Bến nước sông Ba

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sông Ba nối một cõi Trường Sơn-Tây Nguyên với Biển Đông là sự gọi mời khám phá cho những bước chân du khảo bởi cảnh quan hùng vĩ, nên thơ. Và những bến nước-nơi mà dòng sông và những buôn làng kề cận cùng cộng hòa tình yêu và bồi đắp sức sống cho nhau, có lẽ là bức tranh đẹp và trữ tình hơn cả.
“Mặt trời xuống núi rồi bạn ơi, ta cũng về làng thôi”-lời trong bài dân ca Bahnar “Gọi bạn về làng” có lẽ là lời hẹn, lời nhắc người trong buôn làng gặp nhau tại bến nước để cùng ùa xuống bến tắm, rồi mang nước về nhà sử dụng sau một ngày nương rẫy. Bến nước trong xanh hữu tình, là bức tranh sinh hoạt thường nhật của những cư dân Bahnar, Jrai gắn đời bên con nước lớn này.
Bến yêu thương
Tháng ba, mới hơn 5 giờ chiều, từ các con đường nhánh của buôn Plei Pa Ơi H’Briu (xã Chư Mố, huyện Ia Pa), cư dân bắt đầu đổ ra bến nước của làng. Những tia nắng chiều chiếu lên mặt sông lấp loáng được chắn viền bởi bãi cát mênh mông giáp với rìa làng như giục bước chân người ra bến. Hồi quang của ánh nắng cuối ngày làm tươi thêm màu da bánh mật, màu tóc đen nhánh của những bà mẹ, những cô gái Jrai, trông họ thật tươi vui, khỏe khoắn!
Cũng như mọi người, Rahlan H’Kin khoét nhanh một hố nhỏ trên bãi cát bằng chiếc vá nhôm. Chẳng mấy chốc lượng nước trong hố được rỉ ra từ mạch cát đã đủ để cô dùng chiếc ca nhỏ múc đổ dần vào những chiếc can nhựa mang theo trong chiếc gùi nan. “Nước lấy bằng cách này dân mình gọi là “nước giọt” đó. Nó được lọc qua bằng một tầng cát dày nên sạch lắm. Dân mình đã có nước giếng và nhiều nơi được Nhà nước đầu tư công trình nước sạch tập trung, nhưng mình vẫn thích sử dụng nước giọt sông Ba vì nó ngọt và mát lành. Chiều về là lúc cả làng cùng lấy nước, cùng tắm ở bến sông”-H’Kin cho biết.
Khi đã cho vào gùi 2 can nước đầy để trên bãi, cùng với các bạn và cả những bà mẹ khác, H’Kin ùa xuống sông, đến chỗ nước ngập đến ngực, vục cả đầu xuống để tắm gội. Trẻ con chưa biết bơi sẽ tắm ở chỗ nước cạn gần bờ. “Giờ này chỉ những người già yếu hay người đau không ra sông được mới ở nhà, còn thì ai cũng ra bến hết”-một cô gái trẻ với bộ đồ dài ướt nhẹp từ bãi tắm bước lên triền cát, vừa vuốt tóc vừa nói. Gió chiều thổi rong nơi bãi sông lồng lộng.
Quang cảnh người dân lấy nước về dùng ở bến nước buôn Plei Pa Ơi H’Briu (xã Chư Mố, huyện Ia Pa). Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ
Quang cảnh người dân lấy nước về dùng ở bến nước buôn Plei Pa Ơi H’Briu (xã Chư Mố, huyện Ia Pa). Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ
Lúc mặt trời dần khuất vào dãy núi cao ở phía xa, bến nước buôn Plei Pa Ơi H’Briu lại rộn ràng thêm. Cũng với những chiếc gùi sau lưng, từng tốp người rời rẫy nương nằm ở phía bên kia nối nhau qua sông để trở về làng. Đặt gùi lên bãi cát, họ lại ra sông cùng tắm với những người đã lấy nước xong. Những chuyện rẫy nương, chuyện này nọ ở làng trong ngày lại được họ nói cho nhau nghe bên bến nước. Bao nhiêu mệt nhọc của công việc như được rũ bỏ bởi con nước mát lành và ngọn gió hiền hòa nơi thung lũng thênh thang.
