Biết buông bỏ nhờ... nuôi chó

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Tiền kiếm ngày hàng thúng, người hâm mộ cùng học trò khắp nam - bắc, đi đến đâu cũng được cung phụng, săn đón, rồi khi nhận nuôi những con chó bị bỏ rơi, bị ngược đãi…, bà 'ngộ' ra chân lý: 'Buông bỏ và biết quên mình là ai!'.

Người phụ nữ ấy, nhìn sau lưng dễ thấy vẻ dữ tướng với mái đầu cạo trọc chỉ chừa tí chóp buộc túm, sau ót xăm hình bàn tay bắt quyết, đang chơi đùa cùng 13 chú chó bên vỉa hè đường Hoàng Diệu, Hà Nội.

Một tay trung tuổi thong dong xe máy, xẹt ngang buột miệng: "Dở hâm, suốt ngày đi chơi với chó". Tưởng sẽ là câu mở đầu cuộc khẩu chiến đốp chát thật gắt quen gặp của dân "phố", nhưng "nạn nhân" chẳng buồn nhìn xem câu nói ấy phát ra từ ai, mặt thản nhiên như không, mỉm cười, nói nhẹ vừa đủ nghe: "Câu hay nhất ngày hôm nay bà được nghe đấy cháu ạ".

"Nạn nhân" ấy không ai khác là bà Nguyễn Thị Kim Quý, 72 tuổi, một tiền bối của ngành tóc Việt.

Ngã rẽ bất ngờ

Phong cách, ngầu, trẻ quá nhiều so với tuổi 72 là những bất ngờ khi tiếp cận nhà tạo mẫu tóc Kim Quý. Phải gọi bà là người phụ nữ của những kỷ lục; ở nghề tóc, bà chính là tác giả của chiếc áo dài tự dệt toàn bằng tóc của phụ nữ Việt nhân dịp 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, là thầy dạy nghề tóc cho hàng nghìn học trò khắp bắc - trung - nam. Còn ở đời thường, bà cũng là "kỷ lục gia" về chuyện chăm nuôi thú cưng.

Bà Kim Quý đang tạo mẫu tóc cho thú cưng. Ảnh: LAM PHONG

Bà Kim Quý đang tạo mẫu tóc cho thú cưng. Ảnh: LAM PHONG

Ngồi dưới hàng cổ thụ bên vách tường Hoàng thành Thăng Long hóng mát cùng đàn chó yêu 13 con, bà Quý tâm sự: "Từ hơn 30 năm nay, tôi sống gần với động vật. Ban đầu nuôi 30 con mèo, khi chuyển nhà, tôi vẫn giữ nguyên căn nhà để mèo ở vì tính mèo không theo qua nơi mới. Cả đàn mèo già nên vơi đi dần, hiện chỉ còn lại 7 con. Rồi tôi nuôi chó. Ban đầu cũng chỉ 6 "bạn" thôi, bây giờ là 13 bạn".

Đang ở sự nghiệp đỉnh cao, nhà tạo mẫu tóc Kim Quý chọn một ngã rẽ không như suy đoán thông thường, ấy là buông bỏ hào quang, danh thơm, tiền bạc…; chọn cuộc sống độc thân và bầu bạn với chó mèo. Hỏi ra mới biết, những vật nuôi ấy đều mang hoàn cảnh bi đát, con thì bị bỏ rơi, con thì quá già khiến chủ nhân e ngại, hoặc chủ không có khả năng chăm sóc…

“Ngôi nhà” di động của đàn chó được trang bị đủ đồ nghề từ ăn uống, vệ sinh, phục vụ 13 chú chó nhỏ. Ảnh: Lam Phong

“Ngôi nhà” di động của đàn chó được trang bị đủ đồ nghề từ ăn uống, vệ sinh, phục vụ 13 chú chó nhỏ. Ảnh: Lam Phong

Những người bạn bốn chân là một phần không thể thiếu trong cuộc sống bà Kim Quý. Ảnh: Lam Phong

Những người bạn bốn chân là một phần không thể thiếu trong cuộc sống bà Kim Quý. Ảnh: Lam Phong

Bà Quý kể về đàn chó của mình: "Mỗi con chó tôi nhận nuôi là một hoàn cảnh, tôi quan tâm các bạn chó già nhiều hơn, ở góc độ nào đó, nó như người ấy mà. Già cả khó tính, sức khỏe yếu, không còn đẹp và dễ thương, thế là bị bỏ rơi… Nhiều người biết tôi quý chó, họ mang đến tận nơi, khóc lóc nài nỉ nhờ tôi nuôi hộ. Nhưng cũng có người vô ý thức lắm, họ mang đến cốt quăng đi cục nợ là xong, lại còn ra vẻ tặng để tôi mang ơn. Những ca đấy tôi chỉnh ngay, có mang đến cho tôi, phải đổi cách nghĩ, cách nói cho phải. Cứ nói thẳng hoàn cảnh khó khăn, tôi sẵn sàng, đừng vòng vo giả tạo. Cũng có những hoàn cảnh chủ sống với chó, rồi chủ già, bệnh tật, phải vào viện, chó chẳng ai chăm, lại tìm đến tôi nhờ nuôi hộ".

Con cái thành đạt, nhưng bà Kim Quý chọn cuộc sống độc lập. Ở tuổi 72, tự chăm lo cho bản thân cũng không mấy đơn giản, còn thêm cho riêng chó là 13 con, mỗi ngày bà dậy từ 5 giờ sáng cho chó ăn, vệ sinh, xong đưa cả đàn đi chơi quanh phố phường trên con xe tự chế.

