Bị "hô biến" thành con nợ vì... nhà hộ nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhiều lần vượt quãng đường hơn 200 cây số đi về để đến với huyện Đak Rông (tỉnh Quảng Trị), nhưng thông tin nhận được luôn “nghèo nàn” với những dấu chấm hỏi, kèm theo thái độ thờ ơ của các cấp lãnh đạo.

Vì vậy, chúng tôi đã đi đến từng thôn bản người đồng bào thiểu số của xã Tà Rụt để hỏi thăm từng hộ nghèo, và ngỡ ngàng khi biết rằng: Có đến hàng chục hộ gia đình nghèo không còn “mùng tơi” để rớt đã đi vay, rồi đưa tiền cho một cán bộ để được hỗ trợ tiền xây nhà... hộ nghèo.

 

Ông Hồ Văn Liên (bìa phải ảnh) và ông Hồ Văn Việt (thôn Vực Leng) viết đơn trình báo với cơ quan chức năng việc nộp tiền cho cán bộ Dũng.
Ông Hồ Văn Liên (bìa phải ảnh) và ông Hồ Văn Việt (thôn Vực Leng) viết đơn trình báo với cơ quan chức năng việc nộp tiền cho cán bộ Dũng.

Lấy sổ đỏ của người nghèo đi… cầm cố

Nhà ở sát bên đường Hồ Chí Minh, cạnh sông ĐakRông nên ông Hồ Văn Phong (SN 1975, trú tại thôn A Đăng) từng chứng kiến nhiều trận lũ lụt kinh hoàng. Vì vậy, dù thuộc diện hộ nghèo nhưng ông vẫn vay mướn, xây thô ngôi nhà sàn thật cao để sống chung với thiên tai. Hôm chúng tôi đến, tiết trời khá đẹp nên cứ đinh ninh sẽ không gặp được ai ở nhà, bởi bình thường ông Phong ở trên rẫy, quần quật với củ sắn, lúa khoai. Nhưng do thời gian gần đây biết chuyện mình bị lừa, trong người không được vui, nên ông Phong cứ đi ra đi vào.

Biết chúng tôi là tác giả bài viết “Lừa hộ nghèo “chạy” nhà chính sách”, thông tin về 14 hộ nghèo ở thôn A Liêng (xã Tà Rụt) bị ông Nguyễn Văn Dũng - cán bộ xóa đói giảm nghèo xã - lừa tiền, ông Phong kéo ngay vào nhà, nói: “Cán bộ Dũng cũng cầm tiền của bố (tôi), giờ gọi điện thoại đổ chuông nhưng không thấy bắt máy. Lo lắm.”

Ngôi nhà sàn nhìn từ xa cao ráo, nhưng vào đến chỉ nhìn thấy mỗi bộ khung bằng bêtông là chắc chắn, còn bao bọc xung quanh là những mảnh ván mỏng. Ông Phong ngồi bệt xuống chiếc giường gỗ cũ kỹ, nhìn lên từng mảng tường dang dở của ngôi nhà, rầu rĩ kể: Khoảng tháng 8.2017, cán bộ Dũng đến, nói có dự án cho tiền sửa nhà, từ 60-80 triệu.

Ông Dũng còn nói chi tiết, khi có tiền, đích thông ông sẽ gọi thợ đến xây lại các cột và tường nhà, rồi mua sơn về quét lại, lúc đó ngôi nhà ông Phong sẽ rất đẹp. “Nhưng muốn hưởng dự án này, phải đưa cho Dũng 10 triệu đồng”- ông Phong, nhớ lại.

Nếu là người lạ, ông Phong sẽ có chút nghi ngờ, nhưng cán bộ Dũng làm ở xã, rất gần gũi với các gia đình chính sách và đã từng làm giúp nhà hộ nghèo cho nhiều người, nên gia đình ông Phong quyết định sẽ đưa tiền để có được nhà. Chạy vạy đủ mọi nơi, ông Phong gom được 3 triệu đồng, đưa cho cán bộ vào ngày 13.8. 5 ngày sau đó, vay được ở nhóm tiết kiệm thêm 4 triệu, cán bộ Dũng đến và cầm luôn số tiền này, rồi bảo còn thiếu 3 triệu. Suy nghĩ mãi không vay đâu ra cho đủ 10 triệu, thì ông Dũng lấy cuốn sổ đỏ đất rừng gần 1ha của gia đình ông Phong, bảo sẽ đem đi cầm cố.

“Bố và cán bộ Dũng cầm sổ đỏ ra quán ông Tiến ở thôn Vực Leng và quán chị Hồng ở thôn A Đăng để cầm lấy 3 triệu, nhưng không ai nhận. Rồi Dũng nói, đưa sổ đỏ đi cầm ở nơi khác, bây giờ không rõ sổ đỏ ở đâu rồi” - ông Phong thật thà.

