Bồi hồi phiên chợ quê mùa nước nổi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cơn bấc ràn rạt. Đêm cũng như ngày, ở vùng biên giới xa xôi, “vạn chài” đang tất bật mưu sinh trên cánh đồng mùa nước nổi.

Chiến lợi phẩm mà họ thu được sau một ngày vất vả là đặc sản đồng. Rồi cuộc gặp gỡ giao thương cá mắm của bà con tại chợ quê chỉ rôm rả thoáng qua trong phút chốc. Qua bao mùa nước nổi, những cái “chợ chồm hổm” vẫn đậm chất chân quê.

Họp chợ đúng 12 giờ trưa

Trưa biên giới, phóng tầm mắt về cánh đồng lũ, hàng trăm chiếc xuồng cui chẻ nước rì rào thẳng tiến về chợ Cây Mít (xã Nhơn Hưng, Tịnh Biên, An Giang). Việc mưu sinh trong mùa lũ đối với họ rất bận rộn và gian truân. Những chiếc xuồng vừa cặp bến, bạn hàng đậu xe trên mỏm chợ quê, rồi lao nhanh xuống tận xuồng cân cá. Lâu lắm rồi, chúng tôi mới gặp lại được cảnh buôn bán cá đồng sôi động đến vậy. Mặt hàng đặc sản tại chợ này chủ yếu là cá chạch, cá linh, cá rô và tôm càng xanh “rặt” đồ đồng.

 

Bà con chở cá về chợ Cây Mít cân cho bạn hàng.
Bà con chở cá về chợ Cây Mít cân cho bạn hàng.

Xách chiếc vợt nặng trịch cá linh từ mé kênh lên chợ, anh Nguyễn Văn Bửu (bạn hàng ở xã Lạc Quới, Tri Tôn) thở hổn hển: “Từ đầu mùa lũ đến nay, ngày nào cũng vậy, tại chợ Cây Mít cá đồng nhiều lắm. Tuy nhiên, chúng tôi nhóm họp chỉ mươi phút thì mạnh ai nấy về”. Thời điểm này, bạn hàng và ngư dân nghèo thân quen nhau như bà con vậy. Họ luôn liên lạc với nhau để gom “chiến lợi phẩm” về mới bán được giá cao. Anh Trần Văn Hiền, giăng lưới trên cánh đồng giáp biên hồ hởi: “Nếu cá dính lưới nhiều, chỉ cần một cú điện thoại là bạn hàng tức tốc tới cân ngay. Cá linh dính lưới 3 phân rộng đục còn sống có giá 15.000-20.000 đồng/kg, còn cá chết giá chỉ vài ngàn đồng”.

Trời càng về trưa, xuồng lưới cập bến càng đông. Tiếng máy nổ chát chúa làm bến chợ vui nhộn. Thật lạ, cá ngon bạn hàng không bán tại chỗ mà chuyển toàn bộ đi chợ xa. Bởi theo họ, tôm, cá đồng vận chuyển càng xa thì bán được giá, do nhu cầu ăn cá đồng của người dân thành thị rất cao. Ông Trần Văn Lương, chuyên thu gom đặc sản mùa nước nổi bật mí: “Cá chạch con bằng ngón chân cái ở đây chỉ bán với giá 100.000 đồng, còn bán tại chợ Long Xuyên giá 170.000- 180.000 đồng/kg. Nếu tôm càng xanh loại 3 con kg, tại chợ Cây Mít có giá 350.000 đồng thì chuyển về Long Xuyên bán giá 600.000 đồng. Một ngày chịu khó chạy xa, vậy mà kiếm lời nhiều”.

