Bẫy mực trên vịnh Nha Trang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mùa bẫy mực trên vịnh Nha Trang thường kéo dài từ tháng 2 đến tháng 6 hằng năm. Bằng kinh nghiệm và kỹ thuật bẫy độc đáo của mình, những ngư dân có thể thu về từ 700.000 đến hơn 1 triệu đồng mỗi ngày.
Khi bóng đêm vẫn còn bao trùm trên vịnh Nha Trang, ông Nguyễn Văn Hảo (51 tuổi, ngụ xã Ninh Hải, H.Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) lọ mọ thức dậy chuẩn bị cho một ngày đi đặt bẫy mực (còn gọi là bóng mực).

Ngư dân Nguyễn Văn Hảo thức dậy từ 3 giờ sáng để chuẩn bị cho một ngày đi bẫy mực trong vịnh Nha Trang. Ảnh: Thế Quang
Ngư dân Nguyễn Văn Hảo thức dậy từ 3 giờ sáng để chuẩn bị cho một ngày đi bẫy mực trong vịnh Nha Trang. Ảnh: Thế Quang
Lấy trứng mực dụ mực vào lồng
3 giờ sáng, tiếng động cơ chiếc ghe xé toang màn đêm yên tĩnh. Hướng mắt về phía xa, ông Hảo điều khiển chiếc ghe nhỏ bé của mình chầm chậm tiến ra vịnh Nha Trang.
Khi cách bờ khoảng hơn 1 hải lý (gần 2 km), lúc này khoảng 4 giờ sáng, ông Hảo bắt đầu công việc quen thuộc của mình suốt 15 năm qua. Dưới ngọn đèn leo lét, đôi tay ông vẫn thoăn thoắt, thuần thục gắn từng chùm trứng mực mềm nhũn, trắng phau vào giữa lồng bẫy rồi thả xuống biển. Chiếc lồng có hình hộp chữ nhật, làm bằng tre rất đơn giản, phủ quanh là một lớp lưới, một mặt phủ thêm sợi ni lông màu đen để tạo vùng tối dụ mực vào lồng đẻ trứng. Phía dưới gắn thêm hòn đá, phía trên có phao bằng xốp để giữ cho chiếc lồng treo lơ lửng trong nước, cách rạn san hô chừng 4 - 5 m. Thấy trứng mực ở trong lồng, con mực đến kỳ đẻ trứng sẽ tìm cách chui vào và dính bẫy.
Đến khoảng 8 giờ, ánh nắng đã bao trùm khắp vịnh Nha Trang, cũng vừa lúc ông Hảo đặt xong 100 chiếc lồng bẫy mực. Người ông lúc này đã ướt nhẹp mồ hôi và nước biển. Sau khi ngồi nghỉ ngơi và tranh thủ chợp mắt, 11 giờ ông Hảo bắt đầu điều khiển ghe đi kiểm tra lồng bẫy.
Ông Hảo phấn khởi khoe con mực vừa dính bẫy. Ảnh: Thế Quang
Ông Hảo phấn khởi khoe con mực vừa dính bẫy. Ảnh: Thế Quang
Đến vị trí của từng chiếc phao xốp đã được đánh dấu, ông lấy cây sào có gắn móc ở đầu vợt lấy dây phao rồi kéo lồng lên khỏi mặt nước. 4 chiếc lồng đầu tiên không có gì nhưng ở chiếc thứ 5 có một con mực nang nặng khoảng 1,5 kg vùng vẫy bên trong, làm ông tươi hẳn nét mặt.
Đến hơn 15 giờ, ông Hảo đã kéo xong 100 chiếc lồng bẫy mực. Hôm nay là một ngày bội thu của ông với khoảng 8 kg mực lá và mực nang. “Mực lá tui bán 320.000/kg còn mực nang giá 120.000 - 130.000/kg. Hôm nay trừ hết chi phí thì cũng được khoảng hơn 1 triệu đồng", ông Hảo phấn khởi nói.
Cách đó không xa, ông Trần Thanh Vũ (xã Vạn Thạnh, H.Vạn Ninh) cũng vừa kéo xong chiếc lồng bẫy mực cuối cùng của mình. Không may mắn như ông Hảo, hôm nay ông Vũ chỉ thu về được 3 kg mực. Ông nhẩm tính nếu trừ hết chi phí chỉ dư khoảng 400.000 đồng. “Nghề này là vậy đó, có lúc thì trúng đậm, có hôm thì về tay trắng, lỗ tiền xăng dầu”, ông Vũ nói.
Năm nay 47 tuổi, ông Vũ đã có kinh nghiệm hơn 10 năm theo nghề bẫy mực. Trước đây, ông chỉ đi lặn biển hay đi làm bạn thuyền nhưng công việc khá bấp bênh, thu nhập chẳng được là bao và đối mặt nhiều rủi ro trong quá trình lặn biển. Thấy những người trong làng làm nghề bẫy mực có thu nhập ổn định, ông Vũ quyết định vay mượn mua lại chiếc ghe cũ giá hơn 100 triệu đồng để làm nghề. Ông Vũ chia sẻ: “So với các nghề trước đây tôi làm thì nghề bẫy mực vẫn ổn định hơn. Mặc dù thu nhập không cao lắm nhưng cũng đủ nuôi sống cả gia đình. Với lại nghề này cũng đỡ nguy hiểm, mình chỉ đặt bẫy trong vịnh nên sóng yên biển lặng, chỉ trừ khi có bão là phải tạm nghỉ...”.
