Trước thực trạng đội ngũ cán bộ hiện nay. Thủ tướng Chính phủ quyết tâm loại bỏ những cán bộ hư hỏng, thoái hóa biến chất ra khỏi bộ máy.
Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đình Duy - hai nhân vật được bổ nhiệm "đúng qui trình" |
Theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội của Thủ tướng và các vị Bộ trưởng, trưởng ngành trong 2 ngày qua cho thấy, công tác nhân sự, bổ nhiệm cán bộ thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Nhiều đại biểu Quốc hội thay mặt cử tri nói lên những băn khoăn, bức xúc xung quanh cụm từ “bổ nhiệm đúng quy trình”, đặc biệt là sau hàng loạt quyết định bổ nhiệm ở Bộ Công Thương liên quan đến Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy và Vũ Quang Hải. Điều đáng nói là Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy đều được cất nhắc lên chức, con đường công danh rạng ngời hơn sau khi gây thua lỗ lớn tại các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước.
Sau những xử lý liên quan đến nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, cán bộ công chức và người dân có thể tin tưởng rằng, Đảng và Nhà nước đang quyết tâm phòng, chống tham nhũng, lợi dụng chức vụ quyền hạn và phải bỏ tư duy về hưu là “hạ cánh an toàn”. Điều này sẽ giúp cho mỗi người khi còn đương chức cần có trách nhiệm hơn với chức trách, nhiệm vụ của mình.
Công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ thời gian qua có nhiều bất cập, gây bức xúc trong nhân dân và trong chính đội ngũ cán bộ công chức. Bởi những người lao động, cống hiến thực sự phải “gánh vác” phần nhiệm vụ của những kẻ “ngồi chơi xơi lương”. Trong khi làm việc, lao động gấp đôi, gấp 3 lần người khác nhưng thu nhập, tiền lương lại cào bằng. Những bất cập này kéo theo hàng loạt hệ lụy về tiền lương, hiệu quả công việc… trong hệ thống các cơ quan Nhà nước hiện nay.
Bất cập này đã nhìn thấy từ lâu nhưng để giải quyết dứt điểm, chúng ta phải có một quyết tâm chính trị rất cao, đòi hỏi cả hệ thống phải vào cuộc. Trong trả lời chất vấn trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận có tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu, đồng thời nhấn mạnh rằng: “Chúng ta cần loại bỏ những cán bộ hư hỏng, thoái hóa biến chất ra khỏi bộ máy”.
Loại bỏ bằng cách nào? Đó mới là câu hỏi khó. Bởi thực tế muôn hình vạn trạng không có văn bản pháp luật hay hệ thống giám sát nào có thể bao quát hết.
Lâu nay có một thực tế, bổ nhiệm cán bộ rồi thì khó có chuyện từ chức, cách chức trừ phi người đó mắc khuyết điểm, sai lầm, vi phạm, kỷ luật. Cho nên mới có tình trạng, cán bộ lên rồi “ấm chân” không lo mất ghế, chỉ cần giữ cho hoạt động của cơ quan, đơn vị bình bình là yên tâm, không cần có sự đổi mới, bứt phá. Tâm lý và cách làm hiện nay của nhiều cán bộ công chức thực sự là lực cản vô cùng lớn đối với sự phát triển của đất nước.
Trước thực trạng này, tại diễn đàn Quốc hội, đã có đại biểu chất vấn Thủ tướng về qui định từ chức, văn hóa từ chức để mở đường cho cả những người liêm chính nhưng không có năng lực. Thủ tướng đã đồng ý với ý kiến này của đại biểu và đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu thể chế để tạo điều kiện cho những người từ chức trong những điều kiện cụ thể.
Công cuộc tinh giản biên chế thời gian qua đã vấp phải muôn vàn khó khăn. Theo kế hoạch, đến hết tháng 12-2016, các Bộ, ngành, địa phương phải tinh giản được 35.500 người. Thế nhưng, cho đến nay, tính từ năm 2015, cả nước mới chỉ giảm được 17.500 người, trong đó, hơn 15.000 người là do nghỉ hưu. Như vậy, thực giảm chỉ là hơn 1.650 người.
Quyết tâm của Thủ tướng là xây dựng một chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động. Để có một Chính phủ như vậy thì mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải là tấm gương về liêm chính, kiến tạo. Chúng ta đã có các qui trình trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ. Nhưng thời gian qua, qui trình này bị lợi dụng nghiêm trọng. Chính vì thế ngoài xử lý những cán bộ bổ nhiệm sai thì cũng phải xử lý những cán bộ làm tha hóa quy trình đó.
Theo VOV