“Cái nước ở đây mùa hè thì rất mát, còn mùa đông thì ít lạnh, quý vậy đó!”-ông Ksor Alưh nói. Cũng theo lời ông, cứ chiều chiều ra bến nước, gặp kẻ này người nọ trong làng, nhìn quê cảnh thân thuộc thì ai đó dù trong lòng có điều gì không vui cũng thấy được khuây khỏa rất nhiều. “Vậy nên dân mình mà đôi ba ngày không ra bến nước thì thấy nhớ, thấy buồn”-ông Alưh nói.
Những ngọn ngành tâm tưởng
Sông Ba chảy qua không biết bao nhiêu buôn làng của cư dân vùng cao các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên, nhưng phần dài nhất chính là ở Gia Lai. Những bến nước như là một hình ảnh sống động về nét đẹp đời sống, là trái tim của tình tự buôn làng của cư dân.
Và những câu chuyện, những truyền thuyết linh thiêng hóa thiên nhiên và con người của cao nguyên đại ngàn rộng lớn không thiếu chuyện sông Ba.
Già làng-Nghệ nhân Ưu tú Rơ Ô Bhung (buôn Gôm Gốp, xã Ia Rmok, huyện Krông Pa) kể lại một huyền tích thật lý thú. Ấy là nguồn sông Ba có được từ dưới một gốc cây bằng lăng to lớn ở ngọn núi cao tận phía trên núi Kanak tuôn ra. Một cô gái Jrai nghèo nọ một hôm uống được dòng nước đó, đến đêm bỗng mộng thấy có chàng trai đẹp đến ân ái với mình. Sau đó, cô gái ấy hoài thai, sinh đặng một đứa con ngoan. Rồi mẹ con họ dắt nhau lần theo phía hạ nguồn, gặp ai họ cũng bảo nên uống nước con sông này để được khỏe mạnh. Nghe theo lời người mẹ trẻ ấy, người Jrai sống rải rác ở các nơi đã cùng nhau đến sống hai bên sông Ba, xuống giáp tận vùng Phú Yên.
“Cái câu chuyện ông cha mình để lại rất hay, rất có ý nghĩa. Nó cho mình biết tại sao người Jrai mình sống nhiều bên sông Ba, xuống gần với phía người Kinh anh em”-già Rơ Ô Bhung nói. Ông cho rằng cũng vì vậy mà người Jrai quý trọng nguồn nước sông Ba, từ lâu đời họ đã lập nên lễ cúng bến nước hàng năm.
Già làng Rơ Ô Bhung cho rằng nước ăn lấy từ những bến nước sông Ba ngọt lành là nhờ bởi những bãi cát ở các bến nước đều rộng lớn và đẹp. Người xưa đã tinh tế nhận ra điều này và đưa vào một bản tình ca Jrai đẹp lưu truyền. Nghệ nhân Ưu tú Rơ Ô Bhung hát và dịch lại: “Cát sông Ba đẹp/Cát sông Ayun cũng đẹp/Cô gái sông Ba gặp chàng trai sông Ayun/Cầm tay nhau đi chơi… 
Ông Nay Phai-nghệ nhân bậc thầy về chỉnh âm cồng chiêng Tây Nguyên và là nghệ sĩ giỏi về nhạc lý của loại nhạc cụ này cũng cho rằng những bến nước sông Ba duyên dáng là nhờ có những bãi cát đẹp làm nền. Và chính bến nước là nơi đã cho ông nhận ra những âm hưởng kỳ diệu của cõi thiên nhiên ở đó rồi nâng niu gìn giữ nó cho đến lúc ông sáng tạo nên một tác phẩm âm nhạc cồng chiêng độc đáo.
