Bão nổi giữa rừng cao su

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Con đường ĐT 753 từ thị xã Đồng Xoài vô Mã Đà (trước đây là đường Trần Lệ Xuân) uốn lượn thật đẹp giữa những cánh rừng cao su bạt ngàn.

Một cảm giác thật bình yên thường thấy ở bất cứ chỗ nào có cao su của tỉnh Bình Phước. Nhưng, chúng tôi đang tới một nơi... không hề bình yên. Đó là khu vực thuộc Ban quản lý rừng kinh tế Suối Nhung - nay thuộc dự án Công ty Sasco...

Cao su chảy nhựa, người dân... ứa nước mắt

 

Sau khi cướp mủ, nhóm người này phá hoại bằng cách ... đổ tràn mủ ra đường (ảnh phải).
Sau khi cướp mủ, nhóm người này phá hoại bằng cách ... đổ tràn mủ ra đường (ảnh phải).

Ngồi trước mặt tôi, vợ chồng anh Trần Đức Lý (sinh 1974) - Đỗ Thị Lan (sinh 1982, cùng trú ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú) nước mắt lưng tròng kể về biết bao nỗi khốn khổ, những ngày tháng căng mình ra để bảo vệ vườn cao su của gia đình. Chị Lan cho biết: Khoảng 5 giờ sáng 4.10 vừa qua, chị Lan cùng người làm công là anh Điểu Thoa, ra vườn cao su cạo mủ.

Trong lúc làm việc, xuất hiện 2 thanh niên mà chị Lan biết rõ họ tên là Ma Khánh Hoàng và Trương Quốc Đến. Coi như vườn cao su của mình, Hoàng và Đến xông vào giật đổ hàng trăm tô mủ (đã được chị Lan và anh Thoa cạo) xuống gốc cây. Xót xa vì công sức, tài sản bị phí phạm, chị Lan van xin Hoàng - Đến...

Nhưng sau đó, Hoàng còn xông vào giật tóc, hành hung, rồi hắt những tô mủ vừa cạo lên khắp người chị Lan... Anh Lý kể: “Lúc đó, tôi đang ở nhà, thì nghe có người báo tin vợ tôi đang bị giang hồ hành hung. Tôi vội vã chạy vào thì thấy vợ ngất xỉu, nên đưa đi cấp cứu... Trong ngày hôm đó, kiểm tra, tôi phát hiện có đến hàng trăm cây cao su (gần 2 ha) bị cạo trộm”.

Không chỉ xảy ra vụ hành hung trên, vợ chồng anh Lý cho biết, từ tháng 3.2017, liên tục xuất hiện những thanh niên lạ mặt, có kẻ mang hình xăm đầy mình, tới vườn cao su của anh Lý đe doạ, phá hoại, cướp sản phẩm.v.v...

4 giờ sáng 6.7, khi người làm công của vợ chồng anh Lý là anh Phạm Khắc Hoài đang cạo mủ. Ma Khánh Hoàng dẫn 5 thanh niên lạ mặt khác cầm dao rựa rượt đuổi, không cho anh Hoài cạo mủ. Anh Hoài hoảng sợ, không dám cạo mủ nữa mà bỏ chạy về nhà. Còn đám thanh niên do Hoàng cầm đầu thì dựng lán trại, mắc võng ở tại rừng cao su...

Anh Lý cho biết: “Trong nhiều ngày, những người này đã ngang nhiên đập phá hàng ngàn tô hứng mủ, giật bỏ tất cả dây kiềng, máng hứng mủ... trên thân cây cao su. Vợ chồng tôi vào, tiếc của mà rơi nước mắt. Chúng tôi lại bỏ tiền ra mua sắm hàng ngàn tô, máng, dây kiềng mới, để tiếp tục khai thác mủ. Tuy nhiên, vài hôm vào lại thấy họ đập phá... Vợ chồng lại phải mua mới làm lại; vài hôm lại bị phá hoại...

