Bộ trưởng Y tế kêu gọi nhân viên y tế quyết tâm, nỗ lực hơn để chống dịch Covid-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong thư gửi cán bộ, nhân viên ngành y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế kêu gọi các đồng nghiệp cùng quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Ngày 9-9, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có thư gửi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành y tế kêu gọi các đồng nghiệp cùng quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Theo Bộ trưởng, trong gần 3 tháng qua, hàng chục vạn cán bộ, y bác sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên y tế từ mọi miền trong cả nước, nhất là lực lượng cán bộ y tế tại TP HCM và các tỉnh, thành khu vực miền Nam, miền Trung đã và đang quyết tâm dồn sức trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19.
 
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến ở TP HCM
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến ở TP HCM
"Chúng ta đã và đang vượt qua những khó khăn, thách thức, nỗ lực, quyết tâm để thực hiện tốt sứ mệnh và trọng trách của người thầy thuốc vì sinh mạng của người bệnh, vì sức khoẻ của người dân.
Thay mặt Bộ Y tế, tôi biểu dương tinh thần đoàn kết, ý chí vươn lên, vượt qua gian khổ, chấp nhận hy sinh, đối mặt với hiểm nguy để giành lại sự sống, bảo vệ sự an lành và sức khỏe của nhân dân. Tôi cũng đánh giá cao tinh thần tương thân, tương ái, đùm bọc, sẻ chia và sự động viên, khích lệ, hỗ trợ, giúp đỡ đồng nghiệp của ngành y tế cả nước trong giai đoạn đầy thách thức này" - thư của Bộ trưởng Bộ Y tế viết.
Bộ Y tế cho biết đã có hơn 16.000 chuyên gia, y bác sĩ cùng hàng tấn trang thiết bị hiện đại, đồng bộ đã được Bộ Y tế huy động vào TP HCM và các tỉnh phía Nam chống dịch Covid-19.
Bộ trưởng Bộ Y tế chia sẻ cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 đã cướp đi tính mạng của nhiều người dân, trong đó có cả những cán bộ y tế và lực lượng tuyến đầu. Chúng ta đã trải qua những sang chấn tâm lý khi phải chứng kiến sự tàn khốc của đại dịch gây ra cho người bệnh, cho đồng nghiệp và cho chính bản thân mình. Đội ngũ thầy thuốc đã bỏ nhiều công sức, mồ hôi, nước mắt trong điều kiện làm việc căng thẳng đồng thời cũng gác lại tình cảm riêng tư và chịu những mất mát, hy sinh.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng cuộc chiến chống Covid-19 của cả nước nói chung và ngành y nói riêng còn khó khăn, thách thức, nhưng tất cả những điều đó không làm chúng ta chùn bước, sờn lòng, bởi vì đằng sau chúng ta là hàng triệu người dân, trong đó có người thân của chúng ta đang dõi theo, tin cậy và hy vọng. Đó là động lực, là sự quyết tâm để chúng ta vững tin chiến đấu với dịch bệnh. Niềm vui của người thầy thuốc lúc này là ngày một có thêm nhiều địa phương kiểm soát được dịch, nhiều bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch được khỏi bệnh và quay trở lại với cuộc sống.
"Chúng ta đang bước vào giai đoạn quyết định trong chiến dịch thứ 4 chống Covid-19. Chưa bao giờ như lúc này, nhân dân cả nước cùng các lực lượng tuyến đầu đang dồn tâm, sức, lực để kiểm soát dịch bệnh tại các tỉnh, thành phố phía Nam với mục tiêu đưa cuộc sống của người dân trở lại trạng thái bình thường mới. Mỗi cán bộ, nhân viên y tế cần phát huy tinh thần trách nhiệm vừa làm tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch, điều trị người bệnh Covid-19 vừa khám chữa bệnh khi người dân ốm đau, bệnh tật; đồng thời phối hợp với các cấp, các ngành để tuyên truyền vận động, thuyết phục người dân tham gia và thực hiện tốt các quy định về phòng, chống dịch.
Với sự đồng lòng của nhân dân, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo của các bộ, ngành, địa phương, tôi kêu gọi các đồng nghiệp cùng quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tôi cũng mong chính quyền các cấp, các doanh nghiệp và cộng đồng dành sự quan tâm lớn hơn nữa đối với đội ngũ y bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế, các lực lượng tình nguyện và các lực lượng ở tuyến đầu chống dịch. Sự quan tâm, ủng hộ, yêu thương lúc này sẽ là động lực mạnh mẽ để các lực lượng sớm kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh"- Bộ trưởng Bộ Y tế bày tỏ.
D.Thu (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Ảnh: N.N

Bệnh sởi diễn biến phức tạp

(GLO)- Những ngày qua, Gia Lai ghi nhận nhiều ca bệnh sởi ở trẻ em và người lớn. Hiện bệnh sởi đang diễn biến phức tạp. Nhiều trường hợp chủ quan, không kịp thời phát hiện bệnh đã trở thành nguồn lây cho gia đình và cộng đồng.

Diễn biến dịch cúm nghiêm trọng ở Mỹ

Diễn biến dịch cúm nghiêm trọng ở Mỹ

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cảnh báo tình hình bệnh cúm trong tuần đầu tháng 2 cao hơn hoặc tương đương với thời điểm cao nhất của mùa cúm và số ca nhập viện cũng như tử vong đều tăng.

Vì sao tập thể dục lại tốt cho não?

Vì sao tập thể dục lại tốt cho não?

Nhiều nghiên cứu cho thấy tập thể dục giảm nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, tiểu đường và ung thư. Tuy nhiên, chúng ta thường bỏ qua vai trò của việc tập thể dục trong việc giúp não khỏe mạnh.

Nhiễm cúm rồi có cần tiêm vắc xin?

Nhiễm cúm rồi có cần tiêm vắc xin?

Thời điểm lây lan mạnh nhất của virus cúm thường rơi vào khoảng 3 - 4 ngày đầu tiên của bệnh. Nếu trẻ đang bị cúm, bạn nên chờ cho đến khi trẻ hoàn toàn khỏi bệnh trước khi tiêm vắc xin cúm.

Nơi hy vọng chưa bao giờ tắt

Nơi hy vọng chưa bao giờ tắt

(GLO)- Với chức năng điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch, các y-bác sĩ Khoa Nội 12 (Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Quân y 211) luôn trong tâm thế sẵn sàng nhận nhiệm vụ trong mọi tình huống. Tại đây, niềm hy vọng chưa bao giờ tắt dù bệnh nhân đang trong tình huống “thập tử nhất sinh”.