Trứng mực dùng làm mồi bẫy mực. Ảnh: Thế Quang
Trứng mực dùng làm mồi bẫy mực. Ảnh: Thế Quang
Nghề nuôi cả gia đình
Ông Hảo cho biết ông sinh ra ở làng biển Ninh Hòa, gắn bó với nghề biển từ khi còn nhỏ. Thời gian trước, ông làm nghề đan vá lưới, sau đi bạn thuyền đánh bắt xa bờ, nhưng làm mãi cũng chẳng dư dả gì. Cách đây 15 năm, khi đã tích cóp được ít vốn cộng với tiền vay mượn thêm, ông quyết định đóng chiếc ghe công suất 24 CV, trị giá 160 triệu đồng, để làm nghề bẫy mực. “Nghề này tuy cũng vất vả, chủ yếu lấy công làm lời, nhưng bù lại mình được tự làm chủ”, ông Hảo tâm sự.
Những ngư dân làm nghề bẫy mực như ông Hảo, ông Vũ quanh năm suốt tháng ở trên biển, rất hiếm khi lên đất liền. Mọi sinh hoạt chỉ gói gọn vài mét vuông trên chiếc ghe nhỏ bé. Trên ghe chỉ có vài vật dụng đơn giản: chiếc bếp gas mini dùng để nấu ăn, đun nước pha trà, cà phê, vài chiếc xoong, nồi, bát đũa để ăn cơm, ngoài ra còn có chiếc radio để nghe tin tức hay ca nhạc giải trí. Phần lớn diện tích còn lại trên ghe họ dùng để chứa các dụng cụ làm nghề.
Ông Hảo chuẩn bị mồi và lồng bẫy mực. Ảnh: Thế Quang
Ông Hảo chuẩn bị mồi và lồng bẫy mực. Ảnh: Thế Quang
Sau mỗi ngày làm việc vất vả, họ lại cho ghe chạy về neo dưới chân đèo Cù Hin (TP.Nha Trang), cách bờ vài trăm mét. Tại đây sẽ có ghe tới thu mua số mực họ bẫy được trong ngày và cung cấp thực phẩm, nước uống cùng các đồ dùng sinh hoạt khác. Chập tối cũng là thời gian rảnh rỗi nhất của những ngư dân cùng quê này. Họ chèo thuyền thúng qua ghe nhau để uống trà hay chút rượu trò chuyện. Đến 20 giờ, mỗi người lại trở về ghe của mình để ngủ sớm, lấy sức cho buổi làm việc vào sáng sớm hôm sau.
Ngồi đếm số tiền tích cóp được sau gần 1 tháng bán mực, ông Vũ cho biết vài ngày nữa sẽ xuôi ghe về quê để đưa tiền cho vợ nuôi con ăn học và trang trải sinh hoạt trong gia đình. Đợt này ông về cũng là để sửa lại vài chiếc lồng bẫy mực bị hư hỏng. “Thường cứ một tháng tụi tui lại về nhà một lần, vừa để đưa tiền cho vợ vừa để hưởng chút không khí gia đình, chứ ở trong đó miết chắc khùng luôn”, ông Vũ cười nói.
Mong biển được bình an
Thông thường mỗi ngư dân trở về nhà chỉ ở được 2 ngày, sau đó lại chạy ghe vào vịnh Nha Trang để tiếp tục hành nghề. Trung bình nghề này một năm chỉ làm được khoảng 5 tháng, từ tháng 2 - 6, những tháng còn lại mực rất ít. Những hôm nghe tin có bão hay áp thấp họ phải cho ghe về cảng Hòn Rớ (Nha Trang) để tránh trú, chờ biển lặng mới tiếp tục ra khơi.
Ông Hảo cho biết những năm trước mực còn nhiều, trung bình một ngày ông bẫy được khoảng 7 - 8 kg. Những năm gần đây, mực thưa dần, ông chỉ bắt được khoảng 3 - 4 kg/ngày, hôm nào được 7 - 8 kg là coi như “trúng mánh”.
“Những tháng biển động không đi bẫy được thì mình phải vay mượn để trang trải qua ngày, khi nào làm có tiền trả lại cho người ta. Nghề này phụ thuộc vào may mắn và kinh nghiệm của mỗi người. Mặc dù phải xa gia đình nhưng bù lại cũng có đồng ra đồng vô, chứ giờ lên bờ không biết làm gì”, ông Hảo tâm sự.
Nhiều ngư dân miền biển cho biết xưa có cả trăm người làm nghề bẫy mực trên vịnh Nha Trang, nhưng sau nhiều người không bám trụ nổi với nghề do thu nhập bấp bênh nên giờ còn khoảng trên dưới 20 ghe hoạt động. Làm nghề này cũng kiếm được từ 12 - 20 triệu đồng/tháng. Nhưng điều ngư dân lo sợ nhất hiện nay là nạn tàu giã cào đánh bắt kiểu hủy diệt hoạt động ngày đêm khiến hải sản trên vịnh Nha Trang ngày một cạn kiệt. Trên hết, họ chỉ mong biển được bình an để có kế mưu sinh!
Theo Thế Quang (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.