Bài 4: "Nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn" trên miền đất đỏ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Anh bạn xứ Nghệ của tôi lên Tây nguyên gần 20 năm rồi, giờ giọng nói đã nhẹ đi vài phần và cuộc sống cũng có của ăn của để, nhưng bảo lâu lâu mà không được ăn nhút, ăn tương là thèm.

 Ngã ba Nam Đàn - nơi dẫn vào những ngôi làng Nghệ An ở xã Chư Kpô, huyện Krông Búk, Đak Lak
Ngã ba Nam Đàn - nơi dẫn vào những ngôi làng Nghệ An ở xã Chư Kpô, huyện Krông Búk, Đak Lak

"Người xứ Nghệ có mặt ở Đak Lak chủ yếu từ sau năm 1975. Trải qua hàng chục năm, với bản tính “vô địch chịu khổ” và đoàn kết đùm bọc yêu thương nhau, họ đã vượt qua vô vàn gian khó để bây giờ là một trong những cộng đồng thành đạt ở Tây nguyên".

Thạc sĩ Lê Xuân Diệu
(người Nghệ An, giảng viên ngành Lịch sử
Trường cao đẳng Sư phạm Đak Lak)

Ai là người xứ Nghệ đều thuộc câu ca dao: “Nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn”.

Trong cuộc đại di dân lên Tây nguyên làm kinh tế mới sau năm 1975, người Nghệ An chiếm số đông.

Đặc tính để nhận biết người Nghệ trong cộng đồng kinh tế mới Tây nguyên là tính chịu khổ, chịu khổ không nơi nào bằng.

Những vùng đất hoang dã tưởng chừng chỉ có sên vắt và muỗi rừng thì người Nghệ vẫn sống được. Người Nghệ gầy dựng sự sống trên Tây nguyên bằng “lưng vốn” đó, và tất nhiên không thể thiếu “nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn”-món ăn của người nghèo khổ.

Nhút Thanh Chương ở Krông Ana

Từ thành phố Buôn Ma Thuột theo quốc lộ 14 đi khoảng 15 km về phía Tây Nam, sau đó rẽ trái theo tỉnh lộ 2 về phía nam, đó là huyện Krông Ana, nơi có cư dân xứ Nghệ kinh tế mới. Hai bên đường là những rẫy cà phê xanh mướt, xen lẫn nhà cửa khang trang.

Krông Ana không thuận lắm cho cây cà phê, nhưng đến đây bạn sẽ gặp những rẫy cà phê trải dài qua các thung lũng. Đó là kết quả từ ý chí của người dân xứ Nghệ, biến những vùng đồi đất đá thành những rẫy cà phê cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Chủ nhân những rẫy cà phê này là dân kinh tế mới, trong đó đông nhất là người huyện Thanh Chương (Nghệ An).

Chúng tôi đến nhà anh Đậu Đình Các, người quê gốc ở xóm 2, xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương, hiện đang sống tại thôn Quỳnh Ngọc, xã Ea Na (huyện Krông Ana).

Anh Các tay đeo găng dày cộp đang tuốt cà phê, nói giọng đặc sệt Thanh Chương: “Hai thằng bây vô đây, choa bựa ni đang hái cà phê, liệt đi. Chư mà bây vô thì choa cũng đại, nỏ có cấy ni thì cụng có cấy khác, lo chi”. (Hai đứa vô đây, tôi bữa nay đang hái cà phê, vất vả lắm. Nhưng mà vô đây tôi cũng đãi, không có cái này thì cũng có cái khác, lo chi).

Anh Các bảo vợ đi chợ, ra vườn bắt con gà. Anh cười hề hề: “Thịt gà nấu xáo, cắt lá chanh bỏ vô. Ngon nhứt bảng. Còn lòng thì xào nhút nhắm riệu”.

Anh Cát nói người Nghệ ở đây nhà nào cũng có cái hũ sành trong nhà để muối nhút-một món ăn được gọi là “món khổ” của xứ Nghệ. Bắp chuối cắt lát, xơ mít, riềng và muối trắng, trộn lại ủ cho đến khi lên men. Ăn chua chua, chát chát nhưng chẳng người Nghệ nào lớn lên mà không biết món này.

“Món khổ” này nơi nào của Nghệ An cũng có làm, nhưng làm nhút mà “xuất khẩu” ra được ngoài tỉnh thì chỉ có huyện Thanh Chương.

“Lâu ngày không ăn nhút là nhớ lắm. Mình có đi mô xa, giàu có cỡ mô thì cái món nhút ni cũng không thể bỏ đi được”-anh Cát nói.

 

Nụ cười của ông chủ vựa bơ người Nghệ An ở ngã ba Nam Đàn
Nụ cười của ông chủ vựa bơ người Nghệ An ở ngã ba Nam Đàn


Tương Nam Đàn ở Krông Búk

Nói đến nhút thì phải Thanh Chương nhưng muốn ăn tương phải tìm lên huyện Nam Đàn (Nghệ An). Nhưng nếu bạn đang ở Tây nguyên thì vẫn có thể tìm thấy món đặc sản xứ Nghệ đó ở huyện Krông Búk (Đắk Lắk).

