giả giấy tờ, con dấu không thể rõ ràng hơn. Đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc xử lý tận gốc.
Trước những thắc mắc về các chi tiết khả nghi của bộ hồ sơ này, UBND thị trấn Phú Phong đã có công văn nói rõ “Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn ngày 25.1.2018 của ông Nguyễn Trung H và bà Nguyễn Mai Phương là không hợp pháp. Ông Chủ tịch UBND thị trấn Lê Hà An đã ký, đóng dấu xác nhận luôn: Con dấu và chữ ký của lãnh đạo UBND thị trấn Phú Phong trong giấy chứng nhận đăng ký kết hôn trên “là giả mạo”.
Vậy, Nguyễn Trung H là ai? Theo “Giấy kết hôn” mà H và Phương cung cấp thì H SN 1986, ở thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. CMND số 2118155 (...) do CA tỉnh Bình Định cấp ngày 4.6.2016. Anh này đăng ký kết hôn (giả) với Nguyễn Mai Phương SN 1991, số CMND 101277..., địa chỉ tại P. Cao Xanh, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Cũng không ai dám chắc các dữ liệu trên có bị làm giả không.
Nỗi đau của các chuyên gia ghép tạng
Giữa ma trận làm giả giấy tờ, con dấu, núp bóng “nhân đạo cứu  người” để dụ dỗ, hãm hại người khác, thực hiện các hành vi phạm pháp nghiêm trọng để trục lợi trên, đã đến lúc chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận lại các vấn đề.
Thứ nhất, các đường dây buôn bán thận người là có thật và chúng hoạt động dựa trên việc làm giả giấy tờ, con dấu, dùng người đóng thế để qua mặt cơ quan hữu trách. Cụ thể: Một người đủ điều kiện hiến thận cho người khác, thì ít nhất họ phải được sự đồng ý của bố (mẹ) họ hoặc vợ (chồng). Và các đối tượng cứ thế bịa ra đủ thứ “thân nhân” của người hiến. Muốn thế người kia phải có giấy chứng minh thư, có tên trong hộ khẩu, có đăng ký kết hôn, có chứng nhận của chính quyền rằng đủ tư cách đạo đức chưa vi phạm luật pháp. Bọn chúng đã làm giả một, một số hoặc tất cả các giấy tờ trên.
Vậy bản chất câu chuyện ở đây là tình trạng làm giả giấy tờ, con dấu, chữ ký của tổ chức cá nhân, cơ quan nhà nước nói chung. Trách nhiệm quản lý vấn đề này thuộc về ai? Lực lượng công an, các tổ chức chính quyền nói chung cần phải xử lý triệt để vấn đề này. Chứ không thể dồn toàn bộ “gánh nặng” tìm ra thủ phạm cho các bệnh viện.
Thứ hai, lật lại các trang báo: Nhiều đối tượng bị bắt, chúng khai đã tổ chức mua bán thận và ghép thành công ở nhiều bệnh viện lớn. Nhưng sau đó lãnh đạo các bệnh viện kia trả lời báo chí là họ ghép thận với đầy đủ hồ sơ. Vậy, rõ ràng hồ sơ "đầy đủ" đó đã bị làm giả. 
Các bệnh viện cũng không nên nói rằng mình hoàn toàn không thể biết các hồ sơ “đầy đủ” trên được làm giả tới mức nào. Mà ngược lại, họ hoàn toàn có thể xử lý được vấn đề, đồng hành với người tốt trong xã hội để vạch mặt kẻ xấu.
Cụ thể,  ở BV Đa khoa Trung ương Huế, lâu nay đang có một mô hình rất đáng cảm kích. Các y bác sĩ ở đây đã soạn công văn gửi về các địa phương mà các đối tượng khả nghi đăng ký hộ khẩu, làm thủ tục kết hôn, lấy dấu xác nhận... Công văn hỏi rõ: Chứng minh thư này của công dân xã, thị trấn mà ông bà đang làm chủ tịch có thật không? Đăng ký kết hôn này có đúng không, hiện có có hồ sơ lưu ở xã, thị trấn không? Chỉ bằng một động thái nhỏ như vậy với vài nghìn đồng tiền công quỹ gửi công văn qua bưu điện, sự thật đã có thể lòi ra. Các đối tượng có thể đối mặt với vành móng ngựa!
 
Với các sự làm giả tày đình ở trên, người ta có quyền đặt câu hỏi, các giấy tờ này có bị H và Phương cùng đồng bọn tổ chức làm giả tiếp không? 
Một giáo sư đầu ngành về ghép tạng cảnh báo nguồn tạng phải được lấy từ những người chết não. Chứ vì lầm lạc, bị dụ dỗ lừa phỉnh, một người trẻ ngoài hai mươi tuổi, vì hai trăm triệu đồng phải bán một quả thận. Rồi họ ân hận, trác táng, sức khỏe suy tàn, họ sẽ đổ đời vào tội ác hết sức dễ dàng. Đó là mối nguy lớn của toàn xã hội. Nó làm các thành quả ghép tạng cứu người xuất hiện mặt trái mà chính các trí thức ngành y cực kỳ trăn trở. Đấy là chưa kể, khi mà giấy tờ, con dấu giả tràn lan, hồ sơ buôn bán nội tạng bịa tạc như trên, nó sẽ làm xói mòn niềm tin của người ta về một xã hội thượng tôn luật pháp.
Tâm Am-Hoàng Quân (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.