Bây giờ ở Kon Pne…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Xã Kon Pne (huyện Kbang, Gia Lai) có 258 hộ, 1.200 khẩu; tổng tài sản gồm 168 con bò, 65 con trâu, 60 con dê. Tất cả chỉ phục vụ cho việc cúng Yàng. Ngoài lúa rẫy, bà con không biết đến một thứ cây hàng hóa nào khác. 100% dân số của xã đều thuộc diện đói nghèo…”. Đó là những dòng ghi chép vắn tắt trong chuyến công tác của tôi đến vùng đất này 24 năm về trước. Tất nhiên bây giờ thì Kon Pne đã khác rất xa. Tôi chỉ kịp chọn đôi điều để nói về mảnh đất này trong chuyến trở về ngắn ngủi…
Từ “thay đổi nếp nghĩ, cách làm”
Đi dọc con đường bê tông xuyên xã, tôi cố định hình một dấu vết nào đó của thời “ốc đảo” còn sót lại. Tuyệt nhiên không… Những nếp nhà tranh tã tượi, xác xơ bên những lối đi ngập cỏ dại đã được thay thế hết bằng những căn nhà mái tôn đỏ chói. Kon Pne đã tiến một bước thật dài trên con đường xóa đói giảm nghèo đầy gian nan. Điều này cũng đồng nghĩa với việc bà con đã tiến một bước thật dài về nhận thức.
Tôi tần ngần đứng ngắm cánh đồng lớn hơn 100 ha lúa nước 2 vụ, chấp chới sắc vàng trước mùa thu hoạch như một minh chứng trước nhất. Còn nhớ cung cách làm ruộng “nguyên thủy” hồi ấy: Thay vì cuốc xới, bà con lùa trâu xuống quần cho nhuyễn đất. Nghe đâu bộ đội bày cho từ những năm 1965 và đến giờ bà con vẫn cứ theo y như vậy. Ruộng nước nhưng là giống lúa rẫy, mỗi khóm gieo mỗi phương lại bị chim, chuột phá hoại, bởi vậy toàn bộ sức lực chỉ để đánh vật với cái ăn mà gần như không năm nào thoát đói… Có ai nghĩ được có một ngày Kon Pne chẳng những đủ gạo ăn mà còn “xuất khẩu” tới ba, bốn trăm tấn lúa. Đấy thực sự là cuộc “cách mạng” lớn lao ở một vùng đất mà trước đấy người ta vẫn tưởng những nếp nghĩ, cách làm lạc hậu hãy còn lâu mới được gột rửa…
 Vườn sâm đá của một thành viên Hợp tác xã Dịch vụ nông-lâm nghiệp Kon Pne. Ảnh: N.T
Vườn sâm đá của một thành viên Hợp tác xã Dịch vụ nông-lâm nghiệp Kon Pne. Ảnh: N.T
Không dừng lại ở đó, sau khi giải quyết vững chắc nhu cầu lương thực, Kon Pne đã bước sang cuộc “cách mạng” không kém phần sôi động: sản xuất cây hàng hóa. Ở vùng đất mà trước đây không ít người vẫn nghĩ may lắm chỉ có bời lời-loại cây mang những đặc tính nguyên thủy của cây rừng là phát triển được-thì nay đã mọc lên hàng chục héc ta những đặc sản sa nhân tím, sâm đá… Cả đến cây dâu tằm xa lạ cũng đã được trồng thành công trên đất Kon Pne. Được biết cây sa nhân tím đang được xây dựng là sản phẩm OCOP với diện tích lên đến 45 ha; còn cây dâu tằm sẽ có 16 ha, liên kết nuôi tằm theo chuỗi với Công ty Tơ tằm Mang Yang. Cùng với cây hàng hóa, các loại lâm-thổ sản như mật ong, sâm khỏe, măng, gạo đen, gạo đỏ, rau dớn…  trước đây không có đầu ra hoặc bị tư thương ép giá thì nay đang được bà con khai thác triệt để như những “đặc sản” để nâng cao thu nhập. Đặc biệt là mật ong rừng, hiện mỗi năm bà con đã khai thác được cả ngàn lít. Phẩm chất hoàn toàn tự nhiên của mật ong Kon Pne đang rất được khách hàng ưa chuộng, giá bán ngang ngửa với các loại mật được coi là “thượng đẳng” như mật Tu Mơ Rông hay Kon Plông của Kon Tum.
