Bốn ngày trên Đảo Ngọc-Kỳ 1: Về nơi đáng đến

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dù đã 3 lần đến Phú Quốc nhưng khi nghe mấy anh lãnh đạo Hội Cựu tù chính trị yêu nước tỉnh Gia Lai bảo sẽ tổ chức một đoàn gồm những người nguyên là tù binh bị địch bắt giam ở Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam/Phú Quốc đại diện cho Hội đi dự lễ kỷ niệm 45 năm “Chiến thắng trở về” (tháng 4/1973-4/2018), cũng là dịp kỷ niệm 43 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2018) và có nhã ý mời tôi cùng tham gia, không cần đắn đo suy nghĩ, tôi nhận lời ngay. Và đây là lần thứ tư tôi đến Phú Quốc, chuyến đi kéo dài 4 ngày, 3 đêm.

Sau chưa đầy một giờ bay từ Tân Sơn Nhất, máy bay của chúng tôi đã hạ cánh xuống Sân bay Quốc tế Phú Quốc. Hướng dẫn viên Phạm Phùng Quân đón chúng tôi đúng hẹn. Anh cho hay, sân bay này đưa vào sử dụng hồi cuối năm 2012 sau khi hoàn thành xây dựng giai đoạn 1, tổng vốn đầu tư gần 17.000 tỷ đồng, do Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam đầu tư, đáp ứng cho nhiều loại máy bay hiện đại cất/hạ cánh; năng lực khai thác khi hoàn thành bình quân 4 triệu lượt hành khách/năm.

 

Dâng hoa viếng các liệt sĩ ở Nghĩa trang Liệt sĩ Phú Quốc. Ảnh: Đ.M.P
Dâng hoa viếng các liệt sĩ ở Nghĩa trang Liệt sĩ Phú Quốc. Ảnh: Đ.M.P

Thống kê vào các năm 2015-2017 có gần 2 triệu lượt hành khách/năm đáp xuống sân bay này. Tôi nhớ, cũng vào dịp trung tuần tháng 4-2010, tôi được tháp tùng đoàn cán bộ nguyên là lãnh đạo chủ chốt của Gia Lai qua các thời kỳ trên máy bay của ông bầu Đoàn Nguyên Đức đến với Phú Quốc. Khi ấy, Sân bay Phú Quốc cũ còn hoạt động, cách vị trí của sân bay hiện nay khoảng 10 cây số. So sánh giữa sân bay cũ và mới, có thể nói là “một trời một vực”!

Thấy tôi chú ý tìm hiểu về sự phát triển của Phú Quốc ngày nay, anh Quân cho biết: Mấy năm trở lại đây, Phú Quốc phát triển rất mạnh là nhờ sự đầu tư của các đại gia từ các tỉnh, thành phố phía Bắc vào, đặc biệt là từ khi có thông tin Phú Quốc sẽ trở thành đặc khu hành chính-kinh tế trực thuộc Trung ương. Cũng do có thông tin này mà giá đất Phú Quốc tăng vùn vụt. Đáng tiếc, cũng là “tăng ảo”, do những người đầu cơ đồn đoán. Người dân và các nhà đầu tư chân chính khó có cơ hội mua được đất theo ý muốn.

Gần hơn nữa với chuyến đi lần này là vào giữa năm 2015, chúng tôi đi phía Hà Tiên ra Phú Quốc bằng đường thủy. Khi ấy, Phú Quốc vẫn chưa phát triển gì nhiều, nhất là hạ tầng giao thông, điện lưới quốc gia, công sở, trường học, bệnh viện, các khu vui chơi giải trí, cơ sở thương mại, dịch vụ, lưu trú… chưa được đầu tư xây dựng quy mô và hiện đại như ngày nay. Bây giờ, Phú Quốc đã khác xa khi đó, tất cả các con đường trục chính dọc ngang nơi đây đã được thảm bê tông nhựa, nhiều đường có dải phân cách cứng. Nhà hàng, khách sạn, các cơ sở phục vụ du lịch được xây dựng trật tự và khang trang. Gọn lại là diện mạo của Phú Quốc gần như thay đổi theo… ngày, tháng. Chỉ có điều, người viết suy nghĩ là chắc chắn rồi đây Phú Quốc chẳng còn được bao nhiêu rừng già, chẳng còn có những bãi biển… sạch, không khéo sẽ làm hỏng ý đồ quy hoạch!