Đang thẫn thờ nghe ông Phong kể lại câu chuyện, thì ông Hồ Văn Dũng (thôn Vực Leng) - bạn hộ nghèo của ông Phong - vừa đến nhà. Chưa kịp ngồi xuống, ông Hồ Văn Dũng nói cộc lốc: “Bố cũng nộp cho cán bộ Dũng 2,5 triệu để được nhà hộ nghèo. Con biết nhà cán bộ Dũng ở đâu thì chỉ để bố đến xin lại tiền. Cán bộ Dũng hứa nhưng không thiệt bụng”.

Ông Hồ Văn Dũng dáng người nhỏ thó, bộ râu dài, đôi bàn tay đen thui thủi cứ xoa xoa vào nhau. Khi hỏi về hoàn cảnh gia đình, người đàn ông này ngân ngân nước mắt, không nói nên lời. Ông Phong nói với vào: “So với nhà bố, nhà nó nghèo không có mùng tơi… mà rớt”!.

 

Ông Hồ Văn Dũng (thôn Vực Leng) nộp cho cán bộ Dũng 2,5 triệu đồng với mơ ước có ngôi nhà hộ nghèo. Tiền nộp từ lâu, lãi ngập đầu mới phát hiện bị lừa.
Ông Hồ Văn Dũng (thôn Vực Leng) nộp cho cán bộ Dũng 2,5 triệu đồng với mơ ước có ngôi nhà hộ nghèo. Tiền nộp từ lâu, lãi ngập đầu mới phát hiện bị lừa.

Viết giấy vay tiền để lấy lòng tin

Không riêng gì hộ nghèo, trong năm 2017, cán bộ Dũng đã ghé thăm nhiều gia đình vừa thoát nghèo, vẽ vời ra nhà tránh lũ và nhà hỗ trợ của Viettel để tiếp tục cầm những đồng tiền xương máu của đồng bào. Ông Hồ Tuôr (còn gọi là Kôn Muông, SN 1964, trú tại thôn Khẹp, xã Tà Rụt) tiếp cán bộ Dũng ở nhà riêng vào một ngày cuối tháng 4-2017.

Ông Tuôr không phải hộ nghèo, nhưng có con trai Hồ Văn Mía đi bộ đội, đã tách hộ và có vợ con đang ở nhà tạm. Vẫn bài cũ, ông Dũng đem điện thoại ra, chụp ảnh các ngôi nhà sàn nghèo nàn, rồi bảo sẽ hỗ trợ cho ông Tuôr nhà tránh bão lụt, còn Mía sẽ được nhà hộ nghèo của Viettel hỗ trợ. Mới mừng thầm trong bụng, thì Dũng nói phải đưa 9 triệu đồng thì sau đó mới nhận được tiền hỗ trợ.

Khi ông Tuôr ngờ ngợ, Dũng lấy tờ giấy viết để làm tin với nội dung: “Hôm nay ngày 29-4-2017, Nguyễn Văn Dũng ở tại thôn A Vương, xã Tà Rụt, huyện Đak Rông - có mượn của ông Kôn Muông, Khẹp, Tà Rụt số tiền 6 triệu đồng chẵn. Vậy tôi viết giấy này để làm chứng về sau. Thời gian 1 tháng kể từ ngày mượn đến ngày 29-5-2017”.

Cầm giấy này trên tay, ông Tuôr đưa cho Dũng 6 triệu đồng để làm nhà hộ nghèo cho Mía, rồi đưa tiếp 3 triệu để làm nhà tránh lụt cho gia đình. Tiếp đó, ông Dũng đưa giấy đến, bảo ký để ứng tiền làm nhà, rồi dặn đừng nói chuyện đưa tiền với ai cả. Tin lời, tin người, ông Tuôr không mở lời với ai, mãi đến khi nghe mọi người xì xầm bàn tán chuyện cán bộ Dũng lừa nhiều hộ nghèo, ông Tuôr ngớ người.

“Ngày mai tôi sẽ viết đơn, trình báo lên xã để nhờ can thiệp” - ông Tuôr cho hay.

Thảm thê nhất, phải kể đến trường hợp ông Hồ Văn Phưn (SN 1964, trú tại thôn Tà Rụt 3, xã Tà Rụt) với số tiền đưa cho cán bộ Dũng lên đến 10 triệu đồng. Trước, ông Phưn thuộc hộ nghèo, nhưng khi vay vốn được 15 triệu, chuẩn bị xây nhà thì bị cắt hộ nghèo. Thế rồi, khi mới rút được 5 triệu để làm nhà, thì cán bộ Dũng đến thăm, rồi hứa hẹn nếu đưa 10 triệu còn lại cho Dũng, sẽ được bổ sung vào diện hưởng nhà ở lũ lụt. Lúc đó, 10 triệu để làm nhà ông Phưn gửi ở 1 phụ nữ làm ở tổ vay vốn, Dũng đến lấy 10 triệu đó rồi mất dạng.