Chợ Tha La mùa cá chạy

Nói là chợ cho vui, nhưng thực ra nơi đây chỉ là khu đất trống nằm ở đầu tuyến kênh Tha La, giáp ranh giữa Tịnh Biên và Châu Đốc. Cạnh đó là quán cóc và vài ba gian nhà nhỏ thấp lè tè. Ngày nào cũng vậy, cứ 3-4 giờ sáng là bạn hàng họp chợ đông đúc, họ xúm xít bên những thau cá chân quê. Đặc biệt, trong mùa lũ, chợ họp càng sung. Cái chợ này đã hình thành từ bao đời nay, do dân nghèo nhóm họp tự phát. Ban đầu, chỉ vài người bày bán mớ rau, con cá. Dần dà, thấy buôn bán được chợ họp ngày càng đông. Do chợ chuyên nhóm vào ban đêm nên người ta gọi là “chợ ma” hay chợ “âm phủ”. Dạo một vòng chợ này, bạn hàng toàn bày bán “rặt” mặt hàng sản vật đồng mùa lũ, như: Cá, tôm, cua, ốc, lươn, rắn, ếch, bông súng, bông điên điển… Chợ này chủ yếu thu hút cá, mắm của dân “vạn chài” đi khai thác ban đêm. Còn vào ban ngày, nếu đến đây trễ thì chẳng thấy bóng dáng của bạn hàng họp chợ.

Trong đêm, chiếc xuồng cui của anh Nguyễn Văn Hòa Em nhá đèn lia lịa để báo hiệu cho bạn hàng trên bờ nhanh chân xuống cân cá. Xuồng vừa cập bến, vợ anh Hòa Em vội nhảy vụt lên bờ cột dây thật chặt. Hàng chục bạn hàng nhảy xuống ra giá với nhau thật rôm rả. Anh Hòa Em cười rổn rảng: “Cứ từ từ, mối ai nấy cân. Hôm nay, cá linh, cá chạch, lươn giá mấy?”. Cầm chiếc vợt, anh Hòa Em khom lưng xúc từng vợt cá linh rặt ri dưới khoang xuồng để cân cho bạn hàng. Anh cho biết: “Bữa nay trời trong, trăng nhô cao soi sáng, êm sóng, êm gió nên thu hoạch cá trúng hơn mọi hôm. Tôi đặt được 2 luồng đú, mỗi luồng chạy khoảng 60kg cá linh, cá tạp lộn xộn. Nếu hôm nào trời không mưa thì luồng đú của bà con ở đây chạy toàn cá linh. Còn cái “chợ ma” thì bất di bất dịch, chỉ nhóm họp vào ban đêm như được quy ước thời gian từ trước. Chúng tôi thường đi đánh bắt cá đêm, khoảng 2-3 giờ sáng mới về, sẵn tiện chạy xuồng ghé đây cân luôn, riết quen…”- anh Hòa Em nói.

Chiếc xuồng cá cuối cùng của ông Trần Văn Vinh vừa cặp bến cũng là lúc trời vừa ửng sáng. Có lẽ, trong số hàng chục chiếc xuồng vừa cân cá xong thì xuồng của anh Vinh về trễ nhất. Anh Vinh cho biết: “Do đêm hôm dậy trễ nên đổ đú về muộn. Mấy hôm nay, 4 cái đú của tôi chạy đủ loại cá, nhưng cá linh chạy mạnh do lũ cao hơn năm rồi. Nhờ mùa nước nổi mà gia đình tôi có thu nhập ổn định”.

Trời vừa tỏ mặt người. Chúng tôi rời chợ quê mà vẫn còn nghe tiếng kì kèo, chê khen của bà con. Bất chợt, nhìn về đồng lũ bao la, những chiếc xuồng câu, lưới đang chòng chành theo sóng nước.

Tại bến cầu Tha La và chợ Cây Mít, mỗi ngày có tới 60 chiếc xuồng lớn, nhỏ bán cá. Họ là những dân nghèo tứ xứ đến đây khai thác cá trong mùa nước nổi. Hết mùa là họ cuốn gói về quê. Khi con nước chụp đồng thì họ đến đây đánh bắt cá. Đến mùa cá chạy, chợ quê xôm lắm!.

Theo nld

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.