Chưa kể, họ còn ngang nhiên khai thác luôn sản phẩm trên vườn cây của chúng tôi. Giờ, không thể nào thống kê nổi bao nhiêu chén, tô, kiềng, máng bị phá hoại, sắm mới. Không thể biết được bao nhiêu lít mủ đã bị mất cắp”.v.v...

Kể lại những sự vụ bị hành hung, ngăn cản cạo mủ giữa rừng, đôi vợ chồng trẻ này chỉ còn biết đếm trên tay lần lượt các ngày như: ngày 18.9 bị kẻ lạ mặt phá hoại vườn cây, 4 giờ sáng 24.9, hàng trăm cây cao su bị đập phá tô, chén, bị cạo mủ trộm, 3 giờ sáng 27.9, tiếp tục bị nhóm thanh niên giang hồ phá hoại, cướp gần 100 kg mủ tươi và chính tay Ma Khánh Hoàng tháo bao đổ lai láng mủ mà chị Lan vừa cạo ra đường đất.v.v...

Với vợ chồng anh Lý, đó là những ngày bão nổi phá tan không gian không yên bình vốn có, trên những vườn cao su của gia đình. Giờ đây, họ không biết làm gì để chống đỡ những cơn bão ấy...

Năm 2010, ông Trần Tấn Minh - lúc đó là giám đốc BQL rừng kinh tế Suối Nhung - nhân danh là người được Cty Sasco giao trách nhiệm trồng cao su trên diện tích hàng trăm héc-ta đất rừng tại khu vực này. Ông Minh đã ký hợp đồng giao đất để đầu tư trồng cao su với rất nhiều cán bộ, cá nhân tại địa phương...

“Vợ chồng tôi cũng đóng tiền đầu tư gần 500 triệu đồng cho ông Minh để nhận khoảng 20 ha đất rừng trồng cao su. Ai dè, năm 2014, ông Minh bảo tôi phải trả đất cho Sasco. Sasco sẽ trả lại giá trị vườn cao su trên đất cho vợ chồng tôi.” - Anh Lý nói.

Chấp hành, anh Lý làm thủ tục bàn giao đất và chờ Sasco trả tiền bồi thường, dù tiếc đứt ruột những cánh rừng cao su mà vợ chồng anh đã đầu tư với biết bao tiền bạc, công sức... Bất ngờ, trên khu vực vườn cao su của gia đình anh, xuất hiện hàng loạt cá nhân khác đứng ra đối đầu, tranh chấp: Trên khu đất ông Minh ký hợp đồng trồng cao su với anh Lý, vào năm 2014, ông Nguyễn Thành Trung đứng ra nhận có ký hợp đồng với ông Minh và nhận tiền bồi thường 1,7 tỉ đồng từ Sasco.

Tại khu vực khác, trong lúc vườn cao su anh Lý khai thác lâu này, ông Hoàng Văn Biên cũng đứng ra nhận từng “hợp đồng miệng” với ông Minh năm 2009, nên nhất quyết không cho vợ chồng anh Lý khai thác vườn cao su. Gần đây, lại xuất hiện Trần Đăng Đắc cũng tự nhận có ký hợp đồng với ông Minh...

Trả lại sự bình yên, bao giờ?

 

Những kẻ lạ mặt ngang nhiên cướp đoạt mủ cao su của vợ chồng anh Trần Đức Lý.
Những kẻ lạ mặt ngang nhiên cướp đoạt mủ cao su của vợ chồng anh Trần Đức Lý.

Thế là sự đối đầu, tranh chấp triền miên xảy ra, gây ồn ào chưa từng thấy nơi vùng đất này. Sự mâu thuẫn không chỉ giữa vợ chồng anh Lý với ông Biên, ông Trung, ông Đắc và ông Minh. Hơn thế, ông Biên cũng có đơn tố vợ chồng ông Lý và khiếu nại cả ông Minh.

