Cánh diều tuổi thơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiều nay, bầu trời cao xanh và căng gió. Những đứa trẻ lại tung tăng ra cánh đồng trước nhà. Đứa trải diều, đứa thu dây, căn chỉnh. Rồi gió lên, chúng hùa nhau chạy lăng quăng và hò hét ầm ĩ khi cánh diều gặp gió bay vút lên nền trời thăm thẳm.
Tôi ngắm lũ trẻ đùa mà vui vì mình cũng từng có những ngày như thế. Trò chơi thả diều tuổi thơ của chúng tôi là trò của mùa hè. Ký ức về những cánh diều no gió bay vút lên trời cao theo tôi như giấc mơ nối những con diều tri thức.
Đồng quê mùa gặt cũng là mùa hè. Những cánh ruộng khi ấy chỉ còn trơ gốc rạ. Chiều mùa hè gió thổi vi vu và trời cao lồng lộng. Đàn bò thơ thẩn nhặt nhạnh từng gốc lúa sót lại, còn chúng tôi tụ tập thả diều. Để có những con diều bắt mắt là công sức của cả nhà. Buổi trưa, ba sẽ tranh thủ chẻ tre làm khung. Nan cột diều phải chọn tre thẳng, vót tròn khéo và đều tay thì diều mới cân. Ba vót, lên khung, còn chúng tôi sẽ tìm báo cũ, vở cũ của năm học vừa xong xé ra rồi dán. Hồ dán hồi ấy cũng không có, phải nhờ mẹ quấy bằng bột mì hay bốc ít hạt cơm còn sót lại trong nồi cơm của bà. Còn dây diều thì đủ thứ, lúc thì xin những sợi cước câu cá của ông ngoại nối lại, khi thì tìm nhà nào đó đang xây nhà xin rút dây từ những bao xi măng… Chúng tôi hí hoáy tô vẽ rồi dán diều hết mấy buổi trưa.
Minh họa: KIM HƯƠNG
Minh họa: KIM HƯƠNG
Làm xong diều thì thấp thỏm đợi khi có gió. Có khi mấy ngày liền trời cứ im phắc. Những lúc ấy tụi trẻ con hờn ông trời ghê lắm. Mang diều ra rồi lại cất đi. Có bữa, vừa chia nhau về nhà hết thì trời nổi gió. Chỉ một cơn gió mà tập hợp tụi nhỏ nhanh hơn lời mẹ gọi. Chúng tôi chạy ra, vừa căng được dây, diều hun hút bay thì trời tối thui, mưa chực ập đến. Vậy là cả hội thu dây quay về. Có hôm đang hăng, diều no gió bay cao vút thì đứt dây khiến bầy trẻ tiếc hùi hụi. Mất sạch vốn lẫn lãi, cả nhóm lại chia nhau làm lại từ đầu. Có hôm mải chạy theo diều nên thằng Tèo bạn tôi ngã xuống bờ ruộng, miệng va vô hòn đá tảng bị sứt răng. Giờ nó làm bác sĩ nha khoa của một bệnh viện lớn, hàm răng trắng tinh đều như bắp nhưng cái răng sứt đó nó vẫn giữ. Lâu lâu nó lại chụp hình gởi vô nhóm của xóm cũ để tụi tôi gọi lại cái tên cũ “Tèo sứt” rồi cả hội cùng cười.
Ký ức rồi cũng bay xa như những con diều no gió. Những kỷ niệm tuổi thơ như sợi dây diều níu giữ để những cánh diều kia không lơ là mà bay mất. Như thằng Tèo sứt bạn tôi, dù ở cách xa ngàn cây số nhưng mỗi dịp đầu hè nó lại nhắn rằng nhớ Gia Lai quá, nhớ tiết trời ở đó, nhớ cánh đồng tuổi thơ và cả hòn đá làm cho nó có biệt danh độc đáo như bây giờ.
Chúng tôi lớn dần lên. Những ô chữ, cơm nguội, giấy màu dán diều ấy đã lùi lại quá khứ.
Chiều nay ra phố, tôi lựa cho con trai một con diều. Diều bây giờ đủ màu sắc, kích cỡ, thêm cuộn dây cước nữa là năm mươi ngàn. Con hào hứng mang diều ra đồng nhờ các anh chị lớn thả giúp, cho chỉ nắm dây rồi chỉ trỏ. Tôi đọc được trong mắt con trẻ niềm vui tuổi thơ. Nhìn con, tôi như gặp lại mình thuở nhỏ, thuở mà tôi phải ước nhiều lắm, mong nhiều lắm mới có được một con diều be bé bay chấp chới dưới trời đầu hè.
TẠ NGỌC ĐIỆP

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.