Bộ Y tế tập huấn trực tuyến quản lý, điều trị và chăm sóc người bệnh SARS-CoV-2

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 13-8, Bộ Y tế tổ chức tập huấn trực tuyến quản lý, điều trị và chăm sóc người bệnh SARS-CoV-2 tới 700 điểm cầu trên toàn quốc. 
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long dự tập huấn tại điểm cầu Bộ Y tế. Tham dự tập huấn trực tuyến tại điểm cầu Gia Lai có lãnh đạo Sở Y tế, đại diện các phòng, ban chuyên môn Sở, bệnh viện, Trung tâm Y tế, trạm y tế… trên địa bàn. 
Phát biểu tại buổi tập huấn, GS.TS Nguyễn Thanh Long-Bộ trưởng Bộ Y tế, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng-chống dịch Covid-19 đánh giá cao lực lượng khám-chữa bệnh, đặc biệt cán bộ y tế tại tất cả các cơ sở điều trị trong suốt thời gian qua đã cố gắng nỗ lực bằng trái tim, nhiệt huyết khối óc. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, một trong những trọng tâm ưu tiên hiện nay là ngoài dự phòng thì vấn đề điều trị làm thế nào giảm tỷ lệ tử vong là hết sức quan trọng. Đây cũng là vấn đề trọng tâm đặt ra đối với tất cả các tỉnh, thành phố.
Quang cảnh buổi tập huấn trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: Như Nguyện
Quang cảnh buổi tập huấn trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: Như Nguyện
Tại buổi tập huấn, các chuyên gia đã chỉ ra những kinh nghiệm, bài học thực tiễn, trên cơ sở đó hướng dẫn rất cụ thể đối với các điểm cầu như việc tổ chức hệ thống, trong vấn đề khám-chữa bệnh đảm bảo tiếp cận đối với bệnh nhân một cách nhanh nhất, thuận lợi nhất; kiến nghị trong bối cảnh tình hình dịch cho thành lập những bệnh viện dã chiến, trung tâm hồi sức tích cực. Các địa phương nên phân tầng điều trị, cá thể hóa điều trị người bệnh Covid-19, phân loại người bệnh theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị. Theo đó, tầng 1: Cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm SARS-CoV-2 và người bệnh Covid-19 mức độ nhẹ; tầng 2: Bệnh viện điều trị Covid-19 điều trị người bệnh mức độ vừa, người có suy hô hấp: thở oxy gọng kính, oxy qua mass, HFNC; tầng 3: Bệnh viện điều trị Covid-19 (Trung tâm  ICU) điều trị người bệnh nặng, nguy kịch: thở máy không xâm nhập, xâm nhập ECMO, lọc máu.
Căn cứ mức độ nguy cơ, diễn biến dịch bệnh, Bộ Y tế xây dựng các kịch bản phòng-chống dịch ở mức thấp, trung bình, cao và các phương án ứng phó bảo đảm công tác y tế trên toàn quốc. UBND cấp tỉnh xây dựng các kịch bản ở mức thấp, mức trung bình, mức cao và các phương án ứng phó tương ứng bảo đảm công tác y tế trên địa bàn. Căn cứ kịch bản, phương án của địa phương, UBND tỉnh phê duyệt, chủ động thực hiện việc thành lập, xây dựng cơ sở thu dung, điều trị Covid-19; mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế; dự trữ, bố trí nguồn lực và tổ chức lực lượng để phục vụ kịp thời, hiệu quả công tác phòng-chống dịch bệnh trên địa bàn. Sàng lọc, phân loại người nhiễm theo tình trạng, diễn biến bệnh lý, từ đó có các biện pháp theo dõi, chăm sóc, điều trị phù hợp, hiệu quả, bảo đảm giảm tỷ lệ chuyển bệnh nặng ở các tầng điều trị. Chú trọng quản lý, chăm sóc người nhiễm chưa có triệu chứng… Chủ động chuẩn bị oxy y tế (hệ thống oxy tập trung) ở các tầng điều trị. Điều phối phù hợp, tập trung mọi nguồn lực, trang thiết bị để cứu chữa giảm bệnh nhân nặng, nguy kịch, hạn chế tối đa tử vong. Bảo đảm hệ thống thường trực cấp cứu, xe cứu thương, ô xy y tế, máy thở và các trang thiết bị y tế thiết yếu phục vụ phòng-chống dịch bệnh, cấp cứu, điều trị người bệnh
Ngoài ra, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và tổ chức tốt việc quản lý, điều phối các nguồn lực để kịp thời tiếp nhận, điều trị bệnh nhân; chủ động nhân lực y tế, kể cả huy động lực lượng của các ngành và tư nhân. Các địa phương chịu trách nhiệm tổ chức công tác khám-chữa bệnh bảo đảm chăm sóc y tế cho mỗi người dân khi có nhu cầu ở mọi lúc, mọi nơi. Tổ chức khám, điều trị cho người có bệnh lý nền, người cao tuổi tại nhà và được phép phát thuốc điều trị các bệnh mãn tính trong 3 tháng.
Theo Bộ Y tế, dự báo tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục phức tạp hơn, tốc độ lây lan nhanh, rộng, tăng số người bệnh nặng, nguy kịch gây khó khăn trong công tác quản lý, điều trị. Vì vậy cần rà soát, xây dựng phương án kịch bản ứng phó theo mức nguy cơ; củng cố, thiết lập hệ thống cơ sở quản lý, điều trị Covid-19 theo tháp 3 tầng; tăng cường công tác điều trị, giảm tối đa tử vong tại các tầng, đặc biệt tầng 1, 2; đồng thời bảo đảm duy trì hoạt động khám-chữa bệnh.
NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun ngày 10/1 cho biết, quy mô lây lan các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ở Trung Quốc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và metapneumovirus ở người (HMPV) đã lưu hành hơn 60 năm, không phải chủng vi-rút mới.

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, cơn hen suyễn hoặc bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), suy hô hấp, viêm tiểu phế quản nặng đặc biệt là trẻ em.

Bác sĩ chỉ cách phát hiện sớm dấu hiệu tăng huyết áp ở trẻ nhỏ

Bác sĩ chỉ cách phát hiện sớm dấu hiệu tăng huyết áp ở trẻ nhỏ

Tăng huyết áp, hay còn gọi là cao huyết áp, là một tình trạng mà áp lực máu trong động mạch cao hơn mức bình thường. Ở trẻ em, bệnh này ít được nhận biết hơn so với người lớn nhưng không kém phần nguy hiểm. Vậy bố mẹ làm thế nào để phát hiện con mình có dấu hiệu của một bệnh nhân cao huyết áp?