Bài cuối: “Kéo cày trả nợ” sau đám tang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
“Nghĩa tử là nghĩa tận”- truyền thống văn hóa của người Việt. Tuy nhiên, phần lớn người dân vẫn tổ chức lễ tang cho người thân một cách phô trương, tốn kém. Tùy điều kiện kinh tế, địa vị xã hội của người chết và con cháu họ mà sự phô trương cũng phô bày dưới nhiều hình thức.
Có những đám tang ở TP. Pleiku (Gia Lai) làm người dân “xốn mắt" với hàng trăm vòng hoa, được “tháp tùng” cũng chừng ấy xe bốn bánh. Nhiều đám có hàng dãy xe biển số xanh, biển số đỏ góp phần cho lễ tang thêm đình đám. Tiền, vàng mã rải kín đường. Cá biệt, năm 2010 người dân TP. Pleiku bị… choáng khi chứng kiến đoàn lễ tang rải tiền thật (mệnh giá 200 và 500 đồng- P.V) trên suốt đoạn đường đưa người chết tới nghĩa trang thành phố trong khi chuyện rải vàng mã, tiền âm phủ trong đám tang nhiều năm nay được khuyến khích bãi bỏ.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Phô trương, tốn kém
Điều kiện kinh tế càng khá giả thì tổ chức lễ tang càng rườm rà, thậm chí “vẽ” đủ việc để tốn tiền. Một chủ trại hòm ở TP. Pleiku tiết lộ: “Nhiều người tới đây đặt hòm không vừa lòng ngay cả với loại có giá đắt nhất. Họ yêu cầu chúng tôi làm theo ý họ, chạm trổ rồng phượng rất công phu, rườm rà. Giá có thể gấp đôi, thậm chí gấp nhiều lần bình thường, họ vẫn chấp nhận”. Nhiều dịch vụ ăn theo cũng không chậm trễ đưa ra mời chào hấp dẫn. Chẳng hạn đội nhạc lễ trước đây chỉ sử dụng nhạc cụ truyền thống thì nay thay bằng dàn nhạc với nhạc cụ hiện đại saxophone, ghi-ta điện, organ, violon… Giá cho dịch vụ này không hề rẻ, khoảng 300-800 ngàn đồng/giờ.
Nhà giàu tổ chức linh đình, rườm rà đã đành, nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn cũng đua theo tổ chức những lễ tang tốn kém, mà sau đó, tiền phúng điếu không đủ chi phí khiến con cháu “kéo cày trả nợ”. Tuy nhiên, nhiều người lại có “cái lý” cho sự tốn kém của họ khi làm tang ma cho người thân. Chị P.H.L.- xã Biển Hồ (TP. Pleiku), bùi ngùi: “Cha tôi trước là bộ đội, sau này làm cán bộ ông vẫn sống rất giản dị. Trước khi cha tôi mất, ông có dặn tổ chức đám tang thật giản dị, tiết kiệm. Nhưng nghĩ thương cha một đời vất vả nên dù khó khăn, chúng tôi vẫn cố gắng tổ chức lễ tang chu đáo, đàng hoàng. Xong việc còn âm hơn 50 triệu đồng, số nợ chia đều mấy anh em, tôi trả gần một năm mới hết”.
Tuy nhiên, nhiều gia đình đã có ý thức và tổ chức lễ tang đơn giản, tiết kiệm nhưng vẫn chu đáo cho người thân. Có gia đình ủng hộ toàn bộ tiền phúng điếu cho quỹ từ thiện hoặc đề nghị không viếng vòng hoa. Vừa rồi, đám tang của ông T.D.S.- đường Huỳnh Thúc Kháng (TP. Pleiku) kéo dài cả tuần do phải đợi con cháu ông ở nước ngoài về. Lễ tang diễn ra dài ngày nhưng không ầm ĩ kèn trống, tưng bừng cờ quạt như nhiều đám khác. Ông sống một cuộc đời lặng lẽ và ra đi cũng lặng lẽ dù con cái thuộc hàng có “máu mặt” tại TP. Pleiku. Nhiều người trong xóm kháo nhau, giá như đám tang nào cũng như đám ông S. thì xóm làng đỡ bị làm phiền biết mấy…
Vẫn còn hủ tục
Một đồng nghiệp của chúng tôi làm việc tại huyện Krông Pa đã chứng kiến nhiều lễ tang độc đáo, đậm bản sắc của người ở vùng đất Đông Nam Gia Lai cho rằng: Những quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang không hề tồn tại trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số. Bằng chứng là trong tháng 5-2010, trên 400 người dân xã Đất Bằng (huyện Krông Pa) bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn lễ bỏ mả ở buôn Ma Jai. Hầu như năm nào, mùa bỏ mả của người bản địa cũng có vài trường hợp ngộ độc thực phẩm, nguyên nhân chủ yếu là do người dân tổ chức ăn uống kéo dài trong khi thực phẩm chế biến không đảm bảo vệ sinh.
Thông tư số 04/2011/TT của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch quy định. “Các Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đặc biệt chú trọng hướng dẫn xây dựng các quy ước về việc cưới, việc tang và lễ hội phù hợp với phong tục, tập quán từng vùng, từng dân tộc; tập trung chỉ đạo điểm, rút kinh nghiệm từ những cơ sở tốt nhân ra diện rộng; gắn việc thực hiện quy ước về việc cưới, việc tang và lễ hội với xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, cơ quan, xí nghiệp, trường học văn hóa trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Anh Ngô Đức Mạo- Đài Truyền thanh- Truyền hình Krông Pa cho hay, tại nhiều địa phương ở huyện, đồng bào dân tộc thiểu số vẫn tổ chức tang ma theo phong tục: Ăn uống linh đình, uống rượu suốt ba ngày đêm trước khi đưa người chết ra nhà mả. Gia đình nào giàu có thì xây luôn mộ và làm lễ bỏ mả. Gia đình nào khó khăn thì cử người đứng ra khất nợ dân làng, khi nào có tiền, trâu bò thì làm lễ bỏ mả sau. “Tôi đã dự nhiều lễ bỏ mả của đồng bào dân tộc thiểu số, chứng kiến nhiều gia đình không có điều kiện nhưng phải cố đi vay trâu, bò, sau đó làm mấy mùa rẫy không trả hết nợ. Ấn tượng nhất là cuối năm 2010, trong lễ bỏ mả nhà bà K.- buôn Ma Chan (hay còn gọi là buôn Ê Kia), xã Ia Rsai giết thịt tới 23 con bò và 6 con trâu, chưa kể heo, gà. Con cái của người chết đều là những người có của ăn của để nên mỗi người góp một trâu, bà con họ hàng góp mỗi gia đình một con bò. Đó là lễ bỏ mả lớn nhất, linh đình nhất mà tôi từng biết”- anh Mạo nói.
Không chỉ ở Krông Pa, nhiều vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chuyện đua nhau tổ chức lễ tang, lễ bỏ mả cho người chết linh đình, tốn kém, nặng hủ tục còn diễn ra khá phổ biến. Trong khi, nhiều cán bộ văn hóa cho rằng, đây là phong tục lâu đời của người dân, tuyên truyền nếp sống văn hóa nhưng vẫn chưa đi vào đời sống của đa số người bản địa.
Ngành Văn hóa hàng năm vẫn công nhận nhiều gia đình văn hóa, khu phố văn hóa, làng văn hóa… trong khi hiện tượng lãng phí, phô trương và  nhiều tập tục lạc hậu vẫn còn tồn tại trong việc ma chay ở chính những nơi công nhận danh hiệu này.
Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.