Đến cung cách làm ăn mới
Đối với Kon Pne, biết sản xuất  hàng hóa theo cơ chế thị trường đã khó, việc tổ chức tiêu thụ lại càng khó hơn. Thực tế, từ năm 2004, việc giao thương của Kon Pne đều hoàn toàn phụ thuộc tư thương. Họ quyết định giá cả, quyết định sức mua tất cả các mặt hàng nông-lâm sản. Trong khi đó, những mặt hàng mang tính đặc trưng Kon Pne không những không được quảng bá mà còn bị tiêu thụ đánh đồng như các địa phương khác. Để giải quyết tình trạng này, đặc biệt là để tổ chức sản xuất một cách có kế hoạch, quảng bá và tiến tới xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm nông-lâm sản đặc thù, tháng 6-2018, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông-lâm nghiệp Kon Pne đã ra đời với 154 thành viên.
Thuộc địa bàn vùng sâu, vùng xa nhất tỉnh cùng với nguồn vốn điều lệ chỉ vỏn vẹn 175,5 triệu đồng song chỉ sau 1 năm hoạt động, HTX đã chứng tỏ vai trò bà đỡ đắc lực cho sản xuất. Giám đốc Nguyễn Công Linh cho biết: Từ cuối năm 2018 đến nay, HTX đã tiêu thụ được 50 tấn lúa, 102 tấn mì; 50% các loại lâm-thổ sản như mật ong, sâm khỏe, sâm đá, măng khô… cho bà con cao hơn thị trường và tư thương một giá. Sự xuất hiện của một đối thủ cạnh tranh với ưu thế sòng phẳng, minh bạch đã khiến lực lượng tư thương mất thế độc quyền. Họ đe dọa và thậm chí là giở bài chơi xấu, nhưng lợi ích của những thành viên là sức thuyết phục không thể gì phủ nhận. Bởi vậy, mới từ tháng 9-2019 đến nay, HTX đã có thêm 11 thành viên xin gia nhập. Không đơn thuần thu mua sản phẩm, HTX đồng thời tổ chức sản xuất, cung cấp dịch vụ, quảng bá, tiếp thị sản phẩm…
Trong điều kiện nguồn vốn vô cùng eo hẹp, cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động chưa có gì, trình độ nhận thức của đa số thành viên còn rất hạn chế, lại chưa được hưởng bất kỳ một chính sách hỗ trợ nào của Nhà nước, để đạt được những kết quả bước đầu này phải nói đến vai trò quyết định của Hội đồng Quản trị HTX, đặc biệt là sự nhiệt tình, dám nghĩ dám làm của Giám đốc Nguyễn Công Linh. Dù từ ngày thành lập HTX đến nay chưa nhận được đồng lương nào nhưng chàng trai trẻ này cũng chẳng lấy làm điều. Quãng đường 185 km từ nhà đến nơi làm việc vẫn đều đặn có mặt anh. Động lực của Nguyễn Công Linh rất giản dị: Muốn góp chút sức lực và trí tuệ cho mảnh đất từng nuôi giấu, chở che cách mạng… Linh ao ước giá HTX có thêm nguồn vốn-chỉ 1 tỷ đồng thôi thì cũng đã làm được bao nhiêu việc: gần thì mở rộng quy mô thu mua, tiếp thị, quảng bá sản phẩm; xa thì xây dựng nhãn nhiệu, thương hiệu, liên kết với các công ty dược phẩm để khảo nghiệm, xây dựng vùng nguyên liệu… Tôi biết, đó cũng là điều ước chung của tất cả các HTX ở Gia Lai bây giờ. Bao nhiêu là dự định, kế hoạch nhưng đều phải “múa tay trong rọ” vì không có vốn. Thôi đành, sự vướng mắc có lẽ gác lại để chờ cơ chế.
Điều cần nói ở đây là Kon Pne không những đã có sự chuyển đổi rất lớn trong nếp nghĩ, nếp làm mà còn manh nha cung cách làm ăn thời “kinh tế thị trường”. Ở đâu kia, điều này bây giờ nghe ra có vẻ “lạc hậu” nhưng với Kon Pne là rất đáng trân trọng. Phải bao nhiêu là công sức của chính quyền, bao nhiêu là sự bứt phá tự thân của bà con mới được thế… Còn có con đường nào khác để xóa nghèo nhanh cho mảnh đất từng bao năm là “ốc đảo”, dân trí hạn chế mà cứ “mạnh ai nấy làm”, “đèn nhà ai nấy rạng”?
 NGỌC TẤN

Có thể bạn quan tâm

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.