Bây giờ, ngôi nhà của ông Phưn chỉ mới xây được phần thô rồi để dang dở, các cánh cửa được làm tạm bằng tre mỏng manh trước những cơn gió từ dưới sông thổi thốc lên. “Bây chừ mà xét lại hộ nghèo, gia đình tôi sẽ thuộc diện nghèo nhất” - ông Phưn, nói như khóc.

 

Ngôi nhà của ông Hồ Văn Phưn (thôn Tà Rụt 3) dang dở vì số tiền làm nhà đã bị cán bộ Dũng lấy.
Ngôi nhà của ông Hồ Văn Phưn (thôn Tà Rụt 3) dang dở vì số tiền làm nhà đã bị cán bộ Dũng lấy.

Con số “bị hại” chưa dừng lại...

Trước khi tìm đến những hoàn cảnh đau lòng kể trên, chúng tôi đã liên hệ trước, và nhiều lần đến UBND xã Tà Rụt để nắm thông tin. Điện thoại cho ông Hồ Văn Ngơn - Bí thư xã Tà Rụt - để hẹn lịch làm việc, ông Ngơn bắt máy, nghe trình bày xong thì tắt cái rụp. Gọi cho Chủ tịch UBND xã - ông Hồ Văn Nhiếp - nhiều lần, thì điện thoại chỉ đổ chuông. Vào trụ sở UBND xã, thấy phòng của ông Nhiếp cửa mở, điện sáng, quạt xoay, điện thoại để ở bàn, hỏi từ văn phòng cho đến các cán bộ ở xã đều nhận được câu trả lời: “đi loanh quanh đâu đấy”.

Thế nhưng, từ 8h sáng đến 11h30, chúng tôi ngồi ở phòng của Phó Bí thư Đảng ủy xã đợi lãnh đạo. Dù lãnh đạo có ghé vào phòng trong khoảng thời gian đó để lấy điện thoại, nhưng lẳng lặng chẳng ai hay biết. Đến giờ làm việc buổi chiều, ông Nhiếp cũng không ghé phòng làm việc. Và ngày sau đó, chúng tôi cũng không tiếp cận được chút thông tin nào. Thậm chí, ghé phòng của công an xã Tà Rụt, có 3 cán bộ trẻ ở trong đó, chưa hỏi hết câu về những hộ nghèo bị lừa, thì nhận được câu trả lời “không biết”.

 

Ông Hồ Sỹ Nhung - Trưởng Công an huyện Đak Rông (Quảng Trị) - cho biết, hiện cơ quan điều tra đang làm việc với địa phương liên quan đến vụ ông Nguyễn Văn Dũng - cán bộ xóa đói giảm nghèo xã Đak Rông - lừa tiền của người dân. “Lúc nào có kết quả, chúng tôi sẽ cung cấp” - ông Nhung nói. Tương tự, ông Lê Đắc Quỳ - Chủ tịch UBND huyện Đak Rông - nói rằng, vụ việc đã được giao cho cơ quan chức năng điều tra. Ông Quỳ chỉ thông tin rằng, ông Nguyễn Văn Dũng do xã Tà Rụt quản lý trực tiếp, muốn tìm hiểu cụ thể thì gặp xã Tà Rụt.

Không biết hay không nói?, bận không gặp hay tránh né phóng viên? Và sự việc dân nghèo bị cán bộ chính sách lừa tiền nghiêm trọng đến đâu? Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi bỏ ra 2 ngày, dù chưa đi đến hết từng thôn bản và từng hộ nghèo, nhưng cũng đủ để nhận định, con số 14 hộ nghèo ở A Liêng bị lừa từ 3-3,5 triệu đồng chỉ là… “muỗi”.

Ngoài ông Phong, ông Hồ Văn Dũng, ông Tuôr, ông Phưn đã nói ở trên, còn có hộ ông Hồ Văn Liên (thôn A Đăng), Hồ Văn Việt (thôn Vực Leng), Hồ Văn Cướt (thôn A Vương), Hoàng Văn Minh (thôn A Đăng), Đồng Thị Hải (thôn Khẹp)… và rất nhiều hộ nghèo, cận nghèo khác là nạn nhân của cán bộ Dũng. Đa số họ là người đồng bào thiểu số, nghèo khó, thiếu hiểu biết và hoàn cảnh của họ bây giờ đang bị dìm xuống sát đất…

Lâm Hưng Thơ/laodong

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.