Cùng với sự phát triển hạ tầng sản xuất và dịch vụ, dân số Phú Quốc cũng tăng nhanh, so với con số thống kê của nhà chức trách mấy năm trước thì giờ ước đã tăng gần gấp đôi-200 ngàn người. Phú Quốc còn được mệnh danh là Đảo Ngọc, là hòn đảo lớn nhất Việt Nam, nằm trong vịnh Thái Lan, thuộc tỉnh Kiên Giang. Diện tích tự nhiên của Phú Quốc là gần 600 cây số vuông, xấp xỉ diện tích của đảo quốc Singapore vào những năm 60 của thế kỷ trước, khi ấy người ta chưa lấn biển. Huyện lỵ của Phú Quốc là thị trấn Dương Đông nằm về phía Tây-Bắc đảo, cách TP. Rạch Giá, tỉnh lỵ Kiên Giang khoảng 120 km, cách thị xã Hà Tiên 45 km đường biển. Phú Quốc có 10 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 2 thị trấn, Dương Đông và An Thới. Trên ô tô vòng quanh hòn Đảo Ngọc này, hướng dẫn viên Phạm Phùng Quân sẵn sàng đáp ứng mọi câu hỏi của chúng tôi về Phú Quốc. Anh cho biết: Phú Quốc có bề dày lịch sử đáng trân trọng của vùng đất phương Nam nước ta. Từ thế kỷ V trước Công nguyên, trên hòn đảo này đã có sự hiện diện của con người. Qua khảo cổ và các tài liệu lịch sử chứng minh rằng, con người nơi đây mang đặc trưng của văn hóa Óc Eo, không có dấu hiệu người Khmer ở đây. Và từ những ngày đầu sinh cơ lập nghiệp đó cho đến ngày nay, liên tục các triều đại, các chế độ, chính quyền của nước Nam ta thay thế nhau cai quản… Đó là điều khẳng định bất di bất dịch.

Người Phú Quốc tự hào về vùng đất có bề dày lịch sử hình thành và phát triển, đấu tranh sinh tồn, xây dựng và bảo vệ quê hương, xứ sở… Nơi đây cũng có những đặc điểm mà không đâu có được, với một nền văn hóa, tôn giáo độc đáo. Phật giáo là tôn giáo lớn nhất ở đảo, ảnh hưởng sâu đậm trong đời sống tâm linh của người dân với những ngôi chùa hàng trăm năm tuổi như chùa Sùng Hưng, Sùng Đức, Sư Muôn… Hồ tiêu Phú Quốc là niềm tự hào về một thương hiệu lâu đời không đâu sánh được, nồng, thơm, cay bởi được canh tác trên một vùng đất có thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng đặc thù. Tôi nói vui với Quân rằng bạn đã từng nghe về hồ tiêu Chư Sê của Gia Lai? Anh trầm ngâm một chút rồi khẳng định, Gia Lai cũng chỉ là “số lượng” thôi, còn chất lượng thì…”. Tôi tiếp câu bỏ lửng của anh: thì thua xa hồ tiêu Phú Quốc chứ gì?

Đã lâu, trong một tài liệu mà người viết tiếp cận, chó Phú Quốc cũng là một loại… đặc sản-gọi đặc sản là bởi chúng rất thông minh, đã từng được quân đội nhà Nguyễn dùng làm… quân khuyển! Còn nhớ, lần thứ ba đến với Đảo Ngọc này, chúng tôi được các đồng nghiệp Báo Tiền Phong thường trú ở Kiên Giang cho đi xem… đua chó. Khác với đua chó ở Bà Rịa-Vũng Tàu có một “con mồi” bằng điện chạy trước, các “vận động viên” chạy đua theo… Phú Quốc có một “trường đua” chỉ dành riêng cho những chú khuyển. Chúng tự đua qua rất nhiều địa hình đồi, suối, hồ, hàng rào nhiều cỡ về chiều rộng, chiều cao… để về đích. Không thể nhịn cười với những chú khuyển thông minh đến lạ, khi chạy đến hồ, thay vì bơi qua, có những chú chạy vòng quanh để vượt lên, rồi cong mình lao qua rào, chẳng thèm leo trèo mất thời gian và dĩ nhiên những chú khuyển ấy thắng cuộc. Thắng cuộc nhưng mà bị… phạt!

Nói về tiềm năng, tài nguyên thiên nhiên, sản vật của Phú Quốc thì cần có những bài viết chuyên sâu hơn. Tuy nhiên, đã đến Phú Quốc, ít nhiều chúng ta cũng cần biết và hiểu về vùng đất này có 2 loại “đặc sản” cây và con là thế. Mạn phép các chủ nhà Phú Quốc, chúng tôi muốn thông tin đến những người chưa hoặc đã có dịp đến Đảo Ngọc này thì cần đến và đến nữa. Bởi như có người nói, ngày nay, Phú Quốc được đầu tư xây dựng quy mô và hiện đại, bộ mặt của vùng đất ấy thay đổi theo từng ngày. Đơn cử một con số: vượt qua Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và những điểm đến của du khách được coi là “đáng đến” như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc hiện có trên 8.000 phòng lưu trú hạng 5 sao với một hệ thống vui chơi giải trí văn minh hiện đại, cùng với đó là những điểm đến vẫn còn thuận theo thiên nhiên, gần gũi với rừng, với biển, hoang sơ, trong lành không đâu sánh được. Nếu trên đất nước chúng ta hiện đã có nơi được coi là đáng sống, thì Phú Quốc theo tôi, có thể khẳng định là nơi đáng đến!

Đoàn Minh Phụng

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.