Quần quật suốt ngày với đàn chó, nhưng bà Quý phơi phới với niềm vui hằng ngày, bà bảo: "Người có tuổi, thường có góc nhìn cay nghiệt lắm, gặp nhau toàn nói chuyện ốm đau. Thế hệ tôi những người có tí chức tước, giờ về vườn, vẫn kiểu nghĩ ai cũng là lính của họ nên ăn nói nghe không lọt. Tôi sống theo ý mình thích, tìm vui cho mình từ… chó. Hiểu được chó, thấy nó còn hay hơn đầy người. Chó mang lại cho tôi năng lượng sống tích cực".

Tìm vui từ sự đơn giản

Đàn chó 13 con trước khi được bà nhận nuôi, con thì mù, con bị đánh đập, con bị bỏ đói đến nỗi trầm cảm cả 10 năm trước khi về với "mẹ" Kim Quý… Tên gọi của từng đứa cũng đặc biệt, nào là Chân Dài, Hoàng Sa, Trường Sa, rồi Bơ - tên cháu ngoại để bà gọi cho đỡ nhớ, Sóc… Và điều ấn tượng ở đàn thú cưng này, ấy là mỗi con lại mang một kiểu tóc, móng, cho đến màu nhuộm khác biệt. Hỏi sự tình, bà Quý cười vui: "Cháu quên bà là nhà tạo mẫu tóc à? Xưa mình làm tóc cho người kiếm tiền, giờ mình làm tóc cho cún để tìm vui, bình an và hạnh phúc".

Cớ sự làm tóc cho chó cũng không phải ngẫu nhiên, bà Quý giải thích thêm: "Hồi mới nuôi, tôi cũng hay cho chúng nó đi spa, làm đẹp, nhưng người ta chỉ biết làm một kiểu, nên đứa nào về cũng na ná nhau. Chó mỗi con có tính cách riêng, nên sau đấy tôi quyết định tự cắt tỉa lông tóc, móng, nhuộm, làm đẹp cho từng đứa theo tính cách của nó. Cháu nhìn xem, chẳng con nào giống con nào, đứa nghịch ngợm, đứa phá phách, đứa trầm ngâm…, cá tính thế nào thì tôi làm đẹp cho chúng nó theo kiểu nấy".

Salsa, du khách đến từ Tây Ban Nha, ngạc nhiên và cảm kích với câu chuyện đàn chó của bà Kim Quý. Ảnh: Lam Phong

Salsa, du khách đến từ Tây Ban Nha, ngạc nhiên và cảm kích với câu chuyện đàn chó của bà Kim Quý. Ảnh: Lam Phong

13 mảnh đời, an vị lên con xe tự chế được thiết kế với đầy đủ đồ nghề, từ quạt làm mát, nước rửa tay, tủ y tế, hộp đựng thức ăn… cùng đôi bàn tay và tình cảm đầy yêu thương bà Kim Quý dành cho "đàn con" của mình. Hỏi chuyện thêm, bà Quý cho biết 13 đứa con này sẽ được bà tự tay chăm lo đến chết, với nguồn kinh phí là số tiền tiết kiệm được bà tích góp, dành dụm, kể cả dẫu có mệnh hệ gì thì đàn thú cưng vẫn có một khoản tiền thừa kế để sống đến cuối đời.

Ngồi bên những chú chó, hỏi chuyện từ khi rời xa hào quang của nghề tóc, liệu có nhớ nghề, bà tâm sự: "Không đâu cháu ạ. Bao năm lăn lộn trong nghề tóc cũng đầy hơn thua, kèn cựa nhau, giờ buông hết, chỉ dạy các lớp miễn phí để chia sẻ kinh nghiệm cho người quan tâm. Nhiều học trò tôi dạy, ngày 20.11 đến thăm tôi rồi khoe con giờ nổi tiếng rồi mà vẫn nhớ đi thăm thầy. Chính nuôi chó giúp tôi cảm nghiệm ra nhiều điều, và hạnh phúc nhất là tôi biết quên đi mình là ai".

Chiếc xe được bà Quý tự chế để đưa “đàn con” dạo phố phường Hà Nội. Ảnh: Lam Phong

Chiếc xe được bà Quý tự chế để đưa “đàn con” dạo phố phường Hà Nội. Ảnh: Lam Phong

Tuổi cao, sức khỏe giảm dần, việc chăm sóc, nuôi đàn chó hẳn gặp nhiều áp lực, nhiều bạn bè, học trò, người thân quen hiến kế bà chuyện vận động tài trợ, bà từ chối thẳng: "Tôi có đủ khả năng và tự lo được, kêu gọi tài trợ phiền phức và thêm áp lực, tôi chỉ muốn tìm vui trong đơn giản, làm điều cái tâm mình mách bảo và mong nhận được tình cảm sẻ chia của mọi người thôi".

Từ năm 2021, nhà tạo mẫu tóc Kim Quý mở kênh dạy tóc miễn phí trên không gian mạng có tên "Dạy nghề tóc 0 VND", hiện có hơn 29.000 người đăng ký. Kênh này đã chia sẻ hơn 500 video hướng dẫn các tuyệt kỹ nghề tóc dành cho người muốn theo nghề.

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Lão nông cả đời bảo tồn cá quý trên dòng Mê Kông

Lão nông cả đời bảo tồn cá quý trên dòng Mê Kông

Sông Mê Kông đang ngày càng cạn kiệt về các loài cá quý hiếm. Ông Bảy Bon - lão nông ở Cần Thơ trên dòng sông Hậu dành gần cả đời sưu tầm và bảo tồn các loài cá quý với hy vọng chúng sẽ không biến mất. Kết hợp du lịch, ông đã tạo nên một điểm đến hấp dẫn mỗi khi khách đến cồn Sơn của TP Cần Thơ.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.