Bàn tay mẹ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trên thế giới có bao nhiêu là kỳ quan, nhưng có gì đẹp hơn đôi bàn tay mẹ. Mẹ cho ta cuộc sống, tình thương, chăm bẵm, vỗ về, nuôi nấng, đưa ta đi qua quãng thời gian thơ bé êm đềm. Dù sau này ta lớn lên rồi trở thành cha thành mẹ, nhưng dường như lúc nào ta cũng còn bé dại, cần sự chở che trong tình thương bao la của mẹ. Vòng tay mẹ mở ra từ lúc bé thơ chào đời rồi cứ rộng dần theo năm tháng. Đôi bàn tay mẹ là tất cả tình yêu và cảm xúc của mỗi đứa con.
Mẹ-tiếng gọi ấy chất chứa biết bao xúc cảm. Nó là tất cả những gì vừa gần gũi, vừa rất đỗi thiêng liêng mà mỗi người may mắn có được. Từ lúc bé thơ, mỗi đứa trẻ đã được ôm ấp vỗ về trong vòng tay mẹ. Đôi bàn tay ngày nào căng đầy sức sống thanh xuân, nhưng rồi những tất bật chăm lo cho con cái, gia đình đã hằn lên bao dấu vết. Mặc những vất vả sớm hôm, đôi tay ấy gượng nhẹ từng ly từng tí chăm chút, nâng niu cho con lớn lên từng phút, từng ngày. Bao nhiêu việc lớn việc nhỏ trong nhà cũng đi qua đôi bàn tay ấy. Bàn tay mẹ chăm cho con từng bữa ăn giấc ngủ, giặt giũ cho con từng manh áo, tấm quần. Cứ thế, thời gian trôi đi, con càng trưởng thành thì sự khó nhọc càng dồn lên đôi bàn tay mẹ.
Cuộc sống thuận tiện hơn khi ta có những tiện nghi hiện đại, nhưng không tiện nghi nào có thể thay thế đôi tay người mẹ. Bàn tay mẹ là bàn tay của người nội trợ quán xuyến mọi công việc; là bàn tay của cô bảo mẫu chăm sóc bế bồng con; là bàn tay cô giáo nắn nót cho con từng nét chữ; là bàn tay cô y tá đặt lên trán con mỗi khi con nóng sốt. Bàn tay ấy còn dắt con đi qua mọi nẻo đường dù khó khăn hay thuận lợi. Những ai từng lớn lên ở một vùng quê hẳn không thể quên những người mẹ quê tảo tần một nắng hai sương, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Mùa hè nước ruộng nóng như sôi, mùa đông nước lạnh tê cóng, dù thế nào cũng không ngăn được đôi tay mẹ thoăn thoắt làm lụng trên cánh đồng. Gánh nặng con cái làm đôi tay mẹ trở nên chai sần. Điều gì làm nên sức chịu đựng lớn lao nơi mỗi người mẹ nếu không phải là vì con? Ước mơ của người mẹ cũng thật giản đơn, đó là được nhìn thấy cuộc sống của con tươi sáng hơn mình.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Rồi một ngày, những đứa con phải xa nhà để thực hiện ước mơ của đời mình. Không bên con nhưng lòng mẹ lúc nào cũng dõi theo. Bàn tay mẹ gói ghém cho con từng thứ đồ đạc, sắp xếp, dặn dò đủ chuyện. Mẹ quên mất là mình cũng cần yêu thương bản thân mà chỉ lo cho con ở xa thiếu sự chăm sóc. “Con dù lớn vẫn là con của mẹ”, có khi nào mẹ không hướng về con. Mẹ của tôi là một người mẹ như thế. Không được học nhiều, không hay viết lách, bức thư duy nhất mẹ viết cho tôi khi tôi đi học xa nhà là những lời dặn dò con chăm lo ăn uống và giữ gìn sức khỏe. Với một người mẹ tuổi ngoài 60 không quen cầm bút, từng dòng chữ được khó nhọc viết ra là cả tấm lòng. Và món quà vô giá của mẹ mà đến giờ tôi vẫn còn giữ là đôi đũa mun đen bóng được bọc trong một túi vải. Mẹ muốn tôi có được sự chống đỡ để chân cứng đá mềm, đi đến nơi về đến chốn.       
Cuộc sống vẫn tiếp nối, lại có thêm những đứa trẻ lớn lên từ vòng tay mẹ. Mỗi một ngày trên trái đất này, biết bao bé thơ được sinh ra và biết bao người được làm mẹ. Làm mẹ là thiên chức của người phụ nữ và cũng là hạnh phúc lớn nhất. Khi trong vòng tay ta là một hình hài bé nhỏ cần được nâng niu, chăm sóc, hẳn ta sẽ càng nhớ thương và trân trọng hơn đôi bàn tay mẹ đã ân cần nuôi lớn những đứa con. Sắp đến Ngày của Mẹ-Mother’s Day (10-5), ta càng hiểu thêm rằng, chẳng có công trình nào có thể sánh bằng đôi tay người mẹ!
NGUYỄN THỊ THÚY ÁI

