Biên cương vươn mình mạnh mẽ - Bài 3: Giữ bình yên cho biên cương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cùng với những cột mốc bằng đá granit vững chãi, biên giới Việt Nam - Lào còn có những “cột mốc sống” là lực lượng vũ trang cùng nhân dân nơi biên ải ngày đêm âm thầm canh giữ, đẩy lùi các loại tội phạm, trở thành “lá chắn” giữ bình yên biên cương Tổ quốc.

Tiết học bảo vệ chủ quyền bên cột mốc

Trên khoảnh đất bằng phẳng bên cột mốc 591 trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào, một tiết học đặc biệt do Đồn Biên phòng Hướng Lập thuộc Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị phối hợp lực lượng vũ trang biên giới nước bạn tổ chức. Tiết học không bảng đen, phấn trắng nhưng thu hút rất đông học sinh tiểu học, THCS của xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị và học sinh cụm bản La Cồ, huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet (Lào).

Đúng 8 giờ sáng, mọi thành viên tham dự tiết học với trang phục chỉnh tề, hướng về cờ Tổ quốc hát Quốc ca hai nước. Không giấu được xúc động, em Hồ Thị Bé, học sinh Trường Tiểu học và THCS Hướng Việt bày tỏ: “Khi nhìn cờ Tổ quốc tung bay phấp phới giữa không gian biên cương hùng vĩ, áp tay lên ngực và hát Quốc ca khiến em cảm thấy mạnh mẽ, tự hào và hứa với bản thân sẽ nỗ lực vươn lên để sau này góp phần bảo vệ biên cương Tổ quốc, xây dựng nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh và văn minh”.

"Tiết học biên giới" bên cột mốc 591 trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào do Đồn Biên phòng Hướng Lập thuộc BĐBP tỉnh Quảng Trị phối hợp lực lượng vũ trang biên giới nước bạn tổ chức

"Tiết học biên giới" bên cột mốc 591 trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào do Đồn Biên phòng Hướng Lập thuộc BĐBP tỉnh Quảng Trị phối hợp lực lượng vũ trang biên giới nước bạn tổ chức

Gần 8 năm qua, ở biên giới Việt - Lào thuộc địa bàn huyện Hướng Hóa và Đakrông của tỉnh Quảng Trị, mô hình "Tiết học biên giới" được các đồn biên phòng Thuận, Thanh, Hướng Phùng, Hướng Lập, Ba Tầng triển khai thường xuyên… Nhưng lần đầu tiên, "Tiết học biên giới" được tổ chức ngay tại cột mốc 591 mang đến nhiều cảm xúc. Tiết học hôm ấy, học sinh say sưa lắng nghe "thầy giáo" mang quân hàm xanh giảng dạy, giới thiệu về mối quan hệ hữu nghị Việt - Lào; lịch sử hình thành mốc quốc giới 591 cùng những kiến thức về biên giới, lãnh thổ.

Các em còn theo chân lực lượng vũ trang tham quan và trải nghiệm tuần tra bảo vệ biên giới. Rất nhiều câu hỏi, thắc mắc của học sinh lần lượt được các chiến sĩ biên phòng và lực lượng vũ trang nước bạn Lào tận tình giải đáp. “Em rất vui khi gặp gỡ các bạn học sinh Việt Nam. Đây là lần đầu, em tham dự lớp học có các chú bộ đội Việt Nam giảng dạy, giúp chúng em hiểu biết thêm về cột mốc chủ quyền biên giới. Qua tiết học biên giới, em biết thêm về chủ quyền giữa Việt Nam và Lào, thêm yêu quê hương đất nước cũng như thêm kỷ niệm đẹp đối với các bạn học sinh Việt Nam”, em Nang Đê, Trường THCS Dân tộc nội trú La Cồ chia sẻ.

Còn Thượng tá Nguyễn Quang Tuấn, Phó Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị, cho biết, đây là hoạt động thiết thực, ý nghĩa, thể hiện tinh thần đoàn kết gắn bó giữa chính quyền, nhân dân hai nước Việt Nam - Lào. Qua “Tiết học biên giới”, các em học sinh được trang bị thêm nhiều kiến thức, góp phần trở thành những công dân tốt, tích cực tham gia bảo vệ, xây dựng quê hương và chủ quyền quốc gia; kết nối, vun đắp thêm tình cảm hữu nghị hai nước “mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”.

Chung sức bảo vệ biên cương

Gà rừng vừa cất tiếng gáy báo hiệu ngày mới, tại lối mở Hồng Thái (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế ), cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nhâm thuộc Bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế và Đại đội Bảo vệ biên giới 531, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sekong, nước bạn Lào bắt đầu đợt tuần tra song phương. Mọi thành viên mang theo những vật dụng cần thiết, men theo đường biên, mốc giới thực hiện nhiệm vụ với điểm đến đầu tiên là cột mốc 654, nơi phân chia ranh giới giữa hai quốc gia Việt Nam - Lào. Di chuyển trên những con đường mòn ngoằn ngoèo hay đồi núi trùng điệp, lối đi xuyên rừng rậm rạp, lực lượng tuần tra luôn cảnh giác, căng tai, dõi mắt quan sát từng dấu hiệu xung quanh. Khi có tiếng động lạ, mọi người nhanh chóng tìm vị trí, sẵn sàng tác chiến. Gặp vách núi dựng đứng, cheo leo, mọi người tập trung nhích từng bước…

Gian nan vất vả là vậy nhưng suốt hành trình, lực lượng tuần tra hai bên vẫn nghiêm túc giữ đúng nguyên tắc, nghi thức, thủ tục trong hoạt động đối ngoại. Thiếu tá Nguyễn Nhật Thông, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Nhâm trải lòng, đã cùng đồng đội thực hiện hàng trăm chuyến tuần tra bảo vệ biên giới. Bản thân dù thuộc từng khúc cua, từng con dốc, vách núi nhưng nhiều khi không tránh khỏi trượt ngã tại những đoạn đường mòn trơn trượt, vách núi cheo leo. Tuy nhiên, người lính biên phòng luôn xem "Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt" nên luôn nỗ lực vượt qua chính mình để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, giữ cho biên cương bình yên. “Mọi người thường nghĩ, lính biên phòng tuần tra bằng ngựa, như biểu tượng người lính biên phòng. Tuy nhiên, nếu đường tuần tra đi được bằng ngựa thì làm sao đo được lòng can đảm và tình yêu với biên cương Tổ quốc của mỗi cán bộ, chiến sĩ”, Thiếu tá Nguyễn Nhật Thông nở nụ cười nhìn về phía những người lính trẻ, rồi tiếp tục hành trình.

“Đơn vị có nhiệm vụ quản lý và bảo vệ 9 cột mốc quốc giới, 5 cọc dấu với chiều dài 31,717km đường biên giới tiếp giáp với huyện Kà Lừm, tỉnh Sekong. Ngoài các đợt tuần tra song phương với lực lượng vũ trang nước bạn Lào, đơn vị còn tổ chức các tổ tuần tra hành quân khép kín tất cả các cột mốc do đơn vị quản lý, bảo vệ. Nhiều đợt tuần tra, giữa đường, mưa rừng ập về lấp hết đường mòn, suối đá, buộc cán bộ, chiến sĩ phải treo tăng võng trên các cây rừng để trú tránh. Đồng thời, ai cũng phải thuộc lòng kỹ năng sinh tồn trong điều kiện khắc nghiệt chốn rừng sâu, để ứng phó khi tuần tra gặp thú dữ, rắn độc hay mưa lũ, chia cắt”, Thiếu tá Nguyễn Nhật Thông kể.

Đại tá Đặng Ngọc Hiệu, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết, ngoài lực lượng tuần tra biên giới là những người lính biên phòng và lực lượng vũ trang nước bạn Lào, nơi biên cương Tổ quốc còn có những “cột mốc sống” là người dân nơi biên ải. Họ là “cánh tay nối dài” của lực lượng biên phòng trong việc triển khai Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.

“Phong trào tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự thôn, bản khu vực biên giới đã giúp những người lính biên phòng vững tâm bám trụ nơi biên cương khi đồng bào các dân tộc ngày càng nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa của phong trào. Qua đó, nhiều hộ dân tích cực, tự giác tham gia các hoạt động của tổ tự quản, kịp thời cung cấp nhiều tin báo rất có giá trị, giúp bộ đội biên phòng xử lý tốt những vấn đề về chủ quyền, cũng như an ninh trật tự”, Đại tá Đặng Ngọc Hiệu thông tin.

Vượt qua mọi khó khăn về vật chất, nhân lực, hai nước Lào - Việt Nam thời gian qua đã hoàn thành cắm mốc biên giới ở 1.002 điểm, xây dựng 905 cột mốc và hoàn tất việc lập bản đồ biên giới Lào - Việt Nam tỷ lệ 1/50.000. Bình quân cứ mỗi 2,6km biên giới, hai nước sẽ có một điểm mốc. Việc hoàn tất các hoạt động phân định biên giới nói trên đã tạo tiền đề cho hai bên đạt được những thỏa thuận chung mới, đồng thời có ý nghĩa quan trọng về chính trị, phát triển kinh tế khu vực biên giới chung, hợp tác văn hóa, du lịch giữa nhân dân Lào và Việt Nam.

Video: Giữ cho biên cương bình yên

Một số hình ảnh về: Lực lượng vũ trang và nhân dân phối hợp tuần tra bảo vệ biên giới Việt - Lào

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.