Bán mạng chở hàng sang Trung Quốc: "Luật ngầm" ở xứ người

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngoài việc chở hàng, tài xế phải nhận luôn cả khâu mời, chào các thương lái Trung Quốc; có những chuyến phải nằm ở cửa khẩu cả tháng vì ế ẩm.

Khi xe hàng của tài xế Ngọc đến Hà Nội, tôi chia tay và trở lại xe của tài xế Hậu mà tôi đã xin theo từ chặng Long An - Bình Thuận, để đến cửa khẩu Tân Thanh.

Dễ no đòn

Muốn qua Trung Quốc, chúng tôi phải xin giấy thông hành. Xe đến cửa khẩu, tài xế Hoàng không qua Trung Quốc, chỉ còn mỗi anh Hậu đi để tiết kiệm chi phí làm giấy tờ. Anh Hoàng nhảy xuống xe, tìm một quán nước gần đó tắm, giặt và chờ đợi bỏ hàng rồi quay về lại Long An thực hiện chuyến hàng mới.

Thế là, tôi và anh Hậu cho xe đậu trong bãi ở Tân Thanh rồi đón xe chạy ngược về TP Lạng Sơn để nhờ "cò" hoàn tất tấm giấy thông hành. Với mỗi tấm giấy thông hành, chúng tôi đưa cho cò chi phí 600.000 đồng.


 

Tài xế Hậu cho xe chạy vào địa phận Trung Quốc để tìm đến bãi xe Pò Chài
Tài xế Hậu cho xe chạy vào địa phận Trung Quốc để tìm đến bãi xe Pò Chài



Quay lại bãi xe, nhận thấy nhiều phương tiện vẫn xếp hàng dài đợi thông báo vào cửa khẩu, anh Hậu nói: "Khả năng ngày mai mình mới qua Trung Quốc vì "cò" chưa gọi điện thông báo. Mà nếu có đi được, ban đêm nằm dọc đường ở phía Trung Quốc rất nguy hiểm, chưa tính đến việc không có gì để ăn".

Nói rồi, anh và tôi cùng ngủ lại trên xe, chờ "cò" thông báo.

Ngày thứ hai, "cò" gọi vào số máy của anh Hậu thông tin xe đã được phép chạy. Anh vội vàng cho xe vào khu vực kiểm tra. Mất hơn 30 phút cho việc xuất cảnh lẫn nhập cảnh, chúng tôi đã đến Trung Quốc. Đoạn đường từ nơi làm thủ tục đến bãi tập kết chợ nông sản Pò Chài, TP Bằng Tường dài khoảng 5 km. An ninh được thắt chặt, ít nhất có 2 chốt biên phòng Trung Quốc chặn lại để kiểm tra.

Trên xe, anh Hậu luôn căn dặn tôi không được phép đi đâu ra khỏi chợ nông sản vì ở đây rất phức tạp. Sơ hở sẽ gặp nhiều đối tượng, thành phần xấu bắt cóc, đánh đập, tống tiền.

Chỉ tay vào các trụ điện ở hai bên đường, tài xế Hậu tiếp tục nhắc nhở: "Ở đây camera an ninh nhiều hơn cả bóng đèn. Nếu có mắc tiểu, em không được tiểu bậy. Lỡ mà phát hiện thì sẽ bị giam giữ, phạt đến 100 CNY kèm theo lao động công ích. Ở đây toilet ít mà xa lắm! Tài xế Việt Nam chỉ có thể giải quyết "nỗi buồn" bằng chai nước hoặc thùng xe".

Có những luật lệ ngầm ở Pò Chài mà cánh tài xế Việt Nam phải dặn đi, dặn lại. Chẳng hạn, lỡ may các xe container của tài xế Trung Quốc có quẹt hư hỏng thì chỉ cười trừ chứ đừng bắt đền, không thì no đòn. Còn tài xế Việt Nam nếu lỡ đụng trúng xe Trung Quốc thì tự bỏ tiền túi ra đền, ít nhất cũng 3 triệu đồng.

"Chợ Pò Chài lộn xộn lắm sao?" - tôi hỏi. Anh Hậu chỉ tay về phía cổng thu phí, cho hay khu vực này nhìn bề ngoài thì rất trật tự, xe đậu chia từng khu vực rõ ràng nhưng "sóng ngầm" ở bên trong giới tài xế nào cũng sợ.

Nơi đây là một thung lũng nằm lọt thỏm giữa nhiều ngọn núi, thời tiết lúc nào cũng lành lạnh, thỉnh thoảng xuất hiện mưa phùn. Hơn 80% xe chờ ở đây mang biển số Việt Nam.

Phía trên ngọn đồi có rất nhiều ki-ốt của các thương lái Trung Quốc bán hàng và 4 cửa hàng bán thức ăn. Tuy nhiên, cánh tài xế Việt Nam rất ít lui tới vì giá cả cao, đồ ăn nhiều dầu mỡ không hợp khẩu vị.

Vật vờ nằm chờ giao hàng

19 giờ, chợ Pò Chài chẳng còn một ai đi lại. Tài xế nằm thâu chân trong cabin trốn cái lạnh. Trong khi đó, bảo vệ dùng xe điện chạy tới, chạy lui. Xung quanh bốn bề rừng cây bao phủ. Nhớ nhà, anh Hậu vội lấy điện thoại ra gọi người thân. Tuy nhiên, do khu vực đậu xe cách xa biên giới nên sóng lúc được, lúc không. Phải mất 4 cuộc gọi bị mất sóng, anh Hậu mới liên hệ được vợ, nghe được tiếng con.

Cuộc trò chuyện chừng 5 phút đủ để anh cảm thấy đỡ buồn, cô quạnh nơi xứ người. Anh Hậu rầu rĩ quay sang nói với tôi rằng khả năng đợt này xe phải nằm ở cửa khẩu từ 7-10 ngày vì xung quanh còn rất nhiều xe gần nửa tháng vẫn không thể nào bán được.

Quả đúng, ngày hôm sau, nhiều thương lái tìm đến chiếc xe của anh Hậu yêu cầu mở thùng để kiểm tra hàng. Nhưng rồi, kiểm tới kiểm lui chẳng ai chịu mua với giá mà nhà vườn ở Việt Nam đưa ra.

Một nhóm tài xế khác quê Long An đang ngồi uống trà cũng chán nản không kém vì 12 ngày nằm dài ở đây mà hàng trên xe mới chuyển ra được một nửa.

Ông Võ Ngọc Lâm (49 tuổi) thở dài nói: "Đợt này Trung Quốc ăn nhiều vải thiều nên thanh long ế dữ quá! Có khi mất 1 tháng mới bán được hàng. Mà mỗi chuyến xe tiền công 8 triệu đồng, nằm chờ miết cũng chỉ nhiêu đó tiền, trong khi con sắp vào mùa khai trường".

Đang nói chuyện nửa chừng, một tài xế đi cùng với ông Lâm chạy tới thở dốc và cho hay xe của một người bạn va quệt làm rách tấm bạt của một tài xế Trung Quốc. "Tụi nó yêu cầu tài xế mình đền 5 triệu đồng, anh em qua xem thử ai có tiền cho nó mượn một ít" - anh tài xế vừa nói vừa giục.

Thế là, trong cánh tài xế, ai có tiền thì hùn hạp cho mượn.


Bữa cơm đạm bạc trên đất khách

Để ăn qua bữa, vài tài xế xe container hùn hạp đồ ăn, gạo, chén và tự nấu. Khi tôi đến, nhóm tài xế Võ Ngọc Lâm đang dùng giấy bìa che lại hông xe để tránh sự chú ý của bảo vệ tại bãi xe Pò Chài.

 
 Các tài xế lén nấu ăn ở Pò Chài (Trung Quốc)
Các tài xế lén nấu ăn ở Pò Chài (Trung Quốc)


Việc nấu nướng diễn ra một cách thần tốc. Người lo bật bếp ga nấu cơm, người thì làm nước mắm. Chừng 15 phút, cả nhóm đã có bữa cơm với nồi canh, ít cá khô. "Tuy đạm bạc nhưng dễ ăn hơn đồ Trung Quốc. Chưa kể, chi phí ăn uống cao, tiết kiệm đồng nào hay đồng đó" - ông Lâm tâm sự.

Nếu chẳng may công an, bảo vệ phát hiện, các tài xế sẽ bị tịch thu đồ đạc. Ai không biết giành lại, xin xỏ thì bị đạp, đánh không tha. Cho nên, lỡ bị gì thì họ đành đứng im nhìn theo.



Lê Phong (NLĐO)

 

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.
Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.