Có thể bạn quan tâm

Thơ Đào An Duyên: Mây biên giới

Thơ Đào An Duyên: Mây biên giới

(GLO)- “Mây biên giới” của tác giả Đào An Duyên là bài thơ giàu cảm xúc về vẻ đẹp thanh bình nơi biên cương Tổ quốc. Tác giả khắc họa hình ảnh cột mốc trong nắng dịu, mây trời không lằn ranh, rừng khộp lặng im... như một bản hòa ca của thiên nhiên và lịch sử...

Thơ Nguyễn Thanh Mừng: Gia Lai một hai ba

Thơ Nguyễn Thanh Mừng: Gia Lai một hai ba

(GLO)- "Gia Lai một hai ba" của Nguyễn Thanh Mừng dẫn người đọc qua những nẻo đường dốc đèo, qua tiếng thác reo và chiêng cồng, để gặp lại khí phách người xưa. Mỗi hình ảnh, mỗi nhịp thơ là một lát cắt vừa hoang sơ, vừa tự hào về bản sắc không thể phai mờ của đại ngàn Tây Nguyên.

Thơ Đào An Duyên: Lòng quê

Thơ Đào An Duyên: Lòng quê

(GLO)- Trong nhịp sống hiện đại hối hả, bài thơ "Lòng quê" của tác giả Đào An Duyên là tiếng vọng thầm lặng mà day dứt. Người xa quê, dù ở đâu chăng nữa vẫn mang trong tim nỗi nhớ cội nguồn. Qua hình ảnh nước xuôi nước ngược, bài thơ gợi về sự gắn bó thiêng liêng giữa con người và quê hương.

Người nặng lòng với dân ca Tày

Người nặng lòng với dân ca Tày

(GLO)-Hơn 30 năm kể từ ngày rời quê hương Cao Bằng vào Gia Lai lập nghiệp, ông Mã Văn Chức (SN 1961, tổ 3, thị trấn Phú Thiện) vẫn nặng lòng với văn hóa dân tộc Tày. Hơn 100 bài hát đã được ông sáng tác theo làn điệu dân ca Tày với mong muốn “giữ lửa” cho âm nhạc dân gian.

Thơ Lữ Hồng: Những gương mặt hoa cài

Thơ Lữ Hồng: Những gương mặt hoa cài

(GLO)- Bằng hình ảnh thiên nhiên giàu biểu cảm, bài thơ "Những gương mặt hoa cài" của Lữ Hồng gợi nên vẻ đẹp bình yên ẩn sâu trong nhịp sống phố thị. Lời thơ không chỉ là hoài niệm, mà còn là nơi gửi gắm tình yêu, ký ức và những giấc mơ không lời giữa tháng năm xoay vần.

Thơ Sơn Trần: Phía Trường Sơn

Thơ Sơn Trần: Phía Trường Sơn

(GLO)- Bài thơ "Phía Trường Sơn" của Sơn Trần là khúc trầm sâu lắng về nỗi nhớ và sự hy sinh lặng thầm phía hậu phương. Tháng Tư về trên biên cương đầy cỏ xanh và chiều sương phủ trắng, nỗi nhớ hòa quyện cùng đất trời, tạo nên một bản tình ca sâu lắng dành cho cha-người lính năm xưa.

Khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần Nhân dân

Khẳng định sức sống bất tận của văn học nghệ thuật trong đời sống tinh thần Nhân dân

(GLO)- Đó là phát biểu của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Châu Ngọc Tuấn tại hội nghị tổng kết 50 năm nền văn học nghệ thuật tỉnh Gia Lai sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) diễn ra vào sáng 23-4 tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku).

Nơi “Ngọn lửa cao nguyên” rực sáng

Nơi “Ngọn lửa cao nguyên” rực sáng

(GLO)- Trong kho tàng âm nhạc Việt Nam có nhiều ca khúc không chỉ đơn thuần là tác phẩm nghệ thuật mà còn là biểu tượng của một vùng quê. Nơi ấy, tình yêu và nỗi nhớ không thể phai mờ. “Ngọn lửa cao nguyên” của nhạc sĩ Trần Tiến chính là một trong những ca khúc như thế.