Sự xuất hiện của ông Nguyễn Hữu Hiền - đại diện Công ty TNHH MTV Phát Lộc - được Công ty Sasco uỷ quyền bảo vệ, chăm sóc dự án Sasco, như đổ thêm dầu vào lửa, khi ông Hiền coi mình như “ông chủ” dự án, thẳng tay cho người hăm doạ bất kỳ ai bén mảng tới những khoảng rừng cao su, thuộc dự án Sasco.

Ông Trần Đức Tiến - thường trú ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi - cho rằng: “ Tội nghiệp vợ chồng thằng Lý, tốn hàng trăm triệu đồng cho ông Minh, mà vẫn chưa thoát khỏi tai ương. Thấy vợ chồng nó từng ngày chống chọi trong tuyệt vọng với những kẻ giang hồ lạ mặt, sống theo luật rừng, bản thân tôi cũng lo lắng không kém.

Nhưng biết sao được, vườn cao su đang tranh chấp, chưa bồi thường, thì vẫn là tài sản của chúng nó. Cái quan trọng là chính quyền ở đâu, lại để pháp luật, tính mạng, tài sản của người dân bị coi thường đến vậy?”.

Trả lời PV Báo Lao Động gần đây, ông Dương Minh Tưởng - trưởng công an xã Tân Lợi - cho rằng: “Làm gì có giang hồ, từ tranh chấp đất đai mà ra thôi. Chúng tôi đang xác minh. Mọi việc sẽ ổn”(?). Trong khi đó, mỗi lần vườn cao su bị phá hoại, tính mạng người thân bị đe doạ..., anh Lý lại có đơn tố cáo gửi Công an huyện Đồng Phú. Tuy nhiên, việc xác minh cũng chẳng tới đâu.

Và, cuối cùng vẫn là những văn bản thông báo “hành vi không cấu thành tội phạm”, “quyết định không khởi tố vụ án hình sự”... Theo ông Dương Minh Tưởng:“Quá mệt với những lần xảy ra sự việc. Đây không thuộc thẩm quyền giải quyết của công an xã. Sự việc nên đưa nhau ra toà giải quyết”...

Trong lúc đó, tại không ít văn bản kết luận điều tra, ông Trần Tấn Minh thừa nhận trên một khoảnh đất, vừa ký hợp đồng đầu tư trồng cao su với anh Lý; sau đó, ông Minh lại ký hợp đồng trồng cao su với ông Đắc; đồng thời, từng hợp đồng miệng giao đất trồng cao su với ông Biên, ông Trung...

Khoảnh đất 20 ha, nhưng có tới 2-3 cá nhân trồng cao su chồng lấn lên nhau. Giờ đây, tranh chấp, lỗi thuộc về ai ? Tất nhiên, không ai khác, chính cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Phước đã từng có hồ sơ xác minh về Trần Tấn Minh và kết luận: “Trần Tấn Minh với tư cách là giám đốc Ban QLRKT Suối Nhung ký hợp đồng liên doanh với Sasco; đồng thời ký lại hợp đồng liên doanh lại cho cá nhân mình trực tiếp đầu tư và giao đất dự án cho các cá nhân khác đầu tư là hành vi vi phạm pháp luật nhằm động cơ trục lợi”.

Ông Minh “có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ nhằm mục đích trục lợi; việc giao đất trồng cao su cho các cá nhân đầu tư để thu tiền có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản...”.

Hậu quả từ sai phạm của ông Minh đã dẫn tới sự bất ổn của khu vực đất rừng Suối Nhung hiện nay. Vụ việc rõ ràng là vậy, thế nhưng không hiểu vì sao, chính quyền và cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước vẫn chưa xử lý vụ việc tới nơi tới chốn? Những nhóm người lạ mặt vẫn ngang nhiên lộng hành, phá hoại tài sản, đe doạ tính mạng người dân... Không biết tới bao giờ, bình yên mới trở lại trên vùng đất Suối Nhung này?

Cao Hùng/laodong

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.