“Thời niên thiếu, mình thường ra bến nước tắm một mình. Nằm trên cát, mình nghe gió riu riu trên mặt nước. Nhưng khi có mưa gió, họ (sông Ba) mạnh như bão... Mình nghe được tiếng của họ, lặng im nghe... Rồi bên tiếng của họ, mình lại nghe con chim pơ rơ túk-cái con chim nhỏ như chim sẻ, thường kêu nhiều từ mùa tháng ba-cứ kêu pơ rơ túk, pơ rơ túk, mình lại càng thích”-nghệ nhân Nay Phai kể lại sự ký âm khởi đầu cho sáng tác.
Mãi đến năm 1984, khi trên sông Ba, nghe tiếng sóng, tiếng chim pơ rơ túk êm đềm với ngọn gió thổi trào trở lại, làm bật dậy cho Nay Phai ý tưởng tạo nên một bản nhạc cồng chiêng theo giai điệu này. Vậy là Nay Phai bắt đầu miệt mài tạo ra được bộ cồng chiêng pơ rơ túk với tiếng sông Ba “đầy ký ức” nơi bến nước thời niên thiếu của mình.
“Bài hát pơ rơ túk thì ông nội mình cũng là thầy chỉnh sửa cồng chiêng đã hát rồi. Nhưng đến đời mình mới tạo được bài nhạc cồng chiêng pơ rơ túk, người Jrai mình nghe rất thích”-nghệ nhân Nay Phai nói với tất cả niềm vui.
Lễ bến nước-Ngày hội làng
“Plei Pa Ơi H’Briu mình mới làm xong lễ cúng bến nước. Thành lệ rồi mà, cứ giữa tháng 2 Âm lịch là các buôn làng ở xã Chư Mố mình làm lễ cúng bến nước. Vui lắm đó!”-già làng Kpă Blai nói với niềm vui tỏa hiện trên nét mặt. Và không chỉ người Plei Pa Ơi H’Briu, các buôn ở Chư Mố thảy đều hân hoan vì lễ cúng bến nước mấy năm nay được làm chu đáo. Ông Ksor Jú-nguyên Chủ tịch UBND xã Chư Mố-cho hay: Từ hơn 5 năm nay, các làng Jrai có lễ cúng bến nước đều được cấp trên hỗ trợ một phần kinh phí để lễ cúng này được tổ chức bề thế hơn.
Theo lời già làng Blai, thuở Chư Mố còn nuôi nhiều voi, nhiều trâu, có năm dân làng mổ trâu làm cỗ cúng bến nước. Nhưng dù chỉ cúng với con vật nhỏ hơn như heo, dê hay gà thì với dân làng đây vẫn là lễ cúng trọng vọng trong năm. Xong lễ cúng tạ thần sông cùng các vị thần linh khác do già làng làm chủ tế cùng với ban chức việc thực hiện tại bến nước, dân làng cùng vào tiệc ăn uống. Chỉ trừ những người bị ốm đau hay vắng mặt ở làng, hết thảy dân làng, cả đến trẻ nhỏ, đều cùng dự hưởng bữa cỗ đầy hoan hỉ này. Những ché rượu cần được dân làng sắm sửa từ trước cứ hết vơi lại đầy với những chén nước giọt sông Ba được chêm vào. Trẻ già, trai gái cùng uống cùng vui, cùng hát ca nhảy múa theo nhạc cồng chiêng, cuộc vui kéo dài mãi đến tối.
“Lễ cúng bến nước là cái ngày vui, ngày hội của dân làng bên sông Ba mình mà!”-già làng Blai nói. Thật đáng quý, vị trưởng lão ở tuổi cửu tuần nói những lời chân chất nhưng đầy tâm cảm: “Dân mình coi dòng sông Ba như là người mẹ. Dù đi đâu cũng nhớ sông Ba, nhớ cái bến nước như nhớ lời hát ru của mẹ!”.
HUỲNH VĂN MỸ

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.