“Bia Đại Hàn” trên đất An Khê

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Tại xã Song An (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) có 2 tấm bia khắc chữ Hàn Quốc do Sư đoàn Mãnh Hổ (lính Nam Triều Tiên) dựng năm 1972. Bia đá trên Điểm cao 638 vẫn còn nguyên vẹn, trong khi công trình tương tự tọa lạc bên đường 19 đã bị đập bỏ từ lâu.

Trận đánh của Trung đoàn 12 thuộc Sư đoàn 3 Sao Vàng cắt đường 19 trong Chiến dịch Xuân-Hè 1972 (còn gọi là Mùa hè đỏ lửa) nhằm phối hợp với chiến trường Tây Nguyên và khóa chân Sư đoàn Mãnh Hổ không để chúng ra ứng cứu ở Bắc Bình Định bắt đầu từ sáng 11-4-1972 và kết thúc 18 ngày sau đó. Mặc dù lực lượng và vũ khí chênh lệch so với đối phương nhưng Trung đoàn 12 đã hoàn thành nhiệm vụ cắt đường 19, gây cho địch nhiều khốn đốn trên chiến trường Tây Nguyên. Đáng nói, một số sách báo, tài liệu còn lưu trữ tại Hàn Quốc không chỉ thừa nhận thất bại trong hoạt động “giải tỏa” đường 19 khi đó mà còn gián tiếp khẳng định tinh thần chiến đấu quả cảm vô song của quân đội ta. Điều này cũng được thể hiện ngay trên các văn bia mà họ từng dày công tạc khắc tại An Khê.

Bia trên Điểm cao 638

Bia thứ nhất nằm trên đỉnh dãy núi Cây Rui, ranh giới tự nhiên giữa xã Tây Thuận (Tây Sơn, Bình Định) và thôn Thượng An 2 (xã Song An, thị xã An Khê). Nhiều người dân An Khê gọi nơi này là núi bia Đại Hàn hoặc Hòn Bùi. Theo bản đồ quân sự Mỹ và sách lịch sử của Sư đoàn 3 Sao Vàng, địa danh này từ lâu được biết đến dưới tên gọi Điểm cao 638 (Hill 638).

Rời quốc lộ 19, đi bộ khoảng 1,5 km đường mòn, chúng tôi lên đỉnh núi Cây Rui, tận mắt thấy “bia Đại Hàn” giữa ngút ngàn cây cỏ. Được làm bằng sa thạch nguyên khối, bia có 2 phần. Phần đế bia cao khoảng 1,45 m gồm một cụm khoảng 10 khối đá tự nhiên, không đều về kích thước đứng cạnh nhau vững chãi. Đế bia là một hình gần tứ giác nhưng có nhiều chỗ lồi lõm. Vết xi măng kết nối các khối đá tảng tạo thành đế bia hiện còn cho thấy đã có sự tác động của con người, để có khe hở đủ đưa thân bia ngập vào, trước khi dùng chất kết dính trám các tảng đá lại với nhau.

Thân bia là một phiến đá tự nhiên cao 2,9 m tính từ mặt trên của đế bia đến điểm xa nhất phía trên cùng-ngọn bia. Cả hai mặt trên thân bia có 4 khung hình chữ nhật, sâu khoảng 0,1 m tạo thành các mặt phẳng phù hợp, trước khi các dòng chữ Hàn được khắc chìm vào đó với kích thước khác nhau. Theo một số bạn bè Việt Nam và Hàn Quốc, mặt trước của bia, ở vị trí trung tâm có 3 đại tự, nghĩa là: Bia chiến thắng. Mặt sau bia, ở vị trí trung tâm, 5 chữ lớn có nghĩa là: Điểm cao 638. Bên phải dòng chữ này có 1 dòng chữ nhỏ, dọc theo thân bia, nghĩa là: Ngày 24 tháng 4 năm 1972. Phía dưới cùng của mặt bia này có 5 hàng chữ kêu gọi “Hãy yên nghỉ hỡi linh hồn những người lính Mãnh Hổ đã ngã xuống trong trận chiến đèo An Khê oanh liệt”.

Bia đá do lực lượng Đại Hàn xây dựng trên Điểm cao 638. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ

Bia đá do lực lượng Đại Hàn xây dựng trên Điểm cao 638. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ

Thông tin từ một cựu chiến binh Hàn Quốc mà người viết bài thu thập được cho hay: Sau trận chiến, công binh Sư đoàn Mãnh Hổ đưa máy móc lên Điểm cao 638 san ủi và dựng bia này trong khoảng 10 ngày. Theo tài liệu của ta, ngày 23-4, địch chiếm chốt Cây Rui nhưng phải 4 ngày sau, chúng mới khai thông đường 19 để đoàn xe vận tải đầu tiên từ Quy Nhơn lên được Pleiku. Như vậy, ngày 24-4-1972 đề trong bia có thể là thời điểm khởi công công trình này.