Từ Buôn Ma Thuột, đi theo quốc lộ 14 về phía bắc, qua khỏi thị xã Buôn Hồ đến đầu huyện Krông Búk sẽ gặp một ngã ba mang tên Nam Đàn. Theo ngã ba đó đi vào sẽ gặp làng kinh tế mới của người Nam Đàn (Nghệ An) nằm lọt thỏm giữa những tán rừng thông và cao su bạt ngàn.

Ông Nguyễn Đình Thu (62 tuổi, thôn Nam Lộc, xã Chư Kpô, huyện Krông Búk), một trong những người Nam Đàn đầu tiên đặt chân xuống đây, cho biết vào năm 1987 tỉnh Nghệ An có chủ trương đưa dân Nam Đàn vào vùng kinh tế mới Đắk Lắk. Những thanh niên là bộ đội giải ngũ được ưu tiên vào đây làm công nhân trồng rừng, khai thác thông cho Lâm trường Cư Néh ở xã Chư Kpô.

Cuối năm 1987, hàng chục chuyến xe chở 160 hộ gia đình Nam Đàn với hơn 600 con người lớn bé dừng chân tại ngã ba mà sau đó ra đời cái tên Nam Đàn. Các gia đình được đưa về một căn nhà tập thể của lâm trường mái tranh, vách ván, nền trải cỏ khô với khoản trợ cấp gạo cho sáu tháng ban đầu.

Sáu tháng sau do làm ăn không hiệu quả, Lâm trường Cư Néh bất ngờ ngừng hoạt động, kéo theo hàng trăm người dân xứ Nghệ thất nghiệp. Để tồn tại, họ kéo nhau đi khắp các cánh rừng thông để khai hoang, lấy cây lồ ô, lá thông để dựng nên những chiếc lều dã chiến, men theo dòng suối mà sống.

“Những ngày tháng đó chúng tôi nằm ổ rơm, ăn cơm độn ngô khoai, bám vào rừng mà sống cho qua ngày đoạn tháng”-ông Thu nói.

Những năm 1999-2000, nơi đây được mở thêm nhiều đường thông thương ra bên ngoài, đất đai màu mỡ, làm ăn ngày càng thuận lợi hơn, người dân Nam Đàn lại về quê kêu gọi bà con vào đây làm ăn và lập làng.

Các mẹ, các chị ở ngã ba Nam Đàn cho biết thời tiết ở đây vẫn có thể làm được tương-một món ăn truyền thống của người Nghệ An.

Bà Nguyễn Thị Chắt (ở thôn Nam Lộc) được dân làng gọi là bà Chắt “tương”, bởi bà là người làm tương ngon nhất nơi đây. Dẫn chúng tôi ra hũ tương được đặt bên giếng nước, nhẹ nhàng mở nắp chiếc chum màu mun. Một mùi thơm từ bắp rang và đậu tương (đậu nành) lên men hòa quyện với hương lá nhãn dậy lên.

Bà Chắt bảo rằng quê bà ở Nam Đàn nên ngay từ khi còn nhỏ bà đã học được cách làm tương từ mẹ. Suốt 30 năm vào sinh sống ở Tây nguyên, trong nhà bao giờ cũng có một hũ tương. Bà làm tương không phải chỉ để ăn mà còn làm quà cho bà con, anh em trong thôn để nhớ hương vị quê nhà.

Theo Tuoitre

Trong nhiều bài hát về Tây nguyên, Tình ca Măng Đen là trường hợp rất lạ vì giai điệu mang âm hưởng dân ca xứ Nghệ. “Em lên với Măng Đen, nơi lắm mưa nhiều gió, mang theo nắng đồng bằng Nghệ Tĩnh ở trong tim...”.

Nhạc sĩ Ngọc Tường (hiện sống ở thành phố Pleiku, Gia Lai) cho biết năm 1986, trong một lần lên thăm Măng Đen, một vùng rừng núi thuộc huyện Kon Plông (Kon Tum), ông tình cờ bắt gặp những nam nữ thanh niên từ Nghệ An, Hà Tĩnh vào làm công nhân trồng rừng tại Lâm trường Kon Plông.

Ông nhận ra ngay quê hương của họ qua giọng Nghệ Tĩnh nặng trịch. Họ làm việc quần quật bất kể mưa nắng mà miệng thì lúc nào cũng đùa vui. Chỉ những người giỏi chịu đựng và lạc quan yêu đời mới có thể trụ được ở những nơi khó khăn như Măng Đen hồi đó.

Trong cảm xúc như thế, ông đã viết Tình ca Măng Đen để tặng cho họ. Những người công nhân thuở đó đã trụ lại đây và tạo dựng nên những làng Nghệ Tĩnh trù phú ở Măng Đen bây giờ.



-----------
Kỳ tới: “Bảo tàng làng quê Quảng Trị” tại Đạ Tẻh

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.