Bia bên đường 19

Vẫn thuộc thôn Thượng An 2, bia thứ 2 nằm trên đỉnh đèo An Khê, trong khu vực đất của Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc An Khê. Dấu tích còn lại của bia hiện gần cột cây số 67 của quốc lộ 19. Theo một tài liệu nghiên cứu dẫn nguồn lưu trữ từ Viện Lịch sử Quân sự Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, bia bên đường 19 nặng 32 tấn được xây dựng trong 47 ngày, hoàn thành vào 24-9-1972. Căn cứ tư liệu của quân đội Hàn Quốc, nhận thấy: Trừ tấm đá nguyên khối khắc 3 đại tự Hàn “bia chiến thắng” có hình thù, kích thước tương đối giống với vật hiện còn trên Điểm cao 638, toàn bộ công trình này được xây dựng khá kiên cố. Chiếm vị trí cao trên một vạt đồi dưới chân núi phía bên trái đèo An Khê (theo hướng đi Pleiku-Quy Nhơn), bia đá cao khoảng 3 m được đặt trên bệ xây gồm 3 cấp. Đối chiếu ảnh chụp, đo kích thước của các phiến đá còn sót lại, có thể thấy mỗi cấp bệ bia cao khoảng 0,9 m; độ dài của các cấp bệ bia tính từ trên xuống, lần lượt vào khoảng 3,5 m, 5 m và 6,5 m. Từ mép đường 19 dẫn lên sân bia là một lối đi rộng khoảng 2 m, gồm hơn 20 bậc cấp, mỗi bậc cao độ 0,2 m. Chiều cao tính từ ngọn bia so với mặt đường 19 khi đó độ 10 m.

Dấu vết còn lại của một tấm “Bia Đại Hàn” bên quốc lộ 19. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ

Dấu vết còn lại của một tấm “Bia Đại Hàn” bên quốc lộ 19. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ

Khác với bia trên Điểm cao 638, bia bên đường 19 có 3 chi tiết bằng kim loại đồng. Giữa cấp bệ bia thứ nhất, gắn một đầu hổ nhe nanh-biểu tượng của Sư đoàn Mãnh Hổ có kích thước khoảng 0,5x0,3 m; ở cấp bệ bia thứ 2, hai bên gắn 2 biển đồng tương đương nhau, cỡ 0,6x1 m, trên đó khắc các dòng chữ Hàn Quốc (bên trái, chính diện bia) và Anh ngữ (bên phải bia). Nội dung 25 dòng văn bia bằng tiếng Anh thông tin: Đây là nơi tưởng niệm các binh sĩ đã thiệt mạng trong trận đánh đẫm máu ở đèo An Khê với “bộ phận nòng cốt của Trung đoàn 12 thuộc Sư đoàn 3”.

Có thể khẳng định, cả 2 tấm bia đều gián tiếp thừa nhận lực lượng Đại Hàn-quân chư hầu của Mỹ khi đó đã thất bại nặng nề, khi họ kêu gọi linh hồn những người lính đã chết “hãy ngủ yên” hoặc cụ thể hơn, rằng “nhiều binh sĩ trẻ Đại Hàn” đã bỏ mạng trong trận chiến đẫm máu tại đèo An Khê. Đây cũng là cái giá phải trả cho những tội ác mà lính Đại Hàn đã gây ra cho Nhân dân miền Nam ta.

Địa điểm du lịch

Trận chiến khốc liệt trên đèo An Khê đã lùi xa hơn nửa thế kỷ. Quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc 30 năm qua đã trở nên nồng ấm và gần đây, 2 quốc gia đã trở thành đối tác chiến lược toàn diện của nhau. Bia đá trên Điểm cao 638, phế tích bia cạnh quốc lộ 19 hàng chục năm qua thu hút một lượng khách đáng kể, không chỉ ở An Khê mà còn từ Hàn Quốc. Tôi đã thu thập được rất nhiều hình ảnh và thông tin về những du khách này. Họ gồm những cựu chiến binh từng tham chiến tại An Khê và Bình Định; họ là thân nhân, bạn bè của những người đã bỏ mạng tại mảnh đất này; nhiều nhà báo và các đoàn làm phim cũng đã có mặt tại đây. Phần lớn họ đã khóc, đã cúi đầu trước mênh mang gió núi.

Cũng cần nói thêm một điều, nhiều cán bộ, chiến sĩ của ta hy sinh trong chiến dịch này, đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Hơn 50 năm qua, xương thịt của những anh hùng ấy đã lẫn vào đất đai, cây cỏ An Khê.

An Khê hiện có 2 di tích quốc gia đặc biệt, hàng loạt di tích cấp tỉnh và một bộ rìu đá vừa mới được công nhận là bảo vật quốc gia. Trong bối cảnh đó, cá nhân tôi cho rằng, cùng với việc thị xã đang khẩn trương lập hồ sơ di tích theo Quyết định số 312/QĐ-UBND ngày 6-7-2018 của UBND tỉnh, các đơn vị hữu quan nên nghiên cứu, xây dựng tour du lịch cho các điểm đến còn chưa được khai thác liên quan đến các dấu tích chiến tranh đã nêu. Trong tình hình mới, rất có thể, các cựu binh Hàn Quốc và con cháu họ sẽ có những đóng góp nhất định